Chế biến cá tra phi-lê xuất khẩu tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (CASEAMEX). Ảnh: MỸ THANH
Thách thức từ nhiều phía
EU là một thị trường được đánh giá có chính sách bảo vệ người tiêu dùng chặt chẽ với những rào cản về kỹ thuật cho sản phẩm nhập khẩu rất lớn. Do vậy, theo các chuyên gia, khi tham gia EVFTA, các doanh nghiệp phải xác định cụ thể những khó khăn, thách thức cần vượt qua để tiếp cận thị trường một cách hiệu quả, bền vững. Ðó là, tuân thủ nghiêm việc bảo đảm quy tắc xuất xứ, nguồn gốc nguyên liệu, tuân thủ những quy định về sở hữu trí tuệ, lao động và môi trường... Chủ tịch HÐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn chia sẻ: Mấy năm gần đây công ty vẫn đều đặn xuất khẩu gạo sang thị trường châu Âu, năm cao nhất đạt khoảng 30 nghìn tấn. Dự kiến tới đây sẽ nâng lên khoảng 50 nghìn tấn/năm. Khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ dành cho gạo Việt Nam lượng hạn ngạch thuế quan (TRQ) 80 nghìn tấn với thuế suất 0%. Nhờ thế việc xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là cạnh tranh với gạo Cam-pu-chia vốn đang được hưởng mức thuế 0%. Tuy nhiên, để tận dụng được hết hạn ngạch 80 nghìn tấn theo TRQ mà EU dành cho Việt Nam cũng không phải quá dễ dàng. Bởi lẽ, dù được hưởng TRQ, nhưng EU cũng đặt ra một loạt điều kiện trong giao thương. Cụ thể, để được hưởng thuế suất 0% theo hạn ngạch, các lô hàng gạo thơm thuộc diện TRQ khi xuất khẩu vào thị trường EU phải có giấy chứng nhận đúng chủng loại được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, nêu rõ gạo thuộc một trong các chủng loại được hưởng ưu đãi theo TRQ của EVFTA. Ngoài ra, gạo xuất khẩu sang EU cần có và tuân thủ quy trình canh tác riêng với một số giống lúa nhất định thì mới đáp ứng được yêu cầu...
Thách thức không chỉ đối với mặt hàng gạo, mà thủy sản cũng đang đứng trước nhiều bài toán khó khi muốn tăng trưởng mạnh hơn nữa tại thị trường châu Âu khi EVFTA có hiệu lực. Một trong những vấn đề nan giải chính là nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Hiện, do nguyên liệu trong nước cung cấp cho chế biến khá hạn chế, hệ thống cung cấp lại phân tán, gây khó cho truy xuất nguồn gốc, khiến việc đáp ứng yêu cầu chất lượng của EU còn rất khó khăn đối với không ít doanh nghiệp. Trong khi đó, nếu nhập khẩu nguyên liệu thì doanh nghiệp cần khai báo nguồn gốc rõ ràng và như vậy cơ hội được hưởng ưu đãi thuế sẽ ít đi, dù sản phẩm có đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng để vào EU. Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Ðịnh (BIDIFISCO) Cao Thị Kim Lan nhận định: Việc EC đang áp dụng “thẻ vàng” đối với hải sản khai thác của Việt Nam do chưa thực hiện đầy đủ các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) cũng tạo ra những rào cản cho việc đẩy mạnh hợp tác thương mại - đầu tư giữa hai bên. Thực tế là xuất khẩu thủy sản sang EU giảm, các khách hàng e ngại việc bị phạt theo quy định IUU, dẫn đến hạn chế hoặc ngừng mua hàng. Do đó, nếu không nỗ lực gỡ “thẻ vàng” sớm thì ưu đãi về mặt thuế quan cũng không giúp ngành thủy sản của nước ta tận dụng được lợi thế.
Rõ ràng, EVFTA với những quy định khắt khe trên nhiều khía cạnh sẽ là những trở ngại không nhỏ cho việc đáp ứng từ phía các ngành hàng nông nghiệp của Việt Nam. Ngay cả ngành gỗ - ngành hàng đạt mức tăng trưởng xuất khẩu cao trong những năm gần đây cũng phải đối mặt không ít thách thức. Theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) Ðỗ Xuân Lập, “nút thắt” lớn nhất đối với ngành công nghiệp gỗ Việt Nam chính là nguyên liệu. Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay phần lớn nguồn nguyên liệu gỗ phải nhập khẩu do Chính phủ không cho phép khai thác gỗ rừng tự nhiên. Ðể chủ động trong việc tạo nguồn nguyên liệu ổn định, các doanh nghiệp gỗ cần nâng cao công tác dự báo nhu cầu nguyên liệu; rà soát nguồn nguyên liệu gỗ trong nước để có chính sách cụ thể trong việc trồng rừng, khai thác, xuất khẩu gỗ và sử dụng nguyên liệu gỗ trong nước. EVFTA buộc các doanh nghiệp xuất khẩu lâm sản phải minh bạch nguồn gốc xuất xứ gỗ nguyên liệu. EU sẽ từ chối đơn hàng nếu phát hiện nguồn gốc gỗ nguyên liệu được khai thác bất hợp pháp.
Nỗ lực chiếm lĩnh thị trường
Với tiềm năng lớn từ thị trường EU, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đều đang nỗ lực hết sức để đáp ứng các yêu cầu khắt khe nhất nhằm tận dụng tối đa lợi thế từ EVFTA. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T Nguyễn Ðình Tùng khẳng định: Ðối với mặt hàng rau quả, thị trường EU vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển, quan trọng là chúng ta có đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn của họ hay không. Hiện, tất cả các sản phẩm xuất khẩu sang EU đều phải có chứng nhận GlobalGAP cùng rất nhiều các chứng nhận về xã hội, môi trường, lao động… Riêng GlobalGAP, mỗi năm sẽ phải làm lại một lần để bảo đảm vẫn đáp ứng tốt yêu cầu phía đối tác đặt ra. Trong khi đó, chi phí cho mỗi lần chứng nhận lên đến 200 triệu đồng đối với một sản phẩm/vùng trồng. Như vậy, đòi hỏi doanh nghiệp phải có tiềm lực tài chính nhất định thì mới kham nổi quy định này. Hiện, công ty chúng tôi đang nỗ lực mở rộng thêm các vùng nguyên liệu có chứng nhận GlobalGAP, để không chỉ phục vụ nhu cầu thị trường EU mà nó còn là “tín chỉ” để thâm nhập vào nhiều thị trường chất lượng cao trên thế giới.
Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả nhất các lợi thế từ EVFTA thì ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, rất cần sự chung tay của các cơ quan nhà nước trong việc hỗ trợ về thực hiện chính sách, cơ chế, thủ tục theo quy định của EVFTA. Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Quốc Toản cho biết: Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều giải pháp và kế hoạch triển khai các nhiệm vụ đối với từng ngành hàng nhằm đáp ứng tốt nhất các vấn đề liên quan đến EVFTA. Cụ thể, với ngành hàng thủy sản là tạo bước đột phá trong chống khai thác IUU; phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển vùng nguyên liệu gắn với thị trường xuất khẩu; phát triển công nghệ chế biến thủy sản theo tiêu chuẩn của thị trường EU. Với lĩnh vực lâm nghiệp, xây dựng và triển khai chương trình hành động thực thi Hiệp định đối tác tự nguyện VPA/FLECT với EU để đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm lâm sản vào thị trường này. Ðặc biệt, tập trung sản xuất, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn GlobalGAP và đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ theo Ðề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030.
Còn mới đây, tại hội nghị “Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội phát triển xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang EU, thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA”, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định: Cho đến nay, EU vẫn là thị trường có yêu cầu về hàng rào kỹ thuật thuộc loại cao nhất thế giới, đặc biệt là về kiểm dịch động vật, thực vật; quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); khai báo nguồn gốc gỗ hợp pháp. Việc thực thi Hiệp định EVFTA không giúp giảm bớt các tiêu chuẩn định sẵn mà thậm chí còn có phần kiểm soát chặt chẽ hơn và chế tài xử lý vi phạm cũng nặng hơn. Do đó, để phát triển xuất khẩu một cách bền vững, ngành nông nghiệp của Việt Nam cần tổ chức lại sản xuất để bảo đảm nguồn hàng có chất lượng, giá trị gia tăng cao. Ngoài ra, còn cần nâng cao mức độ hiểu biết và tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chuẩn về lao động và môi trường, bảo đảm tính bền vững của hoạt động sản xuất, kinh doanh để chinh phục và khai thác hiệu quả thị trường EU.
Theo Báo Nhân dân