Sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

Chiến tranh đã lùi xa, các hộ gia đình chính sách nói chung, những người lính năm xưa nói riêng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn giữ mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, khí chất cách mạng để vượt khó, vươn lên trong cuộc sống, đóng góp cho sự phát triển chung của thành phố, là tấm gương sáng cho thế hệ mai sau noi theo.
Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh trao quà tri ân thương binh. (Ảnh ANH HOÀNG)

Nhiều người lính rời chiến trường trở về quê hương đã mang trên mình những di chứng, vết thương nặng, nhẹ khác nhau nhưng luôn có chung bản lĩnh vượt lên hoàn cảnh để tiếp tục sống có ích cho gia đình, xã hội.

Bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ

Cho đến giờ, thương binh hạng 1/4 Trần Văn Tản, ngụ Quận 4, vẫn không thể quên những năm tháng chiến tranh ác liệt cùng đồng đội chiến đấu với kẻ thù. Chiến tranh đã lấy đi đôi mắt, cánh tay trái, để lại nhiều thương tích trên cơ thể của người thương binh này. Tuy nhiên, không chỉ vượt khó một mình nuôi hai con học hành, người lính Bộ đội Cụ Hồ còn tích cực tham gia hoạt động tại địa phương với vai trò là Chủ tịch Hội người mù Quận 4; vận động các nguồn lực chăm lo, hỗ trợ việc làm cho hội viên.

Còn thương binh Nguyễn Hải Quý nhập ngũ về Quân đoàn 4, Sư đoàn 7, Trung đoàn 165, Tiểu đoàn 5 (Tiểu đoàn bộ) năm 1983, được cử sang Campuchia chiến đấu. Trong một lần hành quân, xe vận tải lọt vào trận địa phục kích của địch, may mắn thoát chết, ông Quý bị bể cột sống đứt tủy, liệt hai chi dưới, rối loạn cơ trăn, trọng thương nặng cột sống thân sau và bể xương chậu do mìn. Vợ ông là Lê Hồng Ngọc quyết tâm chăm sóc chồng suốt 38 năm như một câu chuyện cổ tích giữa đời thực.

Trở về từ sự ác liệt của chiến tranh, chú Trần Ngọc Nam, sinh năm 1967 (ngụ Phường 11, Quận 3) trở thành tấm gương cho nhiều người, nhất là lớp trẻ. Chú là thương binh nặng có hoàn cảnh khó khăn. Từ sự hỗ trợ một xe bán cà-phê tại nhà của địa phương, vợ chồng chú Nam đã nuôi dạy con khôn lớn, được đến trường học hành đầy đủ. Ngoài công việc gia đình, chú Nam còn tham gia làm Tổ phó dân phố, tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương. Là thương binh, với tinh thần của người lính Bộ đội Cụ Hồ, chú còn tham gia nhiều hoạt động an sinh xã hội.

Quan tâm chất lượng sống của gia đình chính sách

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 73.400 đối tượng chính sách (Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; thương binh; bệnh binh; gia đình, người có công với cách mạng;…).

Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, những năm qua, thành phố đã quan tâm triển khai các hoạt động chăm lo giúp các gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh cải thiện cuộc sống, có thêm niềm tin, nghị lực vươn lên, tiếp tục đóng góp cho sự phát triển chung của thành phố. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh Trần Kim Yến cho biết:

Những năm qua, hệ thống Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên đã vận động nguồn lực xã hội phụng dưỡng đến cuối đời cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; hỗ trợ kinh phí cho thương binh, bệnh binh nặng có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa như: Xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, hỗ trợ phương tiện sinh kế, phương tiện sinh hoạt, hỗ trợ vốn tạo việc làm;… triển khai có hiệu quả để các hoạt động không chỉ là sự “đền ơn đáp nghĩa” mà còn giáo dục thế hệ sau tự hào về lịch sử anh hùng của dân tộc, lòng yêu quê hương đất nước.

Phát biểu tại chương trình Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ của Thành phố Hồ Chí Minh mới đây, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Tổ quốc chúng ta có được hòa bình, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, cơ đồ, tiềm lực, uy tín như ngày hôm nay, thế hệ cha anh đã phải đổ biết bao mồ hôi, xương máu. Cả nước có hơn 1,1 triệu liệt sĩ, gần 130 nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; hơn 800 nghìn thương binh, bệnh binh;…

Chúng ta nhắc lại con số đó để thấy rằng cái giá của hòa bình, độc lập của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân là vô cùng to lớn, không thể đong đếm được. Thông qua các hoạt động này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố luôn tin tưởng các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ có công với nước tiếp tục nỗ lực, phấn đấu vượt qua thử thách trong cuộc sống để sáng mãi những phẩm chất, ngời khí cách mạng năm xưa trong giai đoạn thời bình và xây dựng thành phố, đất nước.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên mong rằng: “Dù trong hoàn cảnh nào, các đồng chí thương binh và gia đình luôn sống chí tình, chí nghĩa với bà con lối xóm, phát huy tinh thần người lính Bộ đội Cụ Hồ, tàn nhưng không phế, nuôi dạy con cái đàng hoàng, xây dựng gia đình hạnh phúc, chăm lo cho xã hội”. Lãnh đạo Thành ủy đề nghị ngành lao động-thương binh và xã hội thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng quyết tâm giải quyết chính xác, kịp thời hồ sơ người có công, đối tượng chính sách còn tồn đọng để những người có công và gia đình họ được hưởng đầy đủ các chính sách đền ơn, đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước.

Theo QUANG QUÝ/Báo điện tử Nhân Dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều