Hưởng ứng, thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, doanh nghiệp Việt Nam vừa sản xuất hàng Việt vừa “tự hào sử dụng hàng Việt”, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng các phương án linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, giá trị cao và trở thành sự lựa chọn của đông đảo người tiêu dùng Việt Nam, đáp ứng yêu cầu cuộc sống của người dân; đồng thời, tăng hàng hoá xuất khẩu ra các thị trường quốc tế.
Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty còn biến thách thức thành cơ hội đã áp dụng nhiều phương thức trong sản xuất sản phẩm, giữ vững thương hiệu để vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19 và chiến tranh thương mại giữa các nước lớn với nhau.
Các doanh nghiệp không chỉ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử, chuyển đổi số hoá, đổi mới công tác quản lý, mà còn nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đến với người tiêu dùng, phát triển hệ thống phân phối và giữ vững thị trường nội địa, đề cao trách nhiệm đối với khách hàng, người tiêu dùng Việt và thực hiện chuỗi giá trị trong xuất khẩu sản phẩm hàng hoá Việt ra các thị trường: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nga, các nước ASEAN… Cùng với đó là các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, doanh nghiệp tăng cường quảng bá thương hiệu, các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế; đặc biệt là hưởng ứng các chương trình ủng hộ, đưa hàng tiêu dùng về các vùng sâu, vùng xa, trong các khu công nghiêp… tham gia các giải thưởng có uy tín, chất lượng để tôn vinh và nâng cao nhận thức về thương hiệu, nhãn hàng hoá; tăng cường công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nhằm đảm bảo lợi ích của khách hàng, người tiêu dùng cũng như uy tín của doanh nghiệp.
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đến nay, có nhiều sản phẩm hàng hóa chinh phục người tiêu dùng, hàng Việt Nam chiếm tỉ lệ cao trên thị trường nội địa từ 80 - 90% tại các kênh phân phối hiện đại, ở một số siêu thị lên đến trên 90% và từ 60 % trở lên ở các kênh bán lẻ truyền thống.
Việc áp dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất ô tô, chế biến sữa, sợi và dệt nhuộm làm tăng năng suất, nâng cao chất lượng của sản phẩm. Sự tiến bộ của khoa học công nghệ tạo chuyển biến tích cực đã góp phần hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tổng mức lưu chuyển của hàng hóa dịch vụ những năm gần đây đều có mức tăng trưởng khoảng 10% năm.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đạt được kết quả bước đầu, có được những kết quả đó là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, sự nỗ lực của Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, của các nghành, các cấp, sự hưởng ứng nhiệt tình của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, về xây dựng, bảo vệ thương hiệu các sản phẩm hàng hoá Việt Nam đang đặt ra một cách cấp bách, cạnh tranh gay gắt trên thị trường, đòi hỏi phải phát huy vai trò, tinh thần trách nhiệm của các doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp thì mới phát triển được trong xu thế của thị trường thế giới hiện nay. Chính các doanh nghiệp Việt Nam cần phải chinh phục người tiêu dùng bằng thương hiệu và chất lượng. Đó là con đường duy nhất và ngắn nhất để các thương hiệu Việt có thể phát triển bền vững và sức cạnh tranh của hàng hóa Việt được tăng cường.
Tâm thế của các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi, chuyển từ trạng thái bị động sang trạng thái chủ động hơn. Chinh phục người tiêu dùng Việt là con đường duy nhất để các thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam có thể phát triển bền vững… Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, để hàng Việt thực sự chinh phục người Việt, các doanh nghiệp cần áp dụng phương thức quản lý và tổ chức sản xuất hiện đại, đầu tư chiều sâu, tạo ra những sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao để chinh phục người Việt và khách hàng thế giới.
|
Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tổ chức Hội thảo “Kết nối cung - cầu: Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tháng 4/2022.
ẢNH: KỲ ANH |
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có ý nghĩa sâu sắc, tầm quan trọng cả trước mắt cũng như lâu dài đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước. Vì vậy, đòi hỏi doanh nghiệp với tinh thần yêu nước, lòng tự hào tự tôn dân tộc, ý thức, trách nhiệm với những việc làm, hành động thiết thực tham gia hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động góp phần đem lại lợi ích cho quốc gia, cho cộng đồng doanh nghiệp và cả người tiêu dùng.
Một là, nâng cao hiệu quả xây dựng và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo của doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế. Các doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về xây dựng và phát triển thương hiệu Việt một cách bài bản, khoa học, đúng quy trình và phương pháp, phù hợp với sự phát triển của doanh nghiệp trên thị trường. Phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khoa học về xác định chất lượng sản phẩm, đăng ký bản quyền, thương hiệu sản phẩm với các cơ quan, bộ, ngành được giao nhiệm vụ về xác định bản quyền, sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật.
Hai là, việc xây dựng thương hiệu không thể chỉ thực hiện trong một vài năm mà đòi hỏi phải xây dựng trong một thời gian dài. Quá trình triển khai xây dựng thương hiệu cần được thực hiện một các nhất quán và linh hoạt. Một doanh nghiệp mạnh phải là một doanh nghiệp sở hữu những thương hiệu mạnh. Thương hiệu mạnh sẽ đem lại những kết quả, giá trị và chỗ đứng bền vững trên thị trường của doanh nghiệp, làm cho uy tín và năng lực của doanh nghiệp tăng lên, đem lại lợi nhuận cao.
Ba là, các doanh nghiệp cần coi trọng việc cải tiến quy trình, quy định các dịch vụ truyền thống, củng cố và phát triển hệ thống phân phối trong nước hiện có, nghiên cứu xây dựng hệ thống, kênh bán hàng mới; phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc bảo hộ, đăng ký thương hiệu, triển khai các chương trình quảng bá sản phẩm và tôn vinh sản phẩm doanh nghiệp. Nhờ có thương hiệu, doanh nghiệp mới có thể chiếm lĩnh được tâm trí, nhu cầu của khách hàng.
Bốn là, các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ cần được tuyên truyền, nâng cao nhận thức và đào tạo, tập huấn về công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; rà soát, củng cố ban quản lý cấp tỉnh, huyện, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người dân có liên quan đến nhãn hiệu đã được bảo hộ phù hợp với từng sản phẩm trong phát triển kinh tế hiện nay.
Năm là, tăng cường công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; rà soát các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tế của địa phương về thương hiệu sản phẩm, quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ. Coi trọng việc lồng ghép duy trì phát triển và quảng bá thương hiệu các sản phẩm đặc sản, đặc thù (như sản phẩm trong nông nghiệp, thuỷ hải sản, gạo, cà phê, hạt điều, hoa quả…) vào chương trình, kế hoạch phát triển ngành và địa phương, hỗ trợ phát triển nhãn hiệu. Hướng dẫn tra cứu, khai thác và cung cấp thông tin về sở hữu trí tuệ, khoa học công nghệ. Hỗ trợ áp dụng các kết quả nghiên cứu, tiến bộ khoa học, các sáng chế, giải pháp hữu ích phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm Việt.
Sáu là, phát huy vai trò giám sát của Măt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Sở hữu trí tuệ, thực hiện xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hoá Việt trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng việt Nam”, dựa vào dân để giám sát thương hiệu hàng Việt, sản phẩm trí tuệ. Mặt trận Tổ quốc các cấp phải xem đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng và thường xuyên của mình. Chú trọng sử dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc về thực hiện nhiệm vụ xây dựng thương hiệu hàng hoá, bảo đảm nhu cầu và sức khoẻ của Nhân dân.
Chúng ta nhận thấy rằng, kinh tế Việt Nam đang có độ mở lớn (xếp thứ 5 châu Á), hội nhập quốc tế sâu rộng; việc thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, những cam kết của EU về lộ trình xoá bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng hoá Việt đem đến xung lực mới cho nền kinh tế nước ta, tuy nhiên cũng đặt ra cho chúng ta đứng trước cuộc cạnh tranh gay gắt, nhiều thách thức mới, trong đó có thách thức về thương hiệu chất lượng hàng Việt vì hàng nước ngoài nhập vào nhiều hơn, trong khi đó quy mô của các doanh nghiệp Việt Nam nhỏ, tiềm lực không đủ mạnh, sức cạnh tranh không cao, hơn nữa tình hình kinh tế, chính trị thế giới xuất hiện nhiều biến động bất ổn cho sự phục hồi kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19.
Tình hình này đặt ra cho các doanh nghiệp trách nhiệm không ngừng phải nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu hàng Việt, hạ thấp chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu hàng hoá Việt Nam ra các thị trường trên thế giới. Do đó, cộng đồng các doanh nghiệp cần chủ động, tích cực tham gia, thực hiện có trách nhiệm cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chia sẻ, đoàn kết để phát triển mạnh thị trường trong nước, giữ vững niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần vì hạnh phúc của Nhân dân như Đại hội XIII của Đảng đã xác định.
Nguyễn Văn Hùng
Tiến sĩ, nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Uỷ viên Hội đồng tư vấn Văn hoá - Xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.