Công nhân đang làm việc tại khu công nghệ cao thuộc Khu công nghiệp Thăng Long. Ảnh: Kỳ Anh
Trong nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN ở nước ta, các loại hình doanh nghiệp phổ biến gồm: doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, hộ tiểu chủ, hộ cá thể, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Doanh nghiệp là tế bào cơ bản của nền kinh tế quốc dân. Doanh nghiệp phát triển lành mạnh, ổn định góp phần tạo ra nền kinh tế lành mạnh, ổn định. Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, việc tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong các doanh nghiệp giữ một vị trí then chốt, việc phát triển đoàn viên trong các tổ chức chính trị - xã hội có vai trò quan trọng để củng cố khối đại đoàn kết trong doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi, nghĩa vụ cho người lao động. Nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp, Ban Bí thư Trung ương đã ban hành các quy định về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ trong doanh nghiệp nhà nước như: Quy định số 96-QĐ/TW ngày 22/3/2004 về doanh nghiệp có vốn nhà nước liên doanh với nước ngoài; Quy định số 99-QĐ/TW ngày 4/6/2004 về doanh nghiệp tư nhân; Quy định số 100-QĐ/TW ngày 4/6/2004 về công ty cổ phần có vốn nhà nước... Để tăng cường công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Bộ Chính trị (khoá VIII) đã ra Chỉ thị 07-CT/TW ngày 23/11/1996 và gần đây nhất là Kết luận số 80-KL/TW ngày 29/7/2010 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) trong tình hình mới”. Nội dung chủ yếu của các văn bản nêu trên qui định về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng tại các loại hình doanh nghiệp, mối quan hệ giữa tổ chức cơ sở Đảng với bộ máy quản lý của doanh nghiệp. Tuỳ thuộc vào từng loại hình doanh nghiệp mà chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đảng cơ sở có qui định khác nhau nhưng tập trung vào một số nhiệm vụ như: sản xuất kinh doanh, giữ gìn trật tự và an toàn xã hội, lãnh đạo công tác tư tưởng, lãnh đạo các đoàn thể quần chúng tại doanh nghiệp... Đây chính là cơ sở để tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp phát huy vai trò lãnh đạo, đoàn kết người lao động trong doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, tập hợp, động viên người lao động thực hiện việc sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, đúng pháp luật, tăng cường đoàn kết giữa chủ và người làm công trong doanh nghiệp. Thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các đảng bộ, chi bộ đã tích cực triển khai thực hiện; nhận thức của các cấp ủy, đảng viên, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ngày càng nâng cao, ý thức, trách nhiệm về nhiệm vụ xây dựng và phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh bước đầu có sự chuyển biến tích cực; nhiều cấp ủy, chi bộ, tổ chức công đoàn, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh đã phát huy tốt tác dụng, xác lập được vai trò là hạt nhân chính trị lãnh đạo đảng viên, người lao động và tuyên truyền vận động chủ doanh nghiệp, chấp hành tốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và bảo vệ lợi ích hợp pháp cho người lao động, góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp.
Theo Quy định về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở do Ban Bí thư Trung ương khóa IX, X ban hành thì tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ở nước ta hiện nay được chia thành 5 loại cơ bản, có cơ cấu và số lượng đảng viên như sau:
- Đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp nhà nước (công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ), có 4.732 đảng bộ, chi bộ cơ sở, trong đó có 206 đảng bộ bộ phận, 13.846 chi bộ trực thuộc, với 199.864 đảng viên.
- Đảng bộ, chi bộ cơ sở trong công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, trong đó Nhà nước sở hữu từ 50% vốn điều lệ trở xuống, có 4.307 đảng bộ, chi bộ cơ sở, trong đó có 191 đảng bộ bộ phận, 10.558 chi bộ trực thuộc, với 163.004 đảng viên.
- Đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước liên doanh với nước ngoài có 202 đảng bộ, chi bộ cơ sở, trong đó có 4 đảng bộ bộ phận, 346 chi bộ trực thuộc, với 6.355 đảng viên.
- Đảng bộ, chi bộ cơ sở trong công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân (gọi chung là doanh nghiệp tư nhân), có 1.591 đảng bộ, chi bộ cơ sở, trong đó có 24 đảng bộ bộ phận, 1.486 chi bộ trực thuộc (chiếm 1,8% tổng số doanh nghiệp), với 34.185 đảng viên.
- Đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài có 207 đảng bộ, chi bộ cơ sở, 222 chi bộ trực thuộc, với 5.442 đảng viên.
Ngoài ra, trong các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có 74 đảng bộ, chi bộ cơ sở, trong đó có 175 chi bộ trực thuộc, với 1.136 đảng viên.
Trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN do Đảng lãnh đạo hiện nay, vai trò của tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp là hết sức quan trọng, giúp định hướng tư tưởng, chính trị cho doanh nghiệp phát triển. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp nào có tổ chức Đảng thì các tổ chức đoàn thể cũng hoạt động tốt hơn, sản xuất kinh doanh thuận lợi, người lao động yên tâm, phấn khởi làm việc. Cấp ủy đảng cùng với các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp đã giúp Ban lãnh đạo công ty nắm tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người lao động để kịp thời giải quyết những vướng mắc, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người lao động. Ở những doanh nghiệp không có tổ chức đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, hoặc có nhưng không phát huy được vai trò, nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với những rắc rối pháp lý không đáng có và thiệt hại cũng không nhỏ. Tính từ năm 1995 đến hết năm 2010, cả nước xảy ra hơn 3.400 cuộc ngừng việc tập thể, đình công tự phát của người lao động. Trong đó số vụ đình công xảy ra tại doanh nghiệp có vốn FDI chiếm hơn 73%. Nguyên nhân chính là doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng hoặc Ban Chấp hành Công đoàn hoạt động yếu kém, không tham gia điều tiết, tổ chức đình công đúng luật. Hậu quả của những cuộc đình công quy mô lớn, kéo dài, người gánh chịu thiệt hại đầu tiên và nặng nề nhất không ai khác là chủ doanh nghiệp. Họ vẫn phải trả lương cho những lao động không đình công (nhân viên phải tạm nghỉ việc do đình công) trong khi các chi phí cố định vẫn phát sinh. Nghiêm trọng hơn là việc sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, mất uy tín với khách hàng, bỏ lỡ cơ hội kinh doanh do phải tập trung giải quyết tranh chấp. Do vậy, việc thành lập tổ chức đảng, các tổ chức chính trị - xã hội chính là chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong doanh nghiệp, chính là giúp doanh nghiệp thực thi một cách đúng đắn Luật Lao động. Qua đó, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động. Một khi đời sống người lao động được chăm lo đúng mực, quyền và lợi ích chính đáng được bảo đảm, họ sẽ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, năng suất, hiệu quả lao động qua đó được nâng cao. Và người hưởng lợi nhiều nhất không ai khác ngoài doanh nghiệp.
Qua một thời gian thực hiện các quy định của Trung ương, tổ chức Đảng trong các loại hình doanh nghiệp còn bộc lộ những hạn chế sau:
- Tổ chức Đảng chưa thể hiện rõ vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, cá biệt có nơi chỉ tồn tại một cách hình thức, thực tế là làm theo sự chỉ đạo, điều hành của giám đốc, chủ doanh nghiệp.
- Các tổ chức Đảng trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phần đông lúng túng trong xác định nội dung và phương thức hoạt động. Chưa xác định và thể hiện được vai trò lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, công tác cán bộ và mối quan hệ với các thành tố trong doanh nghiệp.
- Trong thực tế, nhiều nhà đầu tư nước ngoài, chủ doanh nghiệp tư nhân do chưa hiểu đúng bản chất, vai trò của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, nên e ngại việc có tổ chức Đảng trong doanh nghiệp mình. Do vậy, họ cản trở hoặc không ủng hộ việc thành lập tổ chức Đảng trong doanh nghiệp; một số khác tuy không cản trở nhưng lại không ủng hộ, không tạo điều kiện về thời gian, kinh phí, cơ sở vật chất... để tổ chức Đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội hoạt động. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng ở những loại hình doanh nghiệp này.
- Do quan niệm mình là người làm thuê cho chủ doanh nghiệp để có lương, sợ bị phân biệt đối xử, thậm chí sợ bị chủ không sử dụng nên một số đảng viên không công khai mình là đảng viên; số khác lại xác định mình là người lao động “an phận thủ thường” nên chỉ chăm lo đến lợi ích kinh tế của gia đình, bản thân, ít tham gia hoạt động chính trị - xã hội.
Trong điều kiện mới, thực tiễn đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết, nhưng việc nhận thức và cụ thể hóa thành các chủ trương, chính sách để thực hiện còn chậm và thiếu đồng bộ. Một số cấp ủy chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc yêu cầu, nội dung Chỉ thị của Bộ Chính trị nên việc tuyên truyền, vận động chưa sâu rộng, thiếu thuyết phục. Sự chỉ đạo của các cấp ủy cấp trên, nhất là cấp trên trực tiếp của cơ sở thiếu kiên quyết; việc tổng kết rút kinh nghiệm chưa được quan tâm đúng mức. Cấp ủy và cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể đều kiêm nhiệm. Điều kiện, phương tiện làm việc phục vụ cho hoạt động của tổ chức đảng, các đoàn thể còn nhiều khó khăn; nhiều nơi không có địa điểm để sinh hoạt và kinh phí để hoạt động...
Nguyên nhân là do các cấp ủy Đảng và công đoàn tại doanh nghiệp hiểu rất khác nhau về yêu cầu của việc phát triển đảng viên trong công nhân. Nhiều cơ sở đảng cho rằng không cần phát triển đảng viên trong công nhân là những người lao động bình thường khi họ không có cơ hội phát triển thành cán bộ. Đây cũng là suy nghĩ của nhiều công nhân nên họ không có động cơ phấn đấu vào Đảng. Bên cạnh đó là sự lơ là của Đảng ủy cấp trên, cứ hô hào truyền đạt chỉ thị, tinh thần nghị quyết nhưng không có biện pháp cụ thể, theo kiểu “dễ làm khó bỏ”. Do đó, tỷ lệ đảng viên, hội viên trong các doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp chiếm tỷ lệ đa số, còn các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và FDI thì tỷ lệ thấp là điều dễ hiểu. Từ thực tiễn trên, để tổ chức đảng, các tổ chức chính trị - xã hội trong các loại hình doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, cần tăng cường thực hiện các giải pháp chính sau:
1. Làm tốt công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của tổ chức đảng trong doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh theo nội dung Nghị quyết Trung ương 6, khoá X về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên” và Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 07-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII) trong tình hình mới”. Đặc biệt là công tác tuyên truyền cho chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài hiểu đúng về vai trò, vị trí và tác dụng của tổ chức đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp; hoạt động của tổ chức đảng, các đoàn thể là có lợi, góp phần làm cho doanh nghiệp phát triển vững chắc, đúng pháp luật.
2. Củng cố, kiện toàn tổ chức đối với tổ chức đảng trong doanh nghiệp. Cấp ủy cấp trên cần quan tâm hướng dẫn tổ chức đảng trong doanh nghiệp không ngừng tự hoàn thiện mình thông qua việc kiện toàn tổ chức, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Trung ương. Cần xem xét, bố trí lại mô hình tổ chức đảng trong doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Nên thống nhất để các tổ chức đảng này thuộc Đảng bộ khối doanh nghiệp tỉnh (thành phố), chỉ những tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhỏ, hoặc ít đảng viên mới để trực thuộc cấp quận ủy, hoặc tương đương. Cấp ủy và các đoàn thể cấp trên phải có cán bộ chuyên trách để theo dõi, giúp đỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở; định kỳ sơ kết rút kinh nghiệm, kịp thời biểu dương những tổ chức, cá nhân tiêu biểu để nhân rộng.
3. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng trong doanh nghiệp thông qua nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy viên, đặc biệt là bí thư cấp ủy. Đồng chí bí thư cấp ủy phải là người có trình độ, năng lực, uy tín và nên nằm trong thành phần ban lãnh đạo của doanh nghiệp. Chú trọng nâng cao chất lượng đảng viên và làm tốt công tác phát triển đảng viên. Mạnh dạn đổi mới hình thức và phương pháp sinh hoạt đảng, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, củng cố sự đoàn kết nhất trí, thực hiện đúng nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung, dân chủ, chế độ phê bình và tự phê bình.
4. Xây dựng quy chế làm việc, xác định rõ mối quan hệ công tác giữa bí thư cấp ủy với lãnh đạo doanh nghiệp (HĐQT, ban giám đốc) và các tổ chức, đoàn thể trong doanh nghiệp. Tổ chức đảng cần tôn trọng, bảo đảm và tạo điều kiện để HĐQT, giám đốc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định. Những hoạt động và việc làm cụ thể của tổ chức đảng, các đoàn thể phải gắn với lợi ích và sự ổn định, phát triển của doanh nghiệp, bảo đảm lợi ích chính đáng, hợp pháp của chủ doanh nghiệp.
Nguyễn Hoàng Tuấn
Ban Tôn giáo, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam