Thừa Thiên Huế: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

(Mặt trận) - Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là chủ trương lớn của Bộ Chính trị, Chính phủ và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mục đích của Cuộc vận động nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Ý thức được tầm quan trọng của Cuộc vận động, trong thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân.
Ảnh minh họa

Công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong thời gian qua đã được các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm tổ chức thực hiện. Tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hành vi của người tiêu dùng trong việc ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hóa Việt Nam, thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc của người Việt Nam.

Xác định công tác tuyên truyền có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Cuộc vận động, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 18-KH/TU ngày 20/8/2021 về thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới; xây dựng Kế hoạch số 147/KH-MTTQ-BCĐCVĐ ngày 20/10/2021 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư và Kế hoạch 18-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ban, ngành, các tổ chức thành viên, các địa phương và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền quán triệt Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư, Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới, giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, gắn với việc thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội phát động đến cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên, người lao động, các tầng lớp Nhân dân, nhằm tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Tích cực tổ chức các hoạt động vận động Nhân dân phát huy vai trò giám sát, phát hiện, tố giác các hành vi buôn lậu, làm hàng giả, hàng kém chất lượng.

Mặt trận các cấp đã phối hợp với ngành Văn hóa - Thông tin tổ chức tuyên truyền cổ động trực quan và thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; phổ biến các mô hình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất sản phẩm thực phẩm an toàn; tuyên truyền, phổ biến các thông điệp an toàn thực phẩm tại các lễ hội, các cơ sở lưu trú du lịch và các khu, điểm du lịch có dịch vụ ăn uống. Đẩy mạnh tuyên truyền vận động các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh và sản xuất trên địa bàn tỉnh nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của mình trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, sức mạnh cạnh tranh và xây dựng thương hiệu Việt cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, cam kết bảo vệ người tiêu dùng; tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của Thừa Thiên Huế trên thị trường trong và ngoài nước.

Năm 2021, Ban Chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tỉnh đã tổ chức 2 hội nghị tuyên tuyền triển khai quán triệt Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư cho Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, cán bộ, công chức Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và cấp huyện với 150 lượt người; Mặt trận cấp huyện, cấp xã đã lồng ghép tổ chức 150 hội nghị tuyên truyền cho các thành viên và Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp với gần 5.200 lượt người tham dự. Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc tỉnh cũng thường xuyên biên tập và đăng tải 25 tin, bài và ảnh phản ánh các hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động tại các địa phương trên trang Thông tin điện tử và Bản tin công tác Mặt trận của tỉnh; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện 30 tin, 6 phóng sự chuyên đề, Báo Thừa Thiên Huế đã có 40 tin, bài đăng tải trên báo in và báo điện tử online; xây dựng chuyên trang Công Thương phát hành hàng tháng trên sóng TRT với nội dung: Giới thiệu phổ biến và triển khai các hoạt động hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành vi của các tầng lớp Nhân dân trong việc ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước và của địa phương.

Các cơ quan, tổ chức thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh đã lồng ghép thực hiện Cuộc vận động vào nội dung các cuộc vận động, phong trào thi đua của cơ quan, tổ chức mình với những nội dung tuyên truyền, vận động đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp Nhân dân ưu tiên sử dụng dùng hàng Việt Nam, nhất là trong mua sắm tài sản công, hàng tiêu dùng cá nhân và gia đình. Vận động các doanh nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để đổi mới quy trình sản xuất, quản lý nhằm tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hạ, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng. Thông qua công tác tuyên truyền đã góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành vi tiêu dùng của các tầng lớp Nhân dân trong việc ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hóa chất lượng tốt sản xuất trong nước.

Công khai và thông tin rộng rãi đối với các trường hợp, hành vi vi phạm pháp luật về đo lường, chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm nhằm cảnh báo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái quy định của pháp luật… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh và sản xuất trong tỉnh đã đề cao trách nhiệm với người tiêu dùng, chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới quản lý, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ coi trọng quảng bá sản phẩm, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng hàng hóa, giá cả hợp lý, phát triển hệ thống phân phối, từng bước vươn lên chiếm lĩnh thị trường nội địa. Cam kết bảo vệ người tiêu dùng, góp phần bình ổn giá, ổn định thị trường, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, hồi phục nhanh nền kinh tế do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 gây ra.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp, nhưng hoạt động đưa hàng Việt về địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chương trình bán hàng khuyến mãi vẫn luôn được Ban Chỉ đạo Cuộc vận động và Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm. Tuy nhiên, số lượng các đợt tổ chức bán hàng Việt về nông thôn, miền núi năm nay có giảm do dịch bệnh Covid-19. Trong năm, đã tổ chức được 9 phiên chợ hàng Việt về nông thôn với 45 lượt doanh nghiệp tham gia, doanh thu mang lại hơn 5 tỷ đồng. Nhìn chung, các đợt bán hàng luôn thu hút được đông đảo người dân địa phương đến tham quan, mua sắm nhưng phải thực hiện đúng 5K, bước đầu tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước. Phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức bình chọn và trao giấy chứng nhận cho 45 sản phẩm, bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2021, các sản phẩm có mẫu mã đẹp, tốt về chất lượng, đáp ứng được yêu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng; có nhiều sản phẩm có khả năng ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, sản xuất hàng loạt để phát triển và mở rộng thị trường. Về chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tính đến nay toàn tỉnh có 35 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 6 sản phẩm 4 sao và 19 sản phẩm 3 sao tiếp tục duy trì 2 điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, 1 điểm bán hàng Việt Nam tại cửa hàng nông sản hữu cơ Quế Lâm, 1 điểm bán hàng tại Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt tại 46 Chu Văn An, thành phố Huế.

Đối với hoạt động kiểm tra, giám sát, các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo tỉnh đã phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát và ngăn chặn hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, các hành vi gian lận thương mại; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, công tác đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Đã kiểm tra phát hiện 960 vụ, tổng giá trị thực hiện là trên 6,5 tỷ đồng; tổ chức tiêu hủy gần 7 tấn hàng hóa là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu, chủ yếu là đường kính trắng, đồ chơi trẻ em, mỹ phẩm, áo quần, bánh kẹo, rượu, thuốc lá… góp phần ngăn chặn hàng hóa không đảm bảo tiêu chuẩn lưu thông trên thị trường, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng và quyền lợi của các đơn vị sản xuất, kinh doanh chân chính.

Tuy nhiên, bên cạnh đó công tác tuyên truyền cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới, như: Cuộc vận động dù đã triển khai sâu rộng, nhưng chưa có tính thuyết phục và đồng bộ giữa các cấp, các ngành, địa phương, cơ sở. Đa phần các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong khi việc xây dựng và phát triển hệ thống phân phối đòi hỏi phải có tính chiến lược, vốn đầu tư lớn. Do đó, việc xúc tiến mở rộng thị trường nội địa hiệu quả còn hạn chế; hoạt động đưa hàng về nông thôn, một số doanh nghiệp còn có tư tưởng lợi dụng khuyến mãi để thực hiện hành vi gian lận thương mại, tiêu thụ các mặt hàng tồn kho, hàng không có nhãn mác, thời hạn sử dụng gần đến ngày hết hạn, ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng làm giảm ý nghĩa thiết thực của Cuộc vận động; việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp vừa và nhỏ còn chậm.

Thời gian tới, Ban Chỉ đạo xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng Cuộc vận động, cả hệ thống chính trị của tỉnh sẽ tiếp tục triển khai tuyên truyền, quán triệt thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, 19/5/2021 của Ban Bí thư, Kế hoạch 18-KH/TU ngày 20/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động trong tình hình mới gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-MTTW-ĐCT ngày 3/7/2020 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về thực hiện 2 nhiệm vụ kép vừa phục hồi phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Trong đó, tập trung công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong hệ thống chính trị phải thật sự gương mẫu, nâng cao nhận thức trong mua sắm tài sản công, sinh hoạt và tiêu dùng hàng ngày ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa, sản phẩm dịch vụ có chất lượng của các doanh nghiệp Việt Nam, động viên các doanh nghiệp vừa tập trung khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh, vừa phòng chống khắc phục tác động của dịch Covid-19, góp phần đưa Cuộc vận động ngày càng phát huy hiệu quả, thiết thực. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, thực hiện tốt công tác kiểm tra kết hợp tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; không kinh doanh, vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm kém chất lượng; làm tốt công tác xúc tiến thương mại đưa hàng Việt về nông thôn và miền núi; khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp uy tín tại địa phương tham gia xúc tiến đưa hàng về khu dân cư tập trung, khu công nghiệp, địa bàn có nhiều đối tượng nghèo, thu nhập thấp...

Có thể nói, thông qua các hoạt động tuyên truyền thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có tác động tích cực đến xã hội, giúp người tiêu dùng, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của người tiêu dùng đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước, từ đó thay đổi thái độ, hành vi ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng hóa thương hiệu Việt, bước đầu hình thành nét đẹp của người tiêu dùng Việt Nam.

Nguyễn Nam Tiến

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều