Tinh thần, khát vọng, chính nghĩa, văn minh Việt Nam trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945

(Mặt trận) - Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông, đất nước ta bằng bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Kỷ niệm 75 năm ra đời của Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945 - 2/9/2020), bài viết thêm một lần nữa khẳng định tinh thần, khát vọng, chính nghĩa và văn minh Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện trong văn kiện lịch sử đặc biệt này.

1. Tinh thần, khát vọng độc lập, tự do của dân tộc ta đã được hình thành trong quá trình hàng ngàn năm dựng nước, lại được tích hợp qua mười thế kỷ chiến đấu để hồi sinh một quốc gia tự chủ, độc lập và đã thành công với sự ra đời của nhà nước độc lập Đại Cồ Việt. Tinh thần ấy lại hấp thụ thêm nhiều năng lượng mới mạnh mẽ khi dân tộc ta đi dọc theo thiên niên kỷ thứ hai trong cuộc đấu tranh kiên cường để bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc - từ Đại Cồ Việt tới Việt Nam.

Trong tiến trình lịch sử oanh liệt đó, cha ông ta đã viết những tuyên ngôn độc lập bằng máu của mình. Từ “Nam quốc sơn hà” trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống đến “Bình Ngô Đại cáo” sau cuộc kháng chiến chống quân Minh... đã khắc vào lịch sử điều thiêng liêng nhất của dân tộc ta là tinh thần độc lập, tự do.

Toàn bộ tinh thần, khát vọng về quyền tự nhiên của dân tộc được tích lũy trong tiến trình lịch sử đó tiếp tục được nhân lên trong gần một thế kỷ oanh liệt chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa phát xít, chế độ phong kiến để đưa tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. Tất cả tinh thần, khát vọng của dân tộc đã hội tụ ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, rồi toả sáng qua bản Tuyên ngôn Độc lập do Người khởi thảo và tuyên bố trước thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam mới - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ra đời trong điều kiện lịch sử đó, Tuyên ngôn Độc lập đồng thời là kết quả trực tiếp của Cách mạng Tháng Tám và là thành quả của cả quá trình tranh đấu anh dũng của nhân dân ta trong cả tiến trình dựng nước và giữ nước. Do đó, qua Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện tinh thần của dân tộc Việt Nam trong tiến trình bảo vệ không gian cho sự sinh tồn và phát triển của mình, mà còn đồng biểu thị khát vọng tột bậc của dân tộc ta về quyền của dân tộc và con người Việt Nam. Tinh thần và khát vọng đó được Người long trọng tuyên bố trước thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thực sự đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Bằng tuyên bố trước thế giới, cả dân tộc Việt Nam đã anh dũng, kiên cường đứng lên đấu tranh chống phát xít Nhật, thực dân Pháp và chống lại chế độ phong kiến để giải phóng dân tộc và con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ: dân tộc Việt Nam đứng trong chính nghĩa, văn minh và nhân danh chính nghĩa, văn minh để chống lại phi nghĩa, dã man, tàn bạo, lạc hậu dù nó đến từ đâu và với hình thức nào.

Không chỉ như vậy, với sự khẳng định “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”, một kiểu tổ chức xã hội hiện đại, văn minh, một lần nữa với Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện văn minh chính trị của dân tộc Việt Nam trong việc lựa chọn một kiểu tổ chức xã hội tiến bộ, nhịp bước với nhân loại và xu thế phát triển của thời đại.

Bởi vậy, không chỉ làm sáng tỏ tinh thần và khát vọng Việt đối với độc lập, tự do, qua Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện rõ chính nghĩa và văn minh Việt trong thực hiện tinh thần và khát vọng đó trước thế giới. Đó là, dân tộc Việt Nam đứng về phía chính nghĩa, văn minh, nhân danh chính nghĩa, văn minh chống lại phi nghĩa, dã man, lạc hậu để giành độc lập, tự do và tổ chức, xây dựng xã hội tiến bộ, văn minh nhằm mưu cầu lợi ích đúng đắn cho dân tộc và con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển lịch sử của loài người. Với hành trang đó, thông qua Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, dân tộc ta đã chủ động hòa vào dòng chảy văn minh của nhân loại tiến bộ, một dân tộc độc lập, tự do.

2. Thật đặc biệt khi vào đoạn mở đầu bản Tuyên ngôn khai sinh nước Việt Nam mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn nguyên văn một đoạn mang tư tưởng cơ bản nhất của Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ (năm 1776): “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc”. Cũng không phải ngẫu nhiên khi Người đã trích dẫn đoạn sau đây trong Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp (năm 1791): “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

Ghi nhận “lời bất hủ” và những “lẽ phải không ai chối cãi được” vào Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho bản Tuyên ngôn không chỉ kết tinh tinh thần, khát vọng, chính nghĩa và văn minh Việt, mà còn chứa đựng những giá trị tiến bộ chung của nhân loại. Sự kết hợp hài hoà đó trong Tuyên ngôn Độc lập đã đưa dân tộc Việt Nam hội nhập vào thế giới hiện đại và tiến nhanh vào tiến trình phát triển văn minh chung của loài người.

Với sự khẳng định con người - không phân biệt giới tính, quốc tịch, chủng tộc, giai cấp... là bình đẳng, đều có quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không chỉ phát triển luận điểm thành quyền tồn tại, quyền sung sướng và quyền tự do trong sự bình đẳng của các dân tộc mà còn chỉ ra nguyên lý dân chủ, bình đẳng giữa các dân tộc trên thế giới, trên cơ sở xác định đó cũng là quyền tạo hóa trao cho các dân tộc. Xuất phát từ “lời bất hủ” trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ, những nội dung này được Người đưa ra như một lẽ tự nhiên: “Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng. Dân tộc nào cũng có quyền được sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Như vậy, sự bình đẳng với quyền tồn tại, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc không dừng lại ở quyền bình đẳng của cá nhân con người, mà được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát triển thành quyền bình đẳng tự nhiên của các dân tộc. Trong đó, tất cả các dân tộc trên thế giới, không phân biệt chủng tộc, không phân biệt lớn, nhỏ, đều được bình đẳng, đều “có quyền được sống, quyền sung sướng và quyền tự do” và tự quyết định vận mệnh của mình. Có thể nói, qua Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra cơ sở pháp lý cho một trật tự thế giới với quan hệ quốc tế mới dựa trên sự tôn trọng quyền dân tộc cơ bản và sự bình đẳng giữa các dân tộc. Trên ý nghĩa đó, Người cũng chỉ ra biểu thức cho một nền hoà bình vững bền trên hành tinh của chúng ta và xác định những nguyên tắc chung sống hoà bình giữa các nước có chế độ chính trị khác nhau phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng quyền cơ bản của các dân tộc.

Dựa trên giá trị chung của nhân loại thể hiện ở “lời bất hủ” và những “lẽ phải không ai chối cãi được”, đồng thời căn cứ vào “những nguyên tắc dân tộc bình đẳng” mà các nước dân chủ chống chủ nghĩa phát xít đã công nhận để tuyên bố về sự độc lập của nước Việt Nam, qua Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thể hiện rõ quan điểm của dân tộc Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế. Đó là, quyền tự nhiên của các dân tộc và pháp lý quốc tế phải được tôn trọng để giải quyết các mối quan hệ quốc tế và đó là điều kiện hàng đầu giữ gìn vững bền hòa bình thế giới và làm cho chính nghĩa, văn minh thắng phi nghĩa, dã man, bạo tàn của cường quyền.

Có thể nói rằng, bằng sự tiếp nhận nội dung về quyền con người của hai bản Tuyên ngôn của cách mạng Pháp và Mỹ, Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và công bố năm 1945 là tuyên ngôn đầu tiên trên thế giới xác định quyền dân tộc cơ bản từ nền tảng quyền tự nhiên của con người. Phát triển từ quyền cá nhân thành quyền dân tộc chẳng những Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn khẳng định mọi cá nhân là chủ thể của quyền con người, mà cả dân tộc cũng là chủ thể của các quyền đó. Điều này nói lên rằng quyền sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc của mỗi cá nhân cũng như của dân tộc không có gì trừu tượng, mà rất cụ thể và có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Mối quan hệ đó đảm bảo sự tồn tại lẫn nhau và là cơ sở để Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định tinh thần của nhân dân Việt Nam “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Mối quan hệ đó đem lại nội dung thực tế cho các quyền này, chứ không phải là các từ ngữ trống rỗng, Người chỉ rõ rằng: nếu nước độc lập mà dân chưa được hưởng tự do, ấm no, hạnh phúc thì độc lập đó cũng chẳng có nghĩa gì. Biểu thị mối quan hệ dân tộc - con người được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rất rõ trên tiêu chí “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và được giữ nguyên làm tiêu chí của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay. Bảo đảm cho độc lập dân tộc, đưa lại tự do và hạnh phúc cho con người Việt Nam là lý do văn minh cho ra đời và tồn tại của Nhà nước mới ở nước ta sau năm 1945 theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sự kết hợp giữa quyền và lợi ích dân tộc với quyền và lợi ích con người trong Tuyên ngôn lập nước và được thể hiện trên tiêu chí của nhà nước ta trở thành và chính là mẫu số chung để đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, kết hợp tối đa sức mạnh của dân tộc với quốc tế trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Bởi lẽ, quyền dân tộc và quyền con người không chỉ là khát vọng của toàn dân Việt Nam, mà còn là nguyện vọng chung của nhân dân tất cả các dân tộc trên thế giới.

Đó là những biểu hiện nữa của văn minh Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập. Trong đó, văn minh Việt Nam không chỉ đơn thuần hàm chứa những nội dung văn minh nhân loại mà còn đóng góp có ý nghĩa thời đại vào sự phát triển văn minh nhân loại.

Tinh thần, khát vọng, chính nghĩa của một dân tộc, con người phải được văn minh hóa theo sự tiến hóa của nhân loại là thông điệp Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi qua Tuyên ngôn độc lập đến loài người.

3. Là sự kế tục tinh thần, khát vọng, chính nghĩa và văn minh Việt Nam của khẩu hiệu chiến lược "Dân tộc trên hết” “Tổ quốc trên hết", trong quá trình vận động và tiến hành Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Tuyên ngôn Độc lập lại trở thành nguồn cội trực tiếp của ý chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của toàn quân, toàn dân ta trong suốt cuộc trường chinh 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và đã làm nên thắng lợi ở Điện Biên Phủ năm 1954. Đó chính là chất liệu làm rực sáng tinh thần, khát vọng, chính nghĩa và văn minh Việt Nam với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã đưa dân tộc ta đi tới đích của hòa bình, độc lập, thống nhất Tổ quốc năm 1975. Đó chính là nguồn năng lượng vô tận tạo ra tinh thần, khát vọng và văn minh Việt Nam trong cuộc đấu tranh chính nghĩa với bao thách thức, khó khăn nhằm bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và để thành công trong đổi mới xây dựng đất nước.

Tinh thần, khát vọng, chính nghĩa và văn minh Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập chính là những giá trị nền tảng cho Việt Nam hội nhập quốc tế thành công và làm bạn với tất cả các nước, không gây thù oán với ai.

Những nội dung trên nói rõ giá trị cốt lõi và vững bền của tinh thần, khát vọng, chính nghĩa và văn minh Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945.

Ngày nay, trước những vận động mới của tình hình và quan hệ quốc tế, Tuyên ngôn Độc lập với tinh thần, khát vọng, chính nghĩa và văn minh Việt Nam được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tiếp tục thể hiện và thực hiện trong bảo vệ và xây dựng Tổ quốc để thực hiện quyền của dân tộc và con người Việt Nam. Hướng theo tiêu chí là Độc lập-Tự do-Hạnh phúc để làm cho nhân dân được thực sự tự do, ấm no, hạnh phúc trong Tổ quốc hòa bình, thống nhất, có quan hệ hữu nghị với các dân tộc khác trên thế giới là thực hiện tinh thần, khát vọng, chính nghĩa và văn minh Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập. Đó cũng là kế sách văn minh lâu bền nhất, căn bản nhất để giữ gìn nền độc lập của dân tộc mà từ ngàn năm trước cha ông ta đã đổ bao xương máu để xây dựng nên và giữ gìn được. Đó cũng là sự khẳng định trên thực tế tinh thần, khát vọng, chính nghĩa và văn minh Việt Nam về quyền con người, quyền dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra cho chúng ta.

Bởi vậy, cần phải tiếp tục phát huy và đưa tinh thần, khát vọng, chính nghĩa và văn minh Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập đi vào thực tiễn một cách mạnh mẽ, thiết thực, cả trong xây dựng đường lối, chính sách đối nội, đối ngoại cũng như trong tổ chức thực hiện sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay và tương lai.

Mang tinh thần, khát vọng, chính nghĩa và văn minh Việt Nam của Tuyên ngôn Độc lập vào tương lai cũng là tiếp tục giương cao ngọn cờ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là đưa tư tưởng của Người đến đích hoàn thiện của Độc lập Dân tộc, Tự do và Hạnh phúc cho người Việt Nam và đóng góp vào văn minh của nhân loại.

Phạm Hồng Chương

PGS.TS, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Tài liệu tham khảo

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999.

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều