Quản lý nguồn nhân lực đối với doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay

(Mặt trận) - Cùng với sự hình thành và phát triển của thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, nhiều doanh nghiệp nước ta ngày càng nhận thức được sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường và tính cấp bách của việc tăng cường sức cạnh tranh. Mấu chốt quan trọng của cạnh tranh giữa các doanh nghiệp chính là cạnh tranh nhân tài, quản lý nhân sự tốt, dùng người tốt là nhân tố quan trọng quyết định thành bại của doanh nghiệp.

 Đoàn công tác của UBTƯ MTTQ Việt Nam đến thăm làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp tại thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Hoàng Anh

Quản lý nguồn nhân lực là một khâu vô cùng quan trọng trong quản lý doanh nghiệp hiện đại. Sự sống còn và phát triển của doanh nghiệp hiện đại chịu sự ràng buộc và ảnh hưởng của nhiều nhân tố, trong đó một nhân tố quan trọng nhất và cũng là cốt lõi nhất chính là nguồn nhân lực từ lực lượng lao động của doanh nghiệp, họ chính là tài sản quý báu nhất trong tất cả các nguồn tài nguyên. Thực tế trong quá trình quản lý, nhiều doanh nghiệp lại chú trọng đến vấn đề thị trường và nguồn vốn mà xem nhẹ quản lý nguồn nhân lực. Vậy nên vấn đề quản lý nguồn nhân lực đang trơ thành trơ ngại, cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp. Trong công tác quản lý nhân sự truyền thống, thường lấy công việc làm trọng tâm, yêu cầu người lao động phải thích ứng với công việc, nhất nhất bắt buộc cá nhân phục từng nhu cầu của tổ chức và công việc, mà thường ít quan tâm đến sở trường, sở thích của người lao động. Nguồn nhân lực là nhân tố tiên quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Vì vậy, quản lý nguồn nhân lực hiện nay phải xoay quanh yếu tố con người, tạo điều kiện tối đa để họ phát huy khả năng trong một môi trường hài hòa. Quản lý là phải lấy con người làm gốc.

Để làm được điều đó, trong quá trình sử dụng nguồn nhân lực phải chú ý đến những mặt sau:

- Sự khác biệt về đặc điểm và tính chất, năng lực.

- Sự khác biệt về trình độ chuyên môn.

- Phải phát huy sơ trường, hạn chế sở đoản của mỗi người, đây là một nguyên tắc cơ bản mà người làm công tác quản lý nhân lực phải hiểu được. Cần nhận thức được rằng, sự khác biệt về trình độ chuyên môn của mỗi người chính là nguyên tắc để phân cấp và sử dụng nguồn lao động. Người có trình độ chuyên môn tốt, dùng vào những công việc quan trọng, người có trình độ chuyên môn không tốt thì dùng vào những công việc không quan trọng, như thế mới có thể phát huy được tối đa khả năng của từng người.

Đến đầu những năm 90, cùng với sự cải cách sâu rộng của mô hình quản lý doanh nghiệp cơ sở, trong công tác quản lý, con người được xem là một nguồn tài nguyên chiến lược quan trọng, tư tưởng “khoa học kỹ thuật lấy con người làm gốc ngày càng được thừa nhận”, trên cơ sở tư tưởng quản lý này mô hình quản lý nguồn nhân lực dựa trên chế độ bình xét thành tích, tăng lương thưởng dần được xác lập.

 Đoàn công tác của UBTƯ MTTQ Việt Nam khảo sát mô hình trồng cây thanh long ở tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Hoàng Anh

Vai trò của quản lý nhân lực trong doanh nghiệp

Việc đưa ra và phát triển lý luận quản lý nguồn nhân lực đã đánh dấu bước phát triển mới của quản lý nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay. Con người đã được coi là một nguồn vốn cần được quản lý.

Sự tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào việc khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, như: vốn, cơ sở vật chất, tiến bộ khoa học kỹ thuật, người lao động, các yếu tố này có mối quan hệ mật thiết với nhau và tác động lại với nhau. Những yếu tố như: máy móc thiết bị, của cải vật chất, công nghệ kỹ thuật đều có thể mua được, học hỏi được, sao chép được, nhưng con người thì không thể. Vì vậy có thể khẳng định rằng, quản trị nhân sự có vai trò thiết yếu đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

Con người, với khả năng sáng tạo, lao động cần cù siêng năng của mình, đã phát minh ra những dụng cụ từ ban đầu là thô sơ cho đến phát triển công nghệ cao, khoa học kỹ thuật cao như ngày nay để phục vụ cho nhu cầu của bản thân và phát triển xã hội.

Quản trị nhân sự góp phần vào việc giải quyết các mặt kinh tế - xã hội của vấn đề lao động. Đó là một vấn đề chung của xã hội, mọi hoạt động kinh tế nói chung đều đi đến một mục đích sớm hay muộn là làm sao cho người lao động được hưởng thành quả do họ làm ra.

Quản trị nhân sự gắn liền với mọi tổ chức, bất kỳ một cơ quan tổ chức nào cũng cần phải có bộ phận nhân sự. Quản trị nhân sự là một thành tố quan trọng của chức năng quản trị, nó có gốc rễ và các nhánh trải rộng khắp nơi trong mọi tổ chức. Quản trị nhân sự hiện diện ở khắp các phòng ban, bất cứ cấp quản trị nào cũng có nhân viên dưới quyền vì thế đều phải có quản trị nhân sự. Cung cách quản trị nhân sự tạo ra bầu không khí văn hoá cho một doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những yếu tố quyết định đến sự thành bại của một doanh nghiệp.

Vai trò của quản lý nguồn nhân lực đối với doanh nghiệp thể hiện ở các điểm sau:

Thứ nhất, quản lý nguồn nhân lực giúp cho sản xuất kinh doanh được tiến hành thuận lợi. Thông qua việc quản lý hiệu quả nguồn nhân lực, có thể điều tiết mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất, nguyên liệu sản xuất và đối tượng sản xuất, tận dụng được tối đa nguồn lực lao động và nguyên liệu sản xuất, từ đó đảm bảo được điều kiện phát triển thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.

Thứ hai, quản lý nguồn nhân lực giúp nâng cao hiệu suất lao động. Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp đều có suy nghĩ, tâm tư, tình cảm, sự tự tôn. Điều này buộc các doanh nghiệp khi xây dựng cơ chế quản lý phải đảm bảo tạo ra môi trường lao động thích hợp với người lao động, làm cho họ có hứng thú với công việc, tích cực chủ động phát huy hết trí tuệ và tiềm năng cho công việc, từ đó ảnh hưởng tích cực đến kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời giúp doanh nghiệp đạt được mục đích nâng cao hiệu quả sản xuất.

Thứ ba, quản lý nguồn nhân lực giúp nâng cao hiệu ích kinh tế, giá trị sản xuất. Bố trí, sử dụng nguồn nhân lực một cách khoa học, tổ chức lực lượng lao động một cách hợp lý có thể làm cho doanh nghiệp đạt được hiệu quả kinh tế lớn nhất trong khi tiêu hao lao động ở mức thấp nhất. Dưới điều kiện của kinh tế thị trường, doanh nghiệp muốn nâng cao tối đa lợi nhuận, giá trị sản xuất thì bắt buộc phải chú trọng tăng cường quản lý nguồn nhân lực.

Thứ tư, có lợi cho việc xây dựng doanh nghiệp theo hướng hiện đại. Một doanh nghiệp phải có lực lượng lao động giỏi, chuyên nghiệp mới có thể ứng dụng và triển khai một cách có hiệu quả những trang bị, kỹ thuật hiện đại, từ đó tạo ra được sản phẩm có chất lượng. Vì vậy, chú trọng sử dụng, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực là điều bắt buộc để doanh nghiệp chuyển đổi mô hình quản lý nguồn nhân lực từ truyền thống sang mô hình quản lý khoa học và hiện đại.

Thứ năm, có lợi cho việc xây dựng và phát triển văn hoá doanh nghiệp. Văn hoá doanh nghiệp có thể làm tăng mối đoàn kết và hữu ái giữa những người lao động với nhau, giảm được chi phí dành cho giáo dục và bồi dưỡng người lao động, giảm thấp được vốn đầu tư cho vấn đề quản lý nguồn nhân lực, từ đó làm cho doanh nghiệp thu được lợi nhuận lớn. Do vậy có thể nói, văn hoá doanh nghiệp là liều thuốc hiệu quả có vai trò dẫn dắt, khích lệ, tập hợp người lao động.

Giải pháp huy tối đa hiệu quả của công tác quản lý nguồn nhân lực trong doanh nghiệp

1. Hợp nhất chiến lược phát triển nguồn nhân lực với chiến lược cạnh tranh của doanh nghiệp: Doanh nghiệp trong quá trình xác định chiến lược phát triển nguồn nhân lực, đầu tiên doanh nghiệp cần phải vạch rõ quy hoạch và mục tiêu chiến lược lâu dài, sau đó mới xác định chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Chiến lược phát triển nguồn nhân lực là một bộ phận cấu thành quan trọng trong tổng thể chiến lược phát triển của doanh nghiệp.

2. Coi bồi dưỡng nguồn nhân lực là biện pháp giải quyết yếu kém của lực lượng lao động: Do thiếu sức hút và uy tín hầu như những doanh nghiệp nhỏ đều đối mặt với vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực nghiêm trọng. Cơ chế bồi dưỡng ưu việt phải đi liền với quy hoạch bồi dưỡng kiến thức, điều này có nghĩa là bồi dưỡng nguồn nhân lực bắt buộc phải tiến hành thường xuyên. Doanh nghiệp có thể tận dụng những hình thức giáo dục, bồi dưỡng của Nhà nước như dạy nghề để triển khai công tác bồi dưỡng nhân lực. Phải chú trọng đến nội dung và đối tượng được bồi dưỡng. Các doanh nghiệp cần căn cứ vào nhu cầu thực tế để thiết lập những nội dung và hình thức đào tạo cho phù hợp. Qua đó nâng cao lòng yêu nghề và tay nghề của người lao động.

3. Bảo đảm đãi ngộ và phúc lợi cho người lao động, tạo cho họ môi trường làm việc tốt và có cơ hội, không gian phát triển. Trong quá trình quản lý phúc lợi là vấn đề chủ yếu níu giữ người lao động. Một môi trường làm việc vui vẻ, hài hòa, an toàn là điều mở ước của mọi người lao động và cũng là điều kiện khích lệ người lao động làm việc.

4. Quan tâm thấu hiểu và ưu ái người lao động: Ưu ái người lao động của doanh nghiệp mình là điều mà các doanh nghiệp phải làm. Một doanh nghiệp ưu tú phải làm cho người lao động nhận thức được giá trị và sự tự tin của bản thân trong doanh nghiệp mới có thể tìm được tiếng nói chung với người lao động, qua đó mới có thể phát triển được doanh nghiệp. Thấu hiểu là một mong muốn bẩm sinh có trong mỗi người, một khi được thấu hiểu sẽ cảm thấy được an ủi, từ đó mà chịu chấp nhận hy sinh bằng mọi giá vì doanh nghiệp. Nguyện vọng to lớn nhất của con người là bản thân được coi trọng và quan tâm thật lòng. Nếu như doanh nghiệp thật sự quan tâm đến người lao động, thì có thể làm cho người lao động hy sinh hết mình vì doanh nghiệp. Quan tâm người lao động phải từ hai mặt: Một là, phải quan tâm đến gia đình của người lao động, hai là quan tâm đến bản thân người lao động.

Chúng ta cần ghi nhớ tôn trọng và khen thưởng người lao động có thể từ những biện pháp đơn giản nhất. Nếu như doanh nghiệp khen thưởng người lao động một cách thành ý thì có thể thúc đẩy họ càng nỗ lực trong công việc. Nguồn nhân lực của nước ta vô cùng phong phú, đây là một tài sản quý báu để xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa, nhưng hiện trạng quản lý nguồn nhân lực của nước ta, đặc biệt là ở các doanh nghiệp còn thua kém rất nhiều so với các quốc gia phát triển. Làm thế nào để cải thiện quản lý nguồn nhân lực phát huy tối đa vai trò, hiệu quả của nguồn nhân lực. Từ đó, phát triển nguồn nhân lực theo hướng bền vững đã trở thành một vấn đề quan trọng mà mỗi doanh nghiệp phải đối mặt.

Một số kiến nghị đối với vấn đề quản lý nguồn nhân lực

1. Các doanh nghiệp phải hình thành quan niệm quản lý nguồn nhân lực, đưa quản lý nguồn nhân lực vào trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp.

2. Trong sự cạnh tranh khốc liệt của doanh nghiệp hiện đại, nếu như doanh nghiệp không có sự sáng tạo thì rất khó phát triển, thậm chí đối mặt với nguy cơ phá sản. Trong vấn đề quản lý cũng vậy, doanh nghiệp phải không ngừng phủ định chính mình, vượt qua chính mình, không ngừng nâng cao trình độ quản lý, nâng cao hiệu suất sử dụng người lao động.

3. Quản lý nguồn nhân lực phải đi đôi với hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp, thiết lập cơ chế khen thưởng đa dạng, chú trọng khích lệ tinh thần người lao động.

4. Tận dụng tối đa nguồn lực từ bên ngoài để phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp. Trong bối cảnh doanh nghiệp nước ta toàn diện hòa nhập với thể chế kinh tế thế giới và toàn cầu hóa kinh tế, đã mang lại nhiều cơ hội và thách thức cho vấn đề quản lý nguồn nhân lực của doanh nghiệp nước ta. Các doanh nghiệp lớn của chúng ta cần phải đổi mới lý luận quản lý nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng quản lý, giảm thiểu tối đa chảy máu chất xám.

Kiều Văn Dũng

Cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều