Sau Đại hội, do yêu cầu công việc, tôi có nhiều lần thay mặt trường Đại học Bách khoa Hà Nội mời anh cùng nhà thơ Xuân Diệu đến nói chuyện với cán bộ, sinh viên nhà trường về chuyện văn chương.
Chúng tôi thực sự trở thành anh em thân thiết khi tôi chuyển về công tác chuyên trách Mặt trận, còn anh là Ủy viên lâu năm của Mặt trận Trung ương.
Theo hồ sơ lưu trữ khi tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội cũng như tham gia Mặt trận qua các thời kỳ, qua những câu chuyện tâm tình, tôi biết, Nguyễn Đình Thi sinh ngày 20.12.1924 tại Luang Prabang (Lào). Quê gốc là làng Vũ Thạch, nay là phố Bà Triệu thuộc địa phận phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cụ thân sinh ra ông là một viên chức thuộc Sở Bưu điện Đông Dương. Tròn 5 tuổi, cha ông được điều động trở về nước, lúc đầu làm việc ở Hà Nội, sau đó xuống Hải Phòng. Ông theo cha về nước và vào học tại các trường ở địa phương nơi cha làm việc.
Nổi tiếng thông minh từ nhỏ, ông học giỏi, luôn đứng đầu lớp, đặc biệt là những môn đòi hỏi tư duy cao như môn triết. Ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông đã viết và cho xuất bản những tác phẩm đầu tay của mình như: Triết học nhập môn, Triết học Einstein (1942), Siêu hình học. Mặc dù bị mật thám Pháp theo dõi gắt gao, ông vẫn cùng một số bạn bè thân thiết là học sinh, sinh viên tổ chức nhóm bí mật nghiên cứu chủ nghĩa Mác.
Tốt nghiệp tú tài toàn phần, ông thi đỗ Khoa Luật của Đại học Đông Dương và tham gia Mặt trận Việt Minh do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và trở thành một trong những cán bộ chủ chốt của Hội Văn hóa cứu quốc.
Trong những năm hoạt động bí mật, ông đã hai lần bị địch bắt, bị tra tấn dã man nhưng luôn luôn giữ vững khí tiết của người cách mạng.
Năm 1944, Đảng Dân chủ được thành lập. Ông được cử là đại diện của Tổng bộ Việt Minh tham gia Đảng Dân chủ.
Cách mạng tháng Tám 1945, ông được cử đi dự Quốc dân Đại hội Tân Trào và là một trong hai đại biểu trẻ nhất của Đại hội.
Tại Đại hội, ông được bầu vào Ủy ban Giải phóng dân tộc và trở thành cán bộ cách mạng chuyên nghiệp từ đó. Cách mạng tháng Tám thành công, ông được cử làm Tổng Thư ký Hội Văn hóa cứu quốc và là Ủy viên của Tổng bộ Việt Minh.
Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của dân tộc (ngày 6.1.1946), ông ứng cử đại biểu Quốc hội tại Hải Phòng với cương vị Tổng Thư ký Hội Văn hóa cứu quốc và trúng cử với số phiếu tín nhiệm cao và trở thành đại biểu Quốc hội trẻ nhất của khoá I. Trong phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa I, ông được cử vào Ủy ban Dự thảo Hiến pháp và Ủy viên Ủy ban Thường trực Quốc hội. Được nhân dân tín nhiệm, ông tiếp tục được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa II với tư cách Phó chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam và đại biểu Quốc hội khóa III với cương vị Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam.
Toàn quốc kháng chiến, ông được Đảng điều vào quân đội chuyên lo công tác văn học nghệ thuật. Ông có mặt ở hầu khắp các chiến trường phía Bắc và để lại cho dân tộc ta nhiều tác phẩm tiêu biểu cho thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Năm 1954 hòa bình trở lại, ông được Đảng phân công tham gia quản lý lĩnh vực văn học nghệ thuật.
Từ năm 1958 đến 1989, ông là Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam và từ 1995 đến khi qua đời là Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, ông là Ủy viên Tổng bộ Việt Minh từ năm 1944, là Ủy viên Ban Chấp hành Mặt trận Liên Việt từ ngày thành lập, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương MTTQ Việt Nam từ 1958 đến 1989 và Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam từ năm 1999 đến cuối đời.
Nguyễn Đình Thi được giới văn học nghệ thuật ở nước ta đánh giá là một nghệ sĩ đa tài và đa tình. Ông là nhà thơ, nhạc sĩ, nhà viết kịch, nhà phê bình văn học. Ở lĩnh vực nào ông cũng đều nổi tiếng, có những đóng góp quan trọng vào lĩnh vực đó và để lại cho đời những sản phẩm có giá trị bền vững với thời gian.
Trong cách mạng tháng Tám, hai bản nhạc “Diệt phát xít” và “Người Hà Nội” là những sáng tác để đời mà nhiều người cho rằng đây là những đóng góp nổi trội của ông trong lĩnh vực âm nhạc. Trong đó, “Diệt phát xít” đã cùng “Tiến quân ca” của Văn Cao đã từng được đưa ra so sánh để chọn làm Quốc ca.
Về thơ của Nguyễn Đình Thi, các nhà phê bình văn học có chung một nhận định. Đây là lĩnh vực ông dành nhiều tâm huyết nhất, luôn trăn trở, tìm tòi, nhằm đổi mới diện mạo thơ ca Việt Nam. Thơ ông có bản sắc và giọng điệu riêng, vừa tự do, phóng khoáng, vừa suy tư về con người, tình yêu và đất nước - một đất nước tươi đẹp, hiền hòa, chịu đựng nhiều đau thương mất mát trong chiến tranh, bất khuất trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm và cuối cùng giành toàn thắng. Trong các tác phẩm đã xuất bản, “Đất nước” được đưa vào sách giáo khoa để các thế hệ trẻ học tập.
Kịch cũng là lĩnh vực nổi trội của ông trong sự nghiệp văn chương. Đề tài được ông đề cập rất đa dạng. Có những vở về lịch sử như: Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Rừng Trúc; có những vở về đương đại như Hoa và Ngân; lại có những vở về đề tài dân gian như: Trương Chi, Thằng Cuội và đặc biệt là "Con nai đen".
Nguyễn Đình Thi lại là một nghệ sĩ đa tình. Là một chàng trai nổi tiếng thông minh, đẹp trai, học giỏi, hát hay, lại rất “ga lăng” nên nhiều cô gái Hà thành thời đó “chết mê, chết mệt” vì anh. Lo ngại con mình sa vào “bẫy tình”, các cụ thân sinh quyết định lấy vợ cho anh trong lúc anh vẫn còn ở tuổi học trò. Đó là chị Bùi Nữ Trâm Nguyệt Nga - cháu gái quan Tuần phủ nổi tiếng thời đó.
Trong kháng chiến chống Pháp, bà Nguyệt Nga bị lao phổi và mất sớm, bỏ lại 3 người con thơ dại. Không ngờ sau đó ít lâu, anh Thi cũng bị lao và được Trung ương cho sang Trung Quốc chữa bệnh. Chính tại Trung Quốc, anh gặp bác sĩ Phạm Thị Trường và được đồng chí Hoàng Quốc Việt - Đại sứ của nước ta tác thành. Song cuộc hôn nhân sau này không trọn vẹn.
Như anh từng thú nhận trong các kỳ sinh hoạt ở Mặt trận: Mối tình đẹp nhất, lớn nhất và dài lâu nhất trong cuộc đời của mình là mối tình xuyên biên giới - mối tình giữa anh với chị Madeleine Rifaud - nhà thơ, nữ chiến sĩ chống phát-xít, phóng viên báo Nhân đạo Pháp - người đã được Giải thưởng văn chương Pháp, với tập thơ “Con ngựa đỏ”, được phong danh hiệu anh hùng, được thưởng “Bắc đẩu bội tinh” - huân chương cao quý nhất của nước Pháp. Mối tình đó được anh ấp ủ và trân trọng cả những giờ phút lâm chung.
Nguyễn Đình Thi qua đời ngày 18.4.2003. Do những cống hiến xuất sắc trên nhiều mặt, ông đã được Đảng, Nhà nước trao tặng: Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về văn học nghệ thuật; Huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết.
Trong điếu văn đọc tại tang lễ đồng chí Nguyễn Đình Thi, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt - Trưởng Ban lễ tang nhấn mạnh: “Với tài năng tổ chức lãnh đạo văn nghệ xuất sắc - một tài năng đặc biệt tỏa sáng vào lúc cách mạng chuyển giai đoạn, rất cần sự nhận định sáng suốt và với uy tín cá nhân cao, sức tập trung rộng rãi và tính kiên định cách mạng, nhà văn Nguyễn Đình Thi có công lao to lớn xây dựng phát triển nền văn học - nghệ thuật của đất nước ta trong hơn nửa thế kỷ qua...
Với tài năng đa dạng: nhà nghiên cứu triết học, nhà thơ, nhà văn, kịch tác gia, nhạc sĩ, nhà báo, Nguyễn Đình Thi đã để lại cho chúng ta một di sản văn hóa đồ sộ. Ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật, ông đã để lại những tác phẩm xuất sắc, có sức sống lâu bền, có ảnh hưởng sâu rộng, trở thành niềm tự hào của giới văn học nghệ thuật nước nhà, được nhân dân giữ gìn, trân trọng”.