Về chủ trương thành lập Mặt trận chống phát - xít
Mùa thu năm 1937, cuộc khủng hoảng kinh tế mới thúc đẩy các đế quốc Đức, Ý, Nhật gây chiến tranh thế giới lần thứ hai hòng phân chia lại thị trường. Trước nguy cơ đó, Quốc tế Cộng sản đã họp Đại hội lần thứ VII (từ ngày 25/7 đến 20/8/1935) để tổng kết kinh nghiệm đấu tranh cách mạng của các Đảng Cộng sản. Đại hội chủ trương thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất nhằm tập hợp lực lượng thuộc các khuynh hướng chính trị, xã hội, tín ngưỡng khác nhau nhằm chống chủ nghĩa phát - xít và ngăn chặn chiến tranh. Việc thành lập Mặt trận thống nhất cần có hình thức thích hợp với đặc điểm riêng của từng nước.
|
Đồng chí Lê Hồng Phong. ẢNH: TƯ LIỆU |
Trong nước, tháng 3/1935, Đại hội lần thứ nhất của Đảng họp tại Ma Cao đã đề ra 3 nhiệm vụ trước mắt là: a) Củng cố, phát triển Đảng, b) Tuyên truyền, vận động, tập hợp đông đảo quần chúng vào các tổ chức yêu nước thích hợp. Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương, trong đó có Nguyễn Ái Quốc, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Hoàng Đình Giong. Đồng chí Lê Hồng Phong là người đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương.
Thực hiện Nghị quyết của Đại hội, tháng 4/1936, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương gửi thư cho Việt Nam Quốc dân Đảng, các nhóm và phe phái cách mạng, các Hội phản đế, các tổ chức cải lương kèm theo đó là đề án tổ chức Mặt trận thống nhất chống đế quốc Pháp. Nhận định về những điều kiện và khả năng để tổ chức Mặt trận, bức thư nêu: Xứ Đông Dương đang đứng trước những điều kiện hết sức thuận lợi cho phong trào cách mạng phát triển, nhưng lực lượng cách mạng lại đang phân tán. Nguyên nhân chính là sự yếu kém của các tổ chức, do tình trạng chia rẽ mà các tổ chức, phe phái đang sa vào, làm cho họ không thể đoàn kết chặt chẽ để chống kẻ thù chung.
Sau khi tham dự Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ VII trở về, Đoàn đại biểu Đảng ta do đồng chí Lê Hồng Phong làm trưởng đoàn đã cùng với Trung ương Đảng kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đưa cách mạng Đông Dương tiến lên theo khẩu hiệu đấu tranh thành lập Mặt trận Dân chủ, chống chủ nghĩa phát - xít và chiến tranh.
Để thống nhất quan điểm chỉ đạo cách mạng trong tình hình mới, Trung ương họp từ ngày 26/7/1936 do đồng chí Lê Hồng Phong - Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế cộng sản phụ trách Đông Dương, Trưởng đoàn đại biểu Đảng ta tại Đại hội Quốc tế cộng sản chủ trì.
Hội nghị xác định mục tiêu chủ yếu và trước mắt của cách mạng Việt Nam lúc này là đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, chống phát - xít và chiến tranh, đòi tự do dân chủ, cơm áo và hòa bình. Đảng quyết định tạm thời không nêu khẩu hiệu đánh đổ đế quốc Pháp và giai cấp địa chủ, giành độc lập dân tộc và ruộng đất cho dân cày, đồng thời chủ trương thành lập Mặt trận Thống nhất Nhân dân Phản đế Đông Dương.
Qua tài liệu “Chung quanh vấn đề chính sách mới” đề ngày 30/10/1936 được phổ biến sau Hội nghị, Đảng nhấn mạnh: “Một dân tộc bị áp bức như xứ Đông Dương, vấn đề dân tộc giải phóng là một nhiệm vụ quan trọng của người cộng sản”1 và “Đảng Cộng sản ở đó không những phải thâu phục đa số thợ thuyền mà còn cần phải thâu phục quảng đại quần chúng nông dân và tiểu tư sản ở thành thị. Đồng thời, trong lúc lập Mặt trận rộng rãi, chúng ta lại phải thâu phục hết các tầng lớp trong nhân dân”2.
Văn kiện thực sự là một cột mốc đánh dấu sự chuyển hướng và từng bước hoàn chỉnh nhận thức của Đảng đối với chính sách Mặt trận. Nó cũng chứng tỏ tính năng động và thực tiễn của Đảng với nhận thức: “Một chính đảng không biết tùy theo hoàn cảnh mà thay đổi chính sách thì không bao giờ làm xong mục đích của cuộc cách mạng”3.
Cũng trong tháng 10/1936, Đảng Cộng sản Đông Dương đã gửi bức thư ngỏ cho “Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp” lên án chính sách thực dân, bày tỏ sự đồng minh với nhân dân Pháp, kêu gọi ban hành một số quyền tự do, dân chủ cơ bản cho nhân dân Đông Dương và kêu gọi “tất cả các đảng phái chính trị, tất cả các tổ chức quần chúng và tất cả các tầng lớp nhân dân Đông Dương tham gia Mặt trận nhân dân Đông Dương”4.
Phong trào Đại hội Đông Dương - một hình thức phôi thai của Mặt trận Dân chủ
Ngày 20/7/1936, Báo La Lutte đăng bài “Tiến tới một cuộc Đại hội Đông Dương” của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh. Sáng kiến trên bắt nguồn từ việc Mặt trận nhân dân Pháp giành chính quyền với chương trình hành động trong đó có việc thành lập một Ủy ban của Nghị viện Pháp điều tra tình hình chính trị và kinh tế ở các nước thuộc địa.
|
Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Hồng Phong - người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam”. ẢNH: PV |
Sáng kiến trên của Nguyễn An Ninh được Đảng Cộng sản Đông Dương do Tổng Bí thư Lê Hồng Phong hưởng ứng bằng một bức thư ngỏ đăng trên các báo chí vào tháng 8/1936 gửi “Việt Nam Quốc dân Đảng, Đảng lập hiến, các nhóm cải lương dân chủ, các hội ái hữu, các tổ chức công, nông, binh, phụ nữ, sinh viên, người buôn bán, các báo chí, các tổ chức quần chúng và toàn thể nhân dân Đông Dương” nêu rõ thái độ của Đảng Cộng sản Đông Dương đối với thời cuộc và mục tiêu đoàn kết mọi lực lượng tiến bộ cùng hành động chung trong việc tổ chức Đại hội Đông Dương. Bức thư nêu 12 nguyện vọng cụ thể để Đại hội thảo luận.
Lời kêu gọi của Đảng Cộng sản Đông Dương đã nhanh chóng dấy lên một phong trào sôi nổi của quần chúng cả nước.
Tuy nhiên, dù đã có nhiều cố gắng song không thể hình thành được một tổ chức thống nhất trên phạm vi toàn quốc của phong trào Đại hội Đông Dương. Cao trào sôi nổi của quần chúng ở khắp ba kỳ; sự tập hợp thành tổ chức với những nội dung, thỉnh nguyện của các tầng lớp nhân dân khiến bọn thực dân phản động ở thuộc địa, kể cả ở chính quốc đều lo ngại. Chúng tìm mọi cách ngăn chặn. Ngày 19/9/1936 chính quyền thực dân ra lệnh giải tán các Ủy ban hành động, cấm các cuộc tập hợp thảo luận những dân nguyện.
Ngày 19/9/1936, Bộ thuộc địa Pháp cho phép nhà cầm quyền ở Đông Dương dùng mọi biện pháp chấm dứt phong trào Đông Dương Đại hội.
Cuộc vận động Đại hội Đông Dương lắng xuống và chấm dứt cho ta rút ra một bài học lớn là: Khi chủ trương, chính sách, khẩu hiệu đấu tranh cùng những hình thức hoạt động phù hợp với nguyện vọng của quần chúng thì Đảng có thể khẳng định được uy tín và vai trò của mình trong việc phát động một phong trào rộng lớn với số lượng quần chúng tham gia ngày càng đông đảo.
Đại hội Đông Dương cũng cho thấy sự cần thiết phải tiếp tục mở rộng các hình thức hoạt động đưa cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân vào mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội.
Phát triển mạnh mẽ phong trào đấu tranh công khai dẫn đến hình thành Mặt trận Dân chủ Đông Dương
Phong trào đấu tranh công khai, sôi động và rộng khắp của quần chúng nhằm hướng tới sự ra đời của Mặt trận nhân dân Phản đế đã khẳng định sự chuyển hướng kịp thời và đúng đắn của Đảng Cộng sản Đông Dương đề ra tại Hội nghị Trung ương tháng 7/1936. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy phong trào cách mạng của quần chúng sẽ có thể đạt được kết quả cao hơn nữa nếu biết tập trung hơn nữa cuộc đấu tranh vào những mục tiêu cụ thể, sát với yêu cầu dân sinh, dân chủ của quần chúng bằng những hình thức phù hợp với tình hình chính trị lúc đó.
Tháng 3/1937, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong để kiểm điểm đánh giá tình hình, đã có sự điều chỉnh rất kịp thời cho phù hợp với hoàn cảnh mới và khắc phục những thiếu sót đã mắc phải. Vấn đề tổ chức các lực lượng cách mạng của quần chúng và công tác Mặt trận trở thành một trọng điểm của Hội nghị.
Tại Hội nghị Trung ương tháng 9/1937, Đảng quyết định thành lập Thanh niên Dân chủ Đông Dương thay cho Thanh niên cộng sản đoàn, lập Hội cứu tế bình dân, Công hội, Nông hội thay cho Cứu tế đỏ, Công hội đỏ, Nông hội đỏ. Đồng thời, chủ trương đẩy mạnh việc lập các hội quần chúng công khai và nửa công khai như: Hội ái hữu, Hội tương tế, Hội âm nhạc, Hội thể thao... và tập hợp các đoàn thể, các Hội đó vào Mặt trận Thống nhất dân chủ.
Văn kiện của Hội nghị còn chỉ rõ: Mặt trận phải được thống nhất trong cả nước theo hướng thống nhất ngay ở địa phương và thống nhất theo từng ngành. Ở mỗi địa phương, tùy theo điều kiện cụ thể, phải thực hiện liên minh với các đảng phái, các lực lượng chính trị - xã hội để lập ra các Ủy ban liên hiệp hành động hay Ủy ban ủng hộ Mặt trận nhân dân Pháp. Bên cạnh Mặt trận Dân chủ thống nhất chung của toàn dân, cần có Mặt trận Dân chủ thống nhất riêng cho từng ngành, từng giới như: công nhân, nông dân, phụ nữ...
Đảng chú trọng đưa lực lượng của mình vào hoạt động trong các tổ chức cải lương và có khuynh hướng phản động nhằm tranh thủ quần chúng, phân hóa, cô lập và vạch mặt bọn phản động phá hoại phong trào: Mặt trận không chỉ có các đảng viên mà còn phải huy động được nhiều người yêu nước tiến bộ, những người có cảm tình với Đảng tham gia vào Ban lãnh đạo. Hội nghị đã bầu Ban Thường vụ của Đảng gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Chí Điểu, Võ Văn Tần, Lê Hồng Phong và Hà Huy Tập. Đồng chí Hà Huy Tập được bầu làm Tổng Bí thư.
Đường lối cơ bản liên quan đến Mặt trận dân chủ được nêu trong những văn kiện của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 5 họp trong hai ngày 29 và 30/3/1938. Văn kiện nêu rõ “Việc thành lập Mặt trận Dân chủ là “một nhiệm vụ trọng tâm của Đảng” và chủ trương “đưa hết lực lượng, dùng hết phương pháp, làm thế nào để thực hiện cho được Mặt trận Dân chủ”.
Hội nghị đã tổng kết kinh nghiệm rút ra từ cuộc vận động tại Đại hội Đông Dương cũng như quá trình vận động Mặt trận nhân dân Phản đế cho thấy: cần phải có những sách lược thật mềm mỏng. Hội nghị đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư và Ban Bí thư gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong và Hà Huy Tập.
Tháng 8/1938, Đảng gửi thư công khai cho các đảng phái kêu gọi hãy gác lại các chính kiến bất đồng, cùng nhau lập Mặt trận Dân chủ với ý thức: “Đây là quyền lợi sinh tồn chung cho xứ sở. Đây là tiền đồ phát triển của dân tộc. Đây là công cuộc của nền hòa bình nhân loại!... Hỡi quốc dân đồng bào, hãy khăng khít đoàn kết lại... Hãy bước tới thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương”5.
Cùng vào thời điểm này, sau một thời gian dài mất liên lạc, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chuyển những ý kiến chỉ đạo về nước, nhắc nhở Trung ương cần phải mở rộng Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Người nhấn mạnh không nên bó hẹp hoạt động của Mặt trận trong các tầng lớp công nông, phải mở rộng đến tất cả các tầng lớp khác, phải tranh thủ cả những phần tử tiến bộ ở Đông Dương là người nước ngoài. Đối với giai cấp tư sản dân tộc phải bằng mọi cách lôi kéo, giữ họ trong Mặt trận và thúc đẩy họ hành động, khi cần thiết cô lập họ về chính trị, nhưng tránh để họ đứng ngoài Mặt trận. Đảng phải tỏ ra là bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Địa vị lãnh đạo của Đảng giành được bằng chính năng lực của Đảng thể hiện trong thực tế đấu tranh hằng ngày.
Do sự đấu tranh quyết liệt của nhân dân Đông Dương với sự phối hợp của nhân dân và trí thức tiến bộ Pháp đã buộc thực dân Pháp phải trả tự do cho nhiều tù chính trị, trong đó có nhiều đảng viên trung kiên của Đảng. Đây là một thuận lợi lớn giúp Đảng ta tăng cường đội ngũ của mình để lãnh đạo phong trào quần chúng hướng tới những mục tiêu dân chủ.
Những hình thức hoạt động của phong trào quần chúng trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương rất phong phú, tiêu biểu là: hoạt động báo chí, đấu tranh nghị trường, phong trào truyền bá chữ quốc ngữ, chống nạn mù chữ...
Ngày 1/9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, phong trào Mặt trận Dân chủ bị thực dân Pháp thẳng tay đàn áp. Vì cơ sở còn yếu kém và cũng vì không kịp đề phòng nên phong trào cách mạng tạm lắng và không tránh khỏi những tổn thất.
Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Phong trào đã “để lại cho Đảng ta và Mặt trận dân tộc ngày nay những kinh nghiệm quý báu. Nó dạy cho chúng ta rằng: Việc gì đúng với nguyện vọng của nhân dân thì được quần chúng nhân dân ủng hộ và hăng hái đấu tranh, và như vậy mới thật là một phong trào quần chúng. Nó cũng dạy chúng ta rằng: Phải hết sức tránh những bệnh chủ quan, hẹp hòi...6.
Chú thích:
1,2. Văn kiện Đảng (1935 - 1939), Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, Hà Nội 1977, tr.126 - 127.
3,4. Văn kiện Đảng (1935 - 1939), Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, Hà Nội 1937, tr.118, 112.
5. Văn kiện Đảng (1930 - 1945), Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, Hà Nội tập II, tr.255.
6. Văn kiện Đảng về vấn đề Mặt trận Dân tộc thống nhất, Nxb Sự thật, Hà Nội 1972, trang 176.
Nguyễn Túc -
Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.