Tâm sự của một cán bộ mặt trận lâu năm

(Mặt trận) - Năm 1958, sau khi tốt nghiệp, tôi được phân công về dạy tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Sau 13 năm giảng dạy và công tác tại trường, năm 1970 tổ chức điều động tôi về công tác tại Ban Quốc tế Tổng Công đoàn Việt Nam1. Làm được một thời gian, Ban Tổ chức Trung ương lại có quyết định chuyển tôi lên làm Thư ký riêng cho đồng chí Hoàng Quốc Việt2.
 Đồng chí Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính phủ, tháng 2/2017. Ảnh: Thành Trung

Là một giảng viên của một trường Đại học lớn với trình độ chuyên môn khá, nhiều năm được bầu làm cán bộ giảng dạy giỏi và chiến sĩ thi đua, lại có cương vị nhất định trong Đảng, trong Công đoàn nay bị điều động sang một lĩnh vực công tác khác, lại là công tác Mặt trận - “Công tác của các ông già” - theo nhận thức của một bộ phận nhân dân ta thời đó thì thông thường ai chả có tâm tư. Song, với thế hệ thanh niên chúng tôi thời đó, với tinh thần “ba sẵn sàng”, có lệnh là đi, có địch là đánh, tôi đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới.

Tính đến nay, tôi đã có ngót nửa thế kỷ tham gia công tác Mặt trận với 22 năm tham gia Đoàn Chủ tịch, 16 năm được cử vào Ban Thư ký và Ban Thường trực, đã giúp việc và công tác với cả bảy Chủ tịch Mặt trận, từ đồng chí Hoàng Quốc Việt đến nay và trở thành một trong những cán bộ có thâm niên lâu nhất trong hệ thống Mặt trận.

Tôi cũng đã từng kinh qua hầu hết các lĩnh vực mà Mặt trận giao phụ trách, như: văn phòng, tổng hợp, tuyên huấn, phong trào, cơ sở, tôn giáo, dân tộc, kiều bào… và rút ra một kết luận là: Công tác Mặt trận thực chất là một ngành khoa học - khoa học xử lý mối quan hệ giữa con người với con người “ngành khoa học khó nhất trong các ngành khoa học hiện nay” như đại văn hào Xô viết Macxim Gorki đã từng khẳng định. Vì vậy, đòi hỏi những người đã dấn thân vào ngành này phải “học nữa, học mãi”, “học suốt đời”, học qua sách để có kiến thức, học trong cuộc sống để có thực tế. Là người cán bộ thì phải thấm nhuần lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Chính sách Mặt trận là một chính sách rất quan trọng. Công tác Mặt trận là một công tác rất quan trọng trong toàn bộ công tác Cách mạng... Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, Mặt trận dân tộc thống nhất vẫn là một trong những lực lượng to lớn của cách mạng Việt Nam”3, tránh bố trí cán bộ Mặt trận theo kiểu “vào kiểm tra, ra Mặt trận” hoặc coi “Mặt trận là nơi bố trí những cán bộ chờ về hưu” và có chính sách thỏa đáng đối với cán bộ Mặt trận.

Năm 1970, lợi dụng sự kiện Bác Hồ “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị lãnh đạo khác”, bọn phản động âm mưu thành lập cái gọi là “Nhà nước của người HMông” ở Tây Bắc. Để phá tan ý đồ đen tối đó, Trung ương cử đồng chí Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lên thăm và nhắc nhở bà con không nên mắc mưu của bọn xấu.

Theo phong tục địa phương, nhân dân trong bản mời Chủ tịch thưởng thức món tiết canh trâu, món ăn truyền thống và là đặc sản của vùng này. Để bảo vệ sức khỏe cho lãnh đạo, bác sĩ riêng của Chủ tịch can ngăn, nhưng đồng chí không nghe và vẫn ăn ngon lành như mọi người.

Tối hôm đó, Chủ tịch họp anh em giúp việc lại và nhắc nhở chúng tôi:

- Dân ăn được thì mình cũng ăn được. Mình ăn chưa quen đã có bác sĩ chữa trị. Muốn dân tin, dân nghe, dân làm theo thì người cán bộ dân vận, Mặt trận phải thực sự sống cuộc sống của dân.

Đây là bài học đầu tiên khi tôi bước vào nghề Mặt trận. Tôi bắt đầu tìm hiểu, học tập và thích nghi dần với phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc, cũng như nghiên cứu nghi lễ, giáo lý của các tôn giáo chính của Việt Nam và tìm hiểu hoàn cảnh, cá tính cũng như sở thích của từng nhân sĩ, trí thức tiêu biểu - thành viên của Mặt trận để có phương pháp ứng xử phù hợp.

Bài học lớn thứ hai mà tôi đúc kết được qua công tác Mặt trận là: phải chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Đã làm công tác Mặt trận thì trận nào cũng có mặt và trận nào cũng quan trọng cả. Song, quan trọng nhất là phải lo cho dân, bảo vệ dân vì “dân là gốc”, vì “đẩy thuyền cũng là dân và lật thuyền cũng là dân”.

Tôi nhớ mãi, hầu như thuộc từng câu, từng chữ một đoạn trong bài phát biểu của Hồ Chủ tịch tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu Kế hoạch Kiến thiết ngày 10/1/1946: “Chúng ta giành được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”4.

Thấm nhuần tư tưởng trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay sau khi thống nhất đất nước, trong khi làm nhiệm vụ mới, như: phối hợp các cơ quan nhà nước vận động nhân dân tham gia xây dựng và kiện toàn hệ thống chính quyền nhân dân trong cả nước; thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc; góp phần thúc đẩy cuộc cách mạng tư tưởng, văn hóa… Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua các kỳ Đại hội luôn luôn coi việc động viên các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng, thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội nhằm không ngừng ổn định và nâng cao đời sống các tầng lớp nhân dân là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng của mình. Biểu hiện nổi bật của tư tưởng đó là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư” ra đời, sau này đổi thành Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân” cư cho phù hợp với tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII.

Đây thực sự là cuộc vận động mang tính toàn dân, toàn quốc do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động nhằm cùng Đảng, Nhà nước phát huy ý chí tự lực, tự cường, khơi dậy mọi tiềm năng và sức mạnh của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tập thể và cả cộng đồng thành sức mạnh to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Động lực của cuộc vận động là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở lấy lợi ích chung của cộng đồng dân cư làm điểm tương đồng, lấy sự tiến bộ và nâng cao chất lượng cuộc sống ở khu dân cư làm mục đích; chìa khóa để giải quyết mọi vấn đề dân sinh, dân chủ, dân trí ở khu dân cư là đoàn kết, thương yêu, đùm bọc, tối lửa, tắt đèn có nhau.

Tư tưởng chỉ đạo của cuộc vận động là “lấy sức dân xây dựng cuộc sống cho dân” mà Hồ Chủ tịch đã đề xướng ngay khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ vừa ra đời.

Tôi rất mừng là, qua 20 năm phát động Cuộc vận động đã “ăn sâu, bám dễ” vào dân, đã đem lại lợi ích thiết thực cho dân về mọi mặt và trở thành một nội dung thiết yếu trong hoạt động của Mặt trận các cấp.

Một bài học lớn mà tôi tiếp thu được qua công tác Mặt trận là tư tưởng bao dung của Hồ Chủ tịch. Có bao dung, có vị tha mới có thể đoàn kết chân thành và rộng rãi được. Những anh em cán bộ Mặt trận lâu năm hầu như ai cũng thuộc “Thư gửi đồng bào Nam bộ ngày 31/5/1946 của Hồ Chủ tịch” và coi đó là kim chỉ nam, là phương châm đối xử của mình đối với đồng bào lầm đường, lạc lối.

Người viết:

“Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối, lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc sẽ vẻ vang”5.

Có lẽ vì thấm nhuần tư tưởng bao dung của Bác Hồ và vận dụng vào cuộc sống nên lớp người làm công tác Mặt trận lâu năm tính tình có vẻ thuần hơn, điềm đạm hơn trong giải quyết công việc và văn hóa hơn trong ứng xử. Và quan trọng là đến tuổi “xưa nay hiếm”, vẫn giàu bạn bè và nhà cửa đầy ắp tiếng cười. Kinh nghiệm bản thân mách bảo tôi điều đó.

--------------------------------------

1. Nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

2. Một trong bảy Ủy viên Trung ương lâm thời đầu tiên của Đảng ta, Chủ tịch Tổng Công đoàn, Viện trưởng Viện Kiểm sát đầu tiên, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.8, tr.401.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.4, tr. 87-88.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.4, tr. 139-140.

Nguyễn Túc

Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều