|
Cần triển khai sớm việc hỗ trợ vay vốn doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội thông qua các ngân hàng thương mại nhà nước. Ảnh: Hiếu Anh |
Gặp nhiều vướng mắc
Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, chính sách phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở công nhân đang gặp nhiều vướng mắc dù hành lang pháp lý khá đầy đủ.
Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, ngân sách rót về cho Ngân hàng Chính sách xã hội rất thấp, chỉ hơn 3.160 tỉ đồng trong tổng số 9.000 tỉ đồng (đạt 35%). Số tiền này đã được giải ngân cho khách hàng cá nhân vay mua, thuê, thuê mua NƠXH, xây dựng mới hoặc cải tạo nhà. Tính riêng 10 tháng đầu năm nay, giải ngân 2.300 tỉ đồng cho gần 6.700 khách hàng thuộc nhóm vay ưu đãi.
Đáng chú ý, 4 ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV mà Nhà nước chỉ định cho vay ưu đãi NƠXH không được rót vốn để cấp bù lãi suất cho vay nên giai đoạn này không chủ đầu tư dự án NƠXH, nhà ở công nhân nào được tiếp cận nguồn vay ưu đãi.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong phát triển NƠXH được cơ quan chức năng chỉ ra như về quy định pháp luật vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi tại Luật Nhà ở và các luật khác liên quan, tập trung vào các nhóm vấn đề: Trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua - bán NƠXH còn phức tạp và kéo dài; việc xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua đối với NƠXH đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách; quy định các dự án NƠXH phải dành tối thiểu 20% diện tích NƠXH trong dự án để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng.
Đồng thời, Luật Nhà ở hiện hành chưa có quy định cho phép tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc đối tượng được mua, thuê, thuê mua NƠXH trong khi trên thực tế nhu cầu này rất lớn.
Mặt khác, một hạn chế được chỉ ra là thiếu quỹ đất để đầu tư xây dựng NƠXH tại vị trí thuận lợi ở các đô thị lớn; nhiều khu công nghiệp được hình thành, nhưng chưa bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân.
Chưa bố trí được vốn
Ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Lê Thành cho biết, đã cung ứng khoảng 4.330 căn hộ NƠXH cho thuê, chủ yếu ở TPHCM. Tuy nhiên, doanh nghiệp rất khó tiếp cận với nguồn vốn vay do ngân sách bố trí cho các dự án này rất ít. Thực trạng cho thấy, cần triển khai sớm việc hỗ trợ vay vốn doanh nghiệp thông qua các ngân hàng thương mại nhà nước. Liên quan đến vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, đối với tín dụng cho NƠXH, Chính phủ đã có Nghị định 100 ban hành năm 2015 về phát triển và quản lý NƠXH, được sửa đổi bằng Nghị định số 49 năm 2021. Trong đó, giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay NƠXH và giao cho các tổ chức tín dụng được chỉ định. Đối với Ngân hàng Chính sách xã hội đến nay đã giải ngân theo quy định, với doanh số 10.584 tỉ đồng; dư nợ đến 30.9 là 9.147 tỉ đồng.
Còn đối với các tổ chức tín dụng được chỉ định trong Nghị định, hiện nay chưa giải ngân được do tiền cấp bù lãi suất chưa được bố trí. Thống đốc nhấn mạnh, trong thời gian tới, chính sách điều hành tín dụng sẽ nằm trong khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ để kiên định với mục tiêu góp phần kiểm soát lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững an toàn hệ thống, đảm bảo an sinh xã hội. Đối với các công cụ giải pháp tín dụng, NHNN sẽ cân nhắc trong tổng thể các công cụ giải pháp để làm sao đạt được mục tiêu của chính sách tiền tệ.
Trước đó, về định hướng xây dựng NƠXH, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định phát triển NƠXH, nhà ở công nhân là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Báo Lao động