Quảng Ninh: Đúc tượng thờ Tiến sĩ Vũ Phi Hổ

Quảng Ninh vừa khởi công đúc pho tượng bằng đồng của một vị quan đại thần thời phong kiến, mà chính sử chép là người khoa cử, tiết nghĩa đệ nhất phủ, đang được thờ tự ở một ngôi đền cổ.
 

Mẫu tượng làm bằng thạch cao, để lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân trước khi đúc bằng đồng.

Pho tượng tỷ lệ 1:1, tương ứng với người tầm thước phổ biến ở Việt Nam niên đại trước, cao 1,68m. Tượng đặt ở tư thế ngồi trên ngai. Bức tượng, cân đai, áo mũ, trang phục quan Ngự sử Đài, thời hậu Lê. Bức tượng sử dụng trên 5 tạ đồng đỏ nguyên chất, có dát vàng mười. Tổng kính phí trên 350 triệu đồng, huy động bằng nguồn xã hội hóa, Hội đồng dòng họ Vũ - Võ Quảng Ninh là nòng cốt hưng công đóng góp.

 

Khởi công đúc tượng tại sân đền, bức tượng đồng nặng trên 5 tạ, tỷ lệ 1:1 tương ứng với người cao 1,68m, ở tư thế ngồi trên ngai.

Chính thần bức tượng là TS. Vũ Phi Hổ, người được lưu danh tại bia đá số 11, trong số 82 tấm bia đá lớn tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội). Văn bia chép, Vũ Phi Hổ, người làng Dư Xá, huyện Hoành Bồ, phủ Hải Đông. Năm 1511, khoa thi Tân Mùi thời vua Lê Tương Dực, đỗ Tiến sĩ Tam giáp đồng nguyên.

TS. Vũ Phi Hổ làm quan thời Lê Trung Hưng, chức Phó đô Ngự sử. Tuổi cao cáo ấn từ quan và khi cụ qua đời được triều đình xét công trạng người “Trung quân ái quốc” ban thưởng hương hỏa, giao cho quan bản địa nơi phát tích xây dựng nhà thờ, định lễ xuân thu nhị kỳ. Dân làng còn lưu bài văn khấn cổ (chữ Hán Nôm), chính lễ vào ngày mười rằm tháng ba.

 

Ngôi đền duy nhất ở Quảng Ninh thờ “Anh nghị Đại vương”, tạm dịch là thờ người có công lớn với dân với nước thời phong kiến ở địa phương.

Ngôi đền ở thôn Tân Tiến, xã Lê Lợi, thành phố Hạ Long đến nay đã có lịch sử trên 400 năm, qua các biến cố của lịch sử và đã nhiều lần trùng tu xây dựng. Lần trùng tu lớn vào năm 2010, lăng thờ chính xây kiểu chữ đinh, hồi bít đốc, hai tầng mái, rộng 223,6m, cao 8,72m, trên thửa đất rộng trên 10.000m2, kinh phí đầu tư trên 30 tỷ đồng. Công trình được xếp hạnh di tích lịch sử văn hóa vào tháng 1/2017.

 

Đền thờ “Anh nghị Đại vương” - TS. Vũ Phi Hổ - ở thôn Tân Tiến, xã Lê Lợi, thành phố Hạ Long.

Theo GS. Hoàng Giáp, cụ Vũ Phi Hổ là một nhân thần có sử tích đặc biệt. Cụ là người đầu tiên ở vùng Đông Bắc Bộ đỗ Tiến sĩ và là người được hai triều đại cấp đạo sắc phong công trạng. Sắc phong thứ nhất vào ngày 8/12/1511 (năm Hồng Thuận thứ ba), sắc phong thứ hai vào ngày 18/9/1802 (năm Gia Long thứ nhất).

Đặc biệt, cụ Vũ Phi Hổ làm quan Phó đô Ngự sử thời Lê Trung Hưng (đời trước), mà gần 300 năm sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi, lập nên triều đình nhà Nguyễn, năm Gia Long thứ nhất (đời sau) lại tôn vinh cụ là người tiết nghĩa. Sắc phong mỹ tự “Anh nghị Đại vương”, tạm dịch là người có công lớn với dân với nước.

 

Ngày khai giảng năm học mới hoặc mùa thi, các nhà trường tại địa phương thường đến dâng hương tại đền thờ TS. Vũ Phi Hổ, mong năm học hanh thông, khoa cử thành đạt.

Cũng theo GS. Hoàng Giáp, người gạo cội văn hóa khảo cổ cho biết, từ thời hậu Lê có lệ sắc phong Anh nghị, truy phong cho công thần tiết nghĩa đã quá cố như thời ta phong danh hiệu Anh hùng liệt sĩ, người vị quốc vong thân. Tính từ thời hậu Lê đến cuối triều Nguyễn trên 400 năm, địa phương biết bao người khoa cử, làm quan triều đình phong kiến, nhưng đến nay, duy nhất mới chỉ tìm thấy TS. Vũ Phi Hổ, Phó đô Ngự sử thời Lê Trung Hưng còn lưu được đầy đủ thần tích, thần sắc “Anh nghị Đại vương”.

Quảng Ninh đúc tượng đồng cụ Vũ Phi Hổ - vị Tiến sĩ đầu tiên ở vùng Đông Bắc và đây cũng là bức tượng vị quan đức - tài thời phong kiến đầu tiên được nhân dân tôn kính, hưng công đúc tượng đồng dát vàng.

Theo Vũ Phong Cầm/Báo Xây dựng

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều