Dò biết được ý ngài ngự, bên phủ Thái sư cho dựng “Phong nguyệt các”, để nhà vua vừa thưởng trăng vừa đùa vui với gió. Lui tới được đôi ba lần rồi ngài cũng chán, bởi lối kiến trúc vừa quê mùa lại vừa có vẻ khoe khoang tốn kém. Ngài bèn nghĩ ra kiểu, và tự vẽ rồi sai thợ dựng lên một chiếc am trên đỉnh doi đất cao, bốn bề thoáng đãng, lại có vườn cây bao bọc. Trèo lên tầng lầu của am, có thể thu gọn cả kinh thành vào trong đáy mắt. Tại đây, lúc nào cũng nghe thấy tiếng gió thổi miên man và thảng cũng có những quầng mây lãng đãng trôi qua. Còn trăng thì khỏi phải nói, vào những đêm thu, trăng dãi vằng vặc, đứng trên am này mà nhìn về bốn phương, tám hướng mới thấy phong cảnh nước non Đại Việt thật là kỳ thú. Vì thế, nhà vua mới đặt tên là “Vân Tiêu am”. Và ngài lấy luôn hai câu thơ trong bài vịnh am của mình đề lên hai chiếc cột như hai vế của một đôi câu đối:
Thử phong thử nguyệt dữ thử nhân
Hợp thành thiên hạ tam kỳ tuyệt1
Thường Nhà vua rất mê họa, có nhẽ chỉ thua Tống Huy Tông2, một hoàng đế nghệ thuật. Chính ông đã lập ra Nam họa phái Trung Hoa.
Ngoài thơ, Anh Tông còn hay cả nhạc. Những lúc vua tôi vui vầy, lại hay bầy cuộc xướng họa, ngâm ngợi. Hoặc có khi vua ôm đàn tự gẩy, rồi hát những bài hát do ngài đặt lời rồi chế nhạc. Lại có lúc vừa vẽ xong một bức tranh, đề vài câu thơ rồi ngắm nghía. Lại có khi dưới trăng thanh gió mát, ngài rút kiếm ra múa. Lưỡi kiếm nhuốm ánh trăng cứ loang loáng như sóng trăng đùa giỡn, khiến người xem buốt lạnh cả sống lưng.
Tranh vẽ treo kín mấy căn phòng. Thơ kể có cả ngàn bài. Nhà vua sai ngự thư gia thu gom các thi phẩm, họa phẩm, kể cả các nhạc phẩm của ngài đem tất cả vào nhà tàng thư khoá lại.
Anh Tông đến với thi - họa - nhạc là để tiêu sầu, chứ ngài không cho rằng mình có khiếu năng nghệ thuật.
Vì vậy, ngài không cho đem các thi - họa - nhạc phẩm của ngài ra ngâm vịnh hay trưng bày, làm phiền mắt, bận tai thiên hạ.
Bữa nay lên “Vân Tiêu am” nhà vua không có ý làm thơ, cũng không màng tới ngọn bút lông để vẽ nữa. Mặc dù cảnh sắc kia, cắt ra mảng nào cũng được một bức sơn thuỷ họa ngoạn mục. Mà với hoa tay sẵn có, ngài chỉ vờn mấy nét là đã được một khuôn tranh. Chưa bao giờ nhà vua thấy lòng mình thư thái và trong lặng như đêm nay. Ngài có cảm giác như cái tâm mình đã hoà đồng với mênh mông đại khối vũ trụ bao la kia. Còn như cái thân phàm thì trút bỏ lúc nào xong lúc ấy.
Nhà vua tha thẩn dạo quanh “Am Vân Tiêu”, bồi hồi nhớ lại thời niên thiếu, cả thời tráng niên nữa.
Thuở nhỏ, vào những đêm trăng sáng thế này, ta thường rủ mấy viên nội thị vượt hoàng thành ra ngoài phường phố, sà vào chơi lẫn với đám trai tráng con nhà thường dân. Có lần chia bè đuổi bắt nhau, ta bị bọn trai ngoài phố đuổi rát quá, chúng vừa đuổi vừa ném, ta cứ chạy thục mạng. Sợ ta bị ném đau, mấy đứa thị nội réo ầm lên: “Ngừng tay! Ngừng tay không được ném hoàng thái tử”. Bọn kia sợ quá biến mất, còn ta từ đấy gặp bọn trai tráng ngoài phố, chúng thường tránh lảng, không muốn chơi với ta nữa. Việc ấy rồi cũng đến tai Thượng hoàng, ngài bèn quở ta không được chơi bời lêu lổng. Cũng từ đó, ta không dám trái ý vua cha, để lo vào việc học hành, rèn trí, rèn đức.
Lại một lần khi ta đã được Thượng hoàng trao cho ngôi báu. Ở ngôi cửu ngũ, ta thấy mình không biết dùng quyền uy để làm gì. Đất nước thì thanh bình, bốn phương chúng dân đều an cư lạc nghiệp. Dường như tất cả những việc gì cần làm, Thượng hoàng đã làm hết cho ta rồi. Rỗi việc, ta liền nghĩ đến đám bạn bè gần xa chơi với nhau từ thuở thiếu thời. Thế là với quyền năng tối thượng, ta ban phát tước lộc cho họ, mặc dù ta chẳng biết họ có tài cán gì không. Đến một bữa nọ, nhân tiết Đoan ngũ, vua tôi vui vầy chuốc chén. Ta uống say đến nỗi Thượng hoàng từ Yên Tử về triều, đám nội nhân vào lay gọi, ta không sao tỉnh nổi để ra chầu. Thượng hoàng giận lắm. Ngài sai đem sổ sách của triều đình ra tra xét. Thấy ta phong tặng nhiều quá, ngài bèn châu phê bên cạnh sổ vàng: “Một nước bé bằng bàn tay, mà ban chầu nhiều thế này, thì ăn hết của dân à?”. Rồi ngài truyền: “Tất cả các quan từ ngũ phẩm trở lên, sớm mai phải về Thiên Trường điểm mục”. Nghe đâu ngài còn có ý muốn phế truất ta.
Lúc tỉnh dậy mới biết mọi chuyện, ta hối hận quá chừng.
Hoang mang hãi sợ và cũng chẳng biết tính sao, ta ra khỏi Hoàng thành với tâm thần bất định. Trông thấy Đoàn Nhữ Hài, ta như người đi giữa biển khơi bị mất phương hướng, nay chợt tìm thấy la bàn. Ta cũng không biết vì sao lại như thế. Song ta chắc trời đã đem đến cho ta một bậc hiền thần. Sau khi ta kể hết mọi nỗi niềm cho Nhữ Hài nghe, như là ta bộc bạch với một người bạn tốt. Nhữ Hài bèn thảo biểu giúp ta tạ tội với Thượng hoàng. Việc ấy rồi Thượng hoàng cũng tha cho. Ta đem lòng yêu quý Nhữ Hài, bèn cất nhắc cho làm Ngự sử Trung tán. Vì Nhữ Hài còn trong độ tuổi niên thiếu, lại chưa qua đỗ đạt khoa vọng gì mà được ở trên nhiều người, nên trong ngoài bàn tán gièm pha thật là quá đáng. Thậm chí có người ác ý còn bảo quan Trung tán, miệng còn hoi sữa.
Khen thay, Nhữ Hài là người có chí tiến thủ, sau trở thành một quan lớn vào hàng đầu triều, văn võ kiêm thông, khiến quan dân trong nước đều trọng nể, mà đám giặc ngoài như Ai Lao, Chiêm Thành cũng đem lòng hãi sợ.
Ta tự thấy khi quyền hành vào tay mà dùng bừa, như ta đem chức tước, bổng lộc ban phát một cách vô lối cho bạn bè thân quen, thì không những ta làm hỏng bạn mà rồi hỏng luôn cả ta. Nếu như việc này không có Thượng hoàng răn dạy cho ta đổi lỗi, ắt sẽ ảnh hưởng lớn đến cả nước chứ không phải chuyện chơi.
Còn như việc ta cất nhắc và tin dùng Đoàn Nhữ Hài, lại chứng tỏ không phải chỉ những kẻ sĩ xuất thân từ khoa bảng mới là chân tài. Thật ra trong lũ họ, thiếu gì những con bò hay chữ. Vậy là trong đám bạch diện ta tìm ra được Đoàn Nhữ Hài, có khác chi người xưa từng nói: trong đám ngựa kéo xe biết đâu chẳng tìm ra giống ngựa kỳ, ngựa ký.
Nhà vua cứ miên viễn trong dòng hồi ức mà quên rằng sương đang gieo nặng hạt. Ngài không đi dạo quanh am nữa, mà vào ngồi trong chiếc kỷ có lót đệm ấm. Đôi mắt ngài ngự vẫn đăm đắm nhìn lên vầng trăng khuya lạnh, cứ như ngài đang tìm kiếm cái gì trong đó.
Nhà vua rùng mình ớn lạnh. Ngài chợt nhớ đến thuở tráng niên, thường cầm quân chinh phạt Chiêm Thành. Ngài cũng xông pha trận mạc vào sinh ra tử, nằm gai nếm mật như các tướng sĩ dưới quyền. Đức Vua thực tình không hiểu nổi, vì sao nước Chiêm Thành nhỏ bé mà cứ hay gây hấn với Đại Việt ta. Cực chẳng đã ta phải ra tay thảo phạt. Ta từng bắt Chế Chí, Vua của nước ấy. Ta cũng từng đạp đổ thành Chà Bàn. Nhưng những việc ấy phỏng có ích gì cho dân hai nước, hay chỉ làm nhọc sức dân, hao tổn máu xương sĩ tốt và rồi gieo rắc thù hận cứ chồng chất lên cao, cao mãi. Ta ước sao phía bên kia, những người có trọng trách với con dân trong nước, cũng nghĩ như ta, thì sao không cởi bỏ được tị hiềm. Sinh thời, đức Nhân Tông đã đích thân sang thăm Chiêm quốc ngót một năm ròng. Ngài đã tâm phục được cả triều đình Indravarman Đệ tam, tức vua Chế Mân. Và cuộc nhân duyên giữa quốc muội Huyền Trân với quốc chủ Champa, chính là chiếc cầu hoà hiếu vững bền giữa hai dân tộc. Tiếc thay, lễ cưới vừa được một năm, lớp người thiển cận đã ám toán Chế Mân. Quốc muội ta suýt nữa cũng phải theo chồng lên giàn hoả…
Từ sau đêm dạo chơi trên “Vân Tiêu am”, Nhà vua bị nhiễm lạnh, rồi bị ốm. Các quan ngự y bên Thái y ty và Thái y viện, cùng hiệp sức tìm cho ra căn bệnh để chữa trị. Quan thì kêu nhà vua bị mắc chứng phong hàn. Người lại cho nhà vua bị bệnh phế viêm. Các quan cứ cãi nhau, cứ thay toa thuốc luôn, khiến cho bệnh nhà vua không tăng cũng không giảm. Sức cứ kiệt dần. Ngài ngự sợ gió, sợ nước, hay sốt nóng về chiều, ho về đêm. Tiếng ho trầm sâu như phát ra từ đáy bụng.
Hoàng thái tử cùng các hoàng tử, công chúa, các cung tần ngày ngày túc trực xin được vào hầu, nhưng đức Anh Tông không y cho. Anh Tông tự biết bệnh tình ngày một trầm trọng, nên đã xuống chiếu trao ngôi báu cho Hoàng thái tử Mạnh (Minh Tông).
Từ ngày nhà vua trút được ngôi cửu ngũ cho Hoàng thái tử, lòng thư thái, trong người lại thấy khá lên, sức lực ngài khá lên, tựa như ngọn đèn cạn dầu trước khi lụi tắt vụt loé sáng. Ngài đã tự mình ra ngoài nội tẩm. Nhiều khi ngài nhớ lại các việc, và nhớ các bầy tôi tâm phúc, lại cho gọi vào chầu. Có lần ngài vời Mạc Đĩnh Chi vào ban cho mười lạng bạc:
- Ta biết khanh là người có tài cao lại liêm chính, nên tư biện rất sơ sài. Để cho khanh phải sống như thế ta thật có lỗi. Số bạc trên là của riêng ta, chứ không phải là của quốc khố, khanh cứ an tâm.
Đĩnh Chi cảm động quỳ tâu:
- Thần làm chưa hết trách phận để Thượng hoàng phải lo, thật đáng xấu hổ. Mong Thượng hoàng tha tội. Thần trộm nghĩ, nếu kẻ sĩ chỉ chăm lo cho riêng mình vinh thân phì gia, thì sao còn cảm hoá được lòng người.
- Nhân có Đĩnh Chi ghé thăm, ta lại nhớ khoa thi năm Giáp Thìn (năm 1304), ta đích thân chấm tuyển tam khôi. Khanh đã được ta cho đứng đầu bảng, ấy thế mà khi thấy mặt khanh ở vườn ngự để ta ban dạ yến, thì ta lại không muốn cho khanh ngôi trạng nguyên nữa. Khanh có biết vì sao không.
- Tâu, là do Thánh thượng nom thấy diện mạo kẻ học trò này kì quái quá.
- Đúng vậy. Ngày ấy khanh xấu quá.
- Muôn tâu, ngày nay tuổi cao, thần càng xấu.
- Không phải thế, không phải thế, - Nhà vua vừa nói vừa xua tay - Nhà ngươi đẹp lắm. Chẳng qua ngày ấy ta hẹp lượng, bởi nhãn giới ta thiển cận, nên không nhìn thấu vẻ đẹp bên trong của khanh.
- Đội ơn Thượng hoàng rộng lượng.
- Vậy chớ ngày ấy ai xui khanh viết bài: “Ngọc tỉnh liên phú” dâng ta? Có phải Tá thánh Thái sư Thượng tướng quân Trần Nhật Duật không?
- Muôn tâu, chính quốc muội Huyền Trân công chúa đã mách thần: “Sao không dâng biểu trần tình với Quan gia”. Chẳng biết Trời, Phật xui khiến thế nào mà thần nghĩ ra được cái tứ hay, rồi viết liền một mạch đem dâng bệ hạ.
- Phải! Đọc xong bài phú của khanh, ta xúc động. Khiếp quá. Sức mạnh của văn chương, nghệ thuật thật là vô biên. Chỉ một tiếng địch của Trương Lương mà làm nản ý chí chiến đấu cả đội quân trăm vạn, từng bách chiến bách thắng của Hạng Võ. Chỉ một bài phú của khanh, làm ta ngay lập tức phải tỉnh ngộ.
- Thượng hoàng quá khen. Chẳng qua Thượng hoàng là đấng cao minh, nên không chấp với kẻ cuồng ngôn loạn ngữ như thần thôi. Chứ thiên hạ thiếu gì người văn hay chữ tốt, tài năng lỗi lạc, mà vẫn phải vật vờ nơi điếm cỏ cầu sương như một lũ lạc loài.
- Ta không phải đã nhìn thấu kẻ sĩ trong thiên hạ để thu dùng. Nhưng ta thừa nhận còn nhiều người tài đức bị vùi lấp, nên không bộc lộ được chân tài để hiến dâng cho nước. Tiếc thay! Chỉ một việc bỏ sót các bậc chân tài trong thiên hạ, cũng đủ làm yếu suy đất nước. Ta có tội lớn với muôn dân. Tiếc quá, khi ta biết hối thì đã muộn mất rồi!
Đĩnh Chi ra về, đức Anh Tông lại thiếp chìm trong cô quạnh. Ấy là nỗi cô quạnh phát ra tự tâm khảm ngài, chứ không phải do sự sơ khoáng của vua kế Minh Tông và đám quan nội hầu.
Ngài chợt nhớ những năm cầm quân thảo phạt phương Nam. Ngày ấy ta lo quá. Sợ rằng người Chiêm, người Nguyên liền năm gây hấn, khiến ta phải đánh dẹp triền miên; không những làm cho dân tình điêu háo, mà ngay cả đến ta cũng không còn đủ sức chiến chinh nữa. Ta lo đến nỗi đêm ngủ không yên giấc. Thường xảy ra các trận huyết chiến trong cả giấc mơ. Và lá cờ lệnh cũng theo ta vào giấc ngủ. Kỳ lạ, những chuyện như thế ta ghi lại, mà rồi họ cứ vu cho ta làm thơ. Đại loại ta viết:
… Vạn đội tinh kỳ quan hải tạng,
Ngũ canh tiêu cổ lạc thiên cung.
Thuyền song nhất chẩm giang hồ noãn.
Bất phục du chăng nhập mộng trung3...
Đêm nọ, nhà vua cho gọi viên nội thị vào hầu. Ngài nhìn người hầu cận già đã hầu hạ từ khi ngài còn tấm bé. Nay, ông lão tóc đã bạc phơ, lưng còng, má hóp, hai hàm răng rụng gần hết. Với tâm trạng gần như hối hận, nhà vua nói:
- Khanh với Nhữ Hài đều là bầy tôi tâm phúc của ta. Nhữ Hài được cất nhắc, trọng dụng, còn khanh cứ mãi ở chức quan nội hầu. Ta biết thế là không phải với khanh. Nhưng việc nước chứ không phải chuyện bỡn đùa, mà đưa người không có tài trị nước vào nắm giữ trọng trách quốc gia. Vậy, để đền đáp công lao của khanh, ta cho khanh tước Ngự sử đại phu. Nhớ, đây chỉ là chức quan nhàn tản chứ không có thực quyền đâu. Còn lộc, ta ban cho khanh thực ấp ba mươi mẫu ruộng để dưỡng già. Khi khanh mất đi, con cháu nối đời được thừa hưởng. Đây là sắc, dụ, tất cả ở trong này, khanh cứ đem về làng, minh báo cho viên quan bản hạt, y có trách phận phải thi hành. Nói xong, nhà vua trao cho viên quan nội hầu một xấp giấy đã bao gói kỹ càng.
Người lão bộc già run run quỳ xuống đón lấy tờ sắc, hai hàng nước mắt tuôn rơi. Gương mặt già nhăn nheo được tưới đẫm bởi một thứ nước chảy từ tâm não ra, chợt như bừng sáng.
Vua dặn thêm:
- Về làng, khanh gắng dưỡng sức, răn dạy con cháu tu chỉnh làm ăn, xứng đáng là môt hưu quan của triều đình. Chớ phụ lòng ta. Vẻ mệt mỏi, vua tựa lưng vào chồng gối xếp.
Người lão bộc cảm động đến líu cả lưỡi:
- Đội ơn Thượng hoàng đã ban ân sâu lại còn cho lời răn dạy. Thần nguyện không dám sai lời, chỉ xin Thượng hoàng cho theo hầu ngài tới mãn đời.
Anh Tông không nói thêm lời nào, chỉ vẫy tay ra hiệu cho lui.
Nhà vua ngày càng yếu. Dường như ngài biết mệnh của mình, nên không chịu cho thái y viện phục thuốc.
Một bữa ngài truyền gọi viên ngự thư gia vào phán:
- Khanh vào nhà tàng thư, đem tất cả những cái gì của ta đã viết, đã vẽ ra đây.
Viên ngự thư gia tưởng nhà vua đã khoẻ lại, ngài đang có cảm hứng nghệ thuật, nên lại muốn ngâm ngợi hay viết vẽ gì đây. Chân trong chân ngoài cửa, y còn quay lại hỏi:
- Tâu Thượng hoàng, có cho gọi nhạc công, ca công, có mời các quan bên hàn lâm viện không ạ?
- Không! - Nhà vua đáp một tiếng gọn lỏn.
Lát sau, viên ngự thư gia ôm từ nhà tàng thư về một đống vừa tranh vẽ, vừa những bài thơ đã đôn lại thành tập, đóng bìa bằng vàng lá có tới cả chục tập, cùng mấy chục bức tranh đựng trong ống quyển.
- Ngươi gầy cho ta mộ̣t chiếc hỏa lò - Vua truyền.
Loáng cái, viên ngự thư gia đã bê vào một chiếc hỏa lò, ngọn lửa đang bốc xanh.
Vua lại phán:
- Ngươi tháo bỏ bìa ở các tập sách kia ra. Ta cho ngươi đấy.
Viên ngự thư gia hai tay run rẩy không còn hiểu ra sao nữa, bèn tâu:
- Thượng hoàng! Những quyển sách đẹp thế, sao lại tháo bìa ra ạ?
- Ta bảo ngươi cứ tháo ra. Cho ngươi số bìa đó làm của riêng.
Nhà vua tự tay mình cầm lấy từng ống quyển tranh, từng tập thơ một ném vào lửa. Ngài cứ thong thả đốt cháy hết trọn tập này rồi mới đốt sang tập khác.
Viên ngự thư gia khóc ròng, rập đầu tâu:
- Thánh thượng anh minh, ngài không biết Tần Thuỷ Hoàng xưa vì đốt sách, hắc khí làm mờ cả nhật nguyệt, tới hơn ngàn năm sau vẫn chưa quang sạch sao? Thánh thượng không sợ hậu thế oán vọng sao?
Nhìn viên ngự thư gia với vẻ mặt đau khổ, nhà vua bật cười. Tiếng cười mỗi lúc mỗi vang giòn, nghe đến ghê lạnh. Một lát đỡ mệt, nhà vua ôn tồn vỗ về:
- Ngươi biết một mà chẳng biết hai. Tần Thuỷ Hoàng xưa đốt, là đốt sách của các bậc thánh hiền. Đó là trí tuệ siêu phàm từ ngàn xưa của nhân loại, được viết ra từ những bộ óc trác việt. Đốt sách của thánh hiền. Đó là hành vi của lũ súc sinh, nên ngàn đời sau còn oán vọng là đúng.
Với ta, khanh nên nhớ, ta chỉ đốt những thứ lẩm cẩm do ta sản ra thôi, chớ ta có dám đụng vào chữ nghĩa của ai đâu.
- Bệ hạ nhầm rồi. Những đấng bậc anh minh như bệ hạ, phải được lưu bút cho đời sau.
- Ôi, khanh làm nhiều năm trong ngự thư gia, khanh đọc đủ thứ, nên sớm mắc bệnh vĩ cuồng. Chính ta sợ đời sau nhầm lẫn mà tôn vinh di cảo của ta, nên ta phải tiêu huỷ hết, để tránh di họa cho con cháu.
Nhà vua vơ một nắm bìa bằng vàng ròng nhét vào tận tay viên ngự thư gia, nói lời an ủi:
- Thôi, khanh về đi. Về cho ta nghỉ kẻo muộn. Giờ của ta đã đến rồi!
Đêm ấy, vua Trần Anh Tông ngủ một giấc thật êm đềm. Và ngài không bao giờ thức dậy nữa.
Chú thích:
1. Gió đây trăng đây với người đây. Hợp với nhau thành ba thứ tuyệt diệu trong trời đất.
2. Hoàng đế nhà Tống (Trung Quốc năm 1101 - 1126) là người mê say hội họa. Và chính ông cũng là một họa sĩ lớn.
3. Dịch nghĩa:
Cờ xí muôn hàng sáng choang lòng bể.
Kèn trống năm canh vang rộn bầu trời,
Trên chiếc gối bên song thuyền, lòng giang hồ được ấm lại.
Lá cờ lệnh không còn hiện vào trong giấc mơ.
Nhà văn HOÀNG QUỐC HẢI