Vietcombank đẩy mạnh xây dựng văn hóa công sở, phát huy sức mạnh nguồn nhân lực

(Mặt trận) - Thời gian qua, Đảng bộ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam đã triển khai hiệu quả công tác xây dựng văn hóa công sở, phát huy sức mạnh nguồn nhân lực trong thời kỳ mới.

Tầm quan trọng và tình hình xây dựng văn hoá công sở cho đội ngũ cán bộ

Đại hội XIII của Đảng đề cập một cách sâu sắc, toàn diện mục tiêu, nội dung, biện pháp xây dựng văn hóa, con người Việt Nam nói chung, văn hóa công sở nói riêng; trong đó nhấn mạnh yêu cầu phải chú trọng xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn. Việc nâng cao văn hóa công sở cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên không chỉ là một yếu tố then chốt trong cải cách hành chính nhà nước mà còn đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nâng cao văn hóa công sở góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, Đảng viên, người lao động, đảm bảo tính chuyên nghiệp lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn. Thể hiện quyết tâm cao với trách nhiệm trong công tác xây dựng Đảng.

Vai trò, vị trí của văn hóa công sở, đúng như quan điểm nêu trong Nghị quyết Số 06 -NQ/ĐUK- Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười một Ban Chấp Hành Đảng bộ khối Doanh Nghiệp Trung Ương khoá III về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng về xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp trong Khối Doanh nghiệp Trung ương. Trong giai đoạn phát triển mới, Đảng ta đặt mục tiêu khơi dậy khát vọng xây dựng một đất nước phồn vinh và hạnh phúc, đồng thời phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đây cũng chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Đại hội XIII.

Xây dựng môi trường văn hoá công sở là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu

Công tác xây dựng văn hóa trong Đảng và doanh nghiệp luôn được coi trọng, đặc biệt là việc phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là lãnh đạo. Nhận thức về tầm quan trọng của việc xây dựng và thực hiện văn hóa công sở đã được nâng cao rõ rệt. Quan điểm "văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế - chính trị - xã hội" đã được thấm nhuần và thể hiện cụ thể trong các nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch của từng doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị.

Nâng cao văn hóa doanh nghiệp, văn hóa công sở, góp phần tiếp tục hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của cán bộ, đảng viên, người lao động. Tăng cường kỷ luật lao động đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó.

Phát triển con người là nền tảng của phát triển văn hóa

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng một thế hệ người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, phát triển và hội nhập. Thế hệ này cần mang trong mình những giá trị và chuẩn mực phù hợp, kết hợp hài hòa giữa các giá trị truyền thống và hiện đại như yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương và sáng tạo, đồng thời gắn kết chặt chẽ với việc gìn giữ và phát huy hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị quốc gia - dân tộc.

Về bản chất, các đặc trưng vốn có của văn hóa là từ con người, điều này được khẳng định rõ trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011): "Con người vừa là trung tâm, vừa là chủ thể của chiến lược phát triển”.

Muốn có môi trường văn hoá công sở tốt đẹp thì phải dựng xây thành công yếu tố con người và nhờ có môi trường lành mạnh, giàu tính nhân văn thì giá trị con người mới được đảm bảo, được phát huy tối đa sức mạnh tiềm tàng. Hai yếu tố này như có nhựa keo gắn kết thành một khối thống nhất, để cùng có một định hướng chung là phát triển văn hoá công sở toàn diện, bền vững và lớn mạnh không ngừng.

Phát huy giá trị văn hoá công sở nhằm nâng cao sức mạnh nguồn nhân lực trong sự nghiệp xây dựng Đảng vững mạnh.

Tại Hội nghị trực tuyến về việc học tập quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-ĐUK về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng về xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương”, Đồng chí Đỗ Việt Hùng - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Vietcombank đã nhấn mạnh: “Để Nghị quyết 06 của Đảng ủy Khối nhanh chóng được tuyên truyền, triển khai sâu rộng tại Vietcombank, Ban Thường vụ Đảng ủy đã xây dựng Kế hoạch, tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện nghị quyết nhằm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất nhận thức của các cấp ủy đảng và của cán bộ, đảng viên, người lao động, nhất là người đứng đầu trong việc phát triển và thực hiện văn hóa doanh nghiệp, văn hóa Vietcombank”.

 Đồng chí Đỗ Việt Hùng - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Vietcombank phát biểu tại Hội nghị.

Việc triển khai tốt Nghị quyết số 06 góp phần lan toả giá trị văn hoá, phát huy sức mạnh và tinh thần đoàn kết, cống hiến của cán bộ, Đảng viên, người lao động trong toàn Đảng bộ Vietcombank, tạo thành nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết, nhiệm vụ chính trị của đơn vị, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ Vietcombank đã không chỉ góp phần tạo nên một ngân hàng vững mạnh và uy tín mà còn hun đúc nên một văn hóa Vietcombank độc đáo với những giá trị riêng biệt. Trong đó, phong cách ứng xử chuyên nghiệp, thấm đượm tinh thần nhân văn chính là một trong những nét đặc trưng nổi bật, không thể trộn lẫn của Vietcombank.Do đó, Đảng bộ Vietcombank luôn chú trọng đề cao phát huy sức mạnh của nguồn nhân lực, phát triển nhân lực tối ưu là nền móng để xây dựng văn hoá Vietcombank vững bền.

Đảng bộ Trụ Sở Chính Vietcombank (Đảng bộ TSC VCB) tiên phong trong công cuộc xây dựng nền văn hóa công sở ổn định và vững mạnh

Trong điều kiện tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, Đảng bộ TSC VCB đã bám sát chỉ đạo của Đảng bộ Vietcombank, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy giá trị Văn hóa Vietcombank. Đảng bộ TSC VCB đã kịp thời tổ chức sinh hoạt, quán triệt các quan điểm của Đảng về văn hóa được nêu trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của việc xây dựng, thực hiện văn hóa doanh nghiệp nói chung và giá trị văn hóa Vietcombank nói riêng; lãnh đạo, chỉ đạo các chi bộ tiếp tục nghiên cứu, học tập chuyên đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đảng bộ TSC VCB đã triển khai thực hiện tốt các nội dung của cuốn Sổ tay Văn hóa Vietcombank và Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và Quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng, nhằm nâng cao ý thức cho cán bộ, Đảng viên, người lao động về tầm quan trọng và sự cần thiết thường xuyên phải tu dưỡng rèn luyện đạo đức nghề nghiệp; giúp cán bộ nắm được những nguyên tắc đạo đức cơ bản, các giá trị văn hóa cốt lõi của Vietcombank, rèn luyện nền nếp làm việc khoa học, xây dựng lối sống văn minh, tác phong chuyên nghiệp.

Đảng bộ TSC VCB nhận thức sâu sắc rằng việc xây dựng và phát triển văn hóa đóng vai trò then chốt, tạo nên sức mạnh nội sinh, là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của Vietcombank. Đảng bộ TSC VCB xác định rõ nhiệm vụ xây dựng, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu. Bằng việc gắn kết chặt chẽ mục tiêu xây dựng và thực hiện Văn hóa Vietcombank với các mục tiêu kinh doanh của hệ thống, Đảng bộ TSC VCB quán triệt và triển khai thực hiện kết luận số 157-KL/ĐU của Ban thường vụ Đảng ủy VCB về "tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong xây dựng và thực hiện văn hóa Vietcombank”, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng và toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động không ngừng hoàn thiện, phát triển và lan tỏa các giá trị văn hóa cốt lõi: Tin cậy - Chuẩn mực - Sẵn sàng đổi mới - Bền vững - Nhân văn. Qua đó, góp phần xây dựng phong cách ứng xử và lề lối làm việc chuẩn mực, đồng thời tích cực truyền tải những giá trị văn hóa tốt đẹp của Vietcombank đến cộng đồng, xây dựng một thương hiệu Vietcombank nhân văn, bền vững, trường tồn cùng đất nước.

Đảng bộ Trụ Sở Chính Vietcombank đề cao vai trò của cán bộ trong sự thành công của mọi tổ chức, và công tác cán bộ là yếu tố cốt lõi trong xây dựng Đảng. Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải có trình độ, năng lực và phẩm chất tốt, đáp ứng yêu cầu công tác, việc đào tạo và bồi dưỡng cán bộ cần được tiến hành một cách thường xuyên, có hệ thống và bài bản, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Do đó, Đảng bộ TSC luôn thể hiện quyết tâm cao với vị trí là cơ quan đầu não, có vai trò tiên phong, dẫn dắt và đóng góp quan trọng trong kết quả chung của Đảng bộ Vietcombank. Hàng năm, Đảng bộ TSC luôn đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương, chỉ thị của Đảng, tổ chức nhiều hoạt động giáo dục tư tưởng, truyền thống Cách mạng cho Đảng viên và người lao động. Đặc biệt công tác phát triển Đảng viên luôn được chú trọng và tổ chức với hình thức rất phong phú.

Đ/c Nguyễn Mạnh Hùng – Ủy viên BTV Đảng ủy Vietcombank, Bí thư Đảng ủy TSC, Thành viên HĐQT Vietcombank tặng hoa cho Giáo sư sử học Lê Văn Lan sau bài nói chuyện truyền cảm hứng tới cán bộ, Đảng viên, Người lao động trong buổi sinh hoạt chính trị ngày 19/08/2024.

Với nhận định rằng phát triển con người là nền tảng của phát triển văn hóa, Đảng Bộ Trụ Sở Chính Vietcombank đã không ngừng chú trọng xây dựng, phát triển nguồn nhân lực thông qua công tác đào tạo, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và nhất là chỉ đạo thực hiện tốt việc nâng cao môi trường văn hoá cho người lao động như tổ chức các hoạt động thể thao, hội thi văn hoá văn nghệ để tạo dựng sức khoẻ tinh thần phong phú, vui tươi lành mạnh, một trong những chương trình điển hình và tiêu biểu là cán bộ TSC VCB đã tham gia tích cực và xuất sắc đạt kết quả cao nhất trong: “Hội thi Văn hoá Vietcombank dưới ánh sáng tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh”

 Đội thi của Đảng bộ TSC VCB trình diễn trong Hội thi ‘’Văn hóa Vietcombank dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh’’ và xuất sắc nhận giải Nhất chung cuộc.

Chấp hành tốt các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và Nhà nước, thấm nhuần tư tưởng văn hoá công sở mà Đảng bộ VCB đã định hướng, cán bộ TSC Vietcombank luôn coi trọng mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người, giữ gìn đạo đức trong kinh doanh, tận tâm hết lòng vì công việc, đoàn kết giúp đỡ đồng nghiệp,…tất cả những tinh hoa đó là giá trị văn hoá được lớp lớp cán bộ Vietcombank giữ gìn và phát triển trong hơn 60 năm qua. Chính nhờ những giá trị quý giá này mà Vietcombank đã tạo nên sự khác biệt trên thương trường, vượt qua mọi khó khăn và gặt hái được những thành công rực rỡ như ngày hôm nay.

Việc xây dựng và tiếp tục bồi đắp các giá trị văn hoá doanh nghiệp đã và đang được Đảng bộ Trụ sở chính Vietcombank hết sức quan tâm, coi đó là nguồn động lực đặc biệt, là tài sản vô giá. Các giá trị văn hoá này đã được truyền tải vào hoạt động hàng ngày của cán bộ Trụ Sở Chính Vietcombank thông qua các cơ chế, chính sách, hoạt động nội bộ cũng như các sản phẩm dành cho khách hàng. Các cơ chế đó đã thẩm thấu tới từng cán bộ, chuyển hoá thành hành động, công việc cụ thể, qua đó đóng góp tích cực vào thành công chung của cả hệ thống Vietcombank.

Với tinh thần trách nhiệm, lòng tự trọng cao và với niềm tự hào là thành viên của Vietcombank, mỗi cán bộ luôn cùng nhau thực hiện tốt những quy chuẩn văn hoá của Vietcombank, cùng nhau xây dựng một ý thức, một phong cách sống và làm việc thật nhân văn. Nhờ đó, Vietcombank đã có thành quả tuyệt vời khi vinh dự nhận được tất cả các hạng mục trao giải của Ban Tổ chức giải thưởng “Nơi làm việc tốt nhất Châu Á” năm 2024 do HR Asia Magazine - Tạp chí Nhân sự uy tín hàng đầu châu Á trao tặng.

Đồng chí Hồng Quang - Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Khối Nhân sự đại diện Vietcombank nhận cúp vàng “Harmonia” từ Ban Tổ chức.

Giải thưởng này là sự công nhận xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng của hơn 22.000 cán bộ, nhân viên Vietcombank, những người đã và đang cùng nhau xây dựng một môi trường làm việc chuyên nghiệp, gắn kết, nhân văn và bền vững.

Để tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được và biến văn hóa doanh nghiệp thành động lực phát triển bền vững, Đảng bộ Vietcombank đã và đang tích cực triển khai các mục tiêu và giải pháp thiết thực, phù hợp với thực tế. Đồng chí Đỗ Việt Hùng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Vietcombank, đã có bài phát biểu tại Hội nghị ngày 11/08/2023, kêu gọi các cấp ủy Đảng chủ động và sáng tạo trong việc triển khai Nghị quyết của Đảng ủy Khối và Chương trình hành động của Đảng ủy Vietcombank, nhằm tăng cường sự lãnh đạo trong việc xây dựng và thực hiện văn hóa Vietcombank. Ông cũng nhấn mạnh việc gắn kết mục tiêu xây dựng văn hóa với các mục tiêu kinh doanh, hướng tới mục tiêu đến năm 2025, Vietcombank sẽ trở thành ngân hàng tiên phong đạt chuẩn "Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam".

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã nêu rõ: “Giữ gìn và phát triển văn hoá Vietcombank, xây dựng con người Vietcombank phát triển toàn diện là một trong số các mục tiêu quan trọng đã được nhấn mạnh nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng về xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp” theo Nghị quyết số 06-NQ/ĐUK ngày 28/4/2023. Việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người đã tạo nên sức mạnh nội sinh trong tiến trình xây dựng và phát triển bền vững của Vietcombank. Với vai trò đầu tàu trong tất cả các hoạt động của hệ thống Vietcombank trên cả nước và thị trường quốc tế, các cán bộ, Đảng viên, người lao động Trụ Sở Chính đã góp phần hình thành bản sắc văn hoá đặc trưng, rõ nét của con người Vietcombank: Tin cậy – Chuẩn mực – Đổi mới – Bền vững – Nhân văn. Các giá trị cốt lõi của văn hóa Vietcombank theo dòng chảy thời gian ngày càng được thấm nhuần, dần trở thành những chuẩn mực đạo đức, lối sống của từng cá nhân, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trong kinh doanh và góp phần xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh.

Đinh Thị Thanh Thanh

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều