Khu Di tích lịch sử Đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, là nơi thờ các vua Hùng có công dựng nước, Tổ tiên của dân tộc Việt Nam.

Ngày xa xưa, vùng đất này là khu vực trung tâm của nước Văn Lang, nằm giữa hai dòng sông giống như hai dãy hào thiên nhiên khổng lồ bao bọc lấy cố đô xưa của các vua Hùng, phía Đông là các dãy núi non trùng điệp. 

Vùng đất này có nhiều sông ngòi ao hồ, đồi núi, lại có những cánh đồng màu mỡ phì nhiêu do phù sa của ba con sông bồi đắp, vừa thuận lợi cho cuộc sống định canh định cư, vừa thuận lợi cho việc phòng thủ hay rút lui khi xảy ra các cuộc xung đột bộ lạc.

Linh thiêng nguồn cội

Hiện nay, dấu vết cư trú của dân cư thời đại các vua Hùng còn để lại trong hàng chục di chỉ khảo cổ học, được phân bố dày đặc từ huyện Lâm Thao tới ngã ba Bạch Hạc-Việt Trì.

Những di chỉ khảo cổ học đó là minh chứng về một thời đại, với nghề luyện kim đồng thau và trồng lúa nước của một nền văn minh nông nghiệp, đã từng tồn tại trước Công nguyên hàng nghìn năm.

Đền Hùng là di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quan trọng của quốc gia, được xây dựng trên núi Hùng thuộc đất Phong Châu, vốn là đất kế đô của Nhà nước Văn Lang 4.000 năm trước đây.

Đền Hùng là trung tâm, là tiêu điểm về thời đại các vua Hùng, các ngôi đền thờ vua Hùng nằm trên núi Hùng (còn có tên gọi là núi Cả, núi Nghĩa Lĩnh, núi Hy Cương), có độ cao 175 mét so với mặt nước biển.

Trước kia khu vực này là cánh rừng già nhiệt đới. Ngày nay, núi Hùng vẫn giữ dáng vẻ của rừng tự nhiên với nhiều thế hệ cây tầng khác nhau, gồm 150 loài thảo mộc, thuộc 35 họ, trong đó còn lại một số cây đại thụ lớn như đa, thông, thiên tuế, chò...

Núi Hùng trông xa giống như đầu của một con rồng lớn hướng về Nam, mình rồng uốn lượn thành núi Trọc, núi Vặn, núi Pheo.

Phía sau núi Hùng có những quả đồi lớn san sát nối liền dài tới 10km giống như đàn voi chầu về Đất Tổ, phía trước là ngã ba Bạch Hạc với sự hợp lưu của ba dòng sông lớn nhất miền Bắc gồm sông Hồng, sông Lô, sông Đà tạo ra một vùng nước lớn mênh mông, từ đó có những quả đồi thấp lô nhô giống như một đàn rùa nước bò lên chầu về Nghĩa Lĩnh.

Phía Đông xa mờ là dãy Tam Đảo trùng điệp (núi mẹ), xa về phía nam là dãy Ba Vì cao ngất (núi cha) tụ lại.

Sát núi Hùng còn có những quả đồi như phượng cặp như (Tiên Kiên), hổ phục (Khang Phụ-Chu Hóa). Cảnh thế ngoạn mục hùng vĩ, đất đầy khí thiêng của sơn thủy tụ hội.

Đứng trên đỉnh cao núi Hùng có thể bao quát toàn bộ một vùng rộng lớn với cảnh đẹp của sơn thủy hữu tình. Tương truyền, vua Hùng đã đi khắp mọi miền rồi về đây chọn làm đất đóng đô.

Tham quan các di tích

Toàn bộ Khu di tích Đền Hùng có 4 đền, 1 chùa và 1 lăng hài hòa trong cảnh thiên nhiên, có địa thế cao rất ngoạn mục, hùng vĩ, đất đầy khí thiêng của sơn thủy hội tụ. 

Người dân dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng tại Đền Hạ. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Đền đầu tiên du khách đặt chân đến là Đền Hạ - nơi thờ 18 đời Vua Hùng, trong hậu cung đền có 3 long ngai bài vị. Đền gắn liền với câu chuyện truyền thuyết nói về nguồn gốc của người Việt, tương truyền bà Âu Cơ đã sinh ra bọc trăm trứng, hai tiếng “đồng bào” (đồng là cùng, bào là bọc), bắt nguồn từ đây.

Tiếp đó, du khách đến Đền Trung (Hùng Vương Tổ miếu) - nơi gắn liền với câu chuyện sự tích bánh chưng-bánh dầy đời Hùng Vương thứ 6. Hùng Vương thứ 6 không như các đời Vua Hùng khác truyền ngôi cho con cả mà lại mở cuộc thi tài để chọn người kế vị.

Lang Liêu, người con út của Hùng Vương thứ 6 đã dùng gạo nếp của quê hương để làm ra hai thứ bánh tượng trưng cho trời và đất là bánh chưng vuông, bánh dầy tròn. Vua khen bánh ngon, ý hay và truyền ngôi cho Lang Liêu trở thành Hùng Vương thứ 7.

Trên đỉnh núi là Đền Thượng (Kính Thiên Lĩnh điện), xưa kia là nơi Tổ tiên người Việt thờ Trời và thần Lúa. Tương truyền vào thời đại Hùng Vương, các Vua Hùng thường đem trống đồng lên đỉnh núi để tế lễ trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, muôn dân ấm no, hạnh phúc.

Người dân dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng tại Đền Thượng. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Để tỏ lòng biết ơn tổ tiên, các thế hệ sau đã lập ngôi đền để thờ các Vua Hùng và những nghi lễ quan trọng nhất trong ngày Giỗ Tổ được tổ chức ở Đền Thượng.

Đền thứ tư là Đền Giếng, là nơi thờ hai bà công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa, con gái của Vua Hùng thứ 18, được xây dựng vào thế kỷ 18. 

Đền Giếng cũng gắn với sự kiện ngày 19/9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên Phong chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.”

Bác Hồ căn dặn cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên Phong về tiếp quản Thủ đô, ngày 19/9/1954 tại Đền Giếng trong khu di tích Đền Hùng. (Ảnh: Đinh Đăng Định/TTXVN)

Trong quần thể khu di tích Đền Hùng còn có các di tích: Chùa Thiền Quang; Lăng Hùng Vương - tương truyền là mộ của Vua Hùng thứ 6; Đền Tổ mẫu Âu Cơ, được khởi dựng trên đỉnh núi Ốc, trong đền có tượng thờ Mẹ Âu Cơ và Lạc hầu, Lạc Tướng; Đền thờ Lạc Long Quân được khởi công và đưa vào sử dung năm 2009, tại núi Sim - nơi có vi trí đắc địa, có thế “sơn chầu thủy tụ” trong đền đặt tượng thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân Lạc với dáng vẻ uy nghiêm.

Lăng Hùng Vương trong Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Ngoài ra, trong Đền Hùng hiện còn có Bảo tàng Hùng Vương, trưng bày chuyên đề về thời đại Hùng Vương. Những hiện vật được trưng bày trong bảo tàng sẽ giúp cho du khách hiểu về quá trình hình thành, ra đời và phát triển của Nhà nước Văn Lang thời đại các Vua Hùng.

"Uống nước nhớ nguồn" và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Thời đại phong kiến, các vương triều luôn coi trọng việc tế lễ Vua Hùng, xem đó là một việc hệ trọng của cả nước. Thời nhà Lê đã cho ghi chép Ngọc phả, cấp sắc cho Đền Hùng, ban lệnh chỉ cho dân sở tại “trưởng tạo lệ” với những ân tứ, quyền lợi được hưởng giành cho việc thờ tự các Vua Hùng.

Thời nhà Nguyễn nhiều lần tu bổ, tôn tạo Đền Hùng, định lệ về ngày Giỗ Tổ mồng 10/3 âm lịch hàng năm và nghi thức cúng tế, đưa các Vua Hùng vào thờ ở miếu “Lịch đại đế vương” trong Kinh thành Huế.

Ngày nay, Đền Hùng được Đảng và Nhà nước ta quan tâm đặc biệt, bằng nhiều chính sách, biện pháp đầu tư xây dựng, xứng tầm với vị thế là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt - Trung tâm văn hóa tín ngưỡng tâm linh thờ cúng Tổ tiên của dân tộc. 

Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, các di tích tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được các triều đại và nhân dân gìn giữ, hương khói phụng thờ, đã trở thành điểm hội tụ văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, phong tục, thể hiện tình cảm, sự tri ân công ơn của các vua Hùng và tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Mọi người dân Việt Nam đều tự hào mang trong mình dòng máu “Lạc Hồng.” Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam, thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ con cháu đối với công đức của tổ tiên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Dòng người hành hương Đền Hùng nối dài từ cổng chính tới đường dẫn lên các đền. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Theo các tư liệu lịch sử và thống kê của các nhà nghiên cứu, trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam hiện có 1.417 địa điểm có di tích thờ cúng các Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Trong đó, tỉnh Phú Thọ có 183 di tích thờ cúng Hùng Vương (122 di tích đang thờ tự và 61 di tích đã thất truyền).

Mỗi địa điểm di tích lại gắn liền với một tín ngưỡng thờ cúng và tri ân công đức của tiên tổ. Đây thực sự là một minh chứng khẳng định tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một di sản văn hóa độc đáo, trường tồn cùng lịch sử dân tộc.

Ngày 6/12/2012, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã được Ủy ban Liên chính phủ theo Công ước năm 2003 của Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nguồn dẫn: https://www.vietnamplus.vn/ve-noi-coi-nguon-cua-dan-toc-khu-di-tich-lich-su-den-hung/859065.vnp