Vì mức phí không hợp lý, nhiều phương tiện bất chấp nguy hiểm đi trên tuyến đê Hữu Thao để “né” trạm.. Ảnh: PV
Sau hơn một năm đi vào hoạt động với đủ thứ lùm xùm, chưa biết hiệu quả kinh tế - xã hội dự án này mang lại cho địa phương đến đâu, nhưng tổn thất là thứ đã nhìn thấy được, và khó thể đong đếm...
Bức xúc chưa vơi
Đầu tiên, cần sòng phẳng, dù có gọi là “trạm thu phí”, “trạm thu vé” hay “trạm thu giá” thì cái trạm BOT sừng sững như pháo đài tọa trên QL32 tại vị trí km67+300 đoạn qua xã Thượng Nông - Tam Nông, vẫn đang chặn đường và thu về hàng trăm triệu đồng mỗi ngày từ hàng nghìn phương tiện qua lại.
Dù hơn 1 năm qua, liên danh của chủ đầu tư là Cty CP đầu tư Hùng Thắng (P.Mỹ Đình 1, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) và Cty CP TASCO (91 Nguyễn Chí Thanh, Q.Đống Đa, Hà Nội) đã có lần nhượng bộ.
Cụ thể, chỉ vài ngày sau thời điểm được thu phí, trạm BOT Tam Nông đã bị người dân quây cứng và buộc phải dừng hoạt động trong hơn 1 tháng. Lý do đưa ra là vị trí đặt trạm bất hợp lý khi đơn vị thu phí chỉ thi công nâng cấp, sửa chữa hơn 12km QL32 nhưng lại được đặt trạm trên tuyến QL huyết mạch này và thu phí quá cao: từ 35.000 - 180.000 đồng/lượt. Trong khi đó, không nhiều người dân có nhu cầu đi trên tuyến đường mà đơn vị này đầu tư mới là tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn từ QL2 đến Hương Nộn.
Chỉ vài ngày sau khi được thu phí chính thức (6.3.2017), BOT Tam Nông đã vấp phải sự phản đối gay gắt của người dân địa phương (ảnh tư liệu).
Trước sự phản đối trên, nhà đầu tư đã chấp nhận miễn phí 100% cho xe ôtô dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng của người dân trên địa bàn hai xã Thượng Nông và Hồng Đà (huyện Tam Nông). Đối với một vài xã lân cận, được giảm 50% mức phí thông thường.
Vậy nhưng những ngày đầu tháng 3.2018, ghi nhận thực tế của nhóm PV Báo Lao Động tại địa phương cho thấy, hố sâu mâu thuẫn này chẳng những chưa giảm mà thậm chí có xu hướng thêm trầm trọng.
Dự án có tổng mức đầu tư trên 1.100 tỉ đồng nhưng về bản chất, phần cải tạo QL32 chỉ là hạng mục phụ. Vậy nhưng không hiểu lý do gì, Chủ đầu tư lại được đặt trạm trên QL32. Cày nát tuyến đê xung yếu
Để đi tìm câu trả lời, chúng tôi đã thực hiện hành trình bám đuổi các xe tải khổ lớn xuôi theo tỉnh lộ 316G hòng đi tắt qua xã Thượng Nông. Đây vốn là “con đường máu” mà cánh tài xế rỉ tai nhau để trốn trạm BOT Tam Nông. Không chỉ có xe tải, thống kê từ chính quyền xã Thượng Nông cho thấy, kể từ ngày trạm thu phí đi vào hoạt động, lượng xe cơ giới lưu thông trên tỉnh lộ 316G bỗng tăng đột biến, tới trên 1.000 lượt ôtô lớn nhỏ mỗi ngày.
Chính vì vậy, con đường yên bình vốn là đường dân sinh với lắm khúc cong cua và nhiều đoạn giao cắt này nay trở thành nỗi kinh hoàng cho những người dân xã. Ông Nguyễn Văn Thương (khu 1, xã Thượng Nông) bức xúc: “Đường này rất nhiều khúc cua, đường nhánh mà các xe qua đây cứ phóng ầm ầm. Các cháu học sinh mỗi lần đi học gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ chạy ngày, các xe chạy còn đêm gây khói bụi, ồn ào khiến cuộc sống của chúng tôi bị đảo lộn. Tất cả cũng vì cái trạm thu phí ấy”.
Tỉnh lộ 316G oằn mình “gánh” cả ngàn lượt xe trốn trạm mỗi ngày.
Theo quan sát của PV, do xe có tải trọng lớn, xe container rầm rập chạy suốt ngày đêm nên tuyến đường 361G đang có dấu hiệu xuống cấp. Các lớp nhựa và đá bị xới tung lên, hình thành các hố sâu trên đường, khi mùa mưa đến thì các hố này càng bị khoét sâu thêm.
Cũng do có nhiều đoạn đường cua khuất tầm mắt nên việc đi lại của người dân gặp vô vàn nguy hiểm.
Không chỉ cày nát tỉnh lộ 316G, dòng xe trốn trạm BOT Tam Nông còn có một lựa chọn khác tương đối nguy hiểm, đó chạy chênh vênh trên tuyến đê Hữu Thao song song với QL32.
Tuyến đê Hữu Thao cũng bị cày nát nghiêm trọng.
Theo đó, nếu di chuyển từ hướng Hà Nội - Phú Thọ qua cầu Trung Hà, cách trạm BOT chừng 300m có 1 con đường trải bêtông dẫn lên đê. Khi qua được vị trí đặt trạm chừng 500m lại có 1 đường bêtông khác dẫn xuống QL32. Tuy nhiên để việc lên xuống được thuận lợi, một số xe tải trọng lớn buộc phải lùi 1 đoạn dốc. “Đi vào đường 316G thi thoảng sẽ gặp chốt CSGT. Thế nên cứ đường đê mà đi. Hơi khó đi một chút nhưng không sợ bị phạt” - một tài xế tâm sự.
Cứ như thế, tình trạng mỗi ngày có hàng trăm lượt xe di chuyển trên tuyến đê Hữu Thao trong một thời gian dài khiến tuyến đê xung yếu này đã sụt lún, hư hỏng nặng. Ghi nhận từ thực tế cho thấy, trên mặt đê đã xuất hiện từng hõm sâu kéo dài hàng chục mét, lõm 30 - 40cm.
Vì đâu nên nỗi?
Theo các tài xế, việc lựa chọn này cũng là bất đắc dĩ cũng bởi phí qua trạm BOT Tam Nông quá bất cập. “Chúng tôi lái taxi từ Hương Nộn đến cầu Trung Hà cả tuyến có 100 nghìn đồng tiền xe nhưng qua BOT 2 chiều đã mất 70 nghìn đồng tiền phí. Mặc dù biết đi thế là sai nhưng không còn lựa chọn nào khác” - một tài xế taxi thông tin. Tương tự, một tài xế xe tải cũng lý giải: “Tôi chở gạch cho công trường, một ngày đi lại khoảng 18 đến 20 lượt qua khu vực này. Tiền đâu mà trả phí?”.
Phản ánh tới PV, nhiều tài xế còn khẳng định, hòng ngăn chặn tình trạng này, khá nhiều chiêu trò được dựng lên nhưng lần lượt đều bị cánh lái xe “bóc trần”. Cụ thể, có lúc là một chiếc xe tải không đeo biển số nằm chết máy chắn ngang thân đê cả mấy ngày trời không cho bất cứ phương tiện nào qua lại. Còn ở thời điểm hiện tại, các đoạn đường lên xuống đê như đã đề cập ở trên đã được đơn vị chủ đầu tư rào lại vì lý do sửa chữa cống nước. Tuy vậy, cánh tài xế vẫn luôn tìm được những đoạn lên xuống khác trong cả tuyến đê dài…
Các đoạn lên xuống tuyến đê đã bị rào lại vì lý do sửa chữa cống nước.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Thi - Chủ tịch UBND xã Thượng Nông - cho biết, trạm thu phí này chỉ là 1 doanh nghiệp được cấp đất đóng trên địa bàn xã chứ chưa mang lại lợi ích hay đóng góp gì cho địa phương. “Bây giờ xe đi vào đường làng làm hỏng đường, gây ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, sản xuất của người dân. Đặc biệt, những xe trốn trạm đi trên đê đã làm hỏng hết cả hoa màu của chúng tôi” - ông Thi tâm sự.
Người đứng đầu chính quyền xã Thượng Nông cũng nêu quan điểm cho rằng, trạm thu phí này đặt trên địa bàn xã là không hợp lý. “Thực sự mà nói, trước trạm thu phí này đặt trên địa bàn xã tôi cũng đã nhiều lần có ý kiến rồi nhưng mình ở cơ sở không được đồng ý, cơ quan nhà nước ấn định thế thì tôi chịu, địa phương chỉ có ý kiến thôi chứ không thuộc thẩm quyền” - ông Thi ngán ngẩm.
Một chiếc xe tải hỏng chắn ngang đê không đeo biển số, bị “tố” là dàn dựng.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hùng Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Phú Thọ - khẳng định, việc các xe chạy lên tuyến đê Hữu Thao là vi phạm và cần sớm được ngăn chặn.
“Tuyến đê đó chỉ là đê ngăn lũ, không phải là đê kết hợp đường giao thông mặc dù xe dưới 10 tấn vẫn có thể lưu thông được. Trước không có cái trạm BOT thì dân đi bên dưới, chả sao cả. Nhưng từ ngày có cái trạm thì lại phát sinh ra việc này. Chúng tôi vừa đi kiểm tra thực tế và sắp tới sẽ có giải pháp ngăn chặn, không cho xe ôtô đi trên đó nữa”.
Mặc dù nói vậy, ở góc độ cá nhân, vị chi cục trưởng cũng tỏ ra cảm thông: “Biết như thế thì lại vất vả cho cánh tài xế. Nhưng đê ấy không phải đê kết hợp giao thông, đi lại không an toàn. Lúc xảy ra sự cố tai nạn thì ai chịu trách nhiệm?”.
Dự án ĐTXD công trình đường Hồ Chí Minh đoạn từ QL2 đến Hương Nộn và nâng cấp, mở rộng QL32 đoạn từ Cổ Tiết đến cầu Trung Hà có tổng chiều dài 35km với tổng mức đầu tư là 1.109 tỉ đồng. Trong đó đoạn gia cố QL32 chỉ 12km. Dự kiến, thời gian hoạt động của Trạm BOT Tam Nông là 20 năm.
Theo Long Nguyễn – Phạm Đông/Báo Lao động
Cty CP đầu tư Hùng Thắng, Cty CP TASCO, Đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 32, Trạm thu phí BOT, Trạm thu phí BOT Tam Nông