Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng (phải). Ảnh tư liệu
Khi nói tới đồng chí Văn Tiến Dũng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định, đó là “một vị tướng có tinh thần quyết thắng lớn và tài thao lược xuất chúng, một người cộng sản kiên cường, bất khuất đã cống hiến cả cuộc đời cho lý tưởng của Đảng, cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”1.
Đại tướng Văn Tiến Dũng sinh ngày 2/5/1917 tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội, nhưng nhà nghèo vì không ruộng đất, cả cha và mẹ đều mất sớm nên 15 tuổi, Văn Tiến Dũng phải bỏ học về giúp anh làm thợ may. Năm 17 tuổi, Văn Tiến Dũng ra Hà Nội làm công cho các xưởng dệt để kiếm sống.
Tại đây, Văn Tiến Dũng tham gia và hoạt động tích cực trong phong trào công nhân dệt và sớm được giác ngộ cách mạng, năm 1937, ở tuổi 20 Văn Tiến Dũng gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1939, do có uy tín cao trong phong trào công nhân, Văn Tiến Dũng được cử làm Thư ký Ban Thường trực Liên đoàn Lao động Hà Nội và tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội. Năm1939, đồng chí bị chính quyền thực dân Pháp bắt đày đi nhà tù Sơn La. Năm 1941, trên đường bị địch áp giải từ Sơn La về Hà Nội, đồng chí đã thoát được trở về hoạt động trên cương vị là Bí thư Ban Cán sự Đảng tỉnh Hà Đông, rồi Bí thư Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh dưới danh nghĩa một nhà sư của chùa Bột Xuyên (huyện Mỹ Đức, Hà Đông). Tháng 4/1944, đồng chí được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, nhưng tới tháng 8/1944 lại bị địch bắt. Tháng 12/1944, đồng chí vượt ngục ra tiếp tục hoạt động cách mạng. Tháng 1/1945, đồng chí bị chính quyền thực dân Pháp kết án tử hình vắng mặt.
Tháng 4/1945, Văn Tiến Dũng được cử làm Uỷ viên Thường vụ Ủy ban Quân sự Cách mạng Bắc kỳ (Bộ Tư lệnh Quân sự miền Bắc Đông Dương) phụ trách tổ chức Chiến khu Quang Trung, kiêm Bí thư Khu uỷ Chiến khu Quang Trung, trở thành người chỉ đạo vũ trang giành chính quyền ở các tỉnh Hoà Bình, Ninh Bình và Thanh Hoá trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trên cương vị này, đồng chí Văn Tiến Dũng bắt đầu thể hiện tài năng của một nhà lãnh đạo quân sự của quân đội ta.
Chính vì vậy, sau Cách mạng Tháng Tám, đồng chí Văn Tiến Dũng được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ lập Chiến khu II trên cương vị là Chính uỷ Chiến khu, tham gia Quân uỷ Trung ương và sau đó trở thành Cục trưởng Cục Chính trị Quân đội Quốc gia Việt Nam (nay là Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (12/1946), Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đồng chí được cử làm Đại đoàn trưởng kiêm Chính uỷ Đại đoàn 320, năm 1948 được phong quân hàm Thiếu tướng.
Từ năm 1953 đến năm 1978, được giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam2. Năm 1959, Văn Tiến Dũng thăng quân hàm Thượng tướng (thăng vượt cấp theo Sắc lệnh số 036/SL, ngày 31/8/1959). Trong chiến tranh chống Mỹ, đồng chí Văn Tiến Dũng được giao trọng trách trực tiếp chỉ đạo và góp phần thực hiện thắng lợi vang dội ở các chiến dịch quân sự lớn tạo ra các bước ngoặt của chiến tranh, như: Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971), Chiến dịch Trị - Thiên (1972), Chiến dịch Tây Nguyên (1975), Văn Tiến Dũng được phong quân hàm Đại tướng năm 1974. Tháng 4/1975, được cử giữ chức Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh và đã đóng góp trực tiếp trong chỉ đạo tại chiến trường vào thắng lợi kết thúc chiến tranh, thống nhất Tổ quốc.
Sau chiến thắng 30/4/1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, từ tháng 5/1978 đến năm 1980, đồng chí được giao nhiệm vụ làm Phó Bí thư thứ nhất Quân ủy Trung ương và từ tháng 2/1980 đến 1986, đồng chí trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, góp phần quan trong vào nhiệm vụ giữ vững biên cương của Tổ quốc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ nước ta.
Điều đặc biệt ở đồng chí Văn Tiến Dũng là, mặc dù chưa được đào tạo qua trường lớp quân sự chính quy nào, nhưng với phẩm chất và nhất là tư duy và sự học tập, trải nghiệm qua thực tiễn, từ cuộc vận động giải phóng dân tộc đến hành trình của các cuộc chiến tranh ái quốc bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, Văn Tiến Dũng đã trở thành một vị tướng tài ba, mưu lược, nhà quân sự xuất sắc của dân tộc Việt Nam, với nhiều đóng góp toàn diện trong lĩnh vực quân sự, nhất là từ sau Cách mạng Tháng Tám, đến hai cuộc kháng chiến chống xâm lược của đế quốc Pháp, Mỹ, bảo vệ đất nước. Đảm nhiệm nhiều trọng trách lãnh đạo quân sự, trải qua mọi khó khăn, thử thách ác liệt và phức tạp của các loại chiến tranh, tài năng quân sự của đồng chí cũng từng bước được thể hiện rõ nét.
Đầu năm 1951, trước yêu cầu đẩy mạnh kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí Văn Tiến Dũng được Trung ương Quân ủy và Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ thành lập một trong những đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam - Đại đoàn 320. Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn ở thời kỳ đầu xây dựng quân đội hiện đại, nhưng trên cương vị Chính ủy kiêm Tư lệnh Đại đoàn, đồng chí đã góp phần tổ chức và lãnh đạo bộ đội chiến đấu và liên tiếp giành thắng lợi trong các chiến dịch quân sự quan trọng của quân đội ta, nhất là những hoạt động trên chiến trường đồng bằng Bắc bộ. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, Đại đoàn 320 đã đánh bại nhiều trận càn lớn của các binh đoàn cơ động quân Pháp, đồng thời, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương phát triển rộng khắp phong trào du kích chiến ở đồng bằng Bắc bộ, làm rối loạn chiến lược chiến tranh của Pháp.
Để cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tiến lên bước phát triển mới, sau thắng lợi trong việc đánh bại cuộc hành binh Hải Âu của địch. Tháng 11/1953, đồng chí Văn Tiến Dũng được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập về Việt Bắc, giao nhiệm vụ làm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và tham gia Tổng Quân ủy. Trên cương vị mới, đồng chí đã cùng Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh nhanh chóng bắt tay vào triển khai tổ chức thực hiện kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954. Với tài thao lược quân sự đồng chí đã nhanh chóng tổ chức lực lượng, nghiên cứu, rà soát các phương án đánh địch; khắc phục những khó khăn, chỉ đạo góp phần chuẩn bị mọi mặt cho các mặt trận, đặc biệt là cho cuộc tổng công kích giành thắng lợi của quân đội ta ở chiến trường Điện Biên Phủ. Trong thời gian diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, với nhiệm vụ giúp Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy chỉ đạo chiến trường đồng bằng, đồng thời huy động sức người, sức của chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ, Văn Tiến Dũng cùng với Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh trực tiếp đi Khu 3, Khu 4 tổ chức tại chỗ chi viện đắc lực và kịp thời cho mặt trận, góp phần làm nên thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Văn Tiến Dũng cùng Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tham mưu quán triệt đường lối kháng chiến của Đảng, đã tập trung tích cực chỉ đạo phát triển chiến tranh nhân dân chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam; đồng thời, đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam; góp phần quan trọng cùng tập thể Tổng Quân ủy ra những chỉ thị, nghị quyết quan trọng nhằm xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về chính trị, điển hình như: Nghị quyết về tổ chức Đảng ở các đại đoàn bộ và trung đoàn bộ (ngày 8/3/1955); thông qua Điều lệ Công tác chính trị của quân đội (tháng 11/1958)... để củng cố, kiện toàn về tổ chức, biên chế mà sức mạnh chiến đấu, đặc biệt là tinh thần quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược. Đồng chí đã luôn đi sâu sát tình hình thực tiễn, đúc rút quy luật, phương châm chỉ đạo tác chiến để đề xuất ý kiến với Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, đưa các quyết sách đúng đắn, kịp thời cho từng chiến trường, từng giai đoạn lịch sử.
Thực tiễn chỉ đạo chiến đấu và thắng lợi trong các cuộc đụng đầu với quân Mỹ khi mới đổ bộ vào miền Nam và đánh bại 2 cuộc phản công chiến lược của Mỹ trong mùa khô thứ nhất (1965-1966) và mùa khô thứ hai (1966-1967) và thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, buộc giới lãnh đạo Mỹ phải đàm phán ở Paris, cũng như việc chỉ đạo của đồng chí trong các Chiến dịch đường 9 Nam Lào (1971), Chiến dịch Trị Thiên (1972) góp phần đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ.
Khi đồng chí được giao trọng trách thay mặt Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch Tây Nguyên (tháng 3/1975), trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 và trên cương vị là Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh (tháng 4/1975), đồng chí đã góp phần to lớn trong chỉ đạo và thực hiện cách đánh chính diện táo bạo với thọc sâu, kết hợp vu hồi, đột phá, tạo và nắm thời cơ, chủ động tiến công góp phần giải phóng Sài Gòn - Gia Định, cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn, nhanh chóng kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trong thập niên 80, đối diện với chiến tranh biên giới và những khó khăn về kinh tế - xã hội, nhưng trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Bí thư thứ nhất rồi Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã kiên quyết tập trung chỉ đạo xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu, tăng cường khả năng phòng thủ đất nước, làm thất bại thủ đoạn chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch; cứu giúp nhân dân Campuchia đánh bại tập đoàn phản động Khmer đỏ, góp phần to lớn vào việc củng cố, tăng cường tình đoàn kết giữa ba nước Đông Dương.
Vừa là vị tướng tham mưu xuất sắc, Đại tướng Văn Tiến Dũng còn là một nhà lý luận quân sự khoa học tài ba, Đại tướng đã tham gia công tác tổng kết chiến tranh và biên soạn lịch sử quân sự, đóng góp to lớn vào kho tàng lý luận và nghệ thuật quân sự Việt Nam, đặc biệt là lý luận và nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh nhân dân của Đảng. Các công trình của Đại tướng như: “Mấy vấn đề về nghệ thuật quân sự Việt Nam”; hồi ký “Đại thắng mùa Xuân”;“Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975 - Thắng lợi và bài học”… được chắt lọc trong cuộc đời chiến binh của Đại tướng đã làm phong phú và sâu sắc đặc trưng học thuyết quân sự Việt Nam.
Đặc biệt, là những quan điểm của đồng chí về quốc phòng toàn dân trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là “nền quốc phòng do dân và vì dân với ý nghĩa đầy đủ nhất”3 mà sức mạnh của nó là tổng hợp sức mạnh trên tất cả các lĩnh vực, là sức mạnh của chế độ mới, của con người Việt Nam với truyền thống, lịch sử, địa lý của dân tộc; là sự kết hợp sức mạnh của đất nước với sức mạnh của thời đại và phải “Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, hiện đại, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng. Việc này phải được thể hiện trong thế bố trí chiến lược cả về kinh tế và quốc phòng, trong chiến lược kinh tế, phân bổ lao động, xây dựng các công trình...”4. Đó là quan điểm “xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân trong mọi thời kỳ phải nắm vững quan điểm vũ trang toàn dân, vừa xây dựng lực lượng vũ trang quần chúng, vừa xây dựng quân đội nhân dân, tổ chức ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ”5...
Những quan điểm của Đại tướng Văn Tiến Dũng về xây dựng nền quốc phòng hiện nay và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân trong tất cả mọi thời kỳ hoàn toàn đúng đắn với điều kiện lịch sử của đất nước ta.
Đúng như nhận xét của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, với những cống hiến toàn diện đó, đồng chí Văn Tiến Dũng thật “xứng đáng là Đại tướng anh hùng”6 của quân đội ta.
Phạm Hồng Chương
PGS.TS, nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng
Chú thích:
1. Nhớ mãi Đại tướng Văn Tiến Dũng (Hồi ký), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.50.
2. Chỉ gián đoạn một thời gian vào năm 1954, khi đồng chí là Trưởng đoàn đại biểu của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam tham gia vào Ủy ban Liên hiệp đình chiến thi hành Hiệp định Genève về Đông Dương.
3. Đại tướng Văn Tiến Dũng: Tuyển tập, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007 tr.1017.
4. Đại tướng Văn Tiến Dũng: Tuyển tập, Sđd, tr.1054.
5. Đại tướng Văn Tiến Dũng: Tuyển tập, Sđd, tr.979.
6. Võ Văn Kiệt - Nhớ mãi Đại tướng Văn Tiến Dũng (Hồi ký), Sđd, tr.47.
()