|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La_Ảnh: TTXVN
|
Ngày 7-3-1944, đồng chí Tô Hiệu anh dũng hy sinh ở ngục tù Sơn La. Sau đó, ngày 29-1-1945, báo
Cờ giải phóng đăng bài viết của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương Trường Chinh (dưới bút danh Quyết Chiến) nhan đề “Gương hy sinh - Tinh thần Tô Hiệu”. Bài viết có đoạn: Đồng chí Tô Hiệu mất đi, “giai cấp vô sản đã mất một người lính xung phong dũng cảm. Toàn thể dân tộc đã mất một đứa con trung thành trọn đời phụng sự cho quyền lợi Tổ quốc”(1). Trong bài viết này, đồng chí Trường Chinh đã khái quát quá trình bắt đầu từ chủ nghĩa yêu nước đến khi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương của đồng chí Tô Hiệu. Do hấp thu tinh thần cách mạng của anh trai là Tô Chấn nên Tô Hiệu đã sớm nhận rõ nhiệm vụ của một người thanh niên yêu nước, từ biệt mái trường để bước vào hoạt động cách mạng và vào Nam để xây dựng và phát triển đảng bộ “Quốc dân” trong đó. Nhưng chẳng bao lâu sau, anh sa lưới giặc, bị kết án 4 năm tù, đày ra Côn Đảo. Vào tù, được sống chung với những đồng chí cộng sản, anh đã tìm thấy chân lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và mạnh dạn đứng dưới ngọn cờ chỉ đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, trở thành “một chiến sĩ cộng sản khuôn mẫu”.
1. Sinh năm 1912, Tô Hiệu là con trai út trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống yêu nước(2) ở thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Mới 3 tuổi, cha đã mất, một mình mẹ(3) mướn ruộng tần tảo nuôi dạy 5 người con(4) nhưng Tô Hiệu vẫn được mẹ cho theo học các lớp đồng ấu, dự bị, sơ đẳng ở trường làng đến năm 11 tuổi. Tuy hoàn cảnh rất khó khăn nhưng gia đình nhận thấy Tô Hiệu thông minh nên vẫn cố gắng cho Tô Hiệu được tiếp tục đi học ở thị xã Hải Dương(5) (năm 1924). Từ đây, dù mới 14 tuổi, Tô Hiệu đã bắt đầu hoạt động yêu nước với việc tham gia vào phong trào bãi khóa đòi để tang chí sĩ Phan Chu Trinh (năm 1926). Vì hoạt động yêu nước đó, Tô Hiệu đã bị buộc phải thôi học.
Đây là bước chuyển đầu tiên của Tô Hiệu ở tuổi niên thiếu. Bước chuyển này là hoàn toàn tự nhiên của một người Việt Nam, khi được khơi dậy tinh thần yêu nước bởi truyền thống bất khuất của dân tộc.
Được sự giúp đỡ của anh trai là Tô Tu(6), Tô Hiệu lên Hà Nội để tiếp tục theo học cao đẳng tiểu học(7). Trong môi trường mới rộng mở và sôi động hơn của phong trào yêu nước lúc đó ở Hà Nội, Tô Hiệu nhanh chóng tham gia các hoạt động yêu nước do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên lãnh đạo, như tuyên truyền, kết nạp người vào các đoàn thể quần chúng, tham dự mít tinh, biểu tình, phát truyền đơn nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động 1-5, kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga... Với những hoạt động tích cực và sôi nổi này, năm 1929, khi mới 17 tuổi, Tô Hiệu được kết nạp vào Xích vệ đoàn do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tổ chức với nhiệm vụ đi bảo vệ các cuộc mít tinh, biểu tình, bảo vệ những cán bộ cao cấp đi diễn thuyết, chống lại bọn mật thám, cảnh sát và lính khố xanh đến đàn áp…
Đó là bước chuyển thứ hai của Tô Hiệu, khi tự nguyện hoạt động cách mạng có tổ chức lúc bước vào tuổi thanh niên.
Những hoạt động yêu nước của Tô Hiệu bị mật thám Pháp theo dõi ráo riết. Do hấp thu được tinh thần cách mạng của anh là Tô Chấn và được sự động viên, giúp đỡ của Tô Chấn, nên đầu năm 1930, Tô Hiệu đi vào Sài Gòn và trở thành một nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp với tư cách là đảng viên của Việt Nam Quốc dân đảng, khi tổ chức này đang tiến hành những hoạt động nhằm chống lại sự đàn áp khốc liệt của thực dân Pháp sau sự kiện khởi nghĩa thất bại ở Yên Bái.
Thực thi nhiệm vụ, Tô Hiệu đề nghị được chuẩn bị và thực hiện việc tiêu diệt Toàn quyền của Pháp ở Đông Dương và Toàn quyền của Hà Lan ở Indonesia(8), nhằm mục đích công bố tội ác phản cách mạng chống nhân dân các nước thuộc địa của bè lũ thực dân Pháp và Hà Lan, đồng thời để “đền ơn đáp nghĩa” cho Việt Nam Quốc dân đảng.
Có thể nói, đó là bước chuyển thứ ba rất quyết liệt, quả cảm của Tô Hiệu khi trở thành một nhà hoạt động chính trị với việc tham gia vào một tổ chức chính trị theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa, lại đang phải chịu sự đàn áp tàn bạo của nhà cầm quyền thực dân Pháp.
Tuy nhiên, nhiệm vụ nói trên không thành vì Tô Hiệu bị chính quyền thực dân bắt khi đang đi vận động quyên góp để thực hiện mục đích của Việt Nam Quốc dân đảng. Tô Hiệu bị kết án lưu đầy 4 năm ở ngục tù Côn Đảo (1930 - 1934). Tại chính nơi “địa ngục trần gian” này, được dìu dắt bởi những nhà cách mạng cộng sản dày dặn kinh nghiệm, như Nguyễn Hới, Ngô Gia Tự, Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Tống Văn Trân... và những đồng chí khác, nên từ người tham gia hoạt động cho Việt Nam Quốc dân đảng, đến cuối năm 1932, Tô Hiệu đã trở thành một đảng viên cộng sản kiên cường, “người lính xung phong dũng cảm”, “một đứa con trung thành trọn đời phụng sự cho quyền lợi Tổ quốc”.
Đó là bước chuyển thứ tư trong quá trình chuyển biến tư tưởng chính trị và hành động, bước chuyển quyết định đến toàn bộ hoạt động của người chiến sĩ cộng sản tiên phong, để Tô Hiệu có những đóng góp rất quan trọng cho Đảng và phong trào cách mạng nước ta sau khi thoát khỏi ngục tù Côn Đảo: Góp phần quan trọng vào việc khôi phục Xứ ủy Bắc Kỳ (tháng 5-1937), xây dựng Liên Xứ ủy Bắc - Trung kỳ (tháng 11-1937)(9); đẩy mạnh phong trào đấu tranh cách mạng ở vùng duyên hải miền Bắc, nhất là tại Hải Phòng (năm 1939); xây dựng chi bộ đảng chính thức tại nhà tù Sơn La, biến nhà tù thành trường học cộng sản góp phần đào tạo nhiều cán bộ lãnh đạo ưu tú cho cách mạng sau này (1940 - 1944). Hy sinh trong lao tù đế quốc, đồng chí để lại một “tinh thần Tô Hiệu” khích lệ toàn Đảng, toàn dân quyết tâm vùng lên đấu tranh, để giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945…
|
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì Hội thảo khoa học: “Đồng chí Tô Hiệu với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên” nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Tô Hiệu (1912 - 2022)_Ảnh: TTXVN |
2. Những bước chuyển trên là một quá trình vận động và phát triển về ý thức chính trị của Tô Hiệu, gắn chặt với tiến trình đấu tranh đòi tự do của dân tộc ở thời điểm lịch sử đầy sóng gió đó. Chính những vận động và phát triển trong lịch sử cách mạng của dân tộc khi ấy đã tác động mạnh mẽ đến ý thức chính trị của Tô Hiệu; đồng thời, làm nên đặc trưng kiên cường về chính trị của lớp các nhà cách mạng trong những năm 20 và 30 của thế kỷ XX, dưới sự dẫn dắt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Có thể thấy, bước chuyển thứ nhất của Tô Hiệu khi ở tuổi niên thiếu đã tham gia vào hoạt động yêu nước là biểu thị đặc trưng rất tự nhiên, xuất phát từ truyền thống yêu nước thương nòi, tinh thần bất khuất của con người Việt Nam trước nạn ngoại xâm, cũng như được sự giáo dục từ truyền thống quê hương và gia đình.
Tham gia hoạt động cho Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên trong những năm 1927 - 1930 và sau đó tham gia vào hoạt động của Việt Nam Quốc dân đảng trong năm 1930 là bước phát triển ý thức cách mạng của Tô Hiệu. Bước phát triển đó của Tô Hiệu thể hiện bằng hành động tham gia vào thực tiễn phong trào cách mạng nước ta đang trong bước chuyển mạnh mẽ trước những tác động đa dạng của các trào lưu tư tưởng, mà nổi bật là hai trào lưu căn bản: Chủ nghĩa yêu nước theo xu hướng cộng sản chủ nghĩa và xu hướng dân tộc tư sản. Những tác động này cũng tạo ra sự chuyển biến trong suy nghĩ và hành động của nhiều thanh niên nước ta ở thời đoạn trước khi họ bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lê-nin, cũng như khi Đảng Cộng sản Việt Nam phải chống lại sự đàn áp dã man của thực dân Pháp.
Tô Hiệu là một trường hợp như vậy. Khi bắt đầu tham gia hoạt động yêu nước đồng chí còn chịu ảnh hưởng bởi cả hai trào lưu đó; nhưng cuối cùng, đã lựa chọn đi vào dòng chủ lưu của cách mạng Việt Nam dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản. Điều đáng lưu ý là, Tô Hiệu đến với chủ nghĩa cộng sản, gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngay trong nơi ngục tù đế quốc, vào lúc Đảng tuy hiện diện nhưng chưa phải là một thực thể bền vững và thắng thế, thể hiện qua cuộc đấu tranh sinh tồn của Đảng trước sự đàn áp khốc liệt của kẻ thù dân tộc vào thời điểm này. Hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt đó lại càng làm nổi bật lên ý nghĩa to lớn trong sự lựa chọn của Tô Hiệu.
Ở tuổi thanh, thiếu niên, có tinh thần yêu nước nhưng do gặp phải những khó khăn khách quan, Tô Hiệu đã tham gia vào các tổ chức chống thực dân xâm lược khác nhau ở thời kỳ này. Đó là một tất yếu lịch sử và sự kiện đó không ảnh hưởng xấu và làm giảm đi, mà chỉ làm nổi bật thêm khát vọng cứu nước, cứu dân của lớp thanh niên yêu nước Việt Nam. Khi có cơ hội, họ sẵn sàng tham gia và hành động để thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc của mọi tổ chức yêu nước. Nhưng cũng chính từ điểm xuất phát chắc chắn và chung nhất là chủ nghĩa yêu nước và qua hoạt động thực tiễn phong phú, đa dạng đó, lớp người này đã tự nhận thức được đầy đủ mục tiêu, bản chất của các trào lưu cách mạng để quyết tâm đến với chủ nghĩa cộng sản, đến với Đảng Cộng sản do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập như là sự lựa chọn sáng suốt tối hậu. Điều đó được thể hiện một cách rõ nét qua chân dung của một lớp người cách mạng, như Trần Huy Liệu, Tô Chấn, Tô Gĩ, Tô Hiệu,… Từ thực tiễn hoạt động yêu nước, họ đã hướng tới, được từng bước giác ngộ chủ nghĩa cộng sản, được đào tạo, dìu dắt và đã trở thành những cán bộ cách mạng rất kiên trung của Đảng và dân tộc.
Trên thực tế, không phải đến khi bị bắt và đày ải nơi ngục tù Côn Đảo, Tô Hiệu mới hướng tới chủ nghĩa cộng sản, mà xu hướng đó đã có ngay từ khi đồng chí bắt đầu hoạt động tại Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Việc Tô Hiệu tham gia hoạt động cho Việt Nam Quốc dân đảng theo sự dẫn dắt của Tô Chấn(10) chỉ làm sáng tỏ ý chí quyết tâm rất đáng trân trọng của lớp thanh niên yêu nước lúc đó, là sẵn sàng tham gia vào các tổ chức có mục tiêu chiến đấu cho độc lập dân tộc khi đã mất liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Hoạt động này của Tô Hiệu nhằm giúp Tô Chấn “đền ơn đáp nghĩa” cho Việt Nam Quốc dân đảng, bằng việc thi hành bản án tử hình đối với hai Toàn quyền thực dân; sau đó, họ sẽ cùng nhau xin gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, để tiếp tục đấu tranh giải phóng quốc gia và dân tộc, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội theo đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Quá trình trên cho thấy hướng đi, ý chí của Tô Hiệu là nhất quán, nên khi gặp gỡ những người cộng sản ở trong ngục tù, được sự dìu dắt và giúp đỡ của họ, đã dẫn đến việc đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản. Kết quả này chỉ là sự tiếp tục khẳng định, để công nhận chính thức về tư cách người cộng sản đối với đồng chí xét trên phương diện tổ chức. Nhìn từ góc độ lịch sử, chính quá trình này đã tạo nên và làm sáng tỏ phẩm chất yêu nước của Tô Hiệu, làm ngời sáng một tinh thần yêu nước mang tên “tinh thần Tô Hiệu”.
|
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông cùng thân nhân gia đình đồng chí Tô Hiệu và các đại biểu tham quan triển lãm về thân thế, sự nghiệp và cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Tô Hiệu tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La_Ảnh: TTXVN |
3. Có thể nói, sự chuyển biến của Tô Hiệu từ việc tham gia vào phong trào yêu nước đến những hoạt động cho Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tham gia Việt Nam Quốc dân đảng, đến gia nhập Đảng Cộng sản đã nâng tầm và làm sâu sắc hơn giá trị tinh thần cốt lõi của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam khi được soi sáng, định hướng bằng học thuyết cách mạng khoa học Mác - Lê-nin. Xét từ góc độ lý tưởng với mục tiêu vì sự sinh tồn, giải phóng cho cộng đồng dân tộc và con người ở những cấp độ khác nhau, thì quá trình đó cho thấy sự phát triển từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản ở những người yêu nước chân chính là đồng trục. Bởi vậy, ngày nay, cho dù điều kiện lịch sử có vận động với nhiều thay đổi phức tạp, thì việc giáo dục và phát huy giá trị cốt lõi, bền vững của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam và chủ nghĩa Mác - Lê-nin vẫn là một hằng số, không thể thiếu được trong sự nghiệp xây dựng thế hệ mai sau của nước nhà, thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội mới vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam.
Từ thân thế và sự nghiệp của đồng chí Tô Hiệu, chúng ta càng thấy rõ hơn, sâu sắc hơn giá trị đặc biệt của truyền thống tốt đẹp của gia đình, quê hương - nơi nuôi dưỡng, giáo dục và xây đắp giá trị đặc trưng là chủ nghĩa yêu nước đối với các nhà tiền bối cách mạng trong lịch sử hiện đại nước nhà. Điều đó càng cho thấy tầm quan trọng của việc tăng cường và làm sâu sắc hơn việc giáo dục truyền thống gia đình, quê hương, đất nước cho mỗi cá nhân; giáo dục, phát huy tinh thần yêu nước trong mỗi gia đình, mỗi vùng quê hiện nay. Bên cạnh đó, phải xây dựng các phong trào yêu nước, hành động cách mạng đa dạng với các mục tiêu phù hợp để tầng lớp thanh, thiếu niên Việt Nam có điều kiện rộng rãi biểu thị tinh thần yêu nước và đóng góp một cách thiết thực, hiệu quả vào sự nghiệp chung của dân tộc theo khả năng của mình./.
Theo PGS, TS. PHẠM HỒNG CHƯƠNG/Tạp chí Cộng sản
-------------------------
(1) Hội Khoa học lịch sử Việt Nam - Ban Liên lạc nhà tù Sơn La - Tỉnh ủy Hưng Yên - Thành ủy Hải Phòng - Tỉnh ủy Sơn La: Tinh thần Tô Hiệu, Nxb. Văn hóa - Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2018, tr. 30
(2) Làng Xuân Cầu có 4 chi họ Tô. Chi họ Tô Đạo Khoan có thủy tổ Đạo Khoan. Cụ Đạo Khoan là người phát khoa đầu tiên nên được suy tôn là thủy tổ. Cụ đỗ Giám sinh trường Quốc Tử Giám (tương đương cử nhân) đời vua Lê Thần Tông (năm 1620). Họ Tô này từ đó đến nay đã được 17 đời, trải qua hơn 400 năm. Tô Hiệu thuộc đời thứ 11 của chi họ Tô Đạo Khoan.
Cụ nội của Tô Hiệu là Đốc Nam Tô Ngọc Nữu, sinh năm 1817, đỗ cử nhân năm 1850, được bổ nhiệm các chức vụ: Giáo thụ phủ Trường Khánh, Lý Nhân; Tri huyện Bình Lục; Giáo thụ phủ Nghĩa Hưng; Quyền Đốc học tỉnh Nam Định. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, cụ từ quan về nhà dạy học rồi kết giao với Đốc học tỉnh Bắc Ninh là Ngô Quang Huy, người sau này cùng với Nguyễn Thiện Thuật trở thành một lãnh đạo chủ chốt của khởi nghĩa Bãi Sậy. Ông nội của Tô Hiệu là Tô Phát tên tự là Xuân Dục, sinh năm 1843, mất năm 1888.
(3) Cha của Tô Hiệu là Tô Y (1877 - 1915). Mẹ của Tô Hiệu là Ngô Thị Lý (gọi theo tên chồng là bà Cả Y) là con gái của danh tướng Ngô Quang Huy. Bà sinh năm 1877, ở thôn An Lạc, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Bắc Ninh (nay là tỉnh Hưng Yên).
(4) Tô Tu, Tô Chấn, Tô Thị Xuyến, Tô Thị Phúc và Tô Hiệu.
(5) Thấy khả năng học tập giỏi của Tô Hiệu, bà Cả Y và anh cả Tô Tu quyết định cho Tô Hiệu đi Hải Dương tiếp tục theo học chương trình tiểu học.
(6) Sinh năm 1901. Khi ông Tô Y mất (năm 1915), Tô Tu mới hơn 14 tuổi, phải sang Lào làm thuê để giúp mẹ nuôi các em. Năm 1922, Tô Tu về nước và làm thuê cho một hiệu buôn, rồi làm kế toán kiêm phiên dịch tiếng Trung - Pháp tại Sở Quản lý văn khế Hà Nội đến năm 1945. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Tô Tu được bầu làm Chủ tịch Ủy ban cách mạng đầu tiên của xã Xuân Cầu, sau đó là Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến xã kiêm cố vấn Ủy ban hành chính kháng chiến huyện Văn Giang. Từ năm 1947, Tô Tu làm trưởng phòng kế toán tài vụ cho nhiều cơ quan nội thương, ngoại thương ở Việt Bắc và Hà Nội đến khi nghỉ hưu năm 1966.
(7) Ở Trường Trí Tri (nay là trường Nguyễn Du ở phố Hàng Quạt, Hà Nội).
(8) Khi hai Toàn quyền dự định gặp nhau ở Việt Nam.
(9) Đồng chí trở thành Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ và Thường vụ Liên Xứ ủy Bắc - Trung kỳ.
(10) Trên thực tế, Tô Chấn đã được đọc sách về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, lại được gặp gỡ và trao đổi với một số anh em đảng viên hiểu biết về lý luận của Đảng Cộng sản Đông Dương. Điều đó đã giúp anh chuyển lập trường, từ chủ nghĩa quốc gia chân chính tiến lên chủ nghĩa quốc tế cộng sản theo C. Mác và V.I. Lê-nin.