Từ kinh nghiệm quốc tế, xây dựng kịch bản cho chống dịch và mở cửa

Kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới cũng như thực tế tại các địa phương trong thời gian qua cho thấy, nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì công tác chống dịch sẽ hiệu quả và là cơ sở để dần mở cửa trở lại.
 Kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế đối với công nhân tại công trường xây dựng hầm chui nút giao Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến (Hà Nội).
Kết quả của hơn 1,5 năm chống dịch, các quốc gia tiên tiến đã tiến hành điều chỉnh, thay đổi biện pháp cách ly phong tỏa cứng sang áp dụng các bộ chỉ tiêu dựa trên tiêu chí dịch tễ (mức độ lây nhiễm); khả năng phản ứng của hệ thống y tế; độ phủ của vaccine và các tiêu chí phối hợp khác làm cơ sở để triển khai các cấp độ phản ứng với dịch bệnh. Các bộ tiêu chí này cũng phù hợp với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Ở châu Á, có năm quốc gia (Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Nhật Bản) đang vận hành các bộ tiêu chí như vậy. Tương tự tiêu chí mà WHO khuyến cáo, bốn cấp độ được đưa ra theo thứ tự tăng dần về mức độ an toàn. Trong đó dựa nhiều vào số bệnh nhân, số trường hợp tử vong, tỷ lệ xét nghiệm dương tính, tỷ lệ lấp đầy giường bệnh, tỷ lệ tử vong/nhập viện và từ đó quyết định cấp độ đáp ứng. Trong trường hợp xác định đã có đủ điều kiện, việc nới lỏng cũng không bất ngờ.

Các bước nới lỏng giãn cách được những quốc gia này thực hiện gồm bốn giai đoạn: (1) Tiêm chủng, chuẩn bị và thí điểm; (2) Chuyển tiếp tiêm chủng; (3) Hợp nhất tiêm chủng; (4) Sau tiêm chủng. Với cách tiếp cận như vậy cùng với việc tăng độ phủ của vaccine lên trên 70%, các thành phố được đánh giá đã từng bước trở lại với cuộc sống bình thường mới trong khi chấp nhận một tỷ lệ mắc Covid-19 ở ngưỡng chấp nhận được mà không gây sập hệ thống khám, chữa bệnh.

Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bối cảnh chống dịch rất khác ba đợt dịch trước. Việt Nam phải chứng kiến tình trạng quá tải hệ thống y tế mà theo đó hơn 800 nghìn trường hợp mắc, 20 nghìn trường hợp tử vong chỉ khu trú vào một số tỉnh, thành phố phía nam dẫn tới việc nhiều địa phương phải giãn cách xã hội khẩn cấp theo Chỉ thị 16 và 16+ trong một thời gian dài. Dù đã được kiểm soát ở các địa phương tâm dịch phía nam, nhưng mỗi ngày, khu vực này vẫn còn hàng nghìn ca lây nhiễm mới.

Nhìn vào kinh nghiệm của các nước trên thế giới và lộ trình mở cửa của họ, yếu tố tiêm chủng với bốn giai đoạn nêu trên chính là điều kiện tiên quyết. Trong điều kiện nguồn cung vaccine còn hạn chế như hiện tại, chúng ta không thể chờ vaccine đủ phủ trên 90% dân số cả nước được mà vẫn phải song song tiến hành khôi phục kinh tế. Vậy cần làm gì và làm như thế nào?

Cùng là chống dịch nhưng hiện nay dường như mỗi tỉnh làm một kiểu, thiếu nhất quán; phần nào đó kìm hãm hoạt động giao thương cũng như sản xuất, phần nào đó thể hiện sự thiếu thông tin về dịch bệnh cũng như thiếu bằng chứng về khoa học. Việc có được một bộ cẩm nang chung nhất, tổng quát và có tính thực tiễn là hết sức cần thiết. Theo đó, công tác y tế phải đóng vai trò nòng cốt trong định hướng các hoạt động khác. Các hoạt động kinh tế có thể theo đó mà vận hành phù hợp. Khoa học công nghệ phải hỗ trợ đặc biệt công tác quản lý đối tượng, từ tiêm chủng tới dữ liệu dân cư. Sự minh bạch thông tin sẽ giúp hoạch định tốt hơn công tác phòng, chống dịch.

Tiếp theo của bộ cẩm nang phòng, chống dịch và sống chung an toàn với Covid, Việt Nam cần sớm áp dụng bộ tiêu chí an toàn để mở cửa. Đối chiếu với bộ tiêu chí của WHO, một số điểm có thể áp dụng ngay tại Việt Nam. Về tiêu chí dịch tễ, trong điều kiện hiện tại, tiêu chí này sẽ hạ đơn vị áp dụng xuống mức nhỏ nhất có thể như thay vì phường, xã bằng tổ, thôn, ngõ… nhằm mục đích giảm thiệt hại khi tổ chức phong tỏa cứng diện hẹp. Khi dịch có nguy cơ lan rộng hoặc khó có thể về trạng thái “không ca bệnh” thì tiêu chí ca bệnh có thể điều chỉnh từ số ca bệnh tuyệt đối sang tỷ lệ ca bệnh/100 nghìn dân để làm căn cứ ra quyết định.

Nhóm tiêu chí về khả năng phản ứng của hệ thống y tế, cho phép ước tính ngưỡng chịu đựng của hệ thống y tế mà không quá tải. Nhóm tiêu chí về độ phủ của vaccine và các tiêu chí phối hợp khác, có thể đặt ra các kịch bản bởi dựa vào tỷ lệ bao phủ của vaccine có thể ước tính được nguy cơ quá tải hệ thống y tế khi dịch bùng phát. Thực tế từ các quốc gia áp dụng sống chung với Covid-19 cho thấy, khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên, tỷ lệ các trường hợp mắc bệnh nặng cần can thiệp y tế sẽ giảm. Khi tỷ lệ tiêm chủng đủ lớn sẽ giúp hệ thống điều trị không quá tải. Như vậy, nhóm tiêu chí thứ ba thực tế lại là nhóm tiêu chí rất quan trọng giúp ra quyết định cho mở cửa.

Vậy, theo lộ trình bốn giai đoạn ở trên, Việt Nam có thể có những kịch bản gì cho mở cửa và chung sống an toàn với Covid-19. Khi tỷ lệ tiêm chủng chung dưới ngưỡng 50% cho mũi 1, rất ít cho mũi 2, cần tiếp tục tăng cường các hoạt động kiểm soát chặt chẽ nhằm giảm đến mức thấp nhất lây nhiễm. Bởi nếu có lây nhiễm sẽ đánh thẳng vào nhóm nguy cơ dẫn tới tỷ lệ tử vong cao trong nhóm này.

Vì vậy, dù chỉ có một vài trường hợp dương tính cũng phải tổ chức giãn cách tùy quy mô tác động. Theo cách này, việc hạ quy mô cách ly xuống cấp độ thấp nhất như tổ dân phố, thôn, ấp đã có thể thực hiện được nhưng luôn phải đi kèm với việc kiện toàn lực lượng quan trọng nhất - “tổ Covid cộng đồng”. Cũng ở giai đoạn này, các doanh nghiệp có thể thực hiện phương án “3 tại chỗ” và “một cung đường hai điểm đến”, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp đều có phương án phòng, chống dịch Covid-19 tại đơn vị mình.

Khi tỷ lệ tiêm chủng đạt 50 đến 70% cho mũi 1, nhưng vẫn dưới 30% cho mũi 2, cần cân nhắc lại các cấp độ giãn cách xã hội trong đó cân nhắc lại cấp độ giãn cách cao nhất, các hoạt động được phép và không được phép trong mỗi cấp độ giãn cách, để hạn chế sự đứt gãy hệ thống chuỗi cung ứng sản phẩm và dịch vụ thiết yếu. Ở mức bao phủ này có thể mạnh dạn mở lại các hoạt động dịch vụ nhưng vẫn tăng cường kiểm soát ca bệnh, các ca bệnh tản phát có thể kích hoạt giám sát và truy vết.

Tỷ lệ tiêm chủng trên 70% cho mũi 1, dưới 50% cho mũi 2, cần đánh giá lại lưu lượng giao thông cần thiết tương ứng với việc duy trì chuỗi cung ứng các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu phù hợp với độ dài của kỳ giãn cách, cộng với nhu cầu ra khỏi nhà mua sắm thiết yếu của người dân (tạm gọi “ngưỡng lưu thông tối thiểu bền vững”), để có thể ước tính được ngưỡng giảm lưu lượng giao thông đã ở mức hợp lý hay chưa, từ đó giúp cho quyết định tăng cường hay nới lỏng giãn cách. Ở giai đoạn này, việc mở cửa dễ dàng hơn, trong đó bao gồm việc mở cửa lại trường học ngay cả trong trường hợp xuất hiện một vài ca tản phát trong cộng đồng. Tuy nhiên, nếu số ca bệnh tăng đột biến (thực tế khó xảy ra với độ phủ vaccine này) lập tức phải tăng cường các biện pháp dự phòng.

Tỷ lệ tiêm chủng mũi 1 trên 90%, tiêm mũi 2 trên 50%, đây là ngưỡng khá an toàn, và sẽ an toàn hơn khi toàn bộ nhóm người có bệnh lý nền, người già được tiêm chủng. Trong trường hợp đó, khả năng bùng phát dịch khó hơn nhiều và cơ bản các hoạt động của đời sống có thể nới lỏng và trở lại bình thường.

Tuy vậy, mọi tính toán chỉ đúng khi vaccine còn hiệu lực bảo vệ đối với chủng lưu hành, mọi biến chủng mới có khả năng vượt khỏi bảo vệ của vaccine đều có thể gây nguy cơ phá hủy những thành tựu về tiêm chủng. Vì vậy, việc hạn chế các lây nhiễm là rất cần thiết và góp phần vào nỗ lực chung toàn cầu trong khống chế bệnh. Đồng thời việc chủ động nguồn cung vaccine trong nước chính là cơ sở cho an ninh vaccine của Việt Nam.

Điều cuối nhưng không phải là kết thúc, để mỗi xã, phường thật sự là pháo đài chống dịch thì công tác giám sát, công tác an dân phải bảo đảm. Các trạm y tế xã phải hết sức kỹ lưỡng, chặt chẽ, chu đáo, tỉ mỉ, vì tất cả những người bệnh đến trạm y tế đều có thể là F0; tổ chức tiếp nhận, phân luồng, có phòng đệm, test nhanh các trường hợp nghi ngờ… Chống lây nhiễm chéo trong lực lượng làm nhiệm vụ và các cơ sở y tế. Phối hợp sử dụng test nhanh và RT-PCR cho phù hợp thực tế. Bảo đảm an sinh xã hội, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, an dân tại địa bàn. Từ đó, mọi chính sách và việc thực hiện chính sách đều hướng đến người dân. Thực hiện tốt mối quan hệ cấp ủy lãnh đạo, chính quyền quản lý, người dân làm chủ, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường giám sát, kiểm tra trong phòng, chống dịch. Tăng cường truyền thông và minh bạch thông tin cũng giúp người dân đoàn kết hơn và chung tay phòng, chống dịch.

Theo TS Phạm Quang Thái / Báo Nhân dân

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều