Nâng cao hiệu quả quản lý chi bảo hiểm thất nghiệp trong và sau đại dịch Covid-19

(Mặt trận) - Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện với các chế độ: hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, trợ cấp thất nghiệp cho người lao động khi bị mất việc làm và tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề cho người lao động. Bài viết đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý chi bảo hiểm thất nghiệp trong và sau đại dịch Covid-19.
Ảnh minh họa (Nguồn internet) 
Thất nghiệp được coi là một vấn đề trung tâm trong xã hội hiện đại, là hiện tượng người có năng lực lao động không có cơ hội tham gia lao động xã hội, bị tách khỏi tư liệu sản xuất. Đại dịch Covid-19 kéo dài từ năm 2020 đến nay đã làm cho nhiều doanh nghiệp không còn sức chống đỡ và phải rời khỏi thị trường, hàng vạn lao động mất việc làm. Để giải quyết thất nghiệp, Chính phủ phải đưa ra nhiều chính sách và biện pháp khác nhau, trong đó chính sách bảo hiểm thất nghiệp được coi đó là biện pháp tối ưu nhằm bảo vệ người lao động phòng tránh thất nghiệp hoặc có các biện pháp hỗ trợ người thất nghiệp nhanh chóng tìm được việc làm mới.

Chiếc “phao cứu sinh” cho người lao động

Luật Bảo hiểm thất nghiệp đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua tại Luật việc làm ban hành ngày 16/11/2013 và có hiệu lực thi hành ngày 1/1/2015. Trong quá trình thực hiện, chính sách bảo hiểm thất nghiệp luôn được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với quá trình phát triển của đất nước, nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động và phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Bảo hiểm thất nghiệp là một chính sách an sinh xã hội, góp phần đảm bảo lợi ích của các bên trong quá trình thực hiện chính sách, do đó để đảm bảo việc chi trả cho người lao động được kịp thời, đúng đối tượng thì việc quản lý chi trả bảo hiểm đóng một vai trò hết sức quan trọng.

Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành nghề, lĩnh vực, đặc biệt là du lịch, vận tải, bán lẻ, ngoại thương, đầu tư và cả tài chính - ngân hàng… Kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu khởi phát cho đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát của đại dịch Covid-19, trong đó đợt bùng phát thứ nhất và đợt thứ tư ảnh hưởng nặng nề nhất đến thị trường lao động. Đợt đại dịch Covid-19 thứ tư kéo dài và diễn biến phức tạp đã làm cho nhiều doanh nghiệp không còn sức chống đỡ và phải rời khỏi thị trường, hàng vạn lao động phải về quê do mất việc. Lao động có việc làm trong quý III/2021 tiếp tục giảm sâu chưa từng thấy từ trước tới nay, giảm gần 2,6 triệu người so với quý trước và giảm 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước; số lượng lao động có việc làm là 47,2 triệu người, xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

Kết quả khảo sát đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc cho thấy trong số 22.764 doanh nghiệp có 17,8% doanh nghiệp bị thiếu lao động. Tỷ lệ doanh nghiệp thiếu hụt lao động cao nhất được ghi nhận ở vùng Đông Nam Bộ, với 30,6%. Trong đó, những tỉnh thiếu hụt cao là Bình Dương (36,9%); Bình Phước (34,4%) và Thành phố Hồ Chí Minh là 31,8%. Một số ngành báo cáo có sự thiếu hụt nhiều lao động nhất là ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (55,6%), sản xuất da và các sản phẩm liên quan (51,7%), sản xuất trang phục (49,2%), sản xuất thiết bị điện (44,5%), ngành dệt (39,5%). Nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, thu hẹp các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong các ngành dệt may và da giày, ngành nông sản, dịch vụ du lịch và bán lẻ… dẫn đến nhiều người lao động bị mất việc làm.

Để hỗ trợ cho người lao động trong những trường hợp này, ngày 1/10/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 28/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Như vậy, đối với những người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021 sẽ được nhận hỗ trợ từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Mức trợ cấp được xác định tùy theo thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, Quyết định cũng quy định việc giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Cụ thể, giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng. Thời gian thực hiện giảm 12 tháng, kể từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, về thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP, đến cuối năm 2021, ngành Bảo hiểm xã hội đã hoàn thành xong việc xác định số giảm đóng cho 363.600 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 9,68 triệu người lao động, với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm đóng (từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022) khoảng 7.595 tỷ đồng. Cơ quan Bảo hiểm xã hội các cấp đã rà soát và gửi danh sách người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ đến 375.861 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng với 11.868.907 người lao động thuộc diện được hỗ trợ. Trong đó, có 343.157 đơn vị đã gửi danh sách xác nhận hưởng hỗ trợ cho 11.366.801 người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Số người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đề nghị hỗ trợ là 1.289.332 người. Có 28.038 người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhưng tự nguyện không nhận hỗ trợ. Cùng với đó, Bảo hiểm xã hội các cấp cũng giải quyết hưởng hỗ trợ cho 12.201.710 người lao động; trong đó có 11.338.951 người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 862.759 người lao động đã dừng tham gia, với số tiền hỗ trợ trên 28.966 tỷ đồng và đa số chi trả qua tài khoản cá nhân.

Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của Đảng, Nhà nước đối với người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch, góp phần hỗ trợ người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Nhận thức được tầm quan trọng của chính sách trên, toàn ngành bảo hiểm xã hội đã tiếp cận và triển khai kịp thời với phương châm làm sao hỗ trợ nhanh nhất, hiệu quả nhất và không bỏ sót bất kỳ một người lao động được hưởng chính sách này.

Với sự quyết tâm và thực hiện mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động kịp thời, ngành Bảo hiểm xã hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về ý nghĩa nhân văn của chính sách đến người lao động và người sử dụng lao động. Trong lúc người lao động bị mất việc làm, giảm thu nhập do đại dịch thì gói hỗ trợ trên như chiếc “phao cứu sinh” kịp thời và đúng lúc, giúp người lao động và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch.

Ngoài ra, từ chính sách ý nghĩa, nhân văn này, góp phần giữ chân lao động, tránh đứt gãy thị trường lao động và đảm bảo nguồn lực sản xuất cho các doanh nghiệp. Với công tác hỗ trợ nhanh chóng, thủ tục nhanh gọn của ngành Bảo hiểm xã hội, đã nhận được sự đồng thuận cao từ các doanh nghiệp và người lao động. Không dừng lại ở đó, đứng trước tình hình dịch bệnh Covid-19, diễn biến phức tạp, Bảo hiểm xã hội còn tăng cường khuyến khích người lao động nộp hồ sơ theo hình thức trực tuyến nhằm đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch. Người lao động có thể nộp hồ sơ theo các hình thức trực tuyến thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoặc các tổ chức cung cấp dịch vụ I-VAN hay ứng dụng Bảo hiểm xã hội số (VssID); thông qua dịch vụ bưu chính; nộp trực tiếp tại cơ quan Bảo hiểm xã hội các cấp.

Đảm bảo minh bạch, đúng đối tượng, đúng mục đích

Hiện nay, ngoài công tác phát triển đối tượng, thu tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp của đối tượng tham gia theo quy định, thì việc xác định số nợ và thu hồi nợ tiền bảo hiểm thất nghiệp cũng đang là một trong những vấn đề cấp bách, được đặt lên hàng đầu cần được quan tâm và kiểm soát chặt chẽ tình trạng nợ đọng vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp, là vấn đề bức xúc trong công tác quản lý thu bảo hiểm thất nghiệp.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, từ năm 2017-2021, luỹ kế qua mỗi năm số tiền nợ bảo hiểm thất nghiệp tăng lên; từ năm 2017 trở lại đây, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã thực hiện nhiều biện pháp và nhiều hình thức để kiểm soát tình hình nợ đọng bảo hiểm thất nghiệp; tuy nhiên từ năm 2019-2021, số lượng doanh nghiệp tạm dừng sản xuất, thậm chí phá sản ngày càng nhiều. do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, điều này gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội như: Người lao động mất việc làm, doanh nghiệp nợ ngân hàng, nợ bảo hiểm thất nghiệp, nợ viễn thông, nợ tiền điện, nước...

Bên cạnh đó, nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động còn hạn chế trong việc thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với chế độ Bảo hiểm xã hội nói chung và bảo hiểm thất nghiệp nói riêng. Tình hình nợ đóng, trốn đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vẫn là phổ biến, bao gồm nhiều loại hình doanh nghiệp, từ các doanh nghiệp nhà nước tập trung ở các ngành giao thông, xây dựng, các tập đoàn đang cơ cấu lại doanh nghiệp đến các đơn vị ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu từ nước ngoài. Nợ trong thời gian dài với số tiền lớn làm ảnh hưởng tới các chế độ của người lao động.

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0, hội nhập kinh tế quốc tế, đại dịch Covid-19 sẽ càng làm cho nền kinh tế nói chung và các ngành nghề, lĩnh vực nói riêng chịu đựng các cú sốc nhiều hơn, vì thế, người lao động có thể trải qua những đợt thất nghiệp nhiều hơn, thậm chí kéo dài hơn. Do đó, bảo hiểm thất nghiệp là cơ chế quan trọng để giảm thiểu sự biến động trong thu nhập và tiêu dùng của người lao động, giảm thiểu sự biến động của cú sốc lên nền kinh tế, do đó, để nâng cao sự hiểu biết của người lao động và doanh nghiệp về bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, tạo cơ hội nâng cao hiệu quả trong việc quản lý chi bảo hiểm thất nghiệp, tăng tính kết nối giữa người lao động với các cơ quan quản lý người lao động tránh việc bỏ sót, trục lợi từ bảo hiểm thất nghiệp. Các cơ quan thực hiện qua ứng dụng công nghệ số, sẽ kết nối với nhau, cùng chia sẻ dữ liệu về thuế, lao động, bảo hiểm, đầu tư,... để kiểm soát đối tượng, giảm chi phí về bộ máy, nhân sự, tài chính trong tổ chức thực hiện, giảm thiểu tình trạng trục lợi từ bảo hiểm thất nghiệp và chi trả đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng quy định.

Bảo hiểm thất nghiệp là một trong các chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, chính sách bảo hiểm thất nghiệp phải đảm bảo là công cụ quản lý, kiểm soát, điều hành thị trường lao động hiệu quả bằng cách xây dựng, chuyển đổi theo hướng trở thành chính sách bảo hiểm việc làm với mục đích duy trì việc làm cho người lao động, sau đó có các biện pháp hỗ trợ tạo việc làm đối với người thất nghiệp.

Để làm được việc này, cơ quan quản lý cần hoàn thiện các chính sách có liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp. Song song với đó, cần hoàn thiện hệ thống tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp. Hệ thống thực hiện bảo hiểm thất nghiệp phải đảm bảo tính liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị thực hiện, chủ động phát huy giá trị cốt lõi của chính sách bảo hiểm thất nghiệp là chính sách về việc làm, quản trị thị trường lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề và duy trì việc làm; gắn kết giữa giải quyết các chế độ cùng với việc chi trả bảo hiểm thất nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện; thực hiện một mô hình thống nhất liên thông toàn quốc, có sự tổ chức theo khu vực liên tỉnh, tránh tình trạng cắt khúc theo địa bàn hành chính.

Xác định “con người là trung tâm của quản lý”, việc nâng cao năng lực đội ngũ nhân sự thực hiện bảo hiểm thất nghiệp là một trong những giải pháp nòng cốt nhằm nâng cao hiệu quả quản lý bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, cũng cần đổi mới cơ chế tài chính về bảo hiểm thất nghiệp. Đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên đối với việc tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chú trọng các nhiệm vụ chủ động phòng ngừa thất nghiệp, duy trì việc làm. Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc quản lý Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Để công tác quản lý được hiệu quả hơn, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp là vô cùng cấp thiết. Các cơ quan quản lý cần đầu tư công nghệ thông tin đảm bảo sự đồng bộ các yếu tố về công nghệ, kỹ thuật gắn kết với cải cách hành chính, phương thức làm việc trong tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp. Đặc biệt, cần hoàn thiện, nâng cấp phần mềm bảo hiểm thất nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp cũng như việc xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất từ trung ương đến địa phương về bảo hiểm thất nghiệp.

Một trong những hạn chế của việc triển khai bảo hiểm thất nghiệp là hiểu biết của người tham gia bảo hiểm thất nghiệp còn rất hạn chế, nguyên nhân chỉ ra trong kết quả phân tích tại chương hai liên quan đến công tác tuyên truyền chưa được chú trọng cả ở tầm vĩ mô và vi mô, doanh nghiệp sử dụng lao động và người lao động tiếp nhận thông tin về bảo hiểm thất nghiệp nói chung, nghĩa vụ đóng góp và quyền lợi mang tính thu động (kết quả khảo sát từ phía doanh nghiệp và người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho thấy hầu hết thông tin họ nhận được là qua internet). Vì vậy, việc tăng cường tuyên truyền về bảo hiểm thất nghiệp, đóng phí bảo hiểm thất nghiệp và quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp là vô cùng cần thiết, làm tốt công tác này sẽ hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý thu, chi bảo hiểm thất nghiệp.

Công tác thông tin, truyền thông về bảo hiểm thất nghiệp cần phải được thực hiện một cách bài bản và chuyên nghiệp và đồng bộ. Thông tin tuyên truyền về bảo hiểm thất nghiệp với nhiều hình thức phong phú và phù hợp cho từng đối tượng là người sử dụng lao động và người lao động, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các ấn phẩm và thường xuyên tổ chức các cuộc tuyên truyền - đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp và người lao động.

Vũ Tam Hòa

Tiến sĩ, Giảng viên Trường Đại học Thương mại.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều