|
Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, ngày 25/6/2018. Ảnh: Tạp chí Nội chính
|
Công tác kiểm tra, giám sát vừa là chức năng vừa là phương thức lãnh đạo, cầm quyền quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát là yêu cầu cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng nhấn mạnh yêu cầu: “phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm từ xa, từ sớm”1. Công tác kiểm tra, giám sát phải quán triệt yêu cầu này trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, trong đó có việc phòng ngừa, xử lý vi phạm trong tố cáo, giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên. Muốn thực hiện tốt việc ngăn chặn từ xa, từ sớm các vi phạm về tố cáo trong Đảng cần phải nhận diện rõ các yếu tố ảnh hưởng.
Các yếu tố chủ quan ảnh hưởng đến việc phòng ngừa, xử lý vi phạm trong tố cáo, giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên
Mục tiêu, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng
Mục tiêu, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp và có tính chất chi phối mọi hoạt động công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng nói chung và việc phòng ngừa, xử lý vi phạm trong tố cáo, giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên nói riêng. Phòng ngừa, xử lý vi phạm trong tố cáo, giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên nhằm nâng cao chất lượng giải quyết tố cáo trong Đảng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, góp phần phát huy dân chủ trong Đảng và trong xã hội, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Căn cứ vào mục tiêu, yêu cầu của việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra, tổ chức đảng, đảng viên thực hiện tốt việc phòng ngừa và xử lý vi phạm trong tố cáo và giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên. Khi cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra, tổ chức đảng, đảng viên phòng ngừa và xử lý vi phạm trong tố cáo và giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, yêu cầu của việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng.
Quan điểm, nguyên tắc, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về giải quyết tố cáo, xử lý vi phạm về tố cáo và giải quyết tố cáo
Quan điểm, nguyên tắc, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về giải quyết tố cáo nói chung và giải quyết, xử lý vi phạm về tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên nói riêng là chuẩn mực, cơ sở pháp lý phải tuân theo trong quá trình phòng ngừa, xử lý vi phạm về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Đảng. Hệ thống quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tố cáo và giải quyết tố cáo được ban hành đầy đủ, cụ thể, đồng bộ sẽ tác động thuận lợi cho việc giải quyết tố cáo, phòng ngừa, giải quyết vi phạm trong tố cáo và trong giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên. Hệ thống quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tố cáo và giải quyết tố cáo là căn cứ quan trọng để các chủ thể có thẩm quyền làm rõ ưu điểm, khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên, làm rõ đúng sai, trách nhiệm của tổ chức đảng và đảng viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao liên quan đến nội dung tố cáo. Từ đó, có cơ sở để xem xét, nhận xét, đánh giá, kết luận có hay không có vi phạm, nội dung, tính chất mức độ, tác hại và nguyên nhân của vi phạm để có hình thức biện pháp xử lý được công minh, chính xác, kịp thời. Như vậy, để thực hiện tốt việc phòng ngừa và xử lý đúng đắn những biểu hiện vi phạm trong tố cáo và giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên cần ban hành quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước kịp thời, khả thi.
Nhận thức và ý thức trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, uỷ ban kiểm tra và cán bộ kiểm tra các cấp về giải quyết tố cáo, phòng ngừa và giải quyết vi phạm về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên
Nhận thức và ý thức trách nhiệm của tổ chức đảng, cấp uỷ, nhất là người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên là yếu tố rất quan trọng để bảo đảm cho việc giải quyết tố cáo trong Đảng đạt được mục tiêu, chất lượng, hiệu quả, phòng ngừa và xử lý vi phạm trong tố cáo và giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên. Thực tiễn cho thấy, ở đâu cấp uỷ, nhất là đồng chí bí thư cấp uỷ có nhận thức đúng, thường xuyên quan tâm và nêu cao ý thức trách nhiệm trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, phát huy vai trò của các cơ quan tham mưu, tăng cường quản lý, giáo dục, động viên cán bộ, đảng viên tự giác chấp hành những quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tố cáo trong Đảng thì việc giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên có nền nếp, kịp thời; ở đó nội bộ tổ chức đảng đoàn kết thống nhất, tình hình ổn định, nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng đạt chất lượng, hiệu quả tốt hơn.
Nhận thức, ý thức trách nhiệm của uỷ ban kiểm tra và đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp có tính quyết định và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của công tác giải quyết tố cáo trong đảng và việc phòng ngừa, xử lý vi phạm trong tố cáo và giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên. Phòng ngừa, xử lý vi phạm trong tố cáo và giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên là nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của uỷ ban kiểm tra các cấp đã được quy định trong Điều lệ Đảng.
Trình độ, nhận thức, ý thức trách nhiệm của đảng viên bị tố cáo
Chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của việc phòng ngừa và xử lý vi phạm trong tố cáo và giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên có bảo đảm mục tiêu, yêu cầu hay không phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố về trình độ nhận thức, ý thức trách nhiệm và thái độ của đảng viên bị tố cáo. Nếu đảng viên bị tố cáo có nhận thức đúng đắn, thực sự cầu thị, bình tĩnh, nghiêm túc tự kiểm tra, giải trình nội dung sự việc bị tố cáo trung thực, đầy đủ, rõ ràng, kịp thời, tự giác tự phê bình, nhận sai lầm, khuyết điểm (nếu có) thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi, tích cực phối hợp và chấp hành nghiêm túc các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong giải quyết tố cáo đối với bản thân. Đồng thời, nếu có thiếu sót, khuyết điểm hoặc sai phạm thì thành khẩn nhận và quyết tâm sửa chữa, khắc phục, phấn đấu vươn lên, không mặc cảm với tổ chức và cán bộ giải quyết tố cáo, không định kiến, trả thù, trù dập người tố cáo mình.
Sự dân chủ trong Đảng, trình độ tự giác, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình trong Đảng
Mức độ phát huy dân chủ trong Đảng, trình độ tự giác, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình trong Đảng là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả và kết quả phòng ngừa và xử lý vi phạm trong tố cáo và giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên. Tự phê bình và phê bình vừa là quy luật tồn tại, phát triển của Đảng vừa là một nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của Đảng và thực hiện mở rộng, phát huy dân chủ trong Đảng nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, nhất là công tác giải quyết tố cáo, phòng ngừa và xử lý vi phạm.
Khi thực hiện nhiệm vụ giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên, cấp uỷ, tổ chức đảng bảo đảm dân chủ trong sinh hoạt, hoạt động, nếu cán bộ, đảng viên phát huy tốt tự phê bình và phê bình thì có tác dụng tích cực và có tính quyết định đến chất lượng, hiệu quả, kết quả của từng cuộc giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên. Tự phê bình và phê bình trong giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên không chỉ có tác dụng đối với người tố cáo, đối tượng bị tố cáo mà còn có tác dụng với chính tổ chức đảng, cán bộ giải quyết tố cáo và tổ chức đảng quản lý đối tượng bị tố cáo.
Các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến việc phòng ngừa, xử lý vi phạm trong tố cáo, giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên
Ý thức, trách nhiệm và thái độ của người tố cáo tổ chức đảng, đảng viên
Ý thức, trách nhiệm và thái độ của người tố cáo đối với tổ chức đảng, cán bộ giải quyết tố cáo và với đối tượng bị tố cáo ảnh hưởng lớn đến hiệu quả, kết quả công tác giải quyết tố cáo trong Đảng. Khi người tố cáo nêu cao ý thức, trách nhiệm của người đảng viên, của công dân đối với công tác xây dựng Đảng thì không cố ý tố cáo sai sự thật; kích động, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; mạo danh người khác để tố cáo; lợi dụng việc tố cáo để phát tán đơn tố cáo không đúng địa chỉ tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giải quyết tố cáo. Lợi dụng việc tố cáo để tuyên truyền chống Đảng và Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Đảng và Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; xuyên tạc, vu khống, gây rối an ninh, trật tự, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Khi người tố cáo tổ chức đảng và đảng viên có ý thức, trách nhiệm xây dựng Đảng thì sẽ báo cáo trung thực sự việc, cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ, có động cơ và hành động đúng, không thêu dệt, không lồng động cơ cá nhân. Người tố cáo chủ động phối hợp công tác, tạo điều kiện cho tổ chức đảng có thẩm quyền giải quyết tố cáo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; có bản lĩnh, không bị gây sức ép từ người bị tố cáo sẽ góp phần làm cho công tác giải quyết tố cáo thuận lợi, phòng ngừa các vi phạm nảy sinh trong tố cáo và quá trình giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên. Ý thức, trách nhiệm và thái độ đúng đắn của người tố cáo có tác động tích cực đến đảng viên, tổ chức đảng bị tố cáo, làm cho đối tượng bị tố cáo phải tự giác trình bày trung thực, khách quan, đầy đủ về nội dung tố cáo với tinh thần thành khẩn, thực sự cầu tiến bộ và thái độ chân thành, sẵn sàng phối hợp để làm rõ sự việc.
Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ việc phòng ngừa và xử lý vi phạm trong tố cáo và giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên
Trong điều kiện khoa học, công nghệ phát triển vượt bậc, nhất là trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm thay đổi khá nhanh và lớn về phương pháp tư duy, cách thức làm việc của con người. Việc phòng ngừa và xử lý vi phạm trong tố cáo và giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên ngày càng phức tạp, khó khăn, đòi hỏi phải ứng dụng mạnh mẽ thành tựu khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin trong quá trình cán bộ kiểm tra gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi, làm việc, đối thoại với người tố cáo, đối tượng bị tố cáo (tổ chức đảng, đảng viên) và tổ chức đảng, tổ chức, cá nhân có liên quan đến nội dung, đối tượng tố cáo. Cán bộ kiểm tra cần được trang bị các điều kiện, phương tiện làm việc hiện đại để có thể kịp thời tiếp nhận, phân tích, xử lý thông tin và tiến hành thẩm tra, xác minh một cách chính xác về sự đúng sai của nội dung tố cáo.
Trình độ dân trí và dân chủ trong xã hội tác động tích cực đến việc phòng ngừa và giải quyết vi phạm trong tố cáo và giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên
Trình độ dân trí và dân chủ trong xã hội được nâng lên và phát huy cũng là một yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của công tác giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên, trong đó có việc phòng ngừa và xử lý vi phạm về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Đảng. Tố cáo tổ chức đảng, đảng viên là quyền và trách nhiệm của mọi cán bộ, đảng viên và công dân. Khi trình độ dân trí trong xã hội ngày càng được nâng lên sẽ bảo đảm cho việc phát huy dân chủ trong xã hội, phát huy vai trò, trách nhiệm xây dựng Đảng của các tổ chức trong hệ thống chính trị và của Nhân dân. Nhân dân có tinh thần, trách nhiệm tham gia công tác xây dựng Đảng, thực hiện đúng các yêu cầu khi tố cáo tổ chức đảng và đảng viên thì sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết tố cáo trong Đảng, trong đó có việc phòng ngừa và xử lý vi phạm về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Đảng.
Nhìn chung, có nhiều yếu tố khách quan và chủ quan tác động đến việc phòng ngừa và xử lý vi phạm về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Đảng. Nhận diện rõ các yếu tố tác động đến phòng ngừa và xử lý vi phạm về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Đảng để có các biện pháp, cách thức phù hợp, hiệu quả nhằm phòng ngừa và xử lý vi phạm về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Đảng. Trong các yếu tố tác động, yếu tố nhận thức và ý thức trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, uỷ ban kiểm tra và cán bộ kiểm tra các cấp về phòng ngừa và xử lý vi phạm về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Đảng là yếu tố quan trọng nhất, tác động mạnh mẽ nhất đến chất lượng, hiệu quả của việc phòng ngừa và xử lý vi phạm về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Đảng.
Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.247.
Lê Thị Minh Hà
TS, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh