Thành phố Sông Công thuộc tỉnh Thái Nguyên chính thức được thành lập từ năm 2015. Ảnh tư liệu
Thành phố Sông Công có vị trí khá thuận lợi, cách thành phố Thái Nguyên 20km về phía Nam, cách hồ Núi Cốc 17km, cách sân bay quốc tế Nội Bài 45km, cách Hà Nội 60km về phía Bắc, có nhiều đường giao thông thủy bộ ngang dọc, có Quốc lộ 3, đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và tuyến đường sắt Hà Nội - Quan Triều chạy qua, rất thuận lợi cho việc thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
Trải qua gần 30 năm xây dựng phát triển (thành lập theo Quyết định số 113 ngày 11/4/1985 của Hội đồng Bộ trưởng, nay là Chính phủ), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Sông Công đã khắc phục vượt qua mọi khó khăn, thách thức, từng bước khai thác có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế của địa phương, tranh thủ huy động và sử dụng tối đa mọi nguồn lực, nhất là nội lực để phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tạo tiền đề quan trọng phát triển đô thị Sông Công.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp và khai thác có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng và thế mạnh của địa phương, những năm gần đây, kinh tế của Thành phố phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng luôn ở mức khá, cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế, xã hội đã và đang từng bước hoàn thiện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên. Năm 2017, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 5.771 tỷ đồng (tăng 17% so với cùng kỳ năm 2016), trong đó sản xuất công nghiệp địa phương đạt 3.259 tỷ đồng (bằng 122% so với kế hoạch); giá trị xuất khẩu đạt 120,2 triệu USD (tăng 42% so với cùng kỳ năm 2016); giá trị hàng hóa bán lẻ đạt 1.057 tỷ đồng; thu ngân sách đạt 571,6 tỷ đồng (tăng 194%); thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4%...
Cùng với đó, các tiện ích cộng đồng được trang bị ngày một đầy đủ và chất lượng về y tế, giáo dục, thương mại, văn hóa và các chính sách an sinh xã hội tiếp tục được duy trì và đạt hiệu quả tích cực… đã góp phần đưa thành phố Sông Công trở thành mảnh đất lý tưởng thu hút các nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư sản xuất kinh doanh.
Để đạt được thành tựu kể trên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn Sông Công đã phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo chớp lấy những thời cơ thuận lợi nhất để phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời, chính quyền Sông Công luôn nhận thức rõ và thực thi có hiệu quả các chủ trương của Trung ương, tỉnh Thái Nguyên về cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính; qua đó đã để lại ấn tượng tốt đẹp với các nhà đầu tư, đưa Sông Công trở thành điểm đầu tư hấp dẫn với các nhà đầu tư.
Theo ông Dương Xuân Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Sông Công, chính sự vào cuộc của các cấp chính quyền đã góp phần tạo sức hấp dẫn đầu tư cho các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố.
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 đưa thành phố Sông Công trở thành đô thị loại II, các cấp, các ngành và các địa phương của Sông Công đã và đang huy động mọi nguồn lực vào đầu tư xây dựng hạ tầng các khu đô thị mới, khu trung tâm hành chính các xã, phường; tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước, xử lý nước thải dọc các tuyến nội thị, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng đô thị xanh, sạch, đẹp.
Việc phát triển mạnh quá trình đô thị hoá, cơ cấu dân cư đô thị dịch chuyển mạnh nên vấn đề nhà ở cho cư dân đô thị là ưu tiên hàng đầu của thành phố Sông Công khi phát triển đô thị. Nhìn nhận được tiềm năng của thị trường Sông Công, nhiều nhà đầu tư lớn đã mạnh dạn đầu tư thực hiện các dự quy mô lớn như: Khu đô thị Hồng Vũ, Khu đô thị Kosy, Khu đô thị Vạn Phúc, và mới đây nhất là Khu dân cư Thống Nhất trên địa bàn phường Thắng Lợi. Những dự án này được quy hoạch theo hướng đô thị hiện đại, tạo thành một quần thể môi trường sống với đầy đủ tiện ích công cộng, được đánh giá là những điểm sáng đô thị xanh, tạo diện mạo mới, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng thành phố Sông Công thành đô thị loại II vào năm 2020.
Để phấn đấu trở thành khu vực trọng điểm trong phát triển công nghiệp của tỉnh, Khu công nghiệp Sông Công được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xúc tiến kêu gọi đầu tư và đã có nhiều doanh nghiệp uy tín tìm đến đầu tư, nhiều doanh nghiệp đã đi vào sản xuất, thu hút hàng nghìn lao động trên địa bàn.
Bên cạnh đó, thành phố Sông Công cũng đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, phát triển Sông Công là thành phố công nghiệp. Ban đầu thành phố chỉ có một cụm công nghiệp Gò Đầm với 3 nhà máy, đến nay thành phố có hai khu công nghiệp tập trung của tỉnh với quy mô 470 ha và 3 cụm công nghiệp nhỏ đó là Khu công nghiệp Sông Công I và II; 3 cụm công nghiệp (Khuynh Thạch, Nguyên Gon, Bá Xuyên) và gần 11ha đất của phường Lương Sơn trong tổng số 39,6ha diện tích đất quy hoạch nằm trong Cụm công nghiệp số 5 của thành phố Thái Nguyên. Dự án Xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công II quy mô 250 ha, thời gian thực hiện từ năm 2017-2020 với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 1.757 tỷ đồng, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Mục tiêu đầu tư nhằm xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp như: Cơ khí chế tạo máy, cơ khí; sản xuất, lắp ráp ôtô; sản phẩm điện tử...
Nhờ hạ tầng đồng bộ và ngày càng được hoàn thiện, Sông Công trở thành mảnh đất lý tưởng thu hút các nhà đầu tư. Trong ảnh, ông Vũ Văn Trường - Tổng Giám Đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thiên Lộc thị sát công trình dự án đất nền phường Thắng Lợi.
Cùng với những thế mạnh trong phát triển công nghiệp, thành phố Sông Công cũng đã khai thác có hiệu quả lợi thế về giao thông và một số công trình như chợ trung tâm, ngân hàng, bưu điện... để phát triển thương mại dịch vụ, từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn, từng bước nâng cao đời sống nhân dân.
Nhằm đẩy mạnh phát triển lĩnh vực thương mại dịch vụ, hiện nay, thành phố đã có kế hoạch sắp xếp lại mô hình quản lý, đầu tư nâng cấp, sửa chữa và khai thác, vận hành theo hướng kết hợp giữa chợ truyền thống gắn với các trung tâm thương mại, dịch vụ như chợ Phố Cò, chợ Mỏ Chè… Cùng với đó là củng cố hệ thống bán lẻ, bán buôn phù hợp với quá trình tiêu thụ hàng hóa sản xuất; đẩy mạnh công tác dạy nghề và bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho đội ngũ lao động; tăng cường công tác quản lý nhà nước về thanh tra, kiểm tra tại các chợ, cơ sở, đại lý mua bán… chống tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Có thể nói, với các tiện ích cộng đồng đầy đủ và chất lượng về y tế, giáo dục, thương mại, văn hóa…, thành phố Sông Công trở thành mảnh đất lý tưởng cho các cư dân tỉnh thành khác đến sinh sống và làm việc. Thành phố Sông Công ngày càng khẳng định sức vóc của một thành phố trẻ đang vững bước đi lên trong tiến trình hội nhập.
Vũ Gia