|
Đường vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long. Ảnh: QĐND
|
Bối cảnh, tình hình thế giới, khu vực từ năm 2020 đến nay
Từ năm 2020 đến nay, tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh, rất phức tạp, khó lường; có những thay đổi mang tính căn bản, chưa từng có tiền lệ, vượt quá khả năng dự báo của các quốc gia, tổ chức quốc tế, ảnh hưởng toàn diện, sâu sắc đến nhiều lĩnh vực kinh tế, tài chính, chính trị, xã hội… toàn cầu, khu vực.
Năm 2020 - 2021, đại dịch COVID-19 tác động nặng nề, ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế, xã hội toàn cầu. Năm 2022, xung đột Nga - Ucraina xảy ra, kéo theo các thách thức về an ninh năng lượng, an ninh lương thực trên thế giới và tại nhiều quốc gia; đẩy căng thẳng địa chính trị, địa kinh tế, cạnh tranh chiến lược nước lớn leo thang. Lạm phát tại Mỹ, EU và nhiều nền kinh tế lớn tăng cao, buộc các quốc gia này phải thắt chặt mạnh chính sách tiền tệ, từ đó, tạo sức ép lớn lên thị trường tài chính, tiền tệ, tỷ giá của các nước đang phát triển.
Từ năm 2023 đến nay, thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro. Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ - Fed, ngân hàng trung ương các nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng theo hướng thắt chặt. Các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, EU gia tăng đối đầu về công nghệ, thương mại; bất ổn an ninh, chính trị, căng thẳng địa chính trị, xung đột leo thang tại một số quốc gia, khu vực… Đầu năm 2024, các tổ chức kinh tế quốc tế như UN, WB, OECD, EU…1 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024.
Khoa học công nghệ, kinh tế số, trí tuệ nhân tạo (AI), kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo… tiếp tục được các nước phát triển thúc đẩy mạnh mẽ, đó vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn đối với các nước đang phát triển để bắt kịp với các xu thế lớn, thu hẹp khoảng cách phát triển và ứng phó với những vấn đề an ninh mới đặt ra. Thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, lương thực, an ninh truyền thống và phi truyền thống, đói nghèo… tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng ngày càng nặng nề hơn đến nhiều quốc gia, khu vực.
Tình hình phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong bối cảnh kinh tế toàn cầu mới
|
Phát triển các hành lang kinh tế, vành đai kinh tế, vùng động lực, cực tăng trưởng, tạo không gian và động lực phát triển mới cho đất nước. ẢNH: QUANG VINH |
Từ năm 2020 đến nay về kết quả đạt được, có thể khái quát thành 10 điểm nổi bật như sau:
(1) Quy mô, tiềm lực của nền kinh tế không ngừng được nâng lên, tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Chúng ta đã tập trung theo dõi sát, nắm chắc tình hình, có giải pháp ứng phó, thích ứng phù hợp, kịp thời, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm trong từng giai đoạn.
Năm 2020, 2021, nước ta tập trung ưu tiên cho phòng, chống dịch COVID-19, thuộc nhóm nước sớm mở cửa lại nền kinh tế (từ tháng 10/2021). Tăng trưởng kinh tế năm 2020, 2021 lần lượt là 2,87% và 2,55%, là mức tăng trưởng tích cực khi nhiều nước tăng trưởng âm2.
Từ năm 2022, nước ta tập trung phục hồi và thích ứng với bối cảnh vĩ mô toàn cầu mới. GDP năm 2022 tăng 8,12%, năm 2023 tăng 5,05% và quý I năm 2024 tăng 5,66% so với cùng kỳ, thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới và khu vực. Lạm phát được kiểm soát, an ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm. Nền kinh tế duy trì mức xuất siêu lớn, năm 2022 khoảng 12,4 tỷ USD, năm 2023 khoảng 28 tỷ USD, quý I năm 2024 là 8,08 tỷ USD. Thị trường tiền tệ, tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường. Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán; tỷ lệ bội chi, nợ công, nợ Chính phủ trong phạm vi cho phép.
Xếp hạng tín nhiệm dài hạn quốc gia năm 2023 của Việt Nam nâng lên mức BB+, triển vọng “ổn định” trong khi một số nền kinh tế lớn bị hạ xếp hạng tín nhiệm3.
(2) Thể chế, pháp luật được chú trọng hoàn thiện; từng bước xây dựng và quản lý thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, phân bổ nguồn lực phát triển theo cơ chế thị trường.
Những vướng mắc, bất cập thể chế trong các lĩnh vực đất đai, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, đấu thầu, y tế, ngân sách nhà nước, đầu tư công, quy hoạch, thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, liên kết vùng… được tập trung tháo gỡ, hoàn thiện theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được triển khai quyết liệt.
Đến nay, công tác quy hoạch đã cơ bản hoàn thành, tạo không gian mới, động lực tăng trưởng mới cho cả nước, các vùng và địa phương.
(3) Hệ thống kết cấu hạ tầng chuyển biến mạnh mẽ, bứt phá. Đến nay, đã đưa vào khai thác, sử dụng gần 1.900 km đường cao tốc (năm 2020 có 1.163 km đường cao tốc); khởi công đồng loạt nhiều dự án kết cấu hạ tầng lớn, nhất là đường cao tốc, ven biển, liên vùng, sân bay, cảng biển…
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt 93% kế hoạch (năm 2022 là 91,42%), về số tuyệt đối cao hơn khoảng 132 nghìn tỷ đồng; quý I năm 2024 đạt 13,67% kế hoạch (cùng kỳ năm 2023 là 10,35%), số tuyệt đối cao hơn 16,5 nghìn tỷ đồng; kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn của các dự án.
(4) Nhiều chính sách, giải pháp được triển khai để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thích ứng với các xu hướng mới toàn cầu. Năm 2020, 2021, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế duy trì sản xuất kinh doanh, ứng phó với đại dịch COVID-19; riêng năm 2021, quy mô hỗ trợ tài khóa và ngoài tài khóa là gần 270 nghìn tỷ đồng (khoảng 3,2% GDP).
Năm 2022, Chính phủ ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô khoảng 301 nghìn tỷ đồng. Năm 2023, đã miễn, giảm, gia hạn khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, trong đó số miễn, giảm khoảng 78,35 nghìn tỷ đồng.
Năm 2024, Chính phủ đã trình Quốc hội tiếp tục thực hiện giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm, và sẽ tổng kết, đánh giá để xem xét trình Quốc hội thực hiện chính sách này trong 6 tháng cuối năm; tiếp tục nghiên cứu, thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất…
(5) Vị trí, vai trò của nước ta trong dòng chảy FDI toàn cầu tiếp tục được nâng lên. Thu hút FDI năm 2023 đạt gần 36,6 tỷ USD (tăng 32,1%), quý I năm 2024 đạt gần 6,2 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023; vốn FDI thực hiện năm 2023 đạt gần 23,2 tỷ USD (tăng 3,5%), cao nhất từ trước đến nay, quý I năm 2024 đạt 4,6 tỷ USD (tăng 7,1%). Nhiều doanh nghiệp lớn đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trong các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo…
(6) Các động lực mới về đổi mới sáng tạo, kinh tế số, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn… tiếp tục được quan tâm, thúc đẩy mạnh mẽ. Cuối năm 2023, đã khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tại Hòa Lạc, góp phần thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động, với nhiều giải pháp thúc đẩy năng suất lao động đến năm 2030.
Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của nước ta năm 2023 xếp hạng 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022. Các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá Việt Nam, cùng với Indonesia, Singapore là “tam giác vàng” khởi nghiệp của ASEAN; Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đánh giá Việt Nam trong nhóm 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.
(7) Phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường được chú trọng, đạt kết quả toàn diện. Đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao. Dịch COVID-19 chuyển từ nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B từ ngày 20/10/2023. Các chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng bền vững… được triển khai quyết liệt, thể hiện quyết tâm của Việt Nam đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
(8) Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt là các vụ việc, vụ án lớn, có ảnh hưởng, tác động lớn đến kinh tế - xã hội, thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo.
(9) Giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
(10) Đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thực chất và toàn diện hơn trên các lĩnh vực. Năm 2021, 2022, chiến lược “ngoại giao vắc-xin” thành công đã đóng góp quan trọng vào thành tựu phòng, chống dịch COVID-19 của nước ta.
Năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã tiếp đón thành công chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden; tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ ngoại giao kinh tế, nâng tầm quan hệ đối tác với Nhật Bản, Úc và nhiều quốc gia. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và đối tác chiến lược với tất cả các nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và G20; ký kết 16 FTA với trên 60 quốc gia, đối tác. Qua đó, đã mở ra các cơ hội hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…
Bối cảnh toàn cầu mới cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức với nước ta. Trong đó, nổi lên 5 vấn đề lớn như sau:
(1) Những khó khăn, thách thức của toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế - xã hội nước ta, tạo sức ép lớn lên việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, cân đối cung - cầu, giá cả hàng hóa, an ninh năng lượng trong nước.
Mặc dù tăng trưởng kinh tế tích cực, nhưng bình quân 3 năm (2021 - 2023) chỉ đạt 5,22%. Cùng với đó là nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn, thách thức già hóa dân số, không tận dụng hết thời cơ “dân số vàng”.
Tốc độ tăng CPI bình quân có xu hướng tăng dần từ đầu năm 20244. Các yếu tố rủi ro, biến động nguồn cung, giá cả xăng dầu, lương thực, chất bán dẫn, chi phí vận chuyển đường biển, hàng không, tỷ giá… thế giới tiềm ẩn tác động tiêu cực lên sản xuất kinh doanh, nguồn cung, giá cả hàng hóa trong nước.
Thị trường tài chính, hệ thống ngân hàng còn một số tồn tại, một số vụ việc cá biệt như ngân hàng SCB, lừa đảo, chiếm dụng vốn; khó khăn, vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp… Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng đến cuối tháng 1/2024 là 4,79% (cuối năm 2022 là 2,03%, năm 2023 là 4,55%), có thể tiềm ẩn rủi ro đến an toàn và ổn định của hệ thống.
(2) Năng lực nội tại, tính tự chủ của nền kinh tế chưa cao; các yếu tố nền tảng về thể chế, nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ… còn thấp so với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bối cảnh toàn cầu mới đặt ra.
Sức ép cạnh tranh toàn cầu và khu vực về thương mại, đầu tư, công nghệ, nhân lực chất lượng cao… ngày càng gia tăng; việc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì doanh nghiệp phải đáp ứng tốt hơn các tiêu chí, tiêu chuẩn xanh, các - bon, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường.
Năng suất lao động bình quân 3 năm (2021 - 2023) chỉ tăng bình quân 4,35% (mục tiêu bình quân 5 năm khoảng 6,5%), chênh lệch năng suất lao động so với các nước trong khu vực và thế giới còn lớn.
Phát triển doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp dân tộc, tổ chức kinh tế hợp tác còn nhiều thách thức. Nước ta còn thiếu những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế.
(3) Thu hút đầu tư nước ngoài trong tình hình mới còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Liên kết giữa khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước còn yếu, thiếu gắn kết, chưa thúc đẩy mạnh mẽ chuyển giao công nghệ và cải thiện vị trí trong các chuỗi giá trị toàn cầu.
(4) Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực chủ yếu cho phát triển nhanh và bền vững. Cùng với đó là các thách thức về thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, thực hiện cam kết của Việt Nam đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
(5) Các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng, buôn lậu qua biên giới, hàng giả, gian lận xuất xứ, chuyển giá,… tinh vi, phức tạp, khó lường hơn. Khoa học công nghệ, kinh tế số, trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu và nước ta, đặt ra những thách thức mới về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội cho Việt Nam.
Phương hướng, giải pháp ưu tiên thúc đẩy mạnh tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn
(1) Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác tối đa các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...
- Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… Chủ động triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại, phòng chống gian lận xuất xứ, buôn lậu, hàng giả, hàng nhái để bảo vệ sản xuất trong nước, nhất là hàng hóa qua khu vực biên giới, cửa khẩu.
- Tiếp tục đa dạng hóa thị trường, cải thiện vị trí hàng xuất khẩu Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực. Đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn, khai thác hiệu quả các FTA đã ký kết; thúc đẩy đàm phán các FTA để mở ra cơ hội xuất khẩu sang các thị trường mới, tiềm năng. Tạo thuận lợi tối đa, hỗ trợ doanh nghiệp trong thông quan hàng hóa, hoàn thuế giá trị gia tăng và đáp ứng kịp thời các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh của thị trường xuất khẩu.
- Tập trung thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn, công nghệ cao trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, hydrogen...; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ các dự án.
- Tập trung xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nhất là những vấn đề tồn đọng, các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả; đẩy mạnh đầu tư trong các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính.
- Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, sân bay, cảng biển, đường cao tốc, dự án liên vùng, liên tỉnh, hạ tầng năng lượng... Kiên quyết không đầu tư dàn trải, loại bỏ những dự án không thật sự cần thiết, điều chuyển vốn các dự án không giải ngân được sang các dự án có khả năng giải ngân, không để lãng phí, kém hiệu quả.
(2) Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
- Nắm chắc và theo dõi sát tình hình thế giới, trong nước, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, ứng phó từ sớm, từ xa với các tình huống có thể phát sinh.
- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; triển khai các giải pháp thu đúng, đủ và kịp thời, mở rộng cơ sở thu, đẩy mạnh quản lý thu thuế thương mại điện tử, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để dành nguồn lực cho các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia và nguồn thực hiện cải cách tiền lương, an sinh xã hội.
- Đánh giá kỹ những tác động lên lạm phát, chi phí sản xuất của doanh nghiệp, sinh hoạt của người dân để có phương án, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước định giá, dịch vụ công phù hợp, tránh bị động.
- Bảo đảm nguồn cung xăng, dầu trong nước. Sẵn sàng phương án cung ứng, điều tiết nguồn điện để bảo đảm cung cấp điện, ứng phó với các kịch bản vận hành cực đoan có thể xảy ra. Triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai, sớm đưa vào vận hành, khai thác.
(3) Xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp mới, toàn diện và đột phá để khai thác tối đa thời cơ, cơ hội, thuận lợi mới cho tăng trưởng và phát triển.
- Khẩn trương xây dựng, ban hành Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư, Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, Đề án phát triển nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 để thu hút, đón đầu dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài.
- Tập trung hoàn thành công tác quy hoạch, ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả các quy hoạch đã được phê duyệt.
- Đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, sự ổn định, an toàn của hệ thống ngân hàng; thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
(4) Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
Tiếp tục đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, công nghệ cao, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, công nghiệp nền tảng và mới nổi; phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, tăng cường liên kết giữa khu vực FDI và trong nước.
Phát triển một số ngành dịch vụ có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh. Xây dựng và phát triển các trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Tập trung kích cầu, thu hút khách du lịch; tháo gỡ các điểm nghẽn trong liên kết hàng không - du lịch nhằm nâng cao sức cạnh tranh của thị trường du lịch Việt Nam.
(5) Đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính. Thực hiện hiệu quả Luật Đất đai (sửa đổi), Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở... Tháo gỡ những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, nhất là trong phân cấp, phân quyền; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong xử lý các vấn đề có tính liên ngành. Đẩy mạnh cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
(6) Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, khai thác không gian phát triển mới (các hành lang, vành đai kinh tế, các vùng động lực, cực tăng trưởng). Tập trung hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, các trục cao tốc Đông - Tây, các tuyến giao thông kết nối đa phương thức, đường ven biển; các cảng hàng không quốc tế; đường sắt đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…; các cảng biển lớn…
Khởi công đường sắt cao tốc Bắc - Nam; hoàn thành tuyến đường sắt cao tốc kết nối quốc tế: Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Quảng Ninh - Hải Phòng; xây dựng các tuyến đường sắt kết nối với cảng biển cửa ngõ trung chuyển quốc tế.
Phát huy vai trò, hiệu quả của các Hội đồng điều phối vùng. Hình thành, phát triển các hành lang kinh tế, vành đai kinh tế, vùng động lực, cực tăng trưởng nhằm tạo ra không gian và động lực phát triển mới cho các địa phương, vùng và đất nước.
(7) Tiếp tục quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm gắn kết chặt chẽ, hài hòa với phát triển kinh tế; coi trọng phát triển văn hóa, xã hội ngang tầm với phát triển kinh tế.
(8) Tăng cường bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, làm tốt công tác phòng, chống thiên tai. Bảo đảm an ninh, an toàn nguồn nước, tăng cường hợp tác quốc tế, khu vực để giải quyết các thách thức về nước xuyên biên giới; chủ động xây dựng kế hoạch, phương án điều tiết, bảo đảm đủ nước cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và sản xuất. Phát triển thị trường tín chỉ các-bon, huy động nguồn lực trong và ngoài nước để phấn đấu giảm phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
(9) Bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh thông tin truyền thông, an ninh mạng, an ninh kinh tế; tập trung tấn công, trấn áp mạnh với các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm qua mạng.
(10) Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, tranh thủ nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước, củng cố và nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam.
Chú thích:
1. UN dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu dự báo sẽ chậm lại từ mức 2,7% năm 2023 xuống 2,4% vào năm 2024; WB dự báo tăng 2,4%, giảm so với mức 2,6% trong năm 2023; OECD dự báo tăng 2,9%, thấp hơn mức tăng trưởng 3,1% của năm 2023, EU dự báo tăng 3,3% (không bao gồm EU), giảm 0,2 điểm % so với năm 2023.
2. Tăng trưởng năm 2020 của EU là -6,1%, năm 2021 là 5,9%; Mỹ năm 2020 tăng -2,8%, năm 2021 tăng 5,9%; Hàn Quốc năm 2020 tăng -0,7%, năm 2021 tăng 4,3%; Nhật Bản năm 2020 tăng -4,1%, năm 2021 tăng 2,6%; Thái Lan năm 2020 tăng -6,1%, năm 2021 tăng 1,5%; Indonesia năm 2020 tăng -2,1%, năm 2021 tăng 3,7%...
3. Như Mỹ hạ từ AAA xuống AA+; Trung Quốc hạ từ “ổn định” xuống “tiêu cực”.
4. CPI tháng 1/2024 tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước, bình quân 2 tháng tăng 3,67%, quý I tăng 3,77%.
NGUYỄN CHÍ DŨNG - Tiến sĩ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư