Tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

(Mặt trận) - Sáng 15/9, Diễn đàn Chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện do Báo Kinh tế nông thôn phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức. 

Diễn đàn được tổ chức nhằm thu thập ý kiến cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, lĩnh vực phụ trợ cho ngành nông nghiệp và những vướng mắc gặp phải trong quá trình tổ chức sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, Diễn đàn cũng là nơi để các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trao đổi kinh nghiệm và tìm hướng đi phù hợp.

 Ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập Báo Kinh tế nông thôn phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập Báo Kinh tế nông thôn nhấn mạnh, ngay từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020. Tuy vậy, đến nay việc triển khai Đề án gặp nhiều khó khăn. Để tháo gỡ khó cho nông nghiệp công nghệ cao về các vấn đề như hạn điền, vốn, khoa học công nghệ, thị trường,... Nghị quyết phiên họp tháng 2/2017 của Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành với thời gian cụ thể nhằm nhanh chóng tạo môi trường, cơ chế hấp dẫn, khuyến khích, thu hút nguồn lực xã hội.  

Tại Diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao thời gian qua còn nhiều hạn chế do chính sách chưa đầy đủ hoặc chưa phù hợp nên khó áp dụng. Theo đó, về đất đai, không có diện tích đất lớn, chi phí thuê và quản lý đất cao do ký hợp đồng với nhiều hộ nhỏ lẻ, đầu tư tài sản lớn trên đất không được đảm bảo khi Nhà nước chuyển đổi mục đích sử dụng. Nhà nước thiếu nguồn lực thực hiện, đặc biệt là hạ tầng cho công nghệ cao. Thị trường khoa học công nghiệp chưa vận hành. Chính sách về tín dụng còn nhiều hạn chế, các thủ tục vay phức tạ…

 

Các đại biểu tại Diễn đàn.

 Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam Ngô Thế Dân cho biết, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu, nhưng chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn nhiều bất cập, cần giải pháp tháo gỡ đồng bộ.  

TS. Nguyễn Anh Phong - Giám đốc Trung tâm Thông tin nông nghiệp và phát triển, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn.

 TS. Nguyễn Anh Phong - Giám đốc Trung tâm Thông tin nông nghiệp và phát triển, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn kiến nghị, cần có những giải pháp về khoa học và tín dụng để hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, cần xây dựng thí điểm cơ chế nghiên cứu khoa học do doanh nghiệp đặt hàng, cùng đầu tư, nghiệm thu, sử dụng và thương mại hóa kết quả; điều chỉnh các cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức trung gian thương mại hóa sáng chế; thí điểm phát triển một số loại hình chợ công nghệ cho riêng doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ ưu tiên, công nghệ mũi nhọn.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), để chương trình đạt được hiệu quả, tránh rủi ro làm phát sinh nợ xấu cần có sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành liên quan như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính…; đặc biệt sớm triển khai hướng dẫn liên quan đến bảo hiểm nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng và khách hàng phát triển đầu tư vào nông nghiệp nông thôn nói chung và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch nói riêng.

 

Diễn đàn đã ghi nhận một số ý kiến hữu ích của một số cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, lĩnh vực phụ trợ cho ngành nông nghiệp.

Diễn đàn lần này cũng là nơi tập hợp ý kiến của cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, lĩnh vực phụ trợ cho ngành nông nghiệp về những vướng mắc gặp phải trong quá trình tổ chức sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và những đề xuất để tháo gỡ những khó khăn đó. Bên cạnh đó, Diễn đàn cũng là nơi trao đổi kinh nghiệm và tìm hướng đi phù hợp nhằm nâng cao vị thế của doanh nghiệp nói riêng, cũng như của nông sản Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.

Trước đó, 14/9, Ban tổ chức đã đưa các đại biểu đi tham quan mô hình nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn Vingroup tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) để các đại biểu tìm hiểu thêm về một mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.   

Đỗ Đông

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều