Xây dựng Đề án thành lập thị trường carbon

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa có ý kiến về việc phê duyệt Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.
 Triển khai thực hiện tốt thị trường carbon giúp các doanh nghiệp và toàn xã hội thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí thấp, thúc đẩy phát triển công nghiệp phát thải thấp.

Cụ thể, tại văn bản 648/VPCP-NN ngày 26/1/2022, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ chế, chính sách tài chính để hình thành và vận hành thị trường carbon tại Quyết định số 1775/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ; trên cơ sở đó chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan xây dựng Đề án thành lập thị trường carbon trong nước đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo Tờ trình của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, trong thời gian qua có nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong nước đã tham gia thực hiện các dự án theo Cơ chế phát triển sạch, Cơ chế tín chỉ chung, cơ chế trao đổi tín chỉ carbon theo chương trình hợp tác và một số cơ chế trao đổi tín chỉ carbon tự nguyện khác. Thông qua việc thực hiện dự án các cơ chế này, các doanh nghiệp đã có thêm nguồn tài chính từ việc trao đổi, bán tín chỉ carbon, được tiếp nhận công nghệ phát thải thấp từ các nước phát triển.

Để có cơ sở trao đổi, mua bán tín chỉ carbon giữa các tổ chức, doanh nghiệp trong nước, góp phần thúc đẩy thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, việc phát triển thị trường carbon trong nước đã được đặt ra từ năm 2011 tại Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ carbon ra thị trường thế giới, ban hành kèm theo Quyết định số 1775/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Phát triển thị trường carbon trong nước được coi là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên nêu tại Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương năm 2013, Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2016. Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam chưa có nghĩa vụ bắt buộc phải cắt giảm phát thải khí nhà kính nên các doanh nghiệp không có nhu cầu mua tín chỉ carbon mà chỉ được trao đổi theo các cơ chế hợp tác với quốc tế.

Theo yêu cầu của Thỏa thuận Paris, Việt Nam phải thực hiện nghĩa vụ bắt buộc giảm phát thải khí nhà kính kể từ năm 2021 theo đóng góp do quốc gia tự quyết định, đặc biệt cần nỗ lực thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 theo cam kết tại Hội nghị COP 26. Các công cụ định giá carbon cần được triển khai áp dụng ở nước ta, trong đó có việc phát triển thị trường carbon trong nước.

Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10 đã quy định về tổ chức và phát triển thị trường carbon; lộ trình và thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước đã được quy định tại Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Theo Luật Bảo vệ môi trường, việc phát triển thị trường carbon trong nước bao gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính sẽ được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và có quyền trao đổi, mua bán trên thị trường carbon trong nước.

Triển khai các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính và phát triển thị trường carbon là xu thế tất yếu của thế giới. Để thực thi có hiệu quả quy định của Luật Bảo vệ môi trường về tổ chức và phát triển thị trường carbon, việc xây dựng và thực hiện Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam là hết sức cần thiết, nhằm cụ thể hóa các nội dung, hoạt động cần triển khai để thiết lập và vận hành thị trường carbon.

Triển khai thực hiện tốt thị trường carbon giúp các doanh nghiệp và toàn xã hội thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí thấp, thúc đẩy phát triển công nghiệp phát thải thấp, chuyển đổi mô hình nền kinh tế theo hướng carbon thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và thực hiện cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính theo quy định của Thỏa thuận Paris.

Theo Chí Kiên/Baochinhphu.vn

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều