Nhóm nghiên cứu cho rằng, tỷ lệ này là đáng báo động bởi chỉ khi lao động có trình độ cao, Việt Nam mới có thể tham gia vào những khâu phát minh, sản xuất có giá trị gia tăng cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu; từ đó, có cơ hội học hỏi tri thức và kinh nghiệm quốc tế trong nghiên cứu, phát triển, thương mại hóa, sản xuất và phân phối.
Tỷ lệ sinh viên có việc làm trong vòng 12 tháng sau khi tốt nghiệp ở mức trung bình tới tương đối cao (80%-93%) tùy thuộc vào lĩnh vực, tỷ lệ sinh viên có việc làm phù hợp với lĩnh vực đào tạo chỉ chiếm khoảng 76%, có việc làm liên quan đến ngành đào tạo khoảng 5% và không liên quan đến ngành đào tạo từ 19%-25%.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, một số nguyên nhân dẫn tới việc sinh viên chưa tìm được việc làm phù hợp với chuyên ngành được đào tạo do chương trình học và phương pháp giảng dạy chưa được cải tiến; hệ thống quản lý nhân lực và dự đoán nhu cầu lao động chưa đủ thông tin, có những trường chỉ hỗ trợ kiếm việc làm cho khoảng 6 - 7% trong số sinh viên tốt nghiệp, số còn lại có được việc làm chủ yếu là sinh viên tự lo.
Theo nhóm nghiên cứu, tỷ lệ tiếp cận GER (28,6%), tỷ lệ lao động có trình độ đại học (11,1%) còn quá thấp so với khu vực trong bối cảnh phát triển kinh tế tri thức và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 toàn cầu; số trích dẫn chưa kịp tăng với tốc độ của số công bố, tiến trình quốc tế hóa còn diễn ra chậm khiến kết quả xếp hạng đại học chưa có nhiều điểm sáng.
Ngân sách nhà nước chi cho một sinh viên đại học vẫn là 6,8 triệu đồng
Theo nhóm nghiên cứu, năm 2020, Việt Nam mới chỉ dành 0,18% GDP cho giáo dục đại học (GDĐH), khoảng 4,1% tổng ngân sách dành cho giáo dục các cấp.
Kinh phí này là vô cùng hạn hẹp, đặc biệt đối với các trường đại học công lập chưa tự chủ, khi mà tính trung bình 60% nguồn thu của các trường này tới từ ngân sách nhà nước (NSNN); chỉ 40% nguồn thu đến từ học phí và kinh phí chuyển giao tri thức - công nghệ.
Ngân hàng thế giới (2020) tổng kết chi cho GDĐH tại các nước chiếm ít nhất 1% GDP, hoặc như tại Thái Lan, dù dưới 1%, vẫn có phần trăm GDP chi cho giáo dục gấp nhiều lần con số 0,18% tại Việt Nam. Chi cho GDĐH trên tổng chi cho giáo dục tại các nước trong khu vực cũng chiếm từ 15% đến 22%.
Nhóm nghiên cứu đã so sánh mức chi cho giáo dục đại học tại một số quốc gia như sau:
Quốc gia
|
Chi cho GDĐH theo % GDP
|
Mốc thời gian
|
Chi GDĐH trên tổng chi NSNN cho Giáo dục
|
Mốc thời gian
|
Chi NSNN/
SV (ĐV: triệu đồng)
|
Mốc thời gian
|
Malaysia
|
1,13%
|
2015
|
21,3%
|
2018
|
62,3
|
2018
|
Singapore
|
1%
|
2015
|
35,28%
|
2015
|
274,9
|
2015
|
Thái Lan
|
0,64%
|
2013
|
15,6%
|
2013
|
26
|
2013
|
Hàn Quốc
|
0,86%
|
2016
|
20,5%
|
2016
|
103,9
|
2016
|
Việt Nam
|
0,18%
|
2020
|
4,1%
|
2020
|
6,8
|
2020
|
Nhóm nghiên cứu nhận định, chi phí trên một sinh viên đại học năm 2017 tại Việt Nam, bao gồm chi từ nguồn NSNN và các nguồn thu hợp pháp khác là 19 triệu đồng. Chi NSNN/sinh viên tại Việt Nam cho tới năm 2020 vẫn chỉ là 6,8 triệu đồng. Đây là một con số rất ít ỏi so với các nước trong khu vực; với mức chi này thì khó có thể thu hút và phát triển nhân tài cũng như đầu tư trang thiết bị hiện đại.
Việt Nam cần tiếp tục mở rộng quy mô đại học hơn nữa
Theo nhóm nghiên cứu, tỷ lệ đến trường gộp GER bậc Đại học tại Việt Nam năm 2019 là 28,6%. Chỉ số này phản ánh số người học đại học trên số người trong độ tuổi học đại học tại Việt Nam tham gia các khóa đào tạo đại học và trình độ tương ứng.
Với xuất phát điểm tương tự nhau trong giai đoạn 1970-1980: chỉ khoảng 2%-5% dân số Việt Nam và Hàn Quốc được học đại học; đến thời điểm năm 2019, tỷ lệ GER bậc đại học của Hàn Quốc là 98,4% (Ngân hàng dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, 2022).
Tỷ lệ đến trường gộp bậc cao đẳng và đại học tại một số quốc gia châu Á giai đoạn 1970-2020:
Giai đoạn 2000-2020 chứng kiến sự tăng trưởng của chỉ số GER tại Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia nhanh và mạnh hơn so với giai đoạn 1970-2000.
Mức tăng tại Việt Nam là khoảng 0,75% năm, tại Malaysia và Trung Quốc lần lượt là 1% và 3%/năm. Từ đối sánh quốc tế, ta thấy tỷ lệ học đại học ở Việt Nam vẫn quá thấp, ngay cả khi so sánh với các nước có thu nhập bình quân đầu người trung bình.
Do đó Việt Nam cần vẫn phải tiếp tục mở rộng quy mô đại học hơn nữa hoặc ít nhân cũng phải đặt mục tiêu tăng trưởng tỷ lệ GER bậc đại học từ 1%-2%/năm đến năm 2030.
"Với thời đại số, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục đại học thì việc mở rộng, tăng tiếp cận học đại học bằng nhiều phương thức khác nhau là hoàn toàn khả thi" - nhóm nghiên cứu nhận định.