Được tiếp thu tinh hoa văn hóa của dân tộc, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã sớm hình thành ý chí của một nhân cách lớn. Trước cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân phải chịu cảnh lầm than, nô lệ, Người đã xây dựng hoài bão tìm lại hình ảnh oai hùng của dân tộc Việt Nam.
Không tán thành con đường đấu tranh của các bậc tiền bối, như cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hoàng Hoa Thám… Nguyễn Tất Thành đã quyết định ra đi xem nước Pháp và các nước khác làm như thế nào để trở về giúp đồng bào. Với khát vọng đó, Người đã lên con tàu Latouche Tréville rời bến cảng Nhà Rồng vào ngày 5/6/1911, bắt đầu cuộc hành trình tìm con đường cứu nước, cứu dân.
Cuộc hành trình của Nguyễn Tất Thành không đơn thuần chỉ nhằm giải quyết vấn đề đơn lẻ là độc lập cho dân tộc, mà phải là một nền độc lập, mà ở đó người dân, nhất là nhân dân lao động phải được sống cuộc sống ấm no, tự do, được làm chủ xã hội. Sau này nhà thơ Chế Lan Viên đã cắt nghĩa đó là “hình của nước”.
Trong suốt 10 năm bôn ba, Người đã tìm hiểu tư tưởng của các cuộc cách mạng lớn trên thế giới, như: Cách mạng tư sản Anh, cách mạng Mỹ, đại cách mạng Pháp, với những bản tuyên ngôn mang theo những chân lý nổi tiếng như Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ (1776) với chân lý: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc"; Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791: "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi".
Sau này, trong Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945, chính Người đã thừa nhận, đó là những “Lời bất hủ”; “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Nhưng khi chứng kiến cuộc sống của nhân dân lao động ở các nước đó, lại khiến Người nghi ngờ rồi đi đến khẳng định: Đó là những cuộc cách mạng chưa đến nơi. Bởi cách mạng xong rồi mà người dân không được hưởng tự do, hanh phúc.
Đặc biệt, sau khi “Bản yêu sách 8 điểm” gửi Hội nghị Versailles (1919) bị bác bỏ, Người đã dứt khoát xa lánh mô hình và thể chế dân chủ tư sản. Bởi theo Người, đó là chế độ bóc lột, bất công, giả dối, “bịp bợm”, không tôn trọng quyền tự do, bình đẳng của các dân tộc.
|
Đồng chí Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp, tháng 12/1920. ẢNH: TƯ LIỆU
|
Nếu năm 1911, khi Người quyết định sang phương Tây tìm đường cứu nước, là sự đoạn tuyệt với mô hình chính trị phong kiến phương Đông, để tìm hiểu mô hình nhà nước dân chủ tư sản phương Tây, thì sự kiện Hội nghị Versailles năm 1919 là dấu mốc kết thúc quá trình thẩm định mô hình nhà nước dân chủ tư sản phương Tây.
Tiếp tục hoài bão cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã hướng đến Cách mạng Tháng Mười Nga - cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới giành thắng lợi tháng 11/1917 và lan tỏa mạnh mẽ trên khắp thế giới. Từ đây, Người đã tiếp cận với học thuyết Mác - Lênin, bị thuyết phục bởi tư tưởng trong “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa ” của V.I Lênin vào tháng 7/1920, Người đã dứt khoát lựa chọn con đường cách mạng vô sản.
Từ đây, Người bắt đầu thấm nhuần nó và vận dụng sáng tạo vào điều kiện của một nước thuộc địa, rồi tìm cách tryền bá nó về Việt Nam để định hướng cho phong trào đấu tranh giành độc lập và tự do của Nhân dân Việt Nam. Từ đây, Người đã dứt khoát khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phong dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”; “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới thoát khỏi ách nô lệ”.
Đó cũng chính là lý do khiến Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành việc gia nhập Quốc tế III tại Đại hội Tours năm 1920, trong khi không ít đảng viên Đảng Xã hội Pháp còn đang do dự. Bởi Người thấy rằng: Đây là tổ chức duy nhất bênh vực cho quyền lợi của dân tộc mình.
Trong các bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Người cùng khổ (Le Paria), Nhân Đạo của Đảng xã hội Pháp (L’Humanité), trên các báo ở Liên Xô, trong các tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp (1925) Đường Kách mệnh (1927), mô hình thể chế chính trị - nhà nước tương lai của Việt Nam dần được Nguyễn Ái Quốc làm rõ. Đó là một xã hội có những đặc trưng như:
(1) Giành độc lập dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, bằng sự nỗ lực của toàn dân tộc; (2) Sau khi giành được độc lập, sẽ lập ra nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quyền lực nhà nước thuộc về đa số dân chúng, trong đó công nông là gốc, là chủ; (3) Nhà nước ấy, chế độ ấy thực hiện dân tộc độc lập, con người tự do, nhân dân hạnh phúc, mục tiêu cuối cùng là đi tới chủ nghĩa cộng sản; (4) Thể chế ấy, nhà nước ấy có thể được xác lập trước nhà nước vô sản ở chính quốc; (5) Thể chế ấy, nhà nước ấy được xây dựng theo những cách thức, phương pháp khoa học, đúng đắn, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng; (6) Nhà nước ấy có quan hệ gắn kết với phong trào vô sản, phong trào giải phóng dân tộc, với các chính thể xã hội chủ nghĩa, dân chủ trên thế giới; (7) Nhà nước ấy do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Đến năm 1930, khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, trong Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do Người soạn thảo được Hội nghị thông qua, những nội dung của thể chế chính trị, của mô hình nhà nước kiểu mới được trình bày cô đọng và rất rõ ràng, đó là mô hình nhà nước có các đặc trưng cơ bản:
(1) Làm tư sản dân quyền và thổ địa cách mạng để tiến tới xã hội cộng sản;
(2) Đánh đổ đế quốc Pháp, bọn phong kiến, địa chủ, dựng nên chính phủ công nông binh, bỏ sưu thuế cho dân cày nghèo;
(3) Tịch thu ruộng đất của đế quốc chia cho dân cày nghèo; tịch thu hết sản nghiệp của tư bản đế quốc giao cho chính phủ công nông binh;
(4) Mở mang công nghiệp và nông nghiệp;
(5) Phổ thông giáo dục theo công nông hoá;
(6) Xây dựng quân đội công nông;
(7) Thực hiện nam nữ bình quyền;
(8) Đoàn kết các tầng lớp nhân dân, coi trọng quyền lợi công nông;
(9) Liên lạc với vô sản và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới;
(10) Phương pháp đấu tranh là sử dụng bạo lực cách mạng;
(11) Lãnh đạo cách mạng là giai cấp công nhân, thông qua đội quân tiên phong là Đảng Cộng sản.
Trên cơ sở những định hướng về thiết chế chính trị, thiết chế của nhà nước này, từ năm 1930 trở đi, các văn kiện của Đảng bắt đầu xuất hiện hình ảnh về thế chế chính trị Việt Nam mới. Hình ảnh phôi thai đầu tiên xuất hiện trong phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh (1930 - 1931), với các “Khu đỏ tự do” được lập ra, đến hình ảnh “Khu giải phóng Việt Bắc” (4/1945) và thể chế Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (9/1945) và chính thức thiết lập, đi vào hoạt động sau cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946.
Hành trình tìm đường cứu nước, nói như nhà thơ Chế Lan Viên, là đi tìm “hình của nước”. Hành trình đó trải qua nhiều chặng đường, trong đó chặng từ khi người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và lựa chọn con đường cách mạng vô sản (1920) là chặng đường cốt lõi.
Được sự soi sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang không ngừng phát triển lý luận, tổng kết thực tiễn để đề ra định hướng xây dựng và hoàn thiện thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa.
Việc nêu rõ những đặc trưng cơ bản của xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991) và tiếp tục bổ sung, phát triển năm 2011 (Cương lĩnh 2011) đã thể hiện rõ sự phát triển trong nhận thức và sự chỉ đạo của Đảng.
Đồng thời, việc định hướng, chỉ đạo triển khai thực hiện mục tiêu xây dựng, hoàn thiện thể chế chính trị, mà nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là sự tiếp nối và hiện thực hóa hình ảnh của nước Việt Nam theo khát vọng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mong ước: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Mô hình Nhà nước mà toàn Đảng, toàn dân ta đang xây dựng và không ngừng đổi mới, hoàn thiện không những đã đáp ứng được khát vọng muôn đời nay của dân tộc Việt Nam, mà đã và đang được thế giới công nhận và đặt quan hệ. Bởi mô hình Nhà nước của chúng ta đang xây dựng hướng tới mục tiêu vì một nước Việt Nam: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây cũng chính là khát vọng chung mà nhân loại tiến bộ luôn hướng tới.
Nguyễn Khắc Trinh - Tiến sĩ, Đại học Tây Nguyên