Đồng chí Trường Chinh từng có nhiều giai đoạn đảm trách cương vị cao nhất của Đảng như: Quyền Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Đông Dương (1940-1941), Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương (1941-1951), Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam (1951-1957), Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (1986). Nhưng cuộc sống không chỉ ghi nhận cương vị do ông đảm trách trước Đảng và dân tộc mà còn ghi nhận ông như là một trong những kiến trúc sư góp phần sáng tạo nên những chính sách mới của Đảng. Những chính sách mới này được kiến tạo ở những thời điểm và những điều kiện khác nhau, nhưng đều đem lại cùng một giá trị: Khắc phục những khó khăn của Đảng, của phong trào cách mạng, làm chuyển biến và đưa tới những điều kiện cơ bản cho thắng lợi của cách mạng và dân tộc ta.
Năm 1941, Trường Chinh viết: “Trong quá trình đấu tranh giải phóng cho giai cấp và cho dân tộc, Đảng ta phải kiểm tra đường lối, chính sách của mình trong mỗi giai đoạn cách mạng, xem đúng sai như thế nào?... “Mỗi khi tình hình biến đổi, những điều kiện mới của cách mạng trong nước và cách mạng thế giới đó nảy sinh thì lập tức chúng ta phải xem xét lại đường lối chính sách, chiến lược và sách lược của Đảng”1.
Đây chính là cơ sở thống nhất tư tưởng giữa ông, với tư cách là người lãnh đạo cao nhất của Đảng ở trong nước với Nguyễn Ái Quốc, sau 30 năm hoạt động trong phong trào Cộng sản quốc tế ở hải ngoại mới trở lại Tổ quốc, tháng 2/1941, về sự cần thiết phải tìm một hướng đi mới cho phong trào cách mạng nước ta sau hơn một thập kỷ thăng trầm, kể từ ngày thành lập Đảng. Rõ ràng, sự gặp gỡ tư tưởng giữa Nguyễn Ái Quốc - Trường Chinh là yếu tố đầu tiên đẩy nhanh quyết định chuẩn bị và triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ tám của Đảng. Và cũng vì vậy, Hội nghị đã được tổ chức thành công chỉ sau 3 tháng kể từ ngày Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc.
Với Hội nghị Trung ương lần thứ tám, Đảng ta đã đưa ra và giải quyết những vấn đề cơ bản sau đây:
Một là, giải quyết một cách đúng đắn mối quan hệ giai cấp - dân tộc trong nhiệm vụ chính yếu hiện thời là giải phóng dân tộc. Đặt “quyền lợi dân tộc cao hơn hết thảy. Quyền lợi của bộ phận phải phục tùng quyền lợi của toàn thể dân tộc, quyền lợi của một giai cấp phải đứng sau quyền lợi của cả nhân dân...”, “cho nên bất cứ một nhiệm vụ gì chưa cần kíp mà đặt ra lúc này có thể tổn hại cho nhiệm vụ phản đế thì phải gác lại giải quyết sau”2.
Hai là, để tập trung lớn nhất lực lượng đoàn kết dân tộc trong Mặt trận Việt Minh, Đảng chủ trương hạ thấp Cương lĩnh của Mặt trận Dân tộc Thống nhất và điều lệ của các hội phản đế, đổi tên các hội ấy thành các hội cứu quốc.
Ba là, giải quyết mối quan hệ giữa cách mạng giải phóng và vấn đề ruộng đất của nông dân, mà trước mắt là giành lấy một số quyền lợi, rồi sẽ tiến lên giải quyết triệt để khẩu hiệu “người cày có ruộng”, nhằm tranh thủ cho kỳ được nông dân, đồng thời phân hoá hàng ngũ giai cấp địa chủ...
Giải quyết đúng đắn và khoa học những vấn đề cơ bản với tư duy mới, để đoàn kết cho được hết thảy các giai cấp, các tầng lớp trong nhân dân vào Mặt trận Dân tộc Thống nhất chống phát xít; cô lập bọn phản quốc, làm cho chúng bộc lộ hết chân tướng phản bội trước mặt đồng bào; động viên hết thảy các tầng lớp nhân dân, tập trung hết thảy các lực lượng cách mạng dù nhỏ đến mấy đi nữa, đặng đánh đổ bọn đế quốc phát xít Nhật - Pháp, giải phóng dân tộc, rồi sẽ tiến lên làm những nhiệm vụ mới của cách mạng.
Nghị quyết Trung ương lần thứ tám theo cách mạng gọi của Tổng Bí thư Trường Chinh lúc đó là Chính sách mới của Đảng, là “Chính sách thực tế” khi phổ biến Nghị quyết này. Và ông cho rằng, đó là “kết quả của sự kết hợp tinh thần yêu nước với tinh thần quốc tế vô sản, kết quả của việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lê nin vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta”3.
Ngay sau khi “Chính sách mới của Đảng” ra đời, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Trường Chinh, sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng đã mau chóng đi vào nhân dân và được tiếp nhận một cách nhanh chóng. Mặt trận Việt Minh được thành lập, phát triển rộng rãi, toàn diện và nhờ đó phong trào cách mạng nước ta đã phát triển nhanh chóng ở tất cả các lực lượng yêu nước, các khu vực địa lý, dân cư, tạo ra cơ sở chính trị vững chắc trong lòng dân tộc, tạo điều kiện cho Đảng tiến tới thành lập lực lượng vũ trang, thành lập căn cứ địa, khu giải phóng, hội tụ được đầy đủ các yếu tố chủ quan cho sự thành công của Cách mạng Tháng Tám khi thời cơ đến.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và hiệu quả của nó trước hết thuộc về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên cương vị là Quyền Tổng Bí thư một năm trước đó và Tổng Bí thư từ Hội nghị lần thứ tám của Ban Chấp hành Trung ương, với sự chuẩn bị và hiểu biết vững chắc Nghị quyết của Hội nghị thông qua việc phổ biến chính sách mới vào tháng 9/1941 do ông viết, cũng như sự chỉ đạo chính xác của ông trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đảng, đặc biệt trong những năm 1942 đến năm 1944 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh vắng mặt ở trong nước, Trường Chinh vừa là một người kiến tạo vừa là người chỉ đạo thực tiễn thực hiện thành công Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
45 năm sau, ở tuổi 79, ông lại đứng đầu trong lớp người tiên phong của Đảng tìm tòi cho Đảng, cho dân tộc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong hoà bình. Khi đó đất nước lại đang đứng trước những hiểm hoạ khôn lường của sự suy thoái kinh tế. Ông lại bắt đầu bằng suy nghĩ phải đổi mới tư duy trước hết từ trong Đảng và đi tới khẳng định đổi mới là tất yếu khách quan, là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với đất nước và dân tộc. Với sự khẳng định của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, trên cơ sở Báo cáo chính trị, Đảng ta tiếp tục khẳng định qua các Đại hội tiếp theo.
Hai lần xuất hiện trên cương vị là Tổng Bí thư của Đảng ở cả hai thời điểm hiểm nghèo của cách mạng, của đất nước, hai lần góp phần kiến tạo đổi mới chính sách của Đảng, trong cả cách mạng dân tộc dân chủ và cả trong thời kỳ đưa đất nước lên chủ nghĩa xã hội. Trường Chinh chính là một kiến trúc sư của những chính sách mới thắng lợi của Đảng ta trước những bước ngoặt của lịch sử dân tộc.
Thế nhưng, ông chỉ nhận là học được sự sáng tạo đó ở Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lúc sinh thời ông đã viết: “Người dạy chúng ta mỗi khi tình hình đổi mới, điều kiện mới của cuộc vận động cách mạng đó nảy sinh, hàng ngũ kẻ thù và hàng ngũ bạn đồng minh đó có chỗ biến hoá, thì phải lập tức xem xét lại chủ trương, chính sách và khẩu hiệu cách mạng, căn cứ vào tình hình mới mà định phương châm, chiến lược và sách lược, không nên bám lấy những khuôn khổ cũ kỹ và lỗi thời”4.
Và cũng để suy ngẫm về tư tưởng mà ông mang theo và thực hiện suốt cả đời - suy nghĩ đưa tới các sáng tạo mang tên Trường Chinh.
Phạm Hồng Chương
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Chú thích:
1. Trường Chinh: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam, Nxb. ST, H. 1975, tập I, tr. 182.
2. Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Sđd, tr.112-113.
3. Trường Chinh: Tuyển tập, Nxb. ST, H. 1987, tập I, tr.26.
4. Trường Chinh: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam, Nxb. ST, H. 1975, tập I, tr.191.