Hiện tại đã vậy, tương lai lại chưa thấy dấu hiệu khởi sắc. Cả hai báo cáo gần đây về triển vọng kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đều nhận định nền kinh tế toàn cầu vẫn bấp bênh, lạm phát kéo dài. Diễn biến này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta - vốn có độ mở khá lớn.
Một tháng trước khi diễn ra Kỳ họp thứ Sáu, trên Diễn đàn Kinh tế Việt Nam do Ủy ban Kinh tế chủ trì tổ chức, nhiều chuyên gia đã đặt vấn đề cần kích cầu tiêu dùng trong nước để thúc đẩy tăng trưởng. Năm 2022, tổng kim ngạch bán lẻ và doanh thu dịch vụ hàng hóa tiêu dùng vượt ngưỡng 230 tỷ USD với tốc độ tăng gần 20% - cho thấy thị trường trong nước đang dần trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng. Và nay, khi hoạt động xuất khẩu giảm sút thì tăng tổng cầu tiêu dùng trong nước sẽ là biện pháp quan trọng, giúp tiêu thụ hàng hóa cho các doanh nghiệp sản xuất và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng.
Thực tế, từ sau đại dịch Covid-19, Quốc hội đã hai lần đồng ý giảm thuế VAT để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp: lần 1 từ ngày 1.2.2022 đến hết ngày 31.12.2022; lần 2 từ ngày 1.7.2023 đến hết ngày 31.12.2023. Theo đánh giá của Chính phủ, chính sách này cùng với các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí khác đã tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu.
Tính từ tháng 7 đến tháng 10.2023, chính sách giảm thuế VAT đã hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khoảng 15,6 nghìn tỷ đồng; góp phần giảm giá hàng hóa, dịch vụ, từ đó kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Điều này thể hiện ở tăng trưởng GDP quý II và quý III cao hơn quý I. Đồng thời, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đều đặn tăng: tháng 7 tăng 7,1%, tháng 8 là 7,6%, tháng 9 là 7,5% và tháng 10 là 7%, chấm dứt đà suy giảm của chỉ số này kể từ tháng 1.2023. Tính chung 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2022; song lạm phát vẫn được kiểm soát khi CPI bình quân 10 tháng tăng 3,2%, thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao (khoảng 4,5%).
Những kết quả đạt được cho thấy, việc tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2024 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết. Hẳn rằng cũng chính bởi sự cần thiết ấy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chấp thuận đề nghị của Chính phủ và trình Quốc hội bổ sung nội dung này vào Chương trình Kỳ họp thứ Sáu.
Quá trình góp ý chính sách, có ý kiến đề xuất giảm 2% thuế VAT cho cả năm 2024; có ý kiến đề nghị giảm thuế cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ. Đây đều là những mong muốn xác đáng! Tuy nhiên, cả Quốc hội và Chính phủ đều phải “liệu cơm gắp mắm” khi nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước gần đây ngày càng khó khăn, thể hiện qua tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước (đặc biệt là tỷ lệ huy động từ thuế và phí) trên GDP đang trên đà suy giảm. 10 tháng đầu năm nay, thu ngân sách cũng giảm 9,2% so cùng kỳ năm ngoái. Hơn nữa, trường hợp đến tháng 5.2024, nếu cần thiết kéo dài thời gian giảm thuế VAT, Chính phủ có thể trình Quốc hội xem xét và quyết định trong Kỳ họp thứ Bảy - vẫn bảo đảm sự kịp thời và không gián đoạn.
Theo tính toán của Chính phủ, giảm thuế VAT 6 tháng nữa sẽ làm ngân sách nhà nước giảm thu 25 nghìn tỷ đồng. Dù vậy, gần như chắc chắn, Quốc hội sẽ thông qua đề xuất này nhằm tăng sức đề kháng cho doanh nghiệp, người dân và hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn.