Những đóng góp nổi bật của Mặt trận Liên Việt trong kháng chiến chống thực dân Pháp

(Mặt trận) - Năm 1951, trong lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, thực hiện chủ trương của Đảng về thống nhất hai tổ chức Mặt trận, từ ngày 3 đến ngày 7/3/1951, tại Tuyên Quang, Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh và Liên Việt thành Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận Liên Việt) đã diễn ra. Thống nhất Việt Minh và Liên Việt là một thắng lợi có ý nghĩa lịch sử, là bước tiến, sự trưởng thành của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam, tạo cơ sở vững chắc để đưa kháng chiến bước vào giai đoạn mới - tích cực chuẩn bị để chuyển mạnh sang giai đoạn tổng phản công, đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ năm 1954 công nhận chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam.
Lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" tung bay trên nóc hầm Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ chiều ngày 7/5/1954. Ảnh: TL

Mặt trận Liên Việt xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Mặt trận Liên Việt tập hợp tất cả các đoàn thể, tôn giáo, đảng phái, các cá nhân yêu nước nhằm kết chặt khối đại đoàn kết toàn dân để kháng chiến, kiến quốc. “Về tổ chức Mặt trận, phải hoàn thành việc thống nhất Việt Minh và Liên Việt trong toàn quốc, thực hiện một Mặt trận Dân tộc thống nhất duy nhất, với tính chất chặt chẽ và rộng rãi đặt trên cơ sở liên minh công nông và lao động trí thức dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, lấy tên là Mặt trận Liên - Việt”1.

Quyết nghị của Đại hội hoan nghênh chủ trương thống nhất Việt Minh - Liên Việt, ghi công Mặt trận Việt Minh và các chiến sỹ Việt Minh đã xây dựng và phát triển Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam theo đúng chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc.

Điều lệ của Mặt trận Liên Việt xác định các nguyên tắc cơ bản là đảm bảo sự đoàn kết rộng rãi, thực hiện dân chủ, tôn trọng tính độc lập của các đoàn thể, lấy phê bình và tự phê bình để tiến bộ. Tiến tới lập khối liên minh nhân dân Việt - Miên - Lào trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tương trợ để cùng kháng chiến chống kẻ thù chung, xây dựng ba quốc gia độc lập, phú cường. Tuyên ngôn của Đại hội biểu dương Việt Minh đã có công lớn trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, chống quân cướp nước. Tất cả mọi người dân Việt Nam đều phải ghi nhớ công lao đó. Lịch sử mười năm (1941-1951) đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc, của Việt Minh cũng là những trang lịch sử vẻ vang của vào bậc nhất của dân tộc Việt Nam. Vì quyền lợi quốc gia, dân tộc, Việt Minh tự nguyện hoà mình vào Liên Việt. Theo gương Việt Minh, Việt Nam Cách mạng đồng minh Hội cũng đã hoà mình vào Liên Việt. Tinh thần vì nước ấy đã làm cho Nhân dân Việt Nam đoàn kết và phấn khởi thêm. Tuyên ngôn kêu gọi đồng bào hãy tham gia vào Mặt trận Liên Việt; hãy đoàn kết chặt chẽ hơn nữa xung quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Cương lĩnh của Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam được phổ biến sâu rộng đến tận cơ sở, bởi vậy đã tập hợp được đông đảo lực lượng trong cả nước để kháng chiến và kiến quốc. Tinh thần đoàn kết toàn dân tộc thể hiện rõ nhất ở Mặt trận Liên Việt - nơi tập hợp tất cả mọi tầng lớp, giai cấp, cá nhân yêu nước, không phân đảng phái, tôn giáo, giàu nghèo vì một mục tiêu duy nhất là kháng chiến chống thực dân Pháp, giành độc lập cho dân tộc.

Mặt trận Liên Việt góp phần quan trọng vào việc động viên toàn dân, toàn quân xây dựng, bảo vệ chính quyền, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sau khi mở rộng và chiếm đóng được vùng nông thôn, từ cuối năm 1948, cùng với việc dùng quân sự để đánh phá ác liệt vào vùng tự do, vùng giải phóng, thực dân Pháp còn dùng mọi biện pháp gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực dân Pháp đẩy mạnh chính sách tuyên truyền, xuyên tạc, lừa bịp gây mâu thuẫn giữa các dân tộc. Trước thủ đoạn đó, các chính đảng, các đoàn thể thành viên của Mặt trận Liên Việt tích cực tuyên truyền, vận động, giáo dục đồng bào tăng cường đoàn kết, giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau khắc phục những khó khăn, thực hành tốt các chính sách của Nhà nước, thực hiện cuộc vận động 3 không “không nghe, không tin, không theo địch”. Đối với đồng bào Công giáo, các đoàn thể thành viên của Mặt trận các cấp cử cán bộ trực tiếp xuống từng địa phương có đồng bào theo đạo Công giáo làm công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách tôn giáo, chính sách đoàn kết Dân tộc của Đảng và Chính phủ. Qua đó, đồng bào giáo dân hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, không bị lôi kéo, dụ dỗ tham gia chống phá cách mạng.

Mặt trận Liên Việt còn chỉ đạo một số địa phương thực hiện “Ba cùng” với giáo dân (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) để vận động đồng bào giáo dân.

Ngày 30/1/1953, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định tiến hành cải cách ruộng đất trong kháng chiến và phát động giảm tô, thực hiện giảm tức. Tháng 11/1953, Hội nghị toàn quốc của Đảng thông qua Cương lĩnh cải cách ruộng đất, quyết định cải cách ruộng đất ở vùng tự do. Ngày 1/12/1953, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thông qua Luật Cải cách ruộng đất.

Quá trình thực hiện cải cách ruộng đất, một số địa phương mắc phải sai lầm nghiêm trọng làm tổn hại đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các đoàn thể, tổ chức thành viên của Mặt trận Liên Việt tích cực tham gia khắc phục hạn chế của cuộc cải cách ruộng đất: khôi phục Đảng cho những người bị oan sai, trả lại tài sản cho gia đình chính sách, nhà thờ Công giáo, đình chùa, nhà thờ họ...

Nhờ những nỗ lực trong công tác sửa sai, Mặt trận dần lấy lại tình cảm, lòng tin của nhân dân với Đảng và Chính phủ. Sau những “sóng gió cải cách”, đời sống của nhân dân từng bước đi vào ổn định, yên tâm tổ chức lại cuộc sống. Mặt trận Liên Việt đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử là đoàn kết toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi.

Đóng góp của Mặt trận Liên Việt trên mặt trận đối ngoại

Phát huy những thắng lợi của sự nghiệp ngoại giao nhân dân đã giành được trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, sau khi ra đời, Mặt trận Liên Việt luôn tích cực tham gia các hoạt động đối ngoại. Mặt trận chủ động tham gia các hội nghị quốc tế, tiếp xúc với nhiều đại diện nhân dân thế giới, các tổ chức dân chủ, nhất là các đoàn thể dân chủ, hòa bình và tiến bộ Pháp để nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới và nhân dân yêu chuộng hòa bình Pháp hiểu rõ về cuộc chiến tranh mà chính quyền thực dân Pháp đang tiến hành ở Việt Nam và Đông Dương. Trong tất cả các diễn đàn, các cuộc tiếp xúc, Mặt trận luôn nêu cao thiện chí, chính nghĩa của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của dư luận thế giới nhằm phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của thực dân Pháp ở Đông Dương nói chung, ở Việt Nam nói riêng.

Nhằm thắt chặt và tăng cường hơn nữa liên minh đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung, đưa sự nghiệp cách mạng của Việt Nam - Lào - Campuchia vững bước tiến lên, ngày 11/3/1951, tại xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình), huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang, Hội nghị liên minh ba nước Đông Dương đã được tổ chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự Hội nghị với tư cách là Chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch danh dự Mặt trận Liên Việt. Đây là sự kiện điển hình trong công tác đối ngoại của Mặt trận Liên Việt.

Tại Hội nghị, đồng chí Tôn Đức Thắng, đại diện Mặt trận Liên Việt trình bày bản Báo cáo chung và Đề án tổ chức, chương trình hoạt động. Các đại biểu thảo luận về tình hình thế giới; tình hình Việt Nam, Lào, Campuchia, quan hệ giữa nhân dân ba nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược cùng một số vấn đề khác mà các bên quan tâm. Hội nghị đã nhất trí thành lập khối liên minh nhân dân Việt Nam - Miên- Lào theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tương trợ và tôn trọng chủ quyền của nhau; đề ra chương trình hành động chung và cử Uỷ ban liên minh nhân dân ba nước Đông Dương gồm các đồng chí: Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Minh Giám (Việt Nam); Xupha Nuvông, Nuhắc Phumxavẳn (Lào); Sơn Ngọc Minh, Tuxamút (Campuchia). Ủy ban liên minh nhân dân ba nước Đông Dương có nhiệm vụ thực hiện quyết nghị của Hội nghị và tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa nhân dân ba nước. Hội nghị thống nhất ra Quyết nghị và Tuyên ngôn3.

Tuyên ngôn của Hội nghị nêu rõ thực dân Pháp và can thiệp Mỹ cố tình xâm chiếm ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia và dùng ba nước làm căn cứ tiến công các nước khác, đàn áp phong trào giải phóng của các dân tộc Đông Nam Á, gây thảm hoạ chiến tranh quy mô lớn.

 Hội nghị kêu gọi nhân dân ba nước hãy đoàn kết chặt chẽ trong Mặt trận của mình làm cho khối liên minh nhân dân ba nước ngày càng thêm vững chắc, đẩy mạnh cuộc kháng chiến của ba dân tộc mau chóng đến thắng lợi, củng cố và phát triển chính quyền dân tộc và nhân dân ở ba nước.

Hội nghị kêu gọi nhân dân thế giới và các dân tộc bị áp bức hãy ủng hộ khối liên minh nhân dân Việt Nam - Lào - Campuchia làm tròn nghĩa vụ bảo vệ chính nghĩa và giành tự do.

Từ năm 1950 đến 1953, trên thế giới đã có 9 hội nghị quốc tế bảo vệ hoà bình quan trọng đều ra nghị quyết ủng hộ cuộc kháng chiến của Nhân dân Việt Nam. Tháng 10/1953, Đại hội công đoàn thế giới lần thứ III với sự tham gia của đại biểu 79 nước đã quyết định lấy ngày 19/12, ngày Toàn quốc kháng chiến của Việt Nam làm “Ngày đoàn kết với nhân dân Việt Nam”.

Trên mặt trận đối ngoại, bằng tiếng nói của mình, Mặt trận Liên Việt góp phần nói lên tiếng nguyện vọng và khát vọng hòa bình, độc lập của nhân dân Việt Nam. Thắng lợi trong tranh thủ sự đồng tình ủng hộ quốc tế của Việt Nam, góp phần làm thay đổi cục diện của cuộc chiến tranh theo hướng ngày càng có lợi cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, đồng thời gây bất lợi cho cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp.

Đóng góp của Mặt trận Liên Việt trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Chuẩn bị cho chiến dịch Ðiện Biên Phủ, Mặt trận Liên Việt tích cực vận động toàn thể nhân dân tập trung mọi nguồn lực cho tiền tuyến.

Với khẩu hiệu “Tất cả cho Điện Biên Phủ”, “Tất cả để chiến thắng”, mọi công tác chi viện cho mặt trận được khẩn trương tiến hành, ưu tiên cho tiền tuyến. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền các địa phương xác định đây là công tác trọng tâm. Nhân dân ở vùng tự do cũng như trong vùng địch chiếm đóng đều hăng hái đóng góp sức người (đi dân công, thanh niên xung phong), sức của (lương thực, thực phẩm, rau củ quả, phương tiện vận chuyển) cho mặt trận Điện Biên Phủ. Hội đồng cung cấp mặt trận Trung ương được thành lập do Phó Thủ tướng - Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch, Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Trân làm Phó Chủ tịch.

Các địa phương cũng thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận của Liên khu, tỉnh do Chủ tịch Uỷ ban Hành chính đứng đầu. Hậu cần chiến dịch được phân thành hai tuyến là tuyến hậu phương và tuyến chiến dịch. Tuyến hậu phương do Tổng cục Cung cấp và Hội đồng cung cấp mặt trận Trung ương, các Liên khu Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 đảm nhiệm chuyển hàng từ Việt Bắc tới Ba Khe; tuyến chiến dịch do Tổng cục Cung cấp Tiền phương và Hội đồng cung cấp mặt trận Khu Tây Bắc chịu trách nhiệm, đưa hàng từ Ba Khe, Suối Rút lên Điện Biên Phủ. Tổng cục Cung cấp đã tổ chức lại bộ máy hậu cần chiến dịch, gồm sở chỉ huy, hệ thống kho bãi quân nhu, quân khí, quân y, các đơn vị vận tải cơ giới và thô sơ, các đội quân y dã chiến, các đơn vị công binh, dân công, thanh niên xung phong tham gia mở đường, sửa chữa cầu phà, bốc xếp hàng hoá và vận tải. Bộ máy hậu cần chiến dịch lên tới 3.200 người, dân công tuyến chiến dịch có lúc huy động hơn 30.000 người4.

Chiến thắng Ðiện Biên Phủ là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố, song trước hết nó là kết quả và sự thể hiện cao độ của chủ nghĩa yêu nước, ý chí kiên cường, sự sáng tạo và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc thông qua Mặt trận Liên Việt.

Trong kháng chiến chống Pháp, Mặt trận Liên Việt là vũ khí chính trị không thể thiếu được để nhân dân cả nước phát huy sức mạnh tổng hợp của mình trong công cuộc giải phóng dân tộc, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân. Mặt trận Liên Việt góp phần xây dựng Đảng, xây dựng và bảo vệ chính quyền nhân dân, củng cố khối liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang nhân dân. Từ khi thành lập cho đến khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thức, Mặt trận Liên Việt không ngừng được củng cố và mở rộng, có những cống hiến xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, trở thành một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của Cách mạng Việt Nam. Mặt trận Liên Việt trở thành “… Một trong những trụ cột của Nhà nước dân chủ nhân dân, là sức mạnh vô biên của cuộc kháng chiến, kiến quốc; là cơ sở quần chúng rộng rãi làm thành một áo giáp vững bền của Đảng để đánh thắng bọn xâm lược và tay sai của chúng”5.

Chú thích:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tập 12, tr. 426.

2. Báo Cứu quốc, ngày 6/3/1951.

3. Toàn văn Quyết nghị và Tuyên ngôn của Hội nghị, báo Nhân dân, ngày 7/4/1951.

4. Võ Nguyên Giáp, Tổng tập Hồi ký, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011, tr.973.

5. Văn kiện Đảng về vấn đề Mặt trận Dân tộc thống nhất, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1971, tr. 198.

NGÔ HOÀNG NAM

TS, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

LÊ MINH HÀ

TS, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều