|
Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Bộ Chính trị quyết định cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tại phòng họp Bộ Chính trị trong khu Phủ Chủ tịch, Hà Nội (12/1967). (Ảnh nguồn báo Công an nhân dân) |
Đảng ta đã nhạy bén nắm bắt thời cơ, kịp thời đề ra chủ trương chiến lược đúng đắn, sáng tạo
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, chúng ta có thêm những chứng cứ lịch sử để nhìn nhận toàn diện hơn, sâu sắc hơn về sự kiện Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, càng thêm tự hào về truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc, đồng thời biết trân trọng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc - một biểu tượng sáng ngời cho tinh thần đoàn kết và ý chí quyết chiến, quyết thắng của dân tộc Việt Nam.
Ngay sau khi phân tích tình hình giữa ta và địch trên chiến trường miền Nam, từ ngày 23 đến ngày 26/1/1967, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị lần thứ 13, “chủ trương đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao, chủ động tiến công địch, phục vụ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”1. Hội nghị đã dự đoán những âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ và đề ra: “Chủ trương của Đảng ta là trên cơ sở nắm vững phương châm đánh lâu dài, cần phải động viên và tập trung lực lượng của cả nước, cố gắng cao độ, đập tan âm mưu của địch, giành thắng lợi quyết định trong thời gian tương đối ngắn”2.
Thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, phong trào đấu tranh quân sự và chính trị phát triển mạnh mẽ ở các địa phương miền Nam. Tại các tỉnh, thành phố ở miền Nam, từ phong trào đấu tranh của quần chúng, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, cùng với hậu phương chiến lược miền Bắc nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chung, mục tiêu chung là đấu tranh chống Mỹ, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Đó thực sự là một chủ trương chiến lược, sáng tạo của đường lối đại đoàn kết toàn dân, qua đó phân hóa, cô lập kẻ thù.
Trên cơ sở nắm bắt tình hình thực tế, phân tích đúng xu thế vận động, chiều hướng chiến tranh, sau nhiều lần nghiên cứu, Hội nghị Bộ Chính trị (cuối tháng 12/1967) và Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 14 (tháng 1/1968) đề ra quyết tâm: “Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất...”; “... chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định”3.
Quán triệt và thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, các chiến trường, các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội nhanh chóng bắt tay chuẩn bị trực tiếp cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Động viên và huy động lực lượng bí mật bằng nhiều đường, nhiều loại phương tiện vận chuyển vũ khí, đạn dược vào nội thành cất giấu... Để khắc phục mọi khó khăn, các địa phương, các chiến trường đã phân cấp, phân hướng, trên dưới chung sức, đồng lòng đồng thời chuẩn bị. Trong điều kiện thời gian gấp, chiến trường chia cắt, hơn một triệu quân Mỹ, quân ngụy Sài Gòn, quân một số nước đồng minh của đế quốc Mỹ với bộ máy kìm kẹp cùng mạng lưới tình báo, gián điệp, chỉ điểm giăng rộng và trà trộn khắp mọi nơi, nhưng quá trình chuẩn bị của ta vẫn giữ bí mật tuyệt đối và cơ bản hoàn tất trước giờ nổ súng bắt đầu.
Thắng lợi to lớn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, trước hết là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược sắc bén, sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cơ sở nắm chắc tư tưởng cách mạng tiến công, vận dụng đúng đắn quy luật chiến tranh nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, giành thắng lợi từng bước, đẩy lùi và đánh bại địch từng trận; hạ quyết tâm chiến lược chính xác, táo bạo, chọn đúng địa bàn tiến công, sử dụng đúng lực lượng, làm tốt công tác lãnh đạo chính trị, tư tưởng. Thắng lợi này còn là kết quả của sự phát huy mạnh mẽ trí sáng tạo, tinh thần quyết chiến, quyết thắng, sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc của quân và dân ta.
Sau 3 đợt tổng tiến công và nổi dậy trong năm 1968, quân và dân ta trên chiến trường miền Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu 630.000 quân đối phương, tiêu diệt, đánh thiệt hại nặng 1 lữ đoàn, 7 trung đoàn, chiến đoàn, tiểu đoàn bộ binh, 18 chi đoàn xe thiết giáp, phá hỏng, phá hủy 13.000 xe quân sự, 1.000 tàu, xuồng chiến đấu, tiêu diệt và bức hàng, bức rút 15.000 đồn bót, chi khu, phá 1.200 ấp chiến lược.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân diễn ra trên toàn miền Nam có sự đóng góp to lớn của các lực lượng, trong đó nhân dân là lực lượng to lớn nhất tham gia Tổng tiến công và nổi dậy, vai trò của hậu phương chiến lược miền Bắc và hậu phương tại chỗ trong quá trình chuẩn bị, tiến hành tổng tiến công và nổi dậy. Các cơ quan quân sự, chính trị của Mỹ và quân đội, chính quyền Sài Gòn ở hầu khắp các đô thị tại miền Nam đều bị tiến công.
Tham gia Tổng tiến công và nổi dậy bao gồm lực lượng của toàn Đảng, toàn quân và quần chúng yêu nước ở miền Nam, nòng cốt là lực lượng vũ trang giải phóng với trên 270.000 quân. Các lực lượng vũ trang tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy rất đa dạng, từ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, biệt động thành, an ninh miền Nam đến tự vệ cơ quan, du kích địa phương… Mỗi lực lượng có nhiệm vụ riêng, trong đó phải kể đến chiến công của lực lượng mũi nhọn biệt động tại các đô thị, nhất là ở Sài Gòn - Gia Định, các mũi tiến công của ta đã gây bất ngờ, choáng váng và gây nhiều thiệt hại cho địch. Trong các đợt Tổng tiến công và nổi dậy, hàng vạn quần chúng yêu nước, đủ các tầng lớp ở đô thị và ven đô đã tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, đấu tranh chính trị, binh vận, diệt ác phá kìm… góp phần vào thắng lợi chung.
Phát huy bài học về đại đoàn kết toàn dân tộc trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, vận dụng và phát triển trong giai đoạn mới
Một là, nét độc đáo, sáng tạo về sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược sắc bén của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ động nắm chắc tình hình, đề ra chủ trương chính xác; phát huy sức mạnh toàn dân, quyết đánh, quyết giành thắng lợi. Có sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ nhau để tiếp tục phân hóa và cô lập cao độ kẻ thù, tập hợp các tầng lớp nhân dân đoàn kết đấu tranh; đồng thời, tranh thủ thời cơ cùng các lực lượng vũ trang nổi dậy đánh vào các cơ quan đầu não của địch, với quyết tâm góp phần cô lập cao độ kẻ thù, tạo nên sức mạnh mới của khối đại đoàn kết toàn dân. Tất cả những hoạt động của quân và dân hai miền trong giai đoạn này là những biểu hiện sinh động của sự đoàn kết Bắc - Nam, đoàn kết quân - dân, đoàn kết nhân dân nông thôn và nhân dân thành thị, đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân vì mục tiêu chung: giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; đó cũng chính là sự biểu dương ý chí và lực lượng của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhằm đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ”.
Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được Đảng ta dày công xây dựng và phát huy mạnh mẽ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 có nguồn gốc trước hết từ đường lối cách mạng độc lập, tự chủ, đúng đắn của Đảng. Đó là đường lối tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, nhằm thực hiện một mục tiêu chung là hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên phạm vi cả nước, thực hiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Hai là, tăng cường giáo dục, bồi dưỡng phát huy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ. Chủ nghĩa yêu nước chính là động lực giúp dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng các thế lực ngoại xâm hùng mạnh, khẳng định sự trường tồn cùng lịch sử. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, tinh thần yêu nước đã được phát huy cao độ thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng, giúp quân và dân ta vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, quyết chí, bền gan, “biết đánh và biết thắng” quân xâm lược, tiến lên giành thắng lợi quyết định.
Có thể khẳng định, bài học về tinh thần yêu nước, được biểu hiện sinh động bằng sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay, tinh thần yêu nước vẫn là động lực to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, vấn đề giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc đối với các thế hệ người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ cần tiếp tục được phát huy mạnh mẽ hơn nữa nhằm nâng cao giác ngộ chính trị bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, dân tộc, đồng thời bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân cùng chung tay xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh, chống lại những quan điểm sai trái, những luận điệu tuyên truyền bôi nhọ, xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với lịch sử đấu tranh cách mạng. Để đạt mục đích, yêu cầu đề ra, chúng ta cần tích cực, thường xuyên phát động các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, phải nhận thức đây không chỉ là trách nhiệm của công tác tuyên truyền, của ngành giáo dục, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội.
Ba là, phát huy vai trò to lớn của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân nhằm củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Kế thừa truyền thống “chung sức, đồng lòng” của dân tộc, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Đảng ta đã tổ chức, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc lên tầm cao mới theo tư tưởng “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặt trận Dân tộc thống nhất ở mỗi miền Nam, Bắc tuy mục tiêu, cương lĩnh cụ thể, hình thức tổ chức, cơ cấu thành phần có nhiều điểm khác nhau, nhưng đều nhằm mục tiêu chung là đấu tranh giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thực hiện hòa bình thống nhất Tổ quốc, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của nhân dân. Nhờ đó, chúng ta huy động được lực lượng rộng lớn, tập trung được sức mạnh tổng hợp, nhất là trong những thời điểm quyết định như cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Để củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong điều kiện mới hiện nay, đòi hỏi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cần không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để Nhân dân nắm rõ mọi chủ trương, đường lối của Đảng, tạo điều kiện cho Nhân dân phát huy hơn nữa quyền dân chủ, trên cơ sở đó xây dựng bền chặt mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân; mặt khác, đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp, tạo nên sự đồng thuận toàn xã hội, góp phần tạo không khí thi đua sôi nổi hoàn thành thắng lợi các mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra.
Ngày nay, việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được Đảng ta tiếp tục coi trọng, bởi đó không chỉ là bài học thành công của quá khứ, mà tiếp tục là động lực chủ yếu, nhân tố có ý nghĩa quyết định, bảo đảm cho thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong tình hình hiện nay, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và Nhà nước, giữ vững môi trường hòa bình ổn định, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh toàn diện. Trong đó, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. “Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”4. Xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, giữ gìn tình đoàn kết, sự gắn bó giữa Nhân dân với Đảng, giữa Nhân dân với chế độ chính trị do Đảng lãnh đạo. “Tiếp tục nghiên cứu phát triển lý luận về quốc phòng, an ninh, nghệ thuật quân sự, nghệ thuật bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh xã hội trong tình hình mới. Nâng cao năng lực dự báo chiến lược, giữ vững thế chủ động chiến lược; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”5.
Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam qua các Đại hội và Hội nghị Trung ương 1930 - 2002, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 13 của Đảng, tr.577.
2. Đảng Lao động Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 13, Tài liệu lưu trữ Viện Lịch sử Đảng, tr.3.
3. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 của Ban Chấp hành Trung ương, ngày 27/12/1965, Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập.
4,5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2021, tập I, tr.157, 158-159.
Bế Xuân Trường - Thượng tướng, nguyên Ủy viên Quân ủy Trung ương,
nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng