Những ngày xuân, ngôi nhà số 34 phố Hoàng Diệu, Hà Nội, vắng bóng “bà tiên”, chỉ còn lại dư âm của những câu chuyện kể muôn đời không bao giờ cũ…
Bức chân dung bà Hồ cùng những tấm ảnh của Tuần lễ Vàng năm 1945.
Nữ lưu hào kiệt
Bà Hoàng Thị Minh Hồ sinh năm Giáp Dần - 1914, là con gái trong một gia đình buôn tơ lụa giàu có nức tiếng ở Hà Nội thời bấy giờ. Người con gái thứ trong nhà và cũng là con gái rượu của cụ Hoàng Đạo Phương - chủ hiệu buôn tơ lụa Vạn Tường số 21 phố Hàng Đào danh tiếng - đã được cha truyền cho những bài học về công, dung, ngôn, hạnh; về đạo lý làm người; về cả tấm lòng với quê hương, đất nước.
“Sau này, nếu con nào có điều kiện thì hãy giúp nước thay cha” - câu nói của cụ Phương đã ăn sâu vào bà Hoàng Thị Minh Hồ - lớn dần lên cùng sự gắn bó thiết thân với cách mạng những ngày non trẻ.
Dù gia đình giàu có, bản thân lại được cha yêu chiều nhưng từ bé, bà Hồ đã được dạy phải biết quý trọng đồng tiền từ sức lao động của chính mình. Năm hơn 10 tuổi, bà đã biết kiếm tiền, bắt đầu bằng việc khâu áo cho trẻ con, phụ cha mẹ buôn bán ở cửa hàng. Cái nết chịu thương chịu khó, tảo tần thành nét đẹp của người con gái Tràng An, đến khi gia đình cũng trở thành chủ hiệu tơ lụa vang danh, bà vẫn một tay quán xuyến việc bán buôn, một tay chăm sóc con cái tảo tần.
Sinh thời, trong những lần tôi ghé chơi, bà Hồ thường kể về đời sống của cô tiểu thư quyền quý Hà Nội xưa với nhiều thú chơi tao nhã: Rước hoa thủy tiên dịp Tết, ướp trà theo lối cổ truyền và sấy bằng chai đồng đựng nước nóng, những món ăn theo lối cổ xưa,… Ánh mắt bà sáng lên mỗi khi được hỏi, được kể về những tháng ngày khai sinh đất nước.
Câu chuyện xa xôi hơn nửa thế kỷ được cụ bà tóc trắng như sương rì rầm kể bên khung cửa sổ đầy nắng thu vàng óng, chén trà sen ngát hương trên chiếc bàn gỗ cũ xưa, nền nhà gỗ thỉnh thoảng lại “lộc cộc” khi ai đó ngang qua… có một sức hút đặc biệt kỳ lạ.
Có lần tôi hỏi, vì sao một tiểu thư con nhà quyền quý, từ bé sinh ra đã sống trong nhung lụa, không hề biết cái khổ là gì, lại một lòng vì cách mạng, theo kháng chiến, bà nhìn tôi, ánh mắt trìu mến: “Vì cha đã dạy phải giúp nước khi có điều kiện. Sau được gặp Bác Hồ, gặp những người kháng chiến, càng tin tưởng mến yêu”.
Biệt thự 34 Hoàng Diệu - nơi bà Hồ sống những năm tháng cuối đời.
Trong câu chuyện sau này, bà Hồ kể lại nhiều lần những ngày ngắn ngủi được ở cùng và chăm sóc Bác Hồ trước khi Người đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2.9.1945. Căn phòng phía trên nhà số 48 Hàng Ngang khi đó gia đình bà vẫn ở, cuối tháng 8.1945 có thêm nhiều cán bộ về tá túc.
Mỗi ngày, bà cùng gia nhân vừa lo bán buôn, vừa lo cơm nước. Một hôm, bà mang nước lên gác cho một “cán bộ” – mà khi ấy bà đã biết Người chính là Bác Hồ. “Bác khen tôi tuổi trẻ đã có cơ ngơi đàng hoàng, cuộc đời yên ấm. Tôi bảo: Cháu vẫn còn nỗi khổ, cháu có nỗi nhục mất nước”, bà Hồ kể.
Nhiều ngày nhiều tháng sau này, bà Hồ không quên được dáng người gầy gò, khắc khổ, lối ăn vận giản dị, cử chỉ điềm đạm của Bác Hồ. Được Bác và chính quyền tin tưởng, không chỉ tham gia Việt Minh, gia đình bà Hồ còn trở thành lá cờ đầu trong phong trào ủng hộ chính quyền non trẻ. Tính đến trước Cách mạng Tháng tám, gia đình ông Bô, bà Hồ đã ủng hộ 8,5 vạn đồng Đông Dương, tương đương 212,5 cây vàng theo thời giá bấy giờ.
Sau Cách mạng, được ông Khuất Duy Tiến cử vào Ban vận động Quỹ Độc lập, gia đình ông bà đã tiếp tục ủng hộ Quỹ Độc lập 20 vạn đồng, tương đương 500 cây vàng. Ngoài ra, còn vận động thêm được hơn 1 triệu đồng Đông Dương cho Quỹ. Trong Tuần lễ Vàng, gia đình ông bà tiếp tục đóng góp 117 cây vàng và vận động ủng hộ thêm trên 1.000 cây vàng nữa…
Câu chuyện nhiều thế hệ học sinh nằm lòng từng được đưa vào sách giáo khoa, quanh Tuần lễ Vàng, nhiều người sẽ không thể hình dung được “nhân vật chính” nếu được gặp, được trò chuyện với bà Hoàng Thị Minh Hồ những năm cuối đời, khi bà sống ở số nhà 34 Hoàng Diệu. Doanh nhân lừng lẫy một thời sống với con cháu, vẫn duy trì thú ướp trà mỗi mùa sen nở rộ.
Có khách quý, bà vẫn vào bếp “chỉ đạo” vài món ăn kiểu “Hà Nội gốc” thết đãi. Trong sân vườn, đôi khi các con đào một củ măng tươi; trồng dăm chậu hoa dọc lối đi lên gác lửng… Chỉ cách một bức tường, đời sống vội vã ngoài kia như một thế giới khác, trong khoảng sân nhỏ bé, những ngày đông nhiều nắng, bà cụ ngoài trăm tuổi vẫn chống gậy chậm rãi đi lại, mái tóc trắng như sương lẫn vào nắng…
Không nhiều người biết, cùng với hình ảnh một bà quả phụ tài sắc với tấm lòng cao quý, bà Hoàng Thị Minh Hồ cho đến khi gần trăm tuổi vẫn dạy con cháu bài học về cách ướp trà với hoa thủy tiên và thường thưởng trà do chính tay mình ướp. “Sấy bằng chai đồng, chai ấy đổ nước nóng, cuốn thật khéo trà xung quanh. Trà khô từ từ, lại lấy được hết hương sen, gạo sen ngấm kĩ mà thơm mát”, bà nói.
Gần trăm tuổi, bà Hồ vẫn không cần dùng kính mỗi khi đọc sách; vẫn nhớ như in và kể làu làu trăm lần như một những chi tiết của đời sống “trước bốn nhăm”. Bao nhiêu tiền một tấc vải, mớ rau; nhà nuôi mấy gia nhân; giao thương với những nước nào… Bà Hồ lúc nào cũng bận áo gấm, với những màu sắc trang nhã, hoa văn tinh tế.
Trong hàng chục tấm áo ấy, không ít là những gấm vóc bà giữ lại được từ thời còn là chủ hàng tơ lụa nức tiếng Hà Thành. Khuôn mặt phúc hậu với làn da hồng hào, mái tóc trắng như sương, bà điềm tĩnh đi lại trong căn phòng ở tầng 2, thoảng một mùi thơm quý phái dịu dàng, khiến ai nhìn cảnh ấy cũng ấm lòng, thấy bình yên, yêu mến.
Nhắc chuyện cũ, bà Hồ như pho sử sống. Tôi cảm nhận như một thước phim quay chậm đang hiện trước mắt mình, ngày tháng 8 mùa thu, từ những cửa ô, con phố, dòng người ùn ùn kéo về quảng trường mà nghe giọng Người ấm áp. Tôi lại thấy trong đêm, bà cùng những gia nhân cần mẫn may từng tấm áo ấm cho bộ đội. Những ngày sau lập quốc, bà hăng hái đi quyên góp, vận động những đồng tiền quý giá cho đất nước buổi khai sinh. Rồi những ngày bão tố, rồi những phút đoàn viên…
Theo Quỳnh Chi/Lao động