Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện với đồng bào Tuyên Quang dưới gốc đa Tân Trào. Ảnh: tuyenquang.gov.vn
Ngày 07 và 08-10-1947, Pháp cho quân nhảy dù xuống Bắc Cạn, Chợ Mới, Chợ Đồn, đồng thời cho binh đoàn bộ binh Bô-phrê từ Lạng Sơn kéo lên Cao Bằng, Bắc Cạn bao vây Việt Bắc từ phía Đông và phía Bắc, binh đoàn hỗn hợp lính thủy đánh bộ và bộ binh thuộc địa của Com-muy-nan từ Hà Nội ngược sông Hồng, sông Lô lên Tuyên Quang, bao vây Việt Bắc ở phía Tây.
Trước âm mưu đó của địch, ngày 15-10-1947, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Phá tan cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp”, chỉ rõ phương hướng cụ thể cho quân và dân ta là: Giam chân địch tại mấy căn cứ chúng vừa chiếm, bao vây những căn cứ đó... Triệt để làm vườn không, nhà trống xung quanh chỗ địch chiếm đóng... Chặt đứt giao thông liên lạc giữa các cứ điểm của địch, không cho chúng tiếp ứng và tiếp tế... Phải giữ gìn chủ lực, nhưng đồng thời cũng phải nhằm những chỗ yếu của địch mà đánh ngay những trận vang dội, những trận tiêu diệt” (1).
Thực hiện chỉ thị của Đảng, Tỉnh ủy Tuyên Quang đã chỉ đạo các cơ sở chuẩn bị kế hoạch tác chiến. Những vùng địch có thể hành quân qua hoặc tấn công, nhân dân đều rút vào các lán trại bí mật trong rừng, thực hiện triệt để tiêu thổ kháng chiến. Đồng bào giúp các cơ quan Đảng, Chính phủ xây dựng các điểm đóng quân dự bị. Tỉnh ủy Tuyên Quang và Ban chỉ huy Trung đoàn 112 đã xây dựng kế hoạch phối hợp tác chiến. Các đơn vị của Trung đoàn 112 chịu trách nhiệm vận động bám sát các hướng hành quân của địch, tổ chức những trận đánh lớn tiêu diệt chủ lực của chúng. Lực lượng cảnh vệ và du kích, tự vệ của tỉnh một phần lo bảo vệ cơ quan lãnh đạo địa phương, giúp nhân dân sơ tán, một phần làm công tác phục vụ chiến đấu, bộ phận khác bám chốt tại chỗ tiến hành đánh du kích, quấy nhiễu địch buộc chúng phải dàn mỏng quân tạo các kẽ hở để quân ta tiêu diệt.
Phát huy sức mạnh tại chỗ, thực hiện toàn dân đánh giặc, quân và dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã anh dũng chiến đấu giết giặc ngay khi chúng mới đặt chân tới. Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện vẫn còn ghi lại dấu ấn những trận đánh vang dội như: chiến thắng Bình Ca, chiến thắng km7 (đường Tuyên Quang - Hà Giang), chiến thắng Vật Nhèo (xã Ngọc Hội, huyện Chiêm Hóa), chiến thắng Cầu Cả (xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa), chiến thắng Khe Lau (ngã ba sông huyện Yên Sơn). Trong đó, có những chiến công ghi đậm dấu ấn của lực lượng tự vệ Tuyên Quang như:
Trận phục kích ở Km 7 (đường Tuyên Quang - Hà Giang): Ngày 22-10-1947, lực lượng tự vệ thành Tuyên đã tổ chức phục kích, chặn đánh cánh quân bộ của thực dân Pháp gồm 500 tên từ thị xã Tuyên Quang theo đường Quốc lộ 2 hành quân lên Chiêm Hóa. Địa điểm chọn phục kích là Km 7 (đường Tuyên Quang - Hà Giang). Kết quả là, hơn 100 tên đã bị tiêu diệt, nhiều tên khác bị thương, thu được 01 đại liên, 01 súng cối và nhiều quân trang, quân dụng. Chiến thắng Km7 đã hạn chế bước tiến quân của địch, làm nhụt ý chí chiến đấu của chúng. Quân Pháp hết sức kinh hoàng, chúng gọi trận phục kích này là “tiếng nổ của hỏa ngục”. Đồng chí Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đánh giá đây là một trong 10 trận thắng lớn của Chiến dịch Việt Bắc.
Trận Cầu Cả (Yên Nguyên, Chiêm Hóa): Từ ngày 03-11-1947, quân Pháp bắt đầu rút khỏi Chiêm Hóa bằng đường thủy và đường bộ. Ta chủ trương tiếp tục truy kích tiêu diệt địch, bố trí các trận địa phục kích trên đường địch rút quân. Chiều ngày 05-11-1947, dân quân du kích xã Yên Nguyên, Hòa Phú, huyện Chiêm Hóa đã phối hợp với Tiểu đoàn 718 thuộc Trung đoàn 112 tổ chức phục kích quân Pháp, địa điểm cách cầu Cả khoảng 500m. Sau hai giờ chiến đấu quyết liệt, trận đánh kết thúc. Khoảng 100 tên địch bị tiêu diệt tại chỗ, một số khác bị thương.
Trong tác phẩm “Việt Bắc anh dũng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kể lại tấm gương anh dũng của phụ lão và nông dân Tuyên Quang: “Ở Tuyên Quang một cụ già ngoài 70 tuổi bị giặc Pháp bắt, hỏi: Bộ đội Việt Nam ở đâu? Cụ già ngang nhiên trả lời: Dân Việt Nam ai cũng đánh Pháp, ta đây cũng là một người trong bộ đội Việt Nam. Giặc tức giận đem cụ ra bắn. Trước khi chết cụ già còn hô to: Việt Nam độc lập muôn năm, Hồ Chủ tịch muôn năm” (2), “3 tên lính mũ đỏ vào làng cướp gà lợn. Một người nông dân núp trong bụi bắn 2 phát súng kíp, giết chết cả 3 tên giặc. Anh lấy được 3 khẩu súng và 3 cái ba lô đem về nộp cho đội du kích” (3).
Đến ngày 15-12-1947, quân Pháp đã rút khỏi Tuyên Quang. Trong chiến dịch Việt Bắc, quân dân địa phương đã đánh 48 trận (trong đó có 30 trận độc lập tác chiến, 18 trận phối hợp với bộ đội chủ lực), góp phần diệt 1.300 tên địch, bắn cháy, bắn hỏng 10 ca nô, tàu chiến, phá hủy 01 máy bay. Tuyên Quang đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu hao sinh lực địch, góp phần bảo vệ an toàn, bí mật nơi ở của Bác Hồ, các cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến. Ngày 23-12-1947, tại thị xã Tuyên Quang đã diễn ra cuộc duyệt binh lớn mừng chiến thắng./.
----------------------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện quân sự của Đảng, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1976, tr. 248 - 252
(2), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 5, tr. 364, 365
Nguyễn Thị Nguyệt Anh - Trường Chính trị, tỉnh Tuyên Quang
Theo Tạp chí Cộng sản