Thực hiện tốt phương pháp dân vận Hồ Chí Minh để hoạch định chủ trương, chính sách hợp lòng dân ​

Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về công tác dân vận đã xác định 3 mục tiêu, 8 nhiệm vụ trọng tâm và 35 nhóm giải pháp chủ yếu cần nghiên cứu, cụ thể hóa để tham mưu đề xuất, hướng dẫn và chủ trì tổ chức thực hiện, bảo đảm góp phần quan trọng thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (1954) - Nguồn: baobinhphuoc.com.vn

1- Trong tác phẩm “Dân vận” - tác phẩm được coi là “Cương lĩnh” về công tác dân vận của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”(1). Cho nên, cần hiểu công tác dân vận là khoa học về hoạt động lãnh đạo, là một nhiệm vụ cơ bản có ý nghĩa chiến lược, có tính quy luật của Đảng để tuyên truyền, giáo dục, vận động, tập hợp tất cả lực lượng của mỗi một người dân góp thành khối đại đoàn kết toàn dân tộc và xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Phương pháp dân vận Hồ Chí Minh là hệ thống các nguyên tắc xuất phát từ các quy luật vận động và tồn tại của nhân dân đã được nhận thức, để Đảng định hướng và điều chỉnh quá trình nhận thức và hoạt động của nhân dân nhằm đạt mục đích đã định. Phương pháp dân vận Hồ Chí Minh chính là phương pháp cụ thể mà Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn, sử dụng để “làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ của mình, biết dùng quyền dân chủ, dám nói, dám làm”(2). 

Có 3 yếu tố bảo đảm của phương pháp dân vận Hồ Chí Minh: Thứ nhất, chủ thể lãnh đạo là Đảng lãnh đạo, cầm quyền; thứ hai, nguyên tắc điều chỉnh hành động là dân chủ theo tư tưởng Dân là gốc, Dân là chủ và Dân làm chủ; thứ ba, mục tiêu hành động là tạo nên sức mạnh toàn dân trong giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ là Dân là chủ và Dân làm chủ. Cho nên vấn đề nguyên tắc phương pháp luận trong phương pháp thực hành dân chủ của Người là thực hiện cải cách xã hội để thực hiện dân chủ thực sự; thực hiện dân chủ nhân dân, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; thực hiện đấu tranh với những hiện tượng mất dân chủ trong xã hội; thực hiện “Dân vận khéo” là một phương pháp để phát huy dân chủ; thực hiện quyền tự do tư tưởng. 

2- Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phương pháp lãnh đạo đúng là phương pháp Đảng lãnh đạo việc đề ra được đường lối, chính sách đúng đắn, phù hợp với lợi ích và nguyện vọng của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đây là vấn đề quan trọng nhất và là nguồn gốc của mọi thắng lợi của cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Cho nên việc Đảng đề ra đường lối, chính sách đúng đắn phù hợp với lợi ích và nguyện vọng của nhân dân là quan trọng nhất và là nguồn gốc của thắng lợi. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách lãnh đạo bằng việc đề ra đường lối, chính sách như vậy mới là cách lãnh đạo đúng và phương pháp để có chính sách đúng là mỗi chính sách phải dựa vào ý kiến, kinh nghiệm của nhân dân, phải nghe theo nguyện vọng của dân chúng, tức cần có phương thức thích hợp để khéo tập trung ý kiến của quần chúng, hóa nó thành đường lối để lãnh đạo quần chúng. Sự chỉ dẫn đó đã nâng cao sự hiểu biết và kỹ năng thực hiện công tác dân vận của mỗi cán bộ, đảng viên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Gom góp ý kiến và kinh nghiệm trong sự chỉ đạo từng bộ phận, đem làm ý kiến chung. Rồi lại đem ý kiến chung đó để thí nghiệm trong các bộ phận. Rồi lại đem kinh nghiệm chung và mới, đúc thành chỉ thị mới... Biết làm như vậy thật là biết lãnh đạo”(3). Theo Người, biết lãnh đạo là phải luôn luôn quán triệt, thấm nhuần sâu sắc rằng: “lực lượng của dân rất to” và “việc dân vận rất quan trọng”, “Dân vận kém thì việc gì cũng kém” và “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Vì vậy, sau khi có đường lối và chính sách đúng “phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ rằng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”(4) đi đôi với “dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị”(5) để vận động nhân dân thực hiện.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ và tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo. Do đó, Đảng Cộng sản Việt Nam có vai trò lãnh đạo, xây dựng Nhà nước thực sự là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Theo Người, nhà nước của nhân dân là nhà nước trong đó nhân dân làm chủ, nhân dân có địa vị cao nhất và có quyền quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước; nhà nước do nhân dân là nhà nước do nhân dân tự tổ chức ra, từ nhân dân mà ra và dựa vào nhân dân mà hoạt động; nhà nước vì nhân dân là nhà nước phục vụ nhân dân và đem lại lợi ích cho nhân dân, hết sức làm những gì có lợi cho nhân dân và hết sức tránh những gì có hại cho nhân dân.

Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu sự lãnh đạo phải dân chủ, thiết thực, cụ thể và toàn diện theo đúng đường lối quần chúng của Đảng, dân chủ với nhân dân và vì nhân dân, để sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng mãi trường tồn. Theo Người, để “vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”, Đảng phải lãnh đạo thực hiện tốt những cách thức công tác dân vận sau đây:

Phải có chỉ thị, mít-tinh, báo chương, sách vở, khẩu hiệu, truyền đơn. Phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ rằng: việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được. Bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân thi hành. Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng.

Qua đó, có thể thấy Người yêu cầu những nội dung, nhiệm vụ và biện pháp thực hiện của công tác dân vận rất khoa học, cụ thể. Trước hết, phải có chủ trương đúng, có hành động cụ thể và phương tiện thích hợp để tuyên truyền rộng rãi những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, động viên toàn dân tham gia. Tiếp đó, là toàn bộ quy trình của công tác dân vận, nhằm làm cho chủ trương của Đảng đến với người dân, để tâm tư, nguyện vọng của nhân dân lại trở về với Đảng, tạo thành quan hệ khăng khít, mật thiết.

Chỉ có như vậy, sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân mới tạo nên sức mạnh của Đảng vì nhân dân là gốc, nhân dân là chủ và nhân dân làm chủ. Với quan điểm nhất thiết Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đây không chỉ là tiêu chuẩn của một đảng cách mạng chân chính, mà còn là một trong những quy luật tồn tại và phát triển của Đảng ta. Đảng phải lãnh đạo nhân dân thực hiện đường lối cách mạng do Đảng đề ra; lãnh đạo xây dựng Cương lĩnh chính trị, Hiến pháp, pháp luật, cơ chế phát huy vai trò làm chủ của nhân dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”; lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng theo yêu cầu khoa học hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa, đa dạng hóa các hình thức tổ chức, tập hợp và vận động nhân dân; lãnh đạo nhân dân làm tốt nhiệm vụ giám sát, phản biện và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nhất là xây dựng các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia phòng, chống quan liêu và tham nhũng, chủ nghĩa cá nhân và hành vi lạm quyền của cán bộ, để giữ vững bản chất cách mạng của Đảng ta. 

Phương pháp dân vận Hồ Chí Minh có ý nghĩa quyết định để củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân các dân tộc đối với Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân ta, góp phần chăm lo ngày càng đầy đủ đời sống, quyền lợi và hạnh phúc của nhân dân.

3- Vì nhân dân, dựa vào nhân dân, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân là vấn đề có tính nguyên tắc, là phương pháp tư duy và hành động để xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước thực sự là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ tư cách một đảng cách mạng chân chính, đó là “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”(6). Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc thì Đảng không có lợi ích gì khác. Cho nên Đảng phải ra sức tổ chức nhân dân, lãnh đạo nhân dân để giải phóng nhân dân và ngày càng nâng cao sinh hoạt, văn hóa, chính trị của nhân dân. Vì “toàn dân được giải phóng, tức là Đảng được giải phóng”(7). Trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội II của Đảng (tháng 02-1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam. Điều này cho thấy, Đảng ta có nền tảng xã hội sâu rộng và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân đã có ngay từ buổi bình minh của Đảng, đòi hỏi Đảng phải có trách nhiệm dẫn đường và là đầy tớ trung thành của nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở: “Chính phủ Cộng hòa Dân chủ là gì? Là đày tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Làm việc ngày nay không phải là để thăng quan, phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”(8). Điều đó thể hiện sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc kết hợp một cách chặt chẽ ba bộ phận cấu thành Đảng ta và phát triển nội hàm của mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, coi đây là nguyên tắc cơ bản, nguyên tắc bất di bất dịch đối với việc xây dựng một chính đảng cách mạng chân chính, một đảng luôn chăm lo xây dựng nền tảng chính trị tư tưởng và đạo đức cách mạng của mình, vì nhân dân mà trọn đời cống hiến. Vì nhân dân và dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước là một tư tưởng lớn, ở tầm chiến lược, là điều cốt yếu và hệ trọng của lý luận về Đảng lãnh đạo, cầm quyền, phản ánh rất rõ mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân mà then chốt là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên biết làm gương, giáo dục, thuyết phục và vận động nhân dân.

Tư tưởng Hồ Chí Minh đã được chuyển hóa thành đường lối cách mạng của Đảng ta, theo đó tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân luôn là một chủ trương chiến lược và một vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn luôn kết hợp chặt chẽ sự lãnh đạo của Đảng với phát huy nghị lực sáng tạo của nhân dân; điều tạo nên sức mạnh của Đảng là mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân và có những cơ chế tổ chức thích hợp để nhân dân các dân tộc sáng tạo ra lịch sử của mình một cách tự giác theo đường lối của Đảng. Hiện nay, các cấp ủy, tổ chức đảng đã tổ chức để nhân dân xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, góp ý kiến vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Cương lĩnh chính trị của Đảng, Hiến pháp, các văn kiện đại hội đảng các cấp và dự án luật. Thực hiện quyền làm chủ của nhân dân thực chất là tôn trọng con người, phát huy sự sáng tạo và mọi lực lượng của nhân dân trong công cuộc đổi mới đất nước, bảo đảm sự tham gia rộng rãi và thường xuyên của nhân dân vào các công việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

4- Đại hội XII của Đảng đã đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng Đảng, trong đó có nhiệm vụ tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Trước yêu cầu ngày càng cao của công tác dân vận trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi mỗi cán bộ trong hệ thống chính trị nói chung, mỗi cán bộ dân vận nói riêng, phải nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn phương pháp dân vận Hồ Chí Minh; để nâng cao năng lực công tác, đề xuất những chủ trương, giải pháp và chỉ đạo tổ chức thực hiện, giải quyết có hiệu quả nhất những nhiệm vụ đặt ra. 

Ngày 27-5-2016, tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Xóa bỏ nhận thức sai lầm cho rằng công tác vận động nhân dân chỉ là biện pháp tổ chức, động viên nhân dân thực hiện chính sách của Đảng. Đối với những chủ trương có quan hệ trực tiếp tới đời sống nhân dân, cấp ủy cần lắng nghe ý kiến nhân dân trước khi quyết định. “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” phải trở thành khẩu hiệu hành động, thành phương châm công tác vận động nhân dân. Phải thực hiện đúng nguyên tắc: Chính sách của Đảng phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng và trình độ của nhân dân. Ngay cả trường hợp chính sách đúng rồi mà dân chưa hiểu, chưa đồng tình thì phải ra sức tuyên truyền, giải thích cho dân, biết chờ đợi dân; kịp thời điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thực tế cuộc sống. Mặt khác, các cấp ủy, các cơ quan chính quyền có biện pháp tích cực giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân, có ý thức và thái độ đúng đắn với nhân dân, yêu thương, gần gũi, tôn trọng, lắng nghe nhân dân; có chương trình, kế hoạch tiếp dân, giải quyết tốt các đơn, thư khiếu tố, các yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của dân; trừng trị nghiêm minh, thích đáng những hiện tượng trù dập, ức hiếp quần chúng”(9).

Thực hiện tốt phương pháp dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh, công tác dân vận, công tác dân tộc cần tuân thủ những định hướng sau để hoạch định được những chủ trương, đường lối hợp lòng dân và hiện thực hóa chúng trong thực tiễn.

Một là, tôn trọng tín ngưỡng, phong tục, tập quán của mỗi dân tộc, điều tra, nắm rõ đặc điểm tình hình chung và những khác biệt cụ thể của từng vùng, từng dân tộc về mọi mặt để định ra những chủ trương, kế hoạch thích hợp mà thực hiện; báo cáo, xin chỉ thị cấp trên đối với các vấn đề quan trọng, chống thái độ và cách làm giản đơn hoặc rập khuôn máy móc.

Hai là, công tác tuyên truyền, thuyết phục phải có tình, có lý, đúng luật pháp, thực hiện tự phê bình, có thái độ cầu thị và đối thoại trong tiếp xúc với cán bộ và đồng bào các dân tộc; phòng và chống tư tưởng “dân tộc lớn”; phòng và chống tư tưởng “dân tộc hẹp hòi”, khắc phục sự tự ti và mặc cảm dân tộc.

Ba là, cần có sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, đồng bộ, kiên trì, kiên quyết, triệt để trong vận động đồng bào các dân tộc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước để gây dựng sự tin tưởng cho đồng bào.

Bốn là, phổ biến đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách rộng rãi trong Đảng và nhân dân, nâng cao nhận thức của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước, nghe dân nói và nói cho dân hiểu, gương mẫu và làm cho dân tin, tạo được sự đồng tình và ủng hộ của đa số nhân dân các dân tộc, tập hợp và phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Năm là, công tác dân vận của Đảng và những người làm công tác dân vận phải luôn kết hợp chặt chẽ ba biện pháp giáo dục thuyết phục, nâng cao đời sống kinh tế nhân dân và thực hiện hành chính công khai, minh bạch trong công tác vận động nhân dân.

 

-----------------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 6, tr. 232.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 293.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 331.

(4), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 232, 234.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 289.

(7), (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 290, 74 – 75.

(9) Tạp chí Cộng sản Chuyên đề cơ sở, số 114 (6-2017), tr. 7 – 8.

Thào Xuân Sùng

TS, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam


Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều