Những đổi thay tích cực
Thời gian gần đây, các cán bộ sở Giao thông vận tải Nghệ An (GTVT) cùng các kỹ thuật viên đang gấp rút hoàn thành trung tâm điều hành GTTM tại trụ sở của đơn vị. Đây là tiền đề để địa phương này thực hiện các nội dung đầy tích cực với tính khả thi cao từ đề án GTTM chuẩn bị trình cấp có thẩm quyền thẩm định.
Ông Nguyễn Hồng Kỳ - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Nghệ An, phấn khởi chia sẻ: Trong 3 năm qua, Sở GTVT Nghệ An đã triển khai thực hiện chương trình quản lý Gov one (Ứng dụng công nghệ bản đồ số và di động trong công tác quản lý, giám sát, bảo trì đường bộ - PV) với những nhiều hiệu quả. Việc vận hành chương trình giúp cơ quan chức năng nắm bắt kịp thời, chính xác đồng thời có những giải pháp khắc phục, xử lý nhanh chóng, có hiệu quả.
Theo tìm hiểu, sau khi áp dụng chương trình, đơn vị quản lý dễ dàng có thể nắm bắt thực trạng tại các ví trí trên hệ thống giao thông các loại. Ông Kỳ, cho ví dụ: Trước đây, khi xảy ra sự cố, chúng tôi phải cử người về trực tiếp nắm bắt hiện trạng, rồi lập kế hoạch, tính toán rồi mới có thể khắc phục, sửa chữa nên mất rất nhiều thời gian. Từ khi áp dụng chương trình, chúng tôi có thể kiểm tra trực tiếp trên hệ thống và có hướng xử lý ngay, giảm thiểu thời gian, tăng hiệu quả công việc.
Ông Nguyễn Hồng Kỳ - Giám đốc Sở GTVT (bên trái) trao đổi với phóng viên về Đề án Giao thông thông minh
Không chỉ dừng lại ở đó, việc áp dụng đề án GTTM sẽ giúp các đơn vị chức năng dễ dàng quản lý, kiểm tra và xử lý các nội dung liên quan đến quá trình hoạt động trên tất cả 5 loại hình giao thông (đường bộ, đường hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa và đường biển) với nhân lực khá mỏng hiện có. Một khi đề án được triển khai thực hiện, công tác quản lý các phương tiện, loại hình hoạt động trên đường bộ sẽ trở nên dễ dàng và chính xác, đơn cử, khi một xe tải quá tải khi qua vị trí lắp đặt thiết bị của GTTM sẽ lập tức bị phát hiện và được ghi lại bằng dữ liệu truyền về trung tâm quản lý. Căn cứ và đó, cơ quan chức năng sẽ có cơ sở nhắc nhở, xử lý.
Thời gian qua, sau khi thí điểm áp dụng GTTM trong việc quản lý các phương tiện giao thông đường bộ tình trạng xe vi phạm hành vi quá tải đã giảm rõ rệt. Song song với việc kiểm tra xử lý từ thông tin của GTTM là việc các chủ phương tiện dần thay đổi nhận thức đã mang lại những kết quả đáng khích lệ.
Một thành công rõ nét của ngành GTVT Nghệ An trong thời gian qua sau khi áp dụng đề án GTTM đó là việc cấp bằng trực tiếp cho các học viên sau khi thi sát hạch. Đối với các hoạt động đào tạo lái xe tại các trung tâm được quản lý chặt chẽ, đảm bảo tính khách quan, trung thực.
Hay như, với GTTM trung tâm quản lý sẽ có được những thuận lợi trong việc quản lý các phương tiện ra vào khu vực cảng biển đối với hoạt động giao thông đường biển. Từ đó, giúp cơ quan chức năng kiểm soát được các tàu, thuyền ra vào với những thông tin như trọng tải, địa chỉ đi đến… Rồi việc nắm bắt cụ thể, chính xác vị trí các tàu thuyền đang hoạt động trên biển, từ đó có thể chuyển tải các thông tin về sự cố thiên tai kịp thời cho các thuyền nắm bắt kịp thời.
Một ý nghĩa cực kỳ quan trọng một khi thực hiện đề án GTTM đó chính là việc thay đổi ý thức chấp hành của người tham gia giao thông. Sau khi được tiếp cận những thông tin hay phương thức hoạt động của GTTM người tham gia giao thông sẽ dần nhận thực được việc phải chấp hành đúng quy định đề ra khi tham gia giao thông trên tất cả các loại hình… - Ông Kỳ nhấn mạnh.
Hội nhập cùng công nghệ 4.0
Tại buổi làm việc với các sở ban ngành liên quan đến việc hoàn thiện đề án GTTM, ông Huỳnh Thanh Điền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cho biết: “Đây là đề án có tính ưu việt cao, phù hợp xu thế tất yếu của xã hội nên tôi mong muốn các sở, ngành, địa phương phối hợp với Sở GTVT để sớm hoàn thiện dự án”.
Ngã tư đường Lê Hồng Phong giao cắt đường Nguyễn Văn Cừ (Tp Vinh) thực hiện thí điểm đề án GTTM
Những kết quả đầy khả thi sau 3 năm triển khai đề án GTTM tại Nghệ An là minh chứng cho tính khả quan của đề án. Đặc biệt hơn, trong thời kỳ công nghệ 4.0 hiện nay là phù hợp với xu thế. Để đề án có thêm tính hiệu quả, ông Kỳ, kiến nghị: Tổng cục đường bộ Việt Nam, cung cấp các mật mã quản lý, nên chăng cần cải tiến việc quản lý này bằng việc có hình ảnh để giám sát chặt chẽ hơn. Đối với Cục hàng không, cần có sự kết nối với các ngành chức năng để quản lý, cung cấp số liệu… đảm bảo an ninh hàng không. Đặc biệt, đề nghị Chính phủ, UBATGT Quốc gia và đặc biệt HĐND các tỉnh cho phép được xử phạt nguội đối với các hành vi vi phạm luật giao thông. Đối với các thiết bị của GTTM cần được cơ quan chức năng nhà nước thẩm định để cơ quan chức năng có cơ sở kiểm tra và xử lý. Ngoài ra, cần có thêm những kết nối với các mạng xã hội (đảm bảo tính bí mật) để thông tin các thực trạng khi có trường hợp khẩn cấp…
Hệ thống GTTM là việc ứng dụng kỹ thuật công nghệ, bao gồm các thiết bị cảm biến, điều khiển, điện tử, tin học và viễn thông trong lĩnh vực giao thông để điều hành và quản lý hệ thống GTVT.
Hệ thống GTTM giúp quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu dùng chung và các ứng dụng khác nhau nhằm cung cấp những thông tin đồng nhất về hạ tầng giao thông và diễn biến tình hình giao thông theo thời gian thực. Từ đó có thể hỗ trợ quản lý giám sát các lĩnh vực của ngành giao thông, ở cả 5 loại hình vận tải: Đường sắt, hàng không, đường thủy, đường bộ và hàng hải.
Đối với cơ sở hạ tầng, GTTM giúp quản ký hạ tầng, kiểm soát phương tiện quá khổ, quá tải; tổ chức quản lý giao thông; quản lý hoạt động vận tải; thu thập cơ sở dữ liệu giao thông. Đối với con người, GTTM giúp tuyên truyền nâng cao ý thức tham gia giao thông; cung cấp thông tin tình trạng giao thông; đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe; cưỡng chế, xử phạt. Đối với phương tiện, GTTM quản lý đăng ký, đăng kiểm; giám sát, kiểm soát hành trình; cảnh báo và kiểm soát tình trạng nguy hiểm; giám sát ảnh hưởng ô nhiễm môi trường… Từ những lợi ích đó, hệ thống GTTM hướng đến mục tiêu: giải thiểu ùn tắc giao thông; giảm thiểu TNGT; giảm ô nhiễm môi trường; nâng cao tính tiện nghi tham gia giao thông; hướng đến môi trường sống văn minh, hiện đại…
|
Nguyễn Nam - Đặng Yến/VTOTO