|
Đoàn công tác số 12 ra thăm Nhà giàn DK1/9 tại cụm Ba Kè. |
Hải trình đầy ý nghĩa
Đoàn công tác số 12 do đồng chí Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân làm Trưởng đoàn và đồng chí Hoàng Công Thuỷ, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Phó Trưởng đoàn, cùng với 213 đại biểu đến từ các cơ quan, đơn vị, địa phương, mang theo nhiều nhu yếu phẩm tặng bộ đội và nhân dân huyện đảo Trường Sa. Tham gia Đoàn công tác còn có các nghệ sĩ của Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), đoàn văn công tỉnh Yên Bái đã mang những món quà tinh thần bằng nghệ thuật đến quân và dân trên huyện đảo Trường Sa.
|
Đồng chí Hoàng Công Thuỷ, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dẫn đầu đoàn công tác của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao quà cho cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Nam. |
Trước khi bước chân lên tàu đến với quần đảo Trường Sa, Đoàn công tác số 12 đã đến dâng hương tại Đài tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma và thăm hỏi các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại một số đơn vị của vùng 4 Hải quân.
Đảo Đá Nam với giá trị kinh tế biển đa dạng
Sau hành trình vượt qua hơn 300 hải lý, Đoàn công tác số 12 đã đặt chân lên đảo Đá Nam, quần đảo Trường Sa. Đảo Đá Nam được thành lập ngày 16/3/1988, có vị trí quan trọng với giá trị kinh tế biển đa dạng cùng các loại hải sản với khối lượng lớn, thuận lợi cho ngư dân ta ra khai thác đánh bắt.
Thời gian qua, tình hình Biển Đông và khu vực quần đảo Trường Sa có những diễn biến phức tạp, khó lường, nước ngoài có nhiều động thái mới, số lượng tàu thuyền, phương tiện bay hoạt động với tần suất cao.
Nhận thấy rõ vinh dự và trách nhiệm nơi tuyến đầu Tổ quốc, cán bộ và chiến sĩ trên đảo đã tập trung mọi nỗ lực xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, nâng cao nhận thức trách nhiệm, cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, quản lý tốt khu vực được phân công. Phát hiện sớm, đánh giá đúng tình hình, tham mưu kịp thời cho chỉ huy các cấp. Gắn huấn luyện chiến đấu với xây dựng nề nếp chính quy và đón tiếp các đoàn ra thăm đảo.
Cũng trong thời gian qua, đảo đã khám và điều trị cho 18 lượt ngư dân, hỗ trợ bà con về nước ngọt, lương thực thực phẩm, giúp bà con yên tâm vươn khơi bám biển. Hiện nay đơn vị đã bảo đảm được nước ngọt sinh hoạt; tổ chức tăng gia bảo đảm 100% nhu cầu rau xanh.
Thay mặt Đoàn công tác, Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân gửi lời thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sỹ trên đảo, mong muốn các cán bộ, chiến sỹ luôn giữ vững ý chí, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
|
Đồng chí Hoàng Công Thuỷ, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành viên Đoàn công tác số 12 chụp ảnh lưu niệm tại cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa. |
Sau khi kết thúc chương trình tại đảo Đá Nam, Đoàn công tác đã tiếp tục đến với đảo Đá Thị và đảo Sinh Tồn Đông. Đây là 2 đảo ở xa nhất trong số 21 đảo đang được Việt Nam quản lý ở quần đảo Trường Sa. Đảo Đá Thị là đảo chìm nằm ở phía Bắc quần đảo Trường Sa, Đá Thị quanh năm phải đón sóng gió khắc nghiệt từ trùng khơi nhưng luôn vững vàng nơi tuyến đầu biển đảo Tổ quốc.
Đảo Đá Thị tuy nhỏ nhưng có vị trí, vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện, ngăn chặn những hoạt động của tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trong vùng biển quần đảo Trường Sa. Đảo Sinh Tồn Đông nằm ở phía Bắc quần đảo Trường Sa trên một nền san hô ngập nước, do đó hầu như trên đảo không trồng được cây ăn quả, rau xanh, chỉ phù hợp với các loại cây nước lợ như mù u, phong ba, phi lao, rau muống biển, cây bàng vuông, cây bão táp, cỏ dại; qua cải tạo đất có thể trồng được rau xanh. Đảo không có nước ngọt.
Sinh Tồn Đông - Nơi có sức sống mãnh liệt
Chúng tôi đến thăm đảo Sinh Tồn Đông giữa lúc nắng gắt. Những cơn gió mang theo hơi mặn của biển phả thẳng vào từng khuôn mặt khiến ai nấy đều ướt sũng mồ hôi. Từ khoảng cách chừng 500m tất cả các thành viên đoàn công tác đều choáng ngợp bởi đảo Sinh Tồn Đông như một mảng xanh lớn giữa biển, làm dịu đi cái nắng gay gắt giữa biển khơi.
Cũng giống như cái tên của đảo Sinh Tồn Đông, cỏ cây nơi đây có sức sống mãnh liệt. Từ cầu tàu, con đường bê tông dẫn về nhà trung tâm đảo rợp bóng của những hàng phi lao xanh tốt, những tán bàng vuông, phong ba, phi lao, muống biển và đủ loại rau xanh có sức sống mãnh liệt, phát triển xanh tốt.
Tất cả đều được vun trồng bằng công sức, mồ hôi của những người lính đảo. Đảo Sinh Tồn Đông là một trong số những đảo nổi mà Đoàn công tác ghé thăm trong hành trình đến với Trường Sa lần này. Theo cán bộ, chiến sĩ nơi đây, đảo Sinh Tồn Đông có thời tiết rất khắc nghiệt, thổ nhưỡng trên đảo chỉ có cát và san hô, chỉ phù hợp với một số ít loại cây trồng, nhưng đến nay, đảo đã được phủ một màu xanh mướt.
Trong nhiều năm trở lại đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cũng như sự ủng hộ của Nhân dân, nhiều công trình trên đảo được xây dựng, nhà ở, nơi làm việc được xây dựng khang trang, vững chắc hơn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ấn tượng nhất với chúng tôi khi đến Sinh Tồn Đông chính là tiếng chuông chùa nơi đây. Âm thanh vang vọng của tiếng chuông chùa trên đảo giữa không gian trầm mặc như khẳng định sự sinh tồn đúng nghĩa của vùng đảo này. Giữa khói hương trầm mặc, đại diện Đoàn công tác dâng nén tâm nhang thành kính cầu mong cho bình an đến với vùng biển, vùng trời thân yêu của Tổ quốc.
Xúc động Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa
Chia tay đảo Sinh Tồn Đông, Đoàn công tác tiếp tục cuộc hành trình. Có lẽ ấn tượng sâu sắc và xúc động nhất trong chuyến đi là những phút giây lắng đọng, thiêng liêng, nghẹn ngào đầy cảm xúc trong Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa.
Lễ tưởng niệm được tổ chức trang trọng trên vùng biển giữa các đảo Cô Lin, Len Ðao và Gạc Ma - nơi cách đây hơn 35 năm, 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Lễ tưởng niệm được tổ chức ngay trên boong Tàu 561. Để tưởng nhớ hương hồn các Anh hùng, Liệt sĩ, Đoàn công tác đã dành một phút mặc niệm. Sau đó, Đoàn công tác đã dâng hương, thả vòng hoa, lễ vật tưởng niệm những người anh hùng của Hải quân nhân dân Việt Nam, những cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh ở Trường Sa, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Trong nghi thức cuối cùng, từ trên boong tàu, chúng tôi thả những bông hoa tươi và những cánh hạc được gấp đủ màu sắc xuống biển và thầm cầu mong cho linh hồn các liệt sĩ đã hy sinh luôn thanh thản, tự hào ở lại với Trường Sa để cùng các chiến sĩ Hải quân canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Đẹp dịu dàng như Tiên nữ An Bang
Trên hải trình tiếp theo, Đoàn công tác lần lượt đến với các đảo An Bang và Đá Tây A. Ấn tượng của chúng tôi khi bước chân đến đảo An Bang có lẽ là những gương mặt chiến sĩ đã bắt đầu nhuốm màu sương gió. Họ còn rất trẻ, chỉ mới bước sang tuổi 20, tay ra sức kéo xuồng đưa chúng tôi vào bờ an toàn. Cái bắt tay, lời chào thân thiết là mở đầu cho chuyến thăm đầy cảm xúc nơi biển đảo xa xôi. Vẻ đẹp của vùng biển đảo này đã đi vào bài thơ, tiếng hát: “Đẹp dịu dàng như Tiên nữ, An Bang” trong bài hát “Bâng khuâng Trường Sa”.
Chúng tôi ấn tượng với Trạm hải đăng An Bang, nơi đó lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió biển như cột mốc đánh dấu chủ quyền biển đảo Việt Nam. Cây bàng vuông dẫn lối bước chân chúng tôi. Sau buổi làm việc nắm tình hình hoạt động tại đảo, nhiều phần quà được gửi từ đất liền đã được trao tận tay các cán bộ, chiến sĩ.
Sau khi trở lại tàu, Đoàn công tác đã tổ chức chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật toàn Tàu 561 chào mừng kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/1890 - 19/5/2023. Vẫn là những tiếng hát mộc mạc, giản đơn cất lên trong đêm tối nơi boong tàu, vẫn là những cái nắm tay thắt chặt tình quân - dân. Đêm biểu diễn đã gắn chặt tinh thần đoàn kết, gửi gắm tình cảm của các nghệ sĩ với lính đảo, với quê hương.
Đá Tây A - Nơi “thành phố” chìm
|
Cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Tây A đọc Tạp chí Mặt trận. |
Chỉ huy trưởng điểm đảo Đá Tây A cho biết, những năm gần đây, nhờ được đầu tư trang bị hệ thống bể chứa nên đảo đã chủ động và bảo đảm được nhu cầu nước sinh hoạt. Để tổ chức tăng gia trồng rau xanh, cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Tây A phải vận chuyển từ đất liền ra từng bao đất nhỏ. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã thực hiện tốt công tác tăng gia, sản xuất, chăn nuôi. Nhờ vậy, đến nay đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã được cải thiện đáng kể.
Hiện nay, đảo Đá Tây A được trang bị tivi, trạm thu phát tín hiệu vệ tinh của Đài Truyền hình Việt Nam đã giúp cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo cập nhật kịp thời những thông tin trong nước và thế giới.
Điểm đảo Đá Tây A cùng với Đá Tây B, Đá Tây C tạo thành cụm đảo Đá Tây, là điểm tựa an toàn của ngư dân trong những chuyến vươn khơi, bám biển. Đồng thời là nơi cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá lớn nhất tại Trường Sa, các tàu cá khi đến đây còn được cung cấp nhiều dịch vụ để khai thác ngư trường, là hậu phương vững chắc cho ngư dân yên tâm bám biển, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Trường Sa Lớn - “Trái tim” vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc
Chia tay Đá Tây A, Đoàn công tác đã tiếp tục hải trình đến với Trường Sa Lớn. Những ngày tháng 5 là thời kỳ sóng yên, biển lặng, rất thuận lợi cho các đoàn từ đất liền ra thăm hỏi, động viên bộ đội và Nhân dân trên đảo.
Trên đảo Trường Sa hiện đã có các công trình như: Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa, chùa, nhà đèn, nhà dân, trạm khí tượng thủy văn, nhà tưởng niệm Bác Hồ, tượng đài liệt sĩ...
|
Đoàn công tác của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại công trình Nhà Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam trên đảo Đá Tây A. Đồng chí Hoàng Công Thuỷ, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành viên Đoàn công tác số 12 chụp ảnh lưu niệm tại cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa |
Nằm ở trung tâm quần đảo Trường Sa, đảo Trường Sa là nơi thuận tiện cho ngư dân tránh trú gió, bão. Vì vậy, nhiều năm qua ngư dân các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam và một số địa phương ven biển Nam Bộ mỗi khi xa bờ, ra khơi sản xuất, bất ngờ có bão, giông, đau ốm, phần nhiều đều đến đảo Trường Sa tạm lánh, cấp cứu, điều trị, tiếp nhận nước ngọt, lương thực, thực phẩm, tạo nên sự gắn kết bền chặt, thắm đượm tình quân dân, trở thành cột mốc chủ quyền bất tử giữa biển khơi...
Trường Sa không chỉ có cán bộ, chiến sĩ ngày đêm canh giữ, bảo vệ biển đảo, mà ở đó còn có những hộ gia đình xây tổ ấm trên đầu sóng ngọn gió thực sự tràn đầy niềm vui và lạc quan. Như bao gia đình Việt Nam khác, dù sống ở nơi tiền phương, hải đảo xa xôi, họ vẫn vun đắp cuộc sống hạnh phúc rất đỗi bình dị. Và không chỉ xây dựng hạnh phúc của riêng mình, thẳm sâu trong lòng mỗi người còn là tình yêu biển đảo quê hương sâu sắc.
Bước vào lối đi dọc dãy nhà dân của đảo Trường Sa (thị trấn Trường Sa) được xây dựng kiên cố, rộng rãi, Đoàn công tác gặp gỡ sau đó trao quà các hộ dân sinh sống trên đảo.
Chia sẻ với phóng viên, một phụ nữ nơi đây cho biết: “Hằng ngày, khi người chồng đi làm nhiệm vụ dân quân tự vệ, bọn trẻ đến trường học, chị em phụ nữ chúng tôi ở nhà nấu ăn, tham gia vệ sinh quét dọn, chăm sóc hoa, cây cảnh trên đảo. Chị em chúng tôi ở đây thương yêu, đùm bọc, động viên nhau làm tốt vai trò của người vợ, người mẹ, xây dựng hạnh phúc nơi hải đảo. Chúng tôi thấy tự hào khi được sống ở Trường Sa, vì vậy, anh em nam giới đều rất hăng hái tham gia đội dân quân tự vệ, cùng chung sức giữ gìn biển đảo quê hương”.
Những gia đình nhỏ trên huyện đảo tuy vẫn còn không ít khó khăn, nhưng với tình đoàn kết, mỗi gia đình không chỉ chăm sóc cho hạnh phúc tổ ấm của riêng mình, họ còn cùng nhau xây dựng một cộng đồng cư dân thắm đượm tình làng, nghĩa xóm nơi hải đảo xa xôi.
Tiếp nối hải trình đi thăm các điểm đảo, điểm đến cuối cùng chở Đoàn công tác đến khu vực Nhà giàn DK1/9 Ba Kè. Nhà giàn DK dần hiện ra trong nắng sớm. Lá cờ Tổ quốc kiêu hãnh tung bay trong gió. Giây phút đặt chân lên Nhà giàn DK1/9 như vỡ òa xúc động. Những cái bắt tay nồng ấm, những cái ôm mặn mòi gió biển, chúng tôi như những đứa con xa được trở về nhà.
Kể từ những ngày đầu tiên xây dựng nhà giàn nơi thềm lục địa phía Nam, đến nay hầu hết các nhà giàn đều đã được trùng tu, cải tạo và xây lắp mới. Giữa biển khơi bao la, những cán bộ, chiến sĩ nơi đây vẫn luôn cảm nhận được hơi ấm và tình cảm thân yêu từ đất liền, hậu phương.
Vậy là sau 7 ngày với hành trình hơn 1.000 hải lý, Đoàn công tác số 12 đã trở về đất liền, tạm biệt Trường Sa, tạm biệt quần đảo hiên ngang, kiên trung nơi tuyến đầu của Tổ quốc. Mỗi người một tâm trạng, một cảm xúc riêng khi chia tay Trường Sa, nhưng có một điều đã trở thành ký ức chung của cả Đoàn công tác, đó là tình yêu Trường Sa nói riêng và tình yêu với biển đảo quê hương, biên cương của Tổ quốc mãi mãi trong tim mọi người.
Với những điều tận mắt chứng kiến, chúng ta hoàn toàn tin tưởng và hy vọng vào sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, vào ý chí quyết tâm, tinh thần đại đoàn kết của mỗi cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân nơi đầu sóng, ngọn gió.
Nguyễn Hữu Phương - Tạp chí Mặt trận,
cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.