Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

(Mặt trận) - Qua hơn 35 năm đổi mới, cùng với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, giai cấp công nhân nước ta đã có những chuyển biến quan trọng, tăng nhanh về số lượng, đa đạng về cơ cấu, chất lượng được nâng lên; đã hình thành ngày càng đông đảo bộ phận công nhân trí thức. Giai cấp công nhân đang tiếp tục phát huy vai trò là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, là cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam, được hun đúc, hình thành qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước; chiến thắng mọi thiên tai, địch họa, để xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày càng cường thịnh. Từ khi thành lập, Đảng ta đã coi việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là quan điểm cơ bản, nhất quán và xuyên suốt của Đảng và tiếp tục phát triển tư duy, lý luận qua các kỳ Đại hội của Đảng.

Tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được Đảng quan tâm, coi trọng và phát triển. Đảng xác định đoàn kết dân tộc cần được thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, kết hợp với sức mạnh của thời đại; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phải tăng cường từ cơ sở với các cơ chế và thể chế ngày càng chặt chẽ và hiệu quả.

Tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn xác định là nhân tố quan trọng của hệ thống chính trị trong công tác đại đoàn kết dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức Công đoàn đã linh hoạt, sáng tạo, bám sát những định hướng cơ bản của Đảng tại Đại hội XIII.

Ngay sau khi Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trước tình hình mới” được ban hành, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động số 02/CTr-BCH ngày 20/7/2021 về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.

Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Công văn số 565-CV/ĐĐTLĐ ngày 13/8/2021 đề nghị các tỉnh, thành ủy phối hợp triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị; tổ chức chương trình làm việc giữa tập thể Đảng đoàn, Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn với Ban Dân vận Trung ương1 và các tỉnh ủy, thành ủy để thúc đẩy việc triển khai thực hiện Nghị quyết trong toàn hệ thống chính trị, trong các cấp công đoàn.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Đại hội thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động lần thứ X, giai đoạn 2020 - 2025.

ẢNH: KỲ ANH

Các cấp công đoàn đã cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chỉ đạo của Tổng Liên đoàn sát với điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị; đề ra các giải pháp đồng bộ, khả thi, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng cũng như khích lệ tinh thần chủ động, sáng tạo, ý thức tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động. Những kết quả đáng khích lệ được thể hiện như sau:

Một là, giai cấp công nhân Việt Nam đã phát triển về số lượng và chất lượng; là nhân tố quan trọng để đưa công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Khởi đầu công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đội ngũ công nhân lao động làm việc trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc tất cả các thành phần kinh tế ở nước ta có khoảng 5 triệu người2, đến năm 2003, số lượng công nhân lao động là hơn 8,2 triệu người3.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến tháng 9/2022, số lao động đang làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 17 triệu người. Với khoảng 17 triệu công nhân, nhưng hằng năm đã tạo ra trên 65% giá trị tổng sản phẩm xã hội và hơn 70% giá trị thu ngân sách nhà nước.

Chất lượng công nhân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ công nhân qua đào tạo và có chuyên môn kỹ thuật tăng lên; đang hình thành lớp công nhân trẻ có trình độ học vấn, văn hóa cao, được đào tạo theo chuẩn quốc tế, được rèn luyện trong thực tiễn sản xuất hiện đại với phương pháp làm việc ngày càng tiên tiến.

 Hai là, Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, trong đó tổ chức Công đoàn Việt Nam quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho giai cấp công nhân, dành nhiều nguồn lực quan trọng để thực hiện; giải quyết các vấn đề căn bản nhằm cải thiện đời sống của công nhân, người lao động.

Vấn đề nhà ở và nhà trẻ cho con em của người lao động từng bước được cải thiện. Chính phủ đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách, bố trí nguồn vốn ưu đãi và đôn đốc các địa phương thực hiện các giải pháp phát triển nhà ở cho công nhân.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện Đề án “Xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp ngày 1/8/2022. Mục tiêu là để công nhân, người lao động được thụ hưởng thực sự thành quả phát triển của đất nước.

Chính sách an sinh xã hội, chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động được bổ sung, hoàn thiện. Các chương trình chăm lo phúc lợi; các mô hình giáo dục chính trị, tư tưởng; công tác phát triển đảng viên trong công nhân lao động ngày được các cấp công đoàn quan tâm triển khai có chiều sâu và hiệu quả.

Ba là, giai cấp công nhân tiếp tục khẳng định và phát huy vai trò tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; đóng vai trò là lực lượng nòng cốt trong liên minh với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Sự phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với kinh tế trí thức, phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang thúc đẩy sự hợp tác, liên minh, liên kết của công nhân với trí thức và nông dân; từ đó hình thành, phát triển các nhóm xã hội giáp ranh, đan xen giữa công nhân và trí thức, giữa công nhân và nông dân. Các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác, liên minh, liên kết giữa các giai tầng xã hội. Qua đó, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, số lượng, chất lượng lao động, để tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Công đoàn Việt Nam đã tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân trên cả diện rộng và chiều sâu. Phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” được cụ thể hóa thành nhiều chương trình có ý nghĩa như Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển”; Chương trình "1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19"...Từ đó, góp phần làm sâu sắc thêm vai trò của giai cấp công nhân Việt Nam là lực lượng quan trọng đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, lao động sáng tạo và khoa học.

Đặc biệt, trải qua đại dịch Covid-19, giai cấp công nhân Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong, lực lượng đi đầu trong duy trì và phục hồi, phát triển sản xuất, góp phần quan trọng ổn định tình hình kinh tế - chính trị - xã hội của đất nước.

Trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giai cấp công nhân đã đóng góp trực tiếp và to lớn vào quá trình phát triển đất nước, cùng với các giai cấp, tầng lớp và thành phần xã hội khác, giai cấp công nhân nước ta là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước.

Chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động đã hỗ trợ kinh phí cho các nghiệp đoàn nghề cá mua thiết bị trạm bờ, các phương tiện liên lạc giữa các tàu; mua bảo hiểm thân tàu, mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho ngư dân. Các cấp công đoàn và đội ngũ công nhân, viên chức, cả nước đã thể hiện sâu sắc vai trò đồng hành với doanh nghiệp, doanh nhân xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, đảm bảo lợi ích của các bên.

Đó là những minh chứng thể hiện vai trò của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn trong củng cố và tăng cường khối liên minh giai cấp công nhân - giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, nền tảng quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bốn là, cùng với sự hiện đại, lớn mạnh của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày càng phát triển với hơn 11 triệu đoàn viên đang sinh hoạt tại gần 125 nghìn công đoàn cơ sở.

Công đoàn Việt Nam đã có những bước tiến mới, quan trọng, đột phá, quyết liệt trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động.

Các cấp công đoàn từ Trung ương đến cơ sở đã tập trung phát huy hiệu quả vai trò đại diện, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa công nhân và người sử dụng lao động; đổi mới về tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường tuyên truyền, vận động, tập hợp người lao động cùng với việc mở rộng, đa dạng hóa các chương trình, hoạt động chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động.

Tổ chức bộ máy công đoàn các cấp được sắp xếp, kiện toàn, củng cố và phát triển; đội ngũ cán bộ công đoàn có năng lực chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm vì đoàn viên, người lao động, năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ…

Tổ chức Công đoàn Việt Nam đã chủ động tham gia, đóng góp tích cực trong các diễn đàn quốc tế, các hoạt động công đoàn quốc tế theo cơ chế đa phương; tham gia có trách nhiệm trong thực hiện các nghĩa vụ quốc tế; nâng cao hiệu quả hợp tác với các tổ chức công đoàn khu vực và quốc tế, góp phần quan trọng vào những thành tựu của công tác đối ngoại nhân dân.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, việc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng dưới góc độ giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn vẫn còn những khó khăn, bất cập. Đó là:

Thứ nhất, Đảng chưa ban hành Nghị quyết chuyên đề về liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Nhà nước cũng chưa có chính sách, đặc thù để củng cố và phát huy vai trò của liên minh công nhân - nông dân - trí thức. Việc nghiên cứu, phát triển lý luận về liên minh giai cấp, nhất là trong đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện này còn khiêm tốn. Vai trò của từng chủ thể, nhất là vai trò nòng cốt của giai cấp công nhân trong khối liên minh công nhân - nông dân - trí thức chưa rõ; chưa có những giải pháp cụ thể, thiết thực để xây dựng, củng cố khối liên minh công nhân - nông dân - trí thức.

Thứ hai, quá trình thực hiện Nghị quyết còn những hạn chế, vướng mắc. Đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận tầng lớp nhân dân còn khó khăn. Đối với nhiệm vụ xây dựng giai cấp công nhân, khó khăn lớn nhất là chất lượng cuộc sống và nhu cầu thiết yếu của công nhân, trong đó bức thiết nhất hiện nay là nhà ở. Khi không có chỗ ở ổn định thì kéo theo công việc của công nhân cũng không thể ổn định và các điều kiện sống khác cũng rất khó khăn.

Thứ ba, công tác chăm lo xây dựng giai cấp công nhân chưa thực sự được quan tâm, tập trung đầu tư, triển khai tương xứng với vai trò và sự phát triển nhanh của giai cấp công nhân hiện nay.

Nhiều vấn đề bức xúc, cấp bách của công nhân về xây dựng giai cấp công nhân vẫn chưa được giải quyết như: đời sống, việc làm còn nhiều khó khăn; cường độ làm việc cao, điều kiện làm việc còn hạn chế; tiền lương, thu nhập chưa tương xứng với sức lao động, chưa đáp ứng mức sống tối thiểu; điều kiện nhà ở, trường học, nơi khám chữa bệnh, nơi sinh hoạt văn hóa, đời sống vật chất, tinh thần còn nhiều thiếu thốn; ngộ độc thực phẩm ngoài doanh nghiệp và khu nhà trọ, chất lượng bữa ăn ca tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động.

Với vị trí, vai trò đã được Hiến định, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, tổ chức Công đoàn Việt Nam tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Một là, triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng phát huy vai trò nòng cốt trong liên minh công nhân - nông dân - trí thức. Chú trọng phát triển đa dạng, hiệu quả các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, công nhân lao động; tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cho công nhân. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị, giác ngộ giai cấp, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc cho công nhân lao động. Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, giới thiệu công nhân ưu tú kết nạp vào Đảng.

Hai là, tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động; trọng tâm là sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn năm 2012, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm, Luật Nhà ở, Luật Đất đai; xem xét ban hành Luật Tố tụng lao động và các luật liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, lao động. Tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách liên quan đến xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, pháp luật, chính sách liên quan đến công nhân, lao động và tổ chức Công đoàn, đặc biệt là những cơ chế, chính sách giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách của giai cấp công nhân.

Tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả các cơ chế, chính sách liên quan đến xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chú trọng xây dựng giai cấp công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tập trung giải quyết, dứt điểm các vấn đề bức xúc, cấp bách của giai cấp công nhân.

Ba là, đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn phù hợp với số lượng, cơ cấu lao động, nhu cầu, nguyện vọng của công nhân và yêu cầu hội nhập quốc tế; phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Tập trung mọi nguồn lực phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở; đẩy mạnh sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức, bộ máy của công đoàn các cấp theo hướng rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cấp công đoàn, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn bảo đảm về số lượng, nâng cao về chất lượng, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp; tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo và tổ chức hoạt động công đoàn theo hướng khoa học, sáng tạo, hướng về cơ sở, phù hợp với từng đối tượng đoàn viên, người lao động, tập trung nguồn lực cho các nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi; quan tâm hơn nữa công tác chỉ đạo hoạt động nữ công các cấp công đoàn, nhất là ở các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ công chức, viên chức, người lao động; chủ động, tích cực mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại của Công đoàn theo đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, phù hợp với điều kiện của tổ chức Công đoàn, đảm bảo an toàn, hiệu quả, tranh thủ thêm nguồn lực, nâng cao vị thế và khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam trên trường quốc tế.

Bốn là, phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức Công đoàn trong tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên trong doanh nghiệp: Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy Đảng xây dựng, ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy trình, trách nhiệm của ban chấp hành công đoàn cơ sở trong việc bảo đảm, giới thiệu, bồi dưỡng đoàn viên, công nhân lao động ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp. Có kế hoạch thực hiện mục tiêu bình quân hằng năm mỗi công đoàn cơ sở giới thiệu được ít nhất một đoàn viên công đoàn ưu tú để Đảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng.

Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho công nhân; đề nghị với cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan chuyên môn quy hoạch, đào tạo, bố trí, tạo điều kiện cho công nhân ưu tú, đủ tiêu chuẩn tham gia cấp ủy Đảng, Hội đồng nhân dân các cấp và lãnh đạo doanh nghiệp.

Phối hợp với cơ quan chức năng tham gia vào quá trình thực thi pháp luật, bảo đảm để tổ chức của người lao động tại nơi doanh nghiệp ra đời và hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, tuân thủ pháp luật. Phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp xâm phạm quyền, lợi ích của người lao động và doanh nghiệp, gây mất an ninh, trật tự.

Tích cực tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng và tổ chức Công đoàn, gắn với thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.

Tham gia giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về “Ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Năm là, nâng cao chất lượng và đẩy mạnh các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, trong đó tập trung các hoạt động cho công nhân; vận động công nhân thi đua học tập, lao động sáng tạo, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội:

Đổi mới việc phát động và triển khai phong trào thi đua theo hướng thiết thực, hiệu quả, sát hợp từng đối tượng, từng lĩnh vực. Gắn tiêu chí thi đua với triển khai có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của công nhân. Nâng cao trách nhiệm của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động; đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, nhất cán bộ chủ chốt công đoàn các cấp.

Triển khai đồng bộ các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Thủ tướng Chính phủ phát động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đẩy mạnh và nhân rộng phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” sát hợp với từng khu vực, từng đối tượng, trọng tâm là “Năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn” trong khu vực sản xuất kinh doanh.

Sáu là, xây dựng nguồn lực tài chính đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn: Đổi mới thu đoàn phí Công đoàn theo hướng tiện lợi, ứng dụng công nghệ; phấn đấu tăng tỷ trọng thu đoàn phí Công đoàn trong cơ cấu thu. Tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiến nghị xử lý vi phạm trong công tác thu kinh phí công đoàn tại các doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính công đoàn tích lũy tại các cấp công đoàn; quy định tỷ lệ để lại nguồn kinh phí tại các cấp công đoàn, cơ chế phối hợp, điều tiết giữa các Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý tài chính, tài sản công đoàn, bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch. Nghiên cứu, đề xuất các quy định về tài chính công đoàn trong dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi, bổ sung) khoa học, chặt chẽ, đảm bảo ổn định nguồn thu.

Tiến hành công khai thu, chi tài chính công đoàn tại công đoàn cơ sở đến người lao động. Nghiên cứu, xây dựng, ban hành quy định cụ thể các nội dung chi, định mức, đối tượng chi, cơ cấu chi tại các cấp công đoàn, chú trọng đến việc chi cho nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, cán bộ công đoàn và người lao động, các hoạt động xây dựng thiết chế công đoàn, chăm lo nâng cao đời sống cho đoàn viên, người lao động.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Uỷ ban Kiểm tra công đoàn các cấp. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực trong các cấp công đoàn.

Chú thích:

1.  Hội nghị ngày 18/5/2022 triển khai các nội dung phối hợp thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn trong tình hình mới” do đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương chủ trì.

2. Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khoá VII tại Đại hội VIII Công đoàn Việt Nam (năm 1998).

3.  Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khoá VIII tại Đại hội IX Công đoàn Việt Nam (năm 2003).

VŨ MẠNH TIÊM - Phó trưởng Ban Tuyên giáo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều