Quy định về phạm vi nợ công hiện vẫn có nhiều tranh luận, quan điểm khác nhau, thưa ông?
Nghiên cứu về phạm vi nợ công từ 40 nước và nhóm nước trên thế giới cho thấy, phạm vi nợ công chỉ bao gồm nợ chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương. Có nghĩa là, các khoản nợ khác, như nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước; nợ xây dựng cơ bản; nợ cấp bù lãi suất; nợ hoàn thuế giá trị gia tăng và nợ bảo hiểm xã hội không được tính vào nợ công.
Ông Võ Hữu Hiển, Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính).
Khi xây dựng Luật Quản lý nợ công năm 2009 và Luật Quản lý nợ công sửa đổi hiện nay, tham khảo ý kiến của các tổ chức tài chính quốc tế như WB, ADB, IMF…, chúng tôi cũng đều được khuyến cáo, không đưa các khoản nợ khác ngoài 3 khoản nợ kể trên vào nợ công.
Nhưng đặc thù nợ công của Việt Nam rất khác so với thế giới. Đơn cử, trên thế giới chắc không có khoản nợ bảo hiểm xã hội?
Khoản nợ này đúng là rất đặc thù của Việt Nam, do trước năm 1995, Quỹ Bảo hiểm xã hội là một phần của ngân sách nhà nước (NSNN), nhưng từ năm 1995, Quỹ Bảo hiểm xã hội được tách ra, NSNN phải trả Bảo hiểm xã hội cho người lao động trước năm 1995, nhưng về hưu sau năm 1995 với tổng số tiền 22.090 tỷ đồng. Từ đó đến nay, đáng ra, hàng năm, NSNN phải trả dần số nợ này, nhưng do cân đối thu - chi chưa bao giờ hết căng thẳng, nên còn phải nợ lại cho đến tận bây giờ.
Để xử lý dứt điểm khoản nợ này trong giai đoạn 2018-2020, hiện có 2 phương án: trong kế hoạch tài chính trung hạn giai đoạn tới sẽ cân đối nguồn để trả nợ; nếu không cân đối được mà phải đi vay để trả nợ thì sẽ tính vào nợ công. Cũng như các đạo luật khác, Luật Quản lý nợ công cần phải ổn định, lâu dài, nên không quy định từng khoản cụ thể, mà xử lý những khoản này bằng các giải pháp khác nhau.
Vậy nợ xây dựng cơ bản cũng xử lý bằng giải pháp khác, nên không đưa vào nợ công?
Tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản của các bộ, ngành, địa phương chưa được bố trí vốn để xử lý trong kế hoạch tài chính trung hạn 2016 - 2020 là 39.080 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản là giai đoạn trước đầu tư dàn trải, đầu tư vào quá nhiều dự án, công trình, trong khi NSNN không có nguồn lực để bố trí đủ vốn. Ngoài ra, nhiều dự án gặp điều kiện thuận lợi, đặc biệt trong khâu giải phóng mặt bằng nên triển khai vượt tiến độ, nhưng NSNN chưa có nguồn thanh toán, cho dù Luật Đầu tư công quy định, NSNN sẽ bố trí vốn kế hoạch đầu tư công để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước ngày 1/1/2015.
Kể từ ngày 1/1/2015, theo Luật Đầu tư công, thì bộ, ngành, địa phương nào phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản phải tự bố trí vốn, tự tìm nguồn vốn để thanh toán, nên không tính nợ đọng xây dựng cơ bản vào nợ công. Nếu tính khoản nợ đọng xây dựng vào nợ công sẽ hết sức nguy hiểm, vì nợ công đã trạm trần (năm 2016, dư nợ công tương đương 64,73% GDP - tăng so với mức 62,2% của năm 2015) và sẽ không ngăn chặn được tình trạng đầu tư dàn trải, đầu tư nhưng không biết sẽ huy động vốn ở đâu. Luật Quản lý nợ công cần phải ổn định lâu dài, vì thế không đưa khoản nợ xây dựng cơ bản phát sinh trước thời điểm 1/1/2015 vào nợ công, mà sẽ tìm giải pháp khác để xử lý.
Thế còn khoản nợ cấp bù lãi suất mà ngân hàng thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao thì sao, thưa ông?
Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển huy động vốn trên thị trường (chủ yếu là phát hành trái phiếu chính phủ) với lãi suất 6-7%/năm, nhưng cho học sinh, sinh viên, người nghèo, mua nhà ở xã hội, tín dụng đầu tư… vay với lãi suất 2-3%/năm, phần chênh lệch lãi suất thì NSNN phải cấp bù. Các ngân hàng thương mại cho vay theo yêu cầu của Chính phủ như cho vay đóng tàu khai thác xa bờ, hay thu mua lúa gạo tạm trữ với lãi suất thấp hơn lãi suất huy động thì phần chênh lệch lãi suất được NSNN cấp bù.
Trong kế hoạch tài chính trung hạn, đầu tư công trung hạn, Quốc hội, Chính phủ bảo đảm đủ nguồn cấp bù lãi suất, không để nợ phát sinh, nên không đưa vào nợ công. Khác với trước đây, giai đoạn này, NSNN bảo đảm đủ nguồn cấp bù chênh lệch lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển vì trước đây, hai định chế tài chính này theo kế hoạch, tăng trưởng dư nợ hàng năm tối thiểu là 10%, tăng càng cao càng tốt. Dư nợ tăng bao nhiêu thì Bộ Tài chính phải đứng ra bảo lãnh cho hai ngân hàng này huy động vốn bấy nhiêu, khiến khoản cấp bù chênh lệch lãi suất hàng năm rất lớn, dẫn đến NSNN phải nợ khoản cấp bù lãi suất. Nhưng kể từ năm 2016 trở đi, Bộ Tài chính chỉ bảo lãnh cho hai ngân hàng này huy động vốn đúng bằng khoản huy động trước đây đã đến hạn trả nợ, nên áp lực cấp bù chênh lệch lãi suất giảm xuống, nợ đọng phát sinh sẽ xảy ra.
Doanh nghiệp xuất khẩu được hoàn thuế giá trị gia tăng, nhưng năm nào cũng bị nợ. Khoản nợ này NSNN chịu trách nhiệm trả, vì sao không tính vào nợ công?
Doanh nghiệp sản xuất đã nộp thuế giá trị gia tăng đầu vào, khi xuất khẩu thì NSNN phải trả lại tiền thuế đã nộp ở đầu vào. Trước đây, hàng năm, Quốc hội cân đối quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng, nhưng có những năm tốc độ xuất khẩu tăng rất mạnh, số tiền thuế phải hoàn vượt dự toán nên dẫn đến nợ nần, nhưng đều được chuyển qua năm sau xử lý hết. Kể từ năm 2017 trở đi, NSNN bảo đảm đủ nguồn hoàn thuế giá trị gia tăng từ tiền thuế giá trị gia tăng thu được từ hàng hóa nhập khẩu, nên không đưa khoản này vào nợ công.
Đối với nợ của doanh nghiệp nói chung, chứ không cứ gì doanh nghiệp nhà nước, không tính vào nợ công khoản nợ mà doanh nghiệp tự vay, tự trả, còn khoản nợ mà Chính phủ bảo lãnh hay cho doanh nghiệp vay lại nguồn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài vẫn được tính vào nợ công.
Trên thế giới, hầu như không nước nào tính khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước vào nợ công, chỉ có một số rất ít coi khoản nợ này là nợ công, nhưng chỉ đối với doanh nghiệp phục vụ công ích mà thôi.
Theo Mạnh Bôn/Báo Đầu tư