Luật Bảo hiểm Xã hội quy định số năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ 45% đối với lao động nữ là đủ 15 năm; đối với lao động nam thì thời gian đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ 45% quy định có lộ trình cụ thể năm 2018 đủ 16 năm, năm 2019 đủ 17 năm, năm 2020 đủ 18, năm 2021 đủ 19 năm, năm 2022 đủ 22 năm mới tương ứng với tỷ lệ 45%. Sau đó, đối với cả nam và nữ cứ mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2%, tối đa bằng 75%.
Qui định này chỉ còn vài tháng nữa có hiệu lực nhưng đến thời điểm này vẫn còn nhiều băn khoăn, tranh cãi. Nhiều người cho rằng, việc qui định như vậy sẽ bất lợi cho những người có gần đủ thời gian nghỉ hưu. Chính vì thế, thực tế đã có nhiều người “chạy” hồ sơ, thủ tục để được nghỉ hưu trước thời điểm 1/1/2018.
Vì sao lại có việc phải kéo dài thời gian đóng BHXH (đồng nghĩa với việc người lao động phải kéo dài thời gian công tác, lao động)? Ông Đỗ Ngọc Thọ - Phó trưởng ban thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), cho biết: “Trong bối cảnh già hóa dân số hiện nay, bài toán cân đối quỹ phải được đem ra bàn bạc cụ thể. Quỹ BHXH được hình thành trên cơ sở đóng góp của người tham gia và người sử dụng lao động dùng để trả lại quyền lợi cho người lao động. Vấn đề đặt ra là đóng góp – chi trả như thời gian vừa qua thì tính bền vững của quỹ đến đâu? Cụ thể, tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa của chúng ta thuộc hàng cao nhất thế giới. Các chuyên gia cũng nhiều lần đưa ra khuyến cáo Việt Nam cần phải thay đổi cách tính lương hưu để làm cho quỹ hưu trí, tử tuất bền vững hơn, không chỉ cho thế hệ này mà cả các thế hệ tiếp theo”.
Cho nên, theo ông Đỗ Ngọc Thọ, việc thay đổi cách tính lương hưu áp dụng từ 1/1/2018 là một bước để hướng tới mục tiêu cải thiện tình hình tài chính quỹ BHXH bền vững, an toàn hơn.
Để bảo đảm tính công bằng trong việc đóng – hưởng BHXH, theo ông Đỗ Ngọc Thọ, chúng ta cần xác định rõ tuổi lao động và tuổi nghỉ hưu. Hiện nay, tuổi nghỉ hưu bình quân của chúng ta thấp nhưng rất nhiều người nghỉ hưu rồi vẫn tiếp tục tham gia thị trường lao động, vẫn lao động để tạo thu nhập. Cho nên, hạ tuổi nghỉ hưu xuống nữa trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số của Việt Nam vào hàng nhanh nhất thế giới, tuổi thọ thì ngày càng tăng, tăng ở mức ngưỡng mộ là điều không thể. Trong khi tuổi nghỉ hưu này chúng ta duy trì suốt từ năm 1961-1962 đến nay thì cũng phải xem xét, đánh giá lại.
Giải thích cho lý do tuổi nghỉ hưu bình quân thấp, ông Đỗ Ngọc Thọ cho rằng, có nhiều người nghỉ hưu sớm theo diện suy giảm khả năng lao động nên cần có biện pháp hạn chế việc nghỉ hưu sớm. Đấy cũng là giải pháp đảm bảo cân đối quỹ tốt hơn. Nhưng thực tế, người lao động luôn muốn về hưu sớm để có phần lương hưu chắc chắn. Khi có lương hưu rồi họ quay trở lại lao động tạo thu nhập.
Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014 có lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu với những trường hợp nghỉ hưu sớm mà suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên. Có BHXH, BHYT, nếu để được nghỉ hưu sớm thì phải đi giám định. Vấn đề ở đây là hầu như mọi người đi giám định đều đạt tỷ lệ 61%.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho rằng, cần lưu tâm đến tỷ lệ giám định sức khỏe. Bởi một thủ tục đặt ra mà hầu như tất cả đều đạt thì cũng cần phải xem xét có cần thiết nữa hay không.
Cũng liên quan đến việc kéo dài thời gian làm việc, ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện công nhân Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), trích dẫn kết quả khảo sát với 5.000 phiếu hỏi được phát ra trong năm 2017, có gần 90% công nhân lao động trả lời rằng hãy thực hiện chế độ BHXH như hiện nay (55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi với nam, không kéo dài tuổi làm việc nữa).
“Họ nói rằng, trách nhiệm về quỹ BHXH là thuộc BHXH chứ không phải của chúng tôi, đã đóng rồi thì đến kỳ nghỉ phải được hưởng chứ không thể kéo dài rồi buộc chúng tôi phải làm thêm. Thậm chí họ còn nói những từ rất gay gắt như bắt chúng tôi làm thêm để hưởng bao nhiêu phần trăm…” – ông Vũ Quang Thọ cho biết thêm.
Chính vì thế, theo quan điểm của đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam, để bảo đảm an toàn quỹ, với phần đóng này chúng ta sẽ có những kỹ thuật để điều chỉnh chứ không nhất thiết phải kéo dài tuổi làm việc.
Theo Vũ Hạnh/VOV.VN