Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao đổi tình hình chiến sự chiến trường miền Nam (5.7.1967 - Ảnh tư liệu) - Nguồn:thanhnien.vn
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của tỉnh Thừa Thiên - Huế, người Cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo, vị tướng tài ba, mưu lược của dân tộc Việt Nam. Trong hơn 30 năm hoạt động cách mạng, trải qua bao khó khăn, thử thách, bị bắt giam và tra tấn nhục hình, nhưng với ý chí, bản lĩnh của người chiến sỹ cộng sản, đồng chí một lòng kiên trung với Đảng, với nước, với dân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và luôn tiên phong trên các mặt trận.
Thực tiễn là đích đến
Lúc còn nhỏ, sống trong hoàn cảnh mồ côi cha mẹ, phải làm thuê kiếm sống và nuôi gia đình, nhưng được các nhà cách mạng tiền bối như Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu giác ngộ, đồng chí Nguyễn Chí Thanh tích cực tham gia phong trào Mặt trận dân chủ Đông Dương do Đảng Cộng sản Đông Dương phát động. Năm 24 tuổi (năm 1938) - đúng một năm sau khi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được cử làm Bí thư chi bộ thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên, rồi sau đó là Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, đồng chí đã cùng tập thể Tỉnh ủy lãnh đạo nhân dân tiến hành đấu tranh làm thất bại âm mưu tăng thuế của thực dân Pháp và chính quyền Nam Triều. Cuối năm 1938, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà lao Thừa Phủ, bị kết án hai năm tù, sau đó chuyển tới nhà tù Buôn Ma Thuột. Trong những năm tháng bị giam cầm, trên cương vị là Bí thư chi bộ, đồng chí lãnh đạo cuộc đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của nhà tù giành thắng lợi. Năm 1941, đồng chí cùng một số đảng viên khác tổ chức vượt ngục thành công và trở về thành lập Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Thừa Thiên, đồng thời tổ chức xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở cách mạng, các đoàn thể Việt Minh, lực lượng tự vệ...
Từ năm 1945 đến năm 1950, với cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng phụ trách Xứ ủy Trung Bộ, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên; Bí thư Phân khu ủy Bình - Trị - Thiên và Bí thư Liên khu ủy Liên khu 4, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã vận dụng sáng tạo đường lối cách mạng, đường lối kháng chiến của Đảng trong giành chính quyền ở Thừa Thiên, xây dựng lực lượng vũ trang, khôi phục Mặt trận Huế, mở ra cục diện mới, phát triển chiến tranh nhân dân trong vùng địch tạm chiếm. Với luận điểm nổi tiếng: “Mất đất chưa phải là mất nước; kiên quyết bám dân, xây dựng cơ sở, phát triển chiến tranh du kích trong vùng địch kiểm soát sẽ xoay chuyển được tình thế”(1), đồng chí không chỉ đưa phong trào kháng chiến ở Bình - Trị - Thiên vượt qua giai đoạn khó khăn, hiểm nghèo, mà còn từng bước tiến lên giành thắng lợi, góp phần quan trọng vào việc chặn đứng âm mưu chia cắt chiến lược và mở rộng chiến tranh của thực dân Pháp ra vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh. Cũng từ đó, đồng chí được Bác Hồ đã tặng danh hiệu: “Vị tướng du kích”; được Đảng bộ và nhân dân ba tỉnh Bình - Trị - Thiên coi là “linh hồn của cuộc kháng chiến”(2).
Giữa năm 1950, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn mới, quân đội ta phát triển nhanh chóng và ngày càng lớn mạnh, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được điều động vào quân đội và được giao trọng trách Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Phó Bí thư Tổng Quân ủy. Trên cương vị mới, đồng chí đã cùng Tổng quân ủy bắt tay vào việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện. Đặc biệt, đồng chí đã cùng Tổng quân ủy đề ra và thực hiện thành công nhiều biện pháp xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Quan điểm xuyên suốt, nhất quán của đồng chí Nguyễn Chí Thanh là Đảng phải lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện đối với quân đội; kiên quyết đấu tranh chống tất cả những khuynh hướng phi Đảng, phi chính trị, phi giai cấp đối với quân đội(3). Từ thực tiễn hoạt động cách mạng, đồng chí còn đề xuất thay thế chế độ chính ủy tối hậu quyết định bằng chế độ đảng ủy, lấy đảng ủy làm hạt nhân của hạt nhân lãnh đạo, đồng thời xác định chế độ thủ trưởng chính trị và thủ trưởng quân sự phân công phụ trách dưới sự lãnh đạo của tập thể đảng ủy. Cùng với thiết lập chế độ đảng ủy, đồng chí còn dành nhiều tâm sức, trí tuệ cho việc chấn chỉnh, đưa hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội vào nền nếp, thực sự “là linh hồn và mạch sống, làm cho quân đội ta thực sự trở thành một quân đội của dân tộc, của giai cấp, một quân đội tất thắng”(4). Có thể khẳng định, cho đến nay, mặc dù đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, nhưng quan điểm của đồng chí về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội; chế độ lấy đảng ủy làm hạt nhân lãnh đạo vẫn còn nguyên giá trị. Quan điểm đó không chỉ phản ánh tính biện chứng khách quan khoa học, mà còn phù hợp với đặc điểm, bản chất cách mạng của quân đội ta.
Cuối năm 1960, do yêu cầu của công cuộc hợp tác hóa và đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được phân công làm Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương. Từ một vị tướng cầm quân chuyển sang chỉ đạo một ngành kinh tế trọng yếu của đất nước có liên quan trực tiếp đến đời sống và sự no đói của hàng chục triệu người dân, Đại tướng đã “bám đội, lội đồng” cùng người dân tát nước, cấy lúa, khảo sát, tìm hiểu các mô hình sản xuất, lắng nghe ý kiến các nhà khoa học,… Nhờ gắn bó với thực tiễn và luôn coi thực tiễn là đích đến của mình, chỉ một thời gian ngắn, Đại tướng đã phát hiện ra những điểm yếu, điểm thiếu của ngành nông nghiệp, đồng thời đề ra nhiều giải pháp cho nông thôn, nông dân giải phóng sức sản xuất. Trong những năm đầu thập niên 60, thế kỷ XX, không mấy người Việt Nam lại không biết phong trào “Phá xiềng ba sào”, “Đuổi kịp mức sống trung nông”, “Gió Đại Phong”, “Làm thủy lợi hai năm”,... Nói là phong trào, nhưng thực chất đó là những đột phá mà Đại tướng đã đề ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành nông nghiệp. Những đột phá đó đã trở thành một sự kiện trong đời sống chính trị của nhân dân miền Bắc, đem lại những thành tựu to lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Giữa năm 1964, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân miền Nam vào thời điểm bước ngoặt, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được điều vào Nam giữ chức Bí thư Trung ương Cục, Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam. Chỉ vài tháng có mặt tại chiến trường, với kinh nghiệm từng trải, tầm nhìn chiến lược cùng sự phân tích thực tiễn sâu sắc, đồng chí đã sớm phát hiện ra điểm mạnh, điểm yếu của đế quốc Mỹ và đề xuất với Đảng, Nhà nước những chủ trương chiến lược, sách lược đúng đắn. Trong các cuộc họp ở Trung ương cục cũng như ở các địa phương, đơn vị, để giải đáp băn khoăn của không ít người là: “Liệu ta có đánh thắng được Mỹ và đánh bằng cách nào?”, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khẳng định: điều trước hết là có dám đánh Mỹ không, nếu dám đánh Mỹ thì hãy đánh Mỹ đi, cứ đánh khắc sẽ tìm ra cách đánh. Quan điểm cách mạng thực tiễn này không chỉ là sợi chỉ đỏ, là cơ sở khoa học của tư tưởng cách mạng tiến công, mà còn là phương châm mở đường cho quân, dân ta đánh Mỹ và thắng Mỹ. Thực tiễn các trận Bàu Bàng, Đất Cuốc, Núi Thành, Vạn Tường, Ia Đrăng,… đã chứng minh tính đúng đắn của cách đánh độc đáo: “Nắm thắt lưng địch mà đánh”; “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”; “vành đai diệt Mỹ” mà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Trung ương Cục miền Nam vạch ra. Những chiến thắng mà quân và dân miền Nam giành được từ năm 1964 đến 1967 dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục miền Nam và Quân ủy Miền do Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đứng đầu đã tạo ra bước ngoặt chiến lược, buộc đế quốc Mỹ tiếp tục rơi vào thế bị động, lúng túng, phải từng bước xuống thang chiến tranh. Những cống hiến của Đại tướng từ chiến lược, chiến thuật đến việc chỉ đạo tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, đánh địch bằng ba mũi giáp công: quân sự, chính trị, binh vận; ở ba vùng: đô thị, nông thôn và đồng bằng miền núi... không chỉ tạo tiền đề quan trọng để quân, dân ta tiếp tục giành thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công Mậu Thân (1968), buộc Mỹ phải chấp nhận đàm phán tại Pa-ri, mà còn góp phần làm phong phú thêm kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân
Là người có nhiều đóng góp to lớn cho cách mạng Việt Nam, nhưng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng là người luôn lên án chủ nghĩa cá nhân. Ngay sau thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò sức mạnh của vũ khí tư tưởng, phát huy sức mạnh của ý chí, tinh thần cộng sản, trên cương vị là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã chỉ đạo cuộc chỉnh huấn, phát động đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn trong toàn quân nhằm chỉ ra nguồn gốc và hoàn cảnh phát sinh của chủ nghĩa cá nhân, nêu lên những biểu hiện, hình thái và sự phát triển của nó, phân rõ chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể. Về nguồn gốc chủ nghĩa cá nhân, đồng chí khẳng định: “Chủ nghĩa cá nhân không phải là tư tưởng của một giai cấp nào thuần túy, mà là sản phẩm của chế độ tư hữu và chủ yếu là của giai cấp bóc lột. Chủ nghĩa cá nhân có trong tất cả mỗi con người, không gặp dịp thì nó lắng xuống, có cơ hội thì nó lại lồng lên”(5). Về biểu hiện và phát triển của nó, theo đồng chí, chủ nghĩa cá nhân thể hiện ra từng nơi, từng lúc khác nhau và từng trình độ, cương vị của từng người,… ở nông thôn, biểu hiện của nó hiện ra ở chỗ tự tư, tự lợi trong vấn đề thuế khóa, diện tích, sản lượng,… Còn ở quân đội ta thì có khi biểu hiện bằng tham ô, lãng phí, công thần, kiêu ngạo, địa vị, đòi hỏi hưởng thụ…”(6). Đồng chí còn nêu ra những biểu hiện xấu của người theo chủ nghĩa cá nhân: “Người cá nhân chủ nghĩa thì ngồi không yên, đứng không yên, như bị kiến đốt. Thấy cấp trên được đề bạt cũng buồn. Khi chưa được đề bạt thì mong sao được đề bạt, lúc được đề bạt rồi lại chóng chán, muốn làm sao được “đổi ngôi” mau hơn nữa. Thấy đồng chí có gì hơn mình cũng không vui, kém người cái gì đêm nằm đã phải giở mình luôn”(7).
Theo Đại tướng, chủ nghĩa cá nhân là một vật chướng ngại, cản bước tiến của chủ nghĩa xã hội, thậm chí có nơi, có lúc tự giác hoặc không tự giác, nó phá hoại từng bộ phận của sự nghiệp chủ nghĩa xã hội. Trong kháng chiến chống xâm lược, chủ nghĩa cá nhân biểu hiện trước hết là tư tưởng công thần, kèn cựa, địa vị. Trong hòa bình xây dựng đất nước, những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân không những vẫn còn tồn tại mà phát triển ở mức tinh vi. Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh tế, không phân biệt được đúng sai, chỉ thấy lóa mắt bởi đồng tiền, choáng ngợp trước sức mạnh của vật chất, một bộ phận cán bộ vì thế bị thoái hóa biến chất, hành động phi pháp, tham nhũng. Lập trường cá nhân chủ nghĩa lấy sự yêu ghét, ân oán, được mất trước mắt và lợi hại cá nhân làm tiêu chuẩn để xem xét và giải quyết vấn đề, tất nhiên là không có cách nào khác để nắm vững quy luật phát triển của sự vật, không có cách nào nhận thức được quy luật khách quan(8).
Không chỉ nói và viết để chống chủ nghĩa cá nhân, trong công tác cũng như trong đời thường, cuộc sống của đồng chí luôn thể hiện là một người liêm khiết, thanh bạch, giản dị, không màng danh lợi, chỉ một lòng sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và Tổ quốc giao phó. Trên phương diện này, đồng chí đã là một tấm gương đạo đức tiêu biểu cho ý chí kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân.
Có thể khẳng định, trong suốt cuộc đời hoạt động kể từ buổi ban đầu đến khi ở những cương vị lãnh đạo cao nhất, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh lúc nào cũng xông xáo thâm nhập vào cuộc sống của đồng bào và chiến sĩ, lăn lộn với phong trào, tìm ra quy luật phát triển để tạo ra bước ngoặt mới cho cách mạng Việt Nam. Đồng chí là con người tiên phong với những đột phá. Đột phá trong chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo; đột phá trong tổ chức thực tiễn và đột phá trong chính tư duy. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh xuất hiện ở đâu, ở đó có cái mới, có những chuyển biến tích cực.
Những thực tiễn trên đã chứng minh, ở đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn tiềm tàng một tư duy cách mạng, khoa học và sáng tạo cùng tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Là người luôn trung thành với lý luận Mác-xít, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng, đồng chí luôn vận dụng sáng tạo đường lối, quan điểm ấy vào những tình hình, nhiệm vụ, lĩnh vực, hoàn cảnh cụ thể. Vì nắm chắc lý luận và thực tiễn nên Đại tướng luôn sáng tạo và đề xuất ý kiến. Các đề xuất của ông được Đảng và nhân dân ủng hộ vì những đề xuất đó chẳng có mục tiêu nào khác ngoài phục vụ lợi ích vì dân, vì nước. Ở đồng chí Nguyễn Chí Thanh, lý luận và thực tiễn luôn hòa quyện vào nhau, không những có giá trị chỉ đạo thực tiễn mà còn đi thẳng vào lòng người, đi thẳng vào quần chúng và trở thành sức mạnh của phong trào cách mạng.
-------------------------------------------
(1) Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Người Cộng sản kiên trung mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội. 2013, tr. 752
(2) Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Người Cộng sản kiên trung mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng, Sđd, tr. 753
(3) Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Tổng tập, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội. 2009, tr. 431
(4) Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác chính trị trong quân đội, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội. 1997, tr. 284
(5), (6), (7), (8) Nguyễn Chí Thanh, Chống chủ nghĩa cá nhân, Nxb. Sự Thật, Hà Nội. 1978, tr. 9, 11, 54, 57
Đại tá, TS. Lê Đức Hạnh, Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử quân sự Thế giới, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam/Theo Tạp chí Cộng sản