Sáng mãi tư tưởng và tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với thương binh, liệt sĩ

(Mặt trận) - Ăn quả nhớ người trồng cây, uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa là truyền thống đạo lý nhân ái quý báu có từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp này đã và đang được nhân dân phát huy từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương tiêu biểu nhất.

 Bác Hồ tới thăm Trại điều dưỡng thương binh nặng Bắc Ninh. Ảnh tư liệu

Trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định công lao to lớn của các thương binh, liệt sĩ và gia đình họ, tri ân những hy sinh, cống hiến của những người đã sẵn sàng hiến cả mạng sống của mình cho độc lập, thống nhất của Tổ quốc, hạnh phúc nhân dân. Hằng năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư gửi thương binh, bệnh binh và các gia đình liệt sĩ, nhất là vào dịp các ngày thương binh, liệt sĩ (27/7). Đồng thời, Người còn phát biểu những ý kiến quan trọng về thương binh, liệt sĩ và chỉ đạo công tác này như: Thư gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc” (17/7/1947); Thư gửi anh em thương binh, cựu binh và bệnh binh (7/1948); Các thư gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng - Bộ trưởng Bộ Thương binh (1/1947, 27/7/1949, 7/1951, 27/7/1952, 27/7/1956,…); Diễn từ trong buổi lễ đặt vòng hoa ở Đài Liệt sĩ (31/12/1954); Thư gửi thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ nhân ngày 27/7 (27/7/1956); Thư gửi cảm ơn thương binh, bệnh binh Trại an dưỡng Hà Nam (6/1957);... Đã thể hiện đầy đủ, toàn diện và sâu sắc tư tưởng và tình cảm của Người dành cho thương binh, liệt sĩ.

Ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, dù bộn bề với bao công việc của người đứng đầu chính quyền một đất nước, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn nghĩ đến công ơn của các thương binh, liệt sĩ. Trong Thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi, đăng trên báo Cứu quốc ngày 7/11/1946, Người viết: “Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền Tự do, Độc lập và Thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh, hoặc trong thời kỳ kháng chiến. Tôi gửi lời chào thân ái cho gia đình các liệt sĩ đó, và tôi nhận con các liệt sĩ làm con nuôi của tôi”1. Tiếp đó, trong thư Gửi đồng bào Việt Nam, người Pháp và người thế giới, Người viết: “Tôi nghiêng mình trước anh hồn những chiến sĩ và đồng bào Việt Nam đã vì Tổ quốc mà hy sinh anh dũng”2.

Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL về chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất cho thân nhân tử sĩ. Đây là văn bản đầu tiên của Nhà nước ta về chế độ chính sách đối với thương binh và gia đình liệt sĩ. Đến tháng 6/1947, Người đề nghị Chính phủ chọn một ngày nào đó trong năm làm Ngày Thương binh toàn quốc để đồng bào có dịp tỏ lòng kính trọng, yêu mến thương binh. Thực hiện chỉ thị của Người, một hội nghị đã họp ở Thái Nguyên và nhất trí lấy ngày 27/7 hàng năm làm Ngày Thương binh toàn quốc và tổ chức ngay lần đầu trong năm 1947.

Trong Lời kêu gọi nhân ngày 27/7/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Khi nạn ngoại xâm ào ạt đến, nó đến như một trận lụt to. Nó đe dọa tràn ngập cả non sông Tổ quốc. Nó đe dọa cuốn trôi cả tính mệnh tài sản, chìm đắm cả bố, mẹ, vợ, con, dân ta. Trước cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững, để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào. Họ quyết hy sinh tính mệnh họ, để giữ gìn tính mệnh của đồng bào. Họ hy sinh gia đình và tài sản họ, để bảo vệ gia đình và tài sản của đồng bào. Họ quyết liều chết chống địch, để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Họ là những chiến sĩ anh dũng của ta”3. Trong buổi lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng, Người nhấn mạnh: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ”4.

Cảm thông với những thiệt thòi của thương binh, liệt sĩ và gia đình họ trong cuộc sống hoà bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi đồng bào chia sẻ với những tâm tư, mất mát lớn của thương binh, liệt sĩ. Người viết: “Cách mấy ngày trước, họ là những thanh niên lành mạnh, vui vẻ, oanh liệt. Trải qua những ngày ăn gió nằm sương, những trận mưa bom bão đạn, họ bị tay què chân cụt, họ hoá ra thương binh”5. Người khẳng định: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”6. Người luôn nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân ta bất kể trong hoàn cảnh nào cũng phải luôn ghi nhớ công ơn to lớn của các đồng chí thương binh, liệt sỹ, những người đã hy sinh tính mệnh hoặc bỏ lại một phần xương máu của mình trên chiến trường vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Người căn dặn: “Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”7 và “chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất cả mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta”8.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động các phong trào để nhân dân giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ: Năm 1948, Người đề xuất với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thành lập các “Hội mẹ chiến sĩ”, “Hội ủng hộ thương binh”. Hoạt động của hội đã rất thiết thực, gắn bó tình quân dân thắm thiết, hết lòng giúp đỡ bộ đội, thương binh bằng tấm lòng cao cả nhân ái của các mẹ, các chị. Với các cháu thiếu nhi, Người gợi ý thành lập những “Đội Trần Quốc Toản” nhằm giúp đỡ các gia đình bộ đội, gia đình thương binh, liệt sĩ. Năm 1951, Người phát động phong trào “Đón thương binh về làng” để Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân các làng, xã giúp đỡ thương binh những công việc phù hợp để họ có thể tự tin sinh sống, hoà nhập với cộng đồng. Dù bận trăm công nghìn việc, nhưng hầu như năm nào Người cũng gửi thư, tặng quà hoặc tới thăm thương binh và gia đình liệt sĩ. Người trích một phần lương của mình, các món quà của đồng bào kính tặng, để tặng cho các đồng chí thương binh và gia đình liệt sĩ.

Cùng với việc kêu gọi, yêu cầu trách nhiệm của toàn xã hội đối với anh em thương binh, gia đình liệt sĩ. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn động viên anh chị em thương binh phấn đấu trở thành những người “tàn nhưng không phế”, hăng hái, lạc quan đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người căn dặn: “Khi đã khôi phục sức khoẻ, các đồng chí sẽ hăng hái tham gia công tác tăng gia sản xuất, để giúp ích cho Tổ quốc, cũng như các đồng chí đã anh dũng giữ gìn non sông, các đồng chí sẽ trở nên người công dân kiểu mẫu ở hậu phương cũng như các đồng chí đã làm người chiến sĩ kiểu mẫu ở ngoài mặt trận. Tôi cùng đồng bào luôn luôn nhớ đến các đồng chí”9. Đồng thời, Người chỉ ra những công việc thật cụ thể, phù hợp để anh em thương binh sẽ tuỳ sức mà làm những công việc nhẹ như học may vá, đan lát, hớt tóc hoặc giúp việc phòng giấy, việc bình dân học vụ trong làng,...

Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn căn dặn, đối với thương binh: “Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh”10; đối với các liệt sĩ: “mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”11; đối với cha mẹ, vợ con của thương binh, liệt sĩ: “chính quyền địa phương… phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”12.

Những tư tưởng, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với thương binh, liệt sĩ không chỉ là sự tiếc thương mà còn thể hiện sự tự hào, gợi lên tinh thần bất khuất, làm hồi sinh sức sống mãnh liệt của cả dân tộc, của những người đã hy sinh sự sống của mình cho độc lập của Tổ quốc. Người đã gắn sự tổn thất lớn lao của những thương binh, liệt sĩ vào ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn thể những người được sống trong hòa bình hôm nay.

Quán triệt, thực hiện tư tưởng, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với thương binh, liệt sĩ, trong suốt 71 năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm và đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách với thương binh, liệt sĩ cùng những gia đình người có công với cách mạng. Các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” ngày càng đi vào chiều sâu và xã hội hóa cao. Các phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, Quỹ đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc con liệt sĩ mồ côi, đi tìm hài cốt đồng đội, tu sửa, nâng cấp các nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sĩ,... ngày càng thu hút sự tham gia của toàn xã hội trong phạm vi cả nước. Điều này không chỉ góp phần ổn định và nâng cao mức sống của thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ mà còn góp phần ổn định tình hình chính trị xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; có tác dụng giáo dục toàn dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về lòng yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa của dân tộc ta; về lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Cao Văn Trọng

TS, Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng

Chú thích:

1.       Hồ Chí Minh:Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.486.

2.       Hồ Chí Minh: Sđd, tập 4, tr. 510.

3.       Hồ Chí Minh: Sđd, tập 5,tr.579.

4.       Hồ Chí Minh: Sđd, tập 12, tr.401.

5.       Hồ Chí Minh: Sđd, tập 5, tr.579.

6.       Hồ Chí Minh: Sđd, tập 10, tr.372.

7.       Hồ Chí Minh: Sđd, tập 5, tr.204.

8.       Hồ Chí Minh: Sđd, tập 12, tr.401.

9.       Hồ Chí Minh: Sđd, tập 5, tr.584.

10.     Hồ Chí Minh: Sđd, tập 15, tr.616.

11.     Hồ Chí Minh: Sđd, tập 15, tr.616.

12.     Hồ Chí Minh: Sđd, tập 15, tr.616.

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều