Nhà ngục Kon Tum - nơi lưu dấu tinh thần đấu tranh bất khuất của những người Cộng sản

Nhà ngục Kon Tum một thời được ví là “địa ngục trần gian”, nơi giam giữ và đọa đầy hơn 500 chiến sĩ cách mạng. Tại nơi đây, những người tù cộng sản đã đấu tranh kiên cường, bất khuất và nhiều người đã anh dũng hy sinh, nằm lại vì Tổ quốc. Sự hy sinh của họ được cả dân tộc đời đời nhớ ơn...
Di tích lịch sử Nhà ngục Kon Tum nằm cuối con đường Trương Quang Trọng, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum được Pháp xây dựng năm 1930, nằm ở phía bắc sông Đắk Bla. Nhà ngục Kon Tum là nơi giam giữ tù chính trị bị giặc Pháp đưa từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế về, đồng thời cũng là nơi cung cấp nhân công khai phá miền cao nguyên, mở đường 14 vùng Tây Nguyên.

Tại Ngục Kon Tum đã từng nổ ra nhiều cuộc biểu tình của hàng trăm chiến sĩ cộng sản, điển hình là cuộc biểu tình 12/12/1931 để phản đối việc bắt tù nhân đi làm đường ở Đắk Pok trong điều kiện vô cùng cực khổ. Sau đó cuộc biểu tình đã bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu khiến nhiều chiến sĩ kiên trung của Đảng bị giết hại. Để che đậy chính sách vô nhân đạo và tẩy sạch dấu vết cuộc đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng, tháng 12/1935, nhà ngục được lệnh đóng cửa. Cũng tại chính nơi đây, tháng 9/1930, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Kon Tum được thành lập, do đồng chí Ngô Đức Đệ làm Bí thư.

Chứng tích Nhà ngục Kon Tum đã chứng minh cho chúng ta một điều, sự tàn ác và súng đạn của kẻ thù không thể khuất phục được tinh thần cách mạng kiên trung, ý chí sắt đá kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cộng sản. 

Với những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, Nhà ngục Kon Tum được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là khu di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia từ năm 1990.

Nhà ngục Kon Tum là nơi giam giữ tù chính trị bị giặc Pháp đưa từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế về, đồng thời cũng là nơi cung cấp nhân công khai phá miền cao nguyên, mở đường 14 vùng Tây Nguyên.
Nhà ngục Kon Tum gồm có 2 nhà giam, 1 nhà lớn và 1 nhà nhỏ, ở giữa là nhà lính gác, sườn nhà bằng sắt, mái lợp tôn nên có tên là nhà Lao kẽm hay nhà Lao sắt.
Gường cùm chân và vồ gỗ dùng đóng chốt cùm, đồng thời là vật tra tấn những người tù chính trị.
Cùm chân quân địch sử dụng cùm chân các chiến sĩ cách mạng trong quá trình lao động khổ sai.
Một gò đất hiện trường nơi các chiến sĩ cộng sản lao động khổ sai năm xưa.
Một số tư liệu hình ảnh về các chiến sĩ cách mạng bị giam giữ tại Nhà ngục Kon Tum...
Tư liệu về Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Kon Tum được thành lập tháng 9/1930, do đồng chí Ngô Đức Đệ làm Bí thư.
Trong các tư liệu lưu giữ tại Nhà ngục Kon Tum có tên đồng chí Nguyễn Phong Sắc - tên người chiến sĩ cách mạng được đặt cho rất nhiều tuyến đường ở các địa phương, trong đó có thủ đô Hà Nội.
Trong di tích Nhà ngục Kon Tum còn lưu giữ nhiều hồ sơ của các chiến sĩ cách mạng bị tù đày tại đây.
Mẫu truyền đơn sử dụng đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng cùng các bài báo tuyên truyền của Đảng kêu gọi ủng hộ phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh.
Các vật dụng của người tù chính trị trong Nhà ngục Kon Tum được khai quật qua các thời kỳ.
Hiện Nhà ngục Kon Tum là điểm tham quan được nhiều người yêu thích khi đến với vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió.
Nhà ngục Kon Tum được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1990.
 
Kim Chiến/Theo Báo ĐSCVN

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều