Các chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn Thủ đô tiến về tiếp quản Thủ đô, sáng 10/10/1954. Ảnh: TTXVN
Bị thất bại nặng nề trong cuộc chiến tranh xâm lược, Hà Nội - trung tâm đầu não của cuộc chiến tranh xâm lược đã trở thành trọng điểm phá hoại của thực dân Pháp. Chúng tìm mọi cách di chuyển kho tàng, máy móc, vật liệu, trang thiết bị, tư liệu quý ra khỏi thành phố. Cùng lúc đó, chúng thành lập phái đoàn quân sự Sài Gòn đặt tại Hà Nội, ráo riết vạch kế hoạch tổ chức biệt kích phá hoại một số cơ quan kinh tế, văn hóa, giao thông, đặc biệt là phá hoại các nhà máy điện, nước, cầu, cảng,… hòng gây khó khăn cho sinh hoạt của nhân dân thành phố, sản xuất tê liệt, giao thông ngưng trệ, biến Hà Nội trở thành một thành phố trống rỗng và xơ xác với đầy bất ổn về trị an và căng thẳng về chính trị.
Do có sự chuẩn bị, nên ngay sau khi Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết, các tổ chức Đảng, tổ chức trung kiên và đội tự vệ lâu nay kiên trì hoạt động bí mật trong thành phố đã tỏa đi phổ biến nội dung Hiệp định và chủ trương của Đảng để ổn định tư tưởng quần chúng. Bên cạnh việc chuẩn bị xây dựng kế hoạch tiếp quản thành phố, công tác kiện toàn bộ máy cán bộ, mở rộng mặt trận đoàn kết đấu tranh chống âm mưu phá hoại cơ sở vật chất, kỹ thuật trong các nhà máy, xí nghiệp, công sở, cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam đã trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Lúc này, nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô được Bộ Chính trị và Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo, đồng thời thành lập Đảng ủy tiếp quản Thủ đô gồm 11 đồng chí, trong đó, ông Trần Quốc Hoàn là Bí thư, ông Nguyễn Tài phụ trách hành chính.
Trước sự chống phá điên cuồng của quân Pháp và để việc tiếp quản Thủ đô diễn ra theo đúng tinh thần của Hiệp định, ta cử phái đoàn gặp mặt thương thuyết với Pháp về việc chuyển giao quân sự và hành chính trong ngày tiếp quản. Ông Nguyễn Tài cùng ông Trần Danh Tuyên chuẩn bị nội dung cho lớp học chuẩn bị cho tiếp quản Thủ đô ở Trường cải cách ruộng đất thuộc huyện Đại Từ, Thái Nguyên.
Theo Hiệp định Giơ ne vơ, việc chuyển giao quân sự chính là vạch ra lịch rút lui của quân đội Pháp, cùng với ranh giới trên bản đồ để quân ta tiến đến đóng quân. Còn việc chuyển giao hành chính là “đảm bảo công việc hành chính không bị đứt đoạn” và có “đội hành chính vào trước”.
Tại buổi làm việc, phía Pháp điều ông De Bresson là cố vấn pháp lý của tòa Đại sứ Pháp ở Sài Gòn. Phía Hà Nội có ông Nguyễn Tài, luật sư Dương văn Đàm, Bùi Văn Các,… Hiệp định Giơ ne vơ có những điều khoản đặc biệt, đó là hai nước có chiến tranh, nay ký ngừng bắn bằng chuyển giao thành phố trong hòa bình. Cũng vì tính chất chuyển giao đặc biệt đó, mà trong buổi đối thoại với Pháp, theo chỉ thị, ông Nguyễn Tài tìm cách yêu cầu phía Pháp nói trước, xem dụng ý bên họ để điều chỉnh những thỏa thuận đạt được yêu cầu của ta.
Trong quá trình đàm phán, ông được ông Tiến Đức, người phụ trách công tác chống địch phá hoại thành phố cung cấp thông tin thường xuyên về tình hình nội thành, về việc Pháp cưỡng ép dân di cư, di chuyển nhiều máy móc, hồ sơ, dụng cụ làm việc của các cơ quan vào Nam. Do vậy, khi đối chiếu với điều khoản trong Hiệp định “đảm bảo công việc hành chính không bị đứt đoạn” ông đã kịch liệt chỉ trích phía Pháp đã không làm đúng nội dung đã thỏa thuận. Lúc đầu, phía Pháp cho là không có, nhưng sau phải thừa nhận những việc làm vi phạm Hiệp định của mình, nhưng lại cho rằng chỉ có cơ quan hoạt động thường xuyên mới theo Hiệp định, còn các cơ quan khác thì không.
Trước thái độ thiếu thiện chí của Pháp, ông Nguyễn Tài đã chỉ rõ “chỉ có cơ quan Quốc hội mới hoạt động không thường xuyên, mà Hà Nội lại không có cơ quan Quốc hội”, đồng thời đề nghị công bố trên Đài phát thanh lời tuyên bố của ông cố vấn pháp lý tòa Đại sứ Pháp. Trước thái độ cương quyết đấu tranh đến cùng của ta, Pháp đã phải “nhượng bộ” và bồi hoàn lại những tài sản đã lấy và đổ lỗi cho lực lượng mà họ không chi phối được. Nắm lấy ý đó, ông Nguyễn Tài đã yêu cầu soạn thành văn bản và ghi vào Hiệp nghị chuyển giao hành chính.
Bàn về vấn đề thực hiện triển khai “Đội hành chính vào trước”, lúc đầu ta đề nghị vào thành phố trước 10 ngày với một số nhân viên, nhưng sau mới biết có hàng trăm cơ quan lớn nhỏ, do vậy ta cử đoàn gần trăm người vào tiếp quản và được Pháp đồng ý.
Những ngày cuối chuẩn bị văn bản và ký Hiệp nghị, phía Pháp còn có vài động tác gây rối, nhưng cuối cùng các Hiệp nghị về chuyển giao Hà Nội về quân sự và hành chính cũng được tiến hành trật tự theo đúng các nội dung đã được ký kết ngày 30/9/1954 và ngày 1/10/1954 tại Hội nghị Phù Lỗ.
Đó là thắng lợi không chỉ về mặt ngoại giao, mà còn là “giấy thông hành” để quân ta vào tiếp quản thành phố một cách an toàn nhất. Trong buổi chiều ký Hiệp nghị cũng là buổi chiều mà “Đội hành chính vào trước” lên đường vào Hà Nội. Từ Đại Từ (Thái Nguyên) khoảng 100 cán bộ các ngành tập trung ở Phù Lỗ nghe giới thiệu nội dung Hiệp nghị và nhấn mạnh việc làm biên bản bàn giao ở từng cơ sở khi tiếp quản. Đến chiều tối, hàng đoàn xe vận tải chở các Đội hành chính của ta về Hà Nội.
Tối ngày 2/10/1954, các chuyên viên của ta được đưa đến các cơ quan hành chính ở Hà Nội và được sự giúp đỡ của công nhân, viên chức đang làm việc tại đây cung cấp danh mục tài sản hiện có để xác định những thứ mang đi làm cơ sở cho việc bồi hoàn sau này. “Đội quân hành chính vào trước” đã sử dụng mạng lưới điện thoại và nắm giữ tổng đài để liên lạc thường xuyên với bộ phận thường trực đóng tại Bệnh viện De Lanessan (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) để có chỉ đạo cách thức đấu tranh kịp thời cho từng nơi.
Đến chiều ngày 8/10/1954, công việc tiếp quản của “Đội hành chính vào trước” đã hoàn thành ký kết các văn bản bàn giao 129 cơ quan, công sở các công trình lợi ích công cộng, các bệnh viện, trường học. Cùng ngày, Ban tiếp thu quân sự cùng với hơn 200 cán bộ chiến sĩ thuộc bộ đội cảnh vệ vào thành phố chuẩn bị nhận bàn giao các vị trí, cơ quan quân sự và bố trí gác chung với quân Pháp ở 35 địa điểm quy định. Ngay chiều hôm đó, vào lúc 18h, dưới trời mưa nặng hạt, tướng Mat xông - Tư lệnh các đơn vị thoái triệt đã thực hiện lễ cuốn cờ tại chân cột cờ trong Thành Hoàng Diệu.
Sáng sớm ngày 9/10/1954, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra bản “Nhật lệnh” cho các đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô. Ủy ban quân chính thành phố cũng ra thông cáo gửi toàn thể đồng bào và chiến sĩ Thủ đô.
Đúng 18h cùng ngày, khi tốp lính Pháp cuối cùng ở bốt gác cầu Long Biên rời khỏi vị trí, Hà Nội hoàn toàn sạch bóng quân xâm lược.
Ngày 10/10/1954, ngay từ sáng sớm, trong rừng cờ hoa rực rỡ, hơn 20 vạn người dân Hà Nội xuống đường đón đoàn quân chiến thắng trở về.
Đặng Hồng Vân
Tạp chí Mặt trận, cơ quan UBTW MTTQ Việt Nam