|
Sách văn học luôn thu hút được sự quan tâm của độc giả nhiều thế hệ. (Ảnh VIỆT KHÔI) |
Không phải ngẫu nhiên, những cuốn bestseller (bán chạy nhất) trong làng xuất bản, chiếm hơn một nửa là những tác phẩm văn chương. Do đó, việc sở hữu được những tác phẩm lớn, những cuốn sách gối đầu giường cho nhiều thế hệ chính là việc gìn giữ văn hóa dân tộc và tiếp thu các giá trị tinh thần ngay trên từng con chữ. Trong những sản phẩm tinh thần, văn chương chứa nhiều giá trị nhân văn hơn cả.
Thần thoại xuất hiện ở điểm bắt đầu của văn chương như truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên, Chử Đồng Tử, Thánh Gióng,... và cũng ở điểm cuối khi được kế thừa bởi các nhà văn. Albert Camus nói rằng: “Mục đích của người viết văn là giữ cho nền văn minh không tự hủy diệt”. Đó là sự đề xướng vai trò hữu dụng và lớn lao của ngôn ngữ được sử dụng làm công cụ kết nối, truyền bá và lưu giữ văn học cũng như những giá trị khác ngoài văn học. Hàng vạn nhà văn trong suốt lịch sử thế giới, qua từng thời đại đã chung tay xây đắp và dựng nên pho sách khổng lồ, tinh tuyển những câu chuyện, tâm tư tình cảm của hằng hà sa số cư dân trên địa cầu này.
“Cảo thơm lần giở trước đèn”, mấy trăm năm qua rồi vẫn còn thơm ngát giữa chốn trần ai truân chuyên bao nỗi. Đọc Truyện Kiều, thấy nước non nhà, thấy một đại thi hào của cả dân tộc Việt lặng lẽ trong cô phòng, bên bàn văn để ươm những vần thơ gieo về nỗi sầu thương bãi bể nương dâu của tha nhân. Đại thi hào Nguyễn Du (1766-1820) đã viết nên kiệt tác Truyện Kiều hằng định trong dòng chảy văn học, hằng định trong tâm tưởng chúng ta và cụ xứng đáng là một tượng đài thi ca sừng sững của dân tộc, là danh nhân văn hóa thế giới. Cơ tầng ngữ nghĩa thấm đẫm chất Việt được Truyện Kiều chuyển tải một cách nhuần nhị cùng với biết bao giá trị văn hóa, tinh thần mang màu sắc Việt được gửi gắm rất tinh tế, rất thơ...
Một trong những câu chuyện cổ tích xa xưa, Thạch Sanh, khiến tôi rất mê đắm. Thạch Sanh biểu trưng cho một lớp người Việt ngay thẳng, tài giỏi, nhiều chiến công thần thoại. Cái ác của Lý Thông không chiến thắng được người hiền. Cái kết có hậu là Thạch Sanh cưới được công chúa còn Lý Thông biến thành bọ hung. Đó cũng là niềm tin và mong ước của con người về xã hội công bằng, phát triển.
Những cuốn sách văn học luôn mang lại niềm đam mê cho người đọc.
Ta bắt gặp niềm mong mỏi đó ở khắp nơi trên thế giới thông qua những câu chuyện cổ tích. Đó là Cô bé Lọ Lem đại diện cho sự đấu tranh giữa bất công/bình đẳng, thiện/ác và phần thưởng xứng đáng dành cho những người lương thiện. Chiếc hài của Lọ Lem theo tôi đi suốt những năm tháng tuổi thơ, ví như một phép màu của sự công bằng trong đời sống. Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn của anh em nhà Grimm cũng mang ý nghĩa tương tự. Họ đã sáng tạo ra thế giới theo cách của họ và buộc tôi - kẻ yêu văn học - đã sống như mơ trong thế giới nhiệm mầu ấy và nuôi dưỡng một tình yêu không bao giờ nguôi hy vọng.
Khi tôi cầm trên tay cuốn Trà hoa nữ của Alexandre Dumas con được viết năm ông 24 tuổi, bằng tuổi tôi khi đọc tác phẩm này, câu chuyện tình của anh chàng Duval với cô kỹ nữ Marguerite khiến tôi bội phục trước tình yêu thánh thiện, giàu đức hy sinh của họ. Khi đọc bức thư của Marguerite ở cuối tiểu thuyết lúc cô đã về thế giới bên kia bỏ mặc những hoài nghi của Duval, sự rung cảm tập trung đến tận cùng và tôi hiểu được giá trị của tình yêu, của một con người thơm ngát như bông hoa trà. Đó là sức mạnh lay động của văn học, sức mạnh bảo tồn không gian văn hóa nhân loại.
Và tôi cho rằng, nếu như ai đó muốn tìm hiểu về một tác phẩm nên đọc trong cuộc đời họ, có lẽ là cuốn Không gia đình của Hector Malot. Ở đó tình yêu thương của nhân loại xoay quanh nhân vật bé nhỏ Remi tội nghiệp và những câu chuyện sưởi ấm trái tim người đọc. Tương tự, Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài cũng là cuốn sách gối đầu giường tuổi thơ tôi. Sống hồn nhiên với loài vật, cây cỏ, tuổi thơ trôi qua trong trẻo, mới thấy được ngọn lửa ấm trong ngôi nhà mình.
Có tác phẩm lại là kỷ niệm đẹp trong cuộc đời tôi. Nhớ đêm chuyển mùa nọ, tôi bay đột ngột vào TP Hồ Chí Minh để gặp người thân. Trên tay tôi cầm cuốn Hoàng tử bé, đồng hành với Antoine de Saint Exupéry trong chuyến bay của trái tim. Người cha của Hoàng tử bé đã bao lần bay đêm, bao lần bay qua sa mạc, ruộng đồng, thành phố, bay dưới những vì sao, dưới ánh trăng để nghĩ về một hành tinh tí xíu của hoàng tử bé, bông hồng kỳ vỹ với những ý nghĩ kỳ vỹ.
Exupéry mang đến chân lý “Cái cốt yếu thì con mắt không nhìn thấy” và chúng ta cảm động vì “lòng chung thủy của em đối với một đóa hoa hồng...”. Những dòng tuyệt bút của Hoàng tử bé, sự ngây thơ, trong trắng vô ngần, khiến ta đôi lúc tự hỏi có lẽ nào trong dòng đời này đôi lần mình quên đi trách nhiệm về những gì đã cảm hóa.
Văn chương, thi ca nhiều khi đã cứu rỗi những tâm hồn tật nguyền và cũng tha thiết động viên con người tìm về lẽ sống, yêu sự sống. Xin trích dẫn vài câu thơ nói về vẻ đẹp của mùa xuân mà nhiều thế hệ thi nhân của đất nước chúng ta đã chiêm nghiệm để nói về nhân sinh, về tình yêu, sự sống. Mãn Giác Thiền sư rung cảm với chút xuân tư lự: “Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một cành mai”.
Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du vẽ nên bức tranh xuân trác tuyệt: “Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”. Thi sĩ Hàn Mặc Tử lại đón xuân trong xuân quê chín mọng: Trong làn nắng ửng khói mơ tan/ Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng/ Sột soạt gió trêu tà áo biếc/ Trên giàn thiên lý bóng xuân sang”. Thế nên, văn chương phụng sự cái đẹp ở cả hai mặt lý tính và cảm tính. Thi sĩ hẳn là kẻ nhảy múa sướng vui nhiều nhất trong vũ khúc mùa xuân, trong hân hoan, mê si tột độ để cho những giai phẩm cất tiếng bình minh.
Họ nhìn thấy những vẻ đẹp muôn hình của ngày xuân, để từ đó tiết lộ rằng, tạo hóa đã ban cho con người cái duyên phước tốt đẹp để ngụp lặn. Từ thiên nhiên tươi đẹp của mùa xuân, đến tinh thần thiêng của dân tộc là cả một kho tàng uyên nguyên của sự sống, của văn hóa dân tộc mà chúng ta phải dành cả đời để học, để yêu và phụng hiến.
Chúng ta thán phục trí tưởng tượng của các nhà văn, nghệ thuật ngôn ngữ và cả những nội dung đậm đặc văn hóa, trí tuệ. Họ đã thống nhất với nhau trong việc biểu đạt các giá trị nhân loại qua ngòi bút tài hoa của mình. Điều tôi muốn nói ở đây là sự quan trọng của tưởng tượng. Có tưởng tượng là có sáng tạo. Và hãy bắt đầu từ việc đọc. “Đọc sách hay cũng giống như trò chuyện với các bộ óc tuyệt vời nhất của những thế kỷ đã trôi qua”- Rene Descartes, nhà triết học người Pháp đã nói như thế.
Nhà văn LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG/Theo Báo Nhân dân