Trong bối cảnh đó, bám sát sự lãnh đạo của Đảng, với tinh thần quyết tâm, chủ động, hệ thống Mặt trận các cấp không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, triển khai, hoàn thành nhiệm vụ đã đề ra theo kế hoạch và các nhiệm vụ phát sinh. Trước những thành công đó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xin giới thiệu 10 hoạt động và sự kiện nổi bật của công tác Mặt trận năm 2023.
1. Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/11/2023 về “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”.
Nghị quyết số 43 - NQ/TW đặt ra quan điểm: Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, đường lối chiến lược quan trọng, xuyên suốt của Đảng; nguồn sức mạnh to lớn, nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nền tảng vững chắc của đại đoàn kết toàn dân tộc là liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo; là mối quan hệ bền chặt giữa Đảng và Nhân dân, là niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; là đoàn kết trong Đảng, đoàn kết giữa các giai tầng xã hội, giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam, giữa đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo, giữa những người theo các tôn giáo khác nhau, giữa người Việt Nam ở trong và ngoài nước; là đoàn kết giữa Nhân dân Việt Nam và Nhân dân yêu chuộng hoà bình, tiến bộ trên thế giới.
Lấy mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc; trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 làm điểm tương đồng để động viên, cổ vũ Nhân dân đồng lòng, chung sức thực hiện vì tương lai của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân.
Đại đoàn kết toàn dân tộc phải gắn với phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của Nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Giải quyết tốt quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, nâng cao cuộc sống của Nhân dân; bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các dân tộc, các giai tầng xã hội và của mỗi người dân trong tiếp cận cơ hội, đóng góp cho đất nước và thụ hưởng thành quả phát triển.
Đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm của Đảng và cả hệ thống chính trị. Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng đoàn kết trong hệ thống chính trị, đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội giữ vai trò nòng cốt chính trị trong tập hợp, đoàn kết, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, tiềm năng, sức sáng tạo của Nhân dân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nghị quyết số 43 - NQ/TW đặt ra mục tiêu: Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
|
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước truyền đạt chuyên đề "Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc"
|
Nghị quyết cũng đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: (1) Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và Nhân dân về vị trí, tầm quan trọng của việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; (2) Hoàn thiện chủ trương, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước; (3) Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; tăng cường đoàn kết trong Đảng, giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; (4) Nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước trong phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; (5) Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tiềm năng và sức sáng tạo của Nhân dân; (6) Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước; (7) Tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả.
2. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản Cuốn sách "Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc" của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
|
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện nghi thức bấm nút ra mắt và phát hành bản điện tử cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
|
Ngày 18/11/2023, nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2023), đồng thời góp phần quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách "Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc" của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nội dung cuốn sách gồm bài Tổng quan và 75 bài nói, bài viết, bài phát biểu tiêu biểu, bài trả lời phỏng vấn, thư, lời kêu gọi cùng với 142 bức ảnh phản ánh sinh động các chuyến thăm và làm việc ở địa phương, cơ sở tại 63 tỉnh, thành phố của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cuốn sách thể hiện tư duy nhất quán của người đứng đầu Đảng ta về xây dựng, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, được minh chứng qua việc thực hiện phong phú, với sự chỉ đạo rất sâu sát, cụ thể của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với từng giai cấp, tầng lớp, với các tổ chức, với nhân dân Việt Nam trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài.
|
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến và Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng tặng cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho đại biểu tham dự Lễ ra mắtcuốn sách "Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc" của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
|
Với 748 trang, cuốn sách gồm ba phần: Phần thứ nhất: "Đại đoàn kết toàn dân tộc - Sức mạnh nội sinh, nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"; Phần thứ hai: "Phát huy vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước"; Phần thứ ba: "Phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân, các địa phương, đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc đổi mới đất nước".
Cuốn sách là tài liệu quý về xây dựng và phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến trong cán bộ, đảng viên, nhân dân và toàn hệ thống chính trị về chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước đối với nhiệm vụ phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
|
Đại biểu tham dự cùng thảo luận về nội dung cuốn sách "Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc" của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
|
3. Bộ Chính trị ban hành nhiều văn bản quan trọng về hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:
(i) Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được nâng cấp trực thuộc Bộ Chính trị:
Tại Quy định số 97-QĐ/TW ngày 7/2/2023 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ công tác của Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng ở Trung ương, nội dung Quy định nêu rõ: Đảng đoàn, ban cán sự đảng ở Trung ương là tổ chức đảng do Bộ Chính trị, Ban Bí thư thành lập, chịu sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thực hiện chức năng lãnh đạo, chỉ đạo đối với cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và một số hội quần chúng ở Trung ương do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng và các quy định, hướng dẫn của Trung ương.
Đảng đoàn, ban cán sự đảng do Bộ Chính trị quyết định thành lập gồm Đảng đoàn Quốc hội; Ban cán sự đảng Chính phủ và Đảng đoàn MTTQ Việt Nam.
Thành viên đảng đoàn, ban cán sự đảng do Bộ Chính trị quyết định trên cơ sở đề nghị của đảng đoàn, ban cán sự đảng. Trong đó, thành viên Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, trưởng các tổ chức chính trị - xã hội, các Ủy viên Trung ương Đảng (chính thức và dự khuyết) tham gia Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Phó Bí thư Đảng đoàn.
|
Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định số 120-QĐ/TW của Bộ Chính trị quy định chức năng, nhiệm vụ tổ chức bộ máy của cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam
|
(ii) Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 120-QĐ/TW ngày 6/9/2023 quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Đây là quyết định mang tính lịch sử và đánh dấu bước ngoặt mới của Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam, định danh rõ cơ cấu tổ chức, bộ máy của Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Theo đó, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch chuyên trách. Đồng chí Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam được phân công là Thủ trưởng cơ quan.
Cơ cấu tổ chức Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam gồm các ban, đơn vị chuyên môn: Ban Tổ chức - Cán bộ; Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội; Ban Tuyên giáo; Ban Phong trào; Ban Dân tộc; Ban Tôn giáo; Ban Đối ngoại và Kiều bào; Ban Công tác phía Nam; Văn phòng cơ quan; Văn phòng Đảng đoàn.
Các đơn vị sự nghiệp gồm Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận; Bảo tàng MTTQ Việt Nam; Báo Đại đoàn kết; Tạp chí Mặt trận; Các tổ chức hỗ trợ cho hoạt động Tôn giáo gồm: Văn phòng Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Báo người Công giáo Việt Nam. Ban Thường trực thành lập các Hội đồng tư vấn, thực hiện chế độ chuyên gia, cán bộ biệt phái, cộng tác viên phục vụ cho hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
4. Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 25/5/2023 về lãnh đạo Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029.
|
Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị xin ý kiến các vị nguyên lãnh đạo MTTQ Việt Nam về định hướng xây dựng Báo cáo chính trị và sửa đổi Điều lệ MTTQ Việt Nam chuẩn bị cho Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X nhiệm kỳ 2024-2029
|
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành Đề án tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029; Hướng dẫn MTTQ các tỉnh, thành phố tổ chức Đại hội MTTQ các cấp; thành lập các tiểu ban, tổ giúp việc chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X; Kế hoạch chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029; xây dựng Kế hoạch, tổ chức nghiên cứu 5 chuyên đề tổng kết Chương trình hành động Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX và chuyên đề “Hoạt động của MTTQ Việt Nam qua hơn 35 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới”; tiến hành khảo sát tại một số địa phương, tổ chức các Hội nghị xin ý kiến về định hướng xây dựng báo cáo chính trị và sửa đổi Điều lệ MTTQ Việt Nam.
|
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức các Đoàn khảo sát xây dựng văn kiện và sửa đổi Điều lệ trình Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X
|
Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tích cực triển khai chuẩn bị tổ chức Đại hội MTTQ các cấp theo tinh thần Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về lãnh đạo Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029. Hiện nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đang triển khai công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội điểm cấp xã.
|
Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng được tỉnh Lào Cai lựa chọn tổ chức Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam cấp xã, nhiệm kỳ 2024 - 2029
|
5. Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-ĐCT-MTTW ngày 01/8/2003 của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” và ban hành Nghị quyết số 26/NQ/ĐCT-MTTW ngày 11/11/2023 về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư.
Sau 20 năm tổ chức, Ngày hội đã góp phần quan trọng trong thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua từng thời kỳ. Việc tổ chức Ngày hội luôn nhận được sự quan tâm, ghi nhận của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức thành viên và sự cố gắng nỗ lực của đội ngũ cán bộ Mặt trận từ Trung ương đến cơ sở, đó là nguồn cổ vũ, động viên to lớn cả về vật chất và tinh thần cho Nhân dân ở mỗi cộng đồng dân cư.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chung vui Ngày hội đại đoàn kết với bà con thôn Thượng Điền, xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng - tháng 11/2017
|
|
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chung vui Ngày hội đại đoàn kết với người dân Liên khu dân cư xã Suối Trai, huyện Sơn Hoà, tỉnh Phú Yên - tháng 11/2023 (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
|
Nhiều đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các vị Ủy viên Trung ương, lãnh đạo các ban, bộ, ngành và địa phương đã về chung vui cùng với Nhân dân ở cả phần lễ và phần hội với sự đổi mới cả nội dung và hình thức. Theo số liệu thống kê, ở Trung ương trong 20 năm qua, đã có 731 lượt các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương tham dự Ngày hội tại hơn 1.650 khu dân cư thuộc 63/63 tỉnh, thành phố. Tại các địa phương, hầu hết các đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể các cấp đã tham dự Ngày hội.
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc liên khu dân cư các bản Sà Dề Phìn, Hắt Hơ, Sảng Phìn, Mao Sao Phìn thuộc xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu - tháng 11/2023
|
Cùng với đó, nhiều tỉnh, thành phố và các địa phương, cơ sở đã có sáng kiến lựa chọn chủ đề tổ chức Ngày hội theo từng năm. Giai đoạn 2003- 2023, trung bình hàng năm có trên 87% số khu dân cư trên địa bàn cả nước tổ chức Ngày hội (nhiều tỉnh thành phố trong nhiều năm liền có 100% khu dân cư trong toàn tỉnh/thành phố tổ chức Ngày hội), trong đó có trên 75% số khu dân cư tổ chức tốt cả phần Lễ và phần Hội; trên 62% số khu dân cư tổ chức được “Bữa cơm Đại đoàn kết”.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu chung vui Ngày hội đại đoàn kết với người dân Khu dân cư số 10, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng - tháng 11/2023
|
Ngày 28/9/2023, phát biểu tại Hội nghị Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam về tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khẳng định, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là một trong những biểu hiện rất sinh động kết quả của quá trình phấn đấu, nỗ lực không ngừng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ khi ra đời đến nay, đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày hội là hoạt động thiết thực, có hiệu quả và đã hiệu triệu, thu hút được sự tham gia tự nguyện, rộng rãi, đông đảo nhất của các tầng lớp nhân dân; phát huy được quyền làm chủ của Nhân dân với vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
|
Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương dựHội nghị Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam về tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư
|
6. Tổ chức thực hiện đề án vận động, hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên và các tỉnh Tây Bắc, thiết thực kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024).
Với chủ đề “Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc”, ngày 13/5/2023, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ trì tổ chức Lễ phát động ủng hộ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên. Đây là sự kiện đặc biệt mở đầu cho các hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024).
Mục tiêu là tập trung vận động các nguồn lực của xã hội để trong thời gian 01 năm (từ 07/5/2023 đến 07/5/2024) sẽ hỗ trợ làm mới 7.000 đến 8.000 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh Điện Biên và địa bàn Tây Bắc (trong đó, hỗ trợ tỉnh Điện Biên làm 5.000 căn; sau khi hỗ trợ đủ 5.000 căn cho tỉnh Điện Biên, số còn lại hỗ trợ các địa phương khác địa bàn Tây Bắc). Mức hỗ trợ 50 triệu đồng/01 căn nhà; tổng kinh phí vận động hỗ trợ dự kiến khoảng 350 đến 400 tỷ đồng. Ngoài mức hỗ trợ như trên, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang nhân dân đóng quân trên địa bàn cùng tham gia vận động, hỗ trợ kinh phí, nguyên vật liệu, ngày công… để nâng cao giá trị công trình nhà đại đoàn kết cho các hộ gia đình.
|
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chụp ảnh lưu niệm cùng với các cơ quan, đơn vị chung tay ủng hộ tại Lễ phát động ủng hộ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên. Ảnh: Quang Vinh.
|
|
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang trao kinh phí ủng hộ đợt 1 với trị giá 200 tỷ đồng tương đương 4.000 căn nhà đại đoàn kết cho tỉnh Điện Biên. Ảnh: Quang Vinh.
|
Tính đến ngày 30/11/2023, đã có 4.989 hộ triển khai làm nhà. Trong đó 3.828 hộ đã làm xong nhà, 1.161 hộ đang triển khai làm nhà (117 hộ đang làm nền - móng, 538 hộ đang làm khung - tường, 506 hộ đang làm mái). Về hình thức nhà do các hộ gia đình tự lựa chọn phù hợp với phong tục, tập quán của dân tộc và điều kiện của mỗi hộ gia đình. Trong đó có 1.815 nhà xây, 1.897 nhà gỗ truyền thống, 1.277 nhà khung sắt. Các căn nhà hoàn thành đảm bảo yêu cầu về chất lượng, diện tích tối thiểu 36m2 trở lên. Kinh phí thực hiện làm nhà tối thiểu từ 65 triệu đồng/căn.
Tỉnh Điện Biên quyết tâm hoàn thành hỗ trợ, xây dựng, bàn giao 5.000 ngôi nhà trước ngày 3/2/2024 để giúp các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh có nhà mới đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
7. Tổ chức thành công Chương trình Giao lưu hữu nghị giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 07 tỉnh của Việt Nam với Chính hiệp 02 tỉnh/khu tự trị của Trung Quốc có chung đường biên giới lần thứ hai tại tỉnh Quảng Ninh và Thủ đô Hà Nội.
|
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, Trưởng ban Tổ chức Trung ương tiếp Đoàn đại biểu Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc
|
Chương trình Giao lưu hữu nghị giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 7 tỉnh của Việt Nam với Chính hiệp 2 tỉnh/khu tự trị của Trung Quốc có chung đường biên giới lần thứ hai là hoạt động rất có ý nghĩa nhằm kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, thành công của hoạt động này góp phần tích cực vào việc cụ thể hóa và thực hiện nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước về thúc đẩy hơn nữa và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam -Trung Quốc.
Trong khuôn khổ Chương trình Giao lưu hữu nghị tại tỉnh Quảng Ninh, đại biểu hai nước đã tham dự Lễ khai mạc; tham dự các hoạt động sôi nổi trong ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc của nhân dân thành phố Hạ Long; tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh; tham dự hoạt động trồng cây; tham dự Hội nghị trao đổi kinh nghiệm giữa hai bên. Đoàn đại biểu đại diện lãnh đạo Chính hiệp Trung Quốc đã chào xã giao đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhân dịp này, Đoàn đại biểu lãnh đạo Chính hiệp Trung Quốc cũng chào xã giao đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương tại Thủ đô Hà Nội.
|
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, Trưởng ban Tổ chức Trung ương tiếp Đoàn đại biểu Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc
|
|
Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn đại biểu cấp cao Chính hiệp Trung Quốc
|
Từ nội dung của Chương trình, thời gian tới, hai bên sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ giao lưu, hợp tác giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc ở cấp Trung ương và các cơ quan ở cấp địa phương, nhất là các địa phương biên giới; phát huy vai trò của hai tổ chức trong việc thúc đẩy giao lưu nhân dân và thế hệ trẻ hai nước; định hướng tốt dư luận, báo chí, đẩy mạnh tuyên truyền về truyền thống láng giềng hữu nghị Việt - Trung, củng cố nền tảng xã hội thuận lợi cho phát triển quan hệ hai nước.
8. Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân tham gia góp ý vào Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
|
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chủ trì Hội nghị lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về Dự thảo Luật Đất đại (sửa đổi) - tháng 2/2023
|
Thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức 12 hội nghị, hội thảo với 230 lượt ý kiến góp ý; Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã tổ chức 51.153 hội nghị, hội thảo ở các cấp, với 1.300.758 lượt góp ý kiến tâm huyết, sâu sắc, đóng góp vào hầu hết các nội dung của toàn bộ dự thảo.
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nhận được tổng số 8.363.162 ý kiến góp ý cụ thể vào từng điều khoản trong Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) của các tổ chức, cá nhân. Việc tổ chức lấy ý kiến vào Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã thực sự trở thành sự kiện chính trị - pháp lý, thu hút được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp Nhân dân.
9. Tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 19/2008/NQLT/CP-UBTUMTTQVN và ký kết Nghị quyết liên tịch số 01/2023/NQLT-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN ngày 10/10/2023 về công tác phối hợp giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Từ thành công của 15 năm triển khai Nghị quyết liên tịch số 19/2008/NQLT/CP-UBTUMTTQVN, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ký ban hành Nghị quyết liên tịch số 01/2023/NQLT-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN về công tác phối hợp giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nghị quyết liên tịch quy định mục đích, nguyên tắc, nội dung, cơ chế, trách nhiệm trong công tác phối hợp giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
|
Quang cảnh Hội nghị tổng kết và ký kết Nghị quyết liên tịch về công tác phối hợp giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam
|
Nghị quyết nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp công tác giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi bên theo quy định của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời bảo đảm sự thống nhất, chặt chẽ, thực chất, kịp thời, trọng tâm, trọng điểm, hiệu lực, hiệu quả đối với nội dung phối hợp từng năm, nhiệm kỳ, giai đoạn theo đúng quy định của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Nghị quyết liên tịch mới gồm 3 chương, 18 điều, trong đó đề cập tới các nội dung trong công tác phối hợp giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam như: Tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Công tác dân tộc, tôn giáo; Công tác tuyên truyền, vận động; Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; Xây dựng chính sách, pháp luật; Công tác bầu cử; Hoạt động giám sát, phản biện xã hội và kiểm tra, thanh tra; Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Kiến nghị và giải quyết, trả lời kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Công tác đối ngoại nhân dân;...
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến ký kết phối hợp giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
|
10. Tổ chức thành công Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022-2023 và Lễ công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2023.
(i) Tổ chức thành công Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022-2023
Tiếp tục phát huy những thành công của Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của 3 lần tổ chức, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam phát động và tổ chức Lễ trao Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022 – 2023.
|
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung ương và ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo Giải trao giải A cho các tác giả, nhóm tác giả
|
Sau 2 năm tổ chức và triển khai, tính đến hết ngày 31/8/2023, Ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022 - 2023 đã nhận 1.078 tác phẩm hợp lệ đối với 4 thể loại: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình của 121 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương. Với tinh thần dân chủ, khách quan, công tâm, trách nhiệm cao, các thành viên Hội đồng Chung khảo đã tiến hành xét chọn kỹ lưỡng, thống nhất tuyển chọn được 54 tác phẩm xuất sắc để trao 04 Giải A; 10 giải B; 12 giải C; 28 giải Khuyến khích.
|
Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lên trao giải B cho các tác giả, nhóm tác giả
|
Việc vinh danh 54 tác phẩm xuất sắc tại Lễ trao Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022-2023 chính là hoạt động thiết thực nhằm cổ vũ, tiếp thêm động lực cho những người làm báo cả nước khi kịp thời phát hiện, đấu tranh, lên án những hiện tượng, hành vi tham nhũng, tiêu cực, được dư luận đánh giá cao và có những tác động tích cực với xã hội và những người làm báo. Qua đó, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xây dựng đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc.
(ii) Lễ công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2023
|
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng các đồng chí Lãnh đạo thực hiện nghi thức công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2023
|
Nhằm tôn vinh, biểu dương các tập thể, cá nhân có công trình, giải pháp sáng tạo đóng góp thiết thực, hiệu quả trong hoạt động khoa học và công nghệ; hưởng ứng phong trào “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”, ngày 6/12/2023, tại Hà Nội,Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Lễ công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2023.
Kể từ năm 2016 đến nay, kế thừa, phát huy kết quả từ 6 lần công bố trước, năm 2023, Sách vàng Sáng tạo Việt Nam công bố, giới thiệu 79 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học, công nghệ được tuyển chọn từ 162 công trình do các bộ, ban, ngành, các tổ chức thành viên, các tỉnh, thành phố giới thiệu, đề nghị. Đây là những công trình, giải pháp sáng tạo khoa học - công nghệ tiêu biểu trong cả nước, có giá trị hỗ trợ cộng đồng, nâng cao đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo môi trường, chăm sóc sức khỏe nhân dân và phục vụ đời sống xã hội.
Việc công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để tiếp tục cổ vũ, tôn vinh, ghi nhận đối với các tổ chức, cá nhân tiêu biểu, có đóng góp hiệu quả trong hoạt động khoa học, công nghệ; đồng thời cũng là dịp để tuyên truyền, phổ biến tri thức khoa học, kết nối và đưa các sản phẩm sáng tạo khoa học vào thực tiễn cuộc sống; đặc biệt là khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo, qua đó nâng cao chất lượng sống của nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.