Trước thực trạng một số địa phương phản ánh hết quỹ đất để thực hiện chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số trong khi nhu cầu về đất ở, đất sản xuất mà đồng bào đang cần rất lớn, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Lê Văn Bình nhấn mạnh sau khi Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương sẽ có rất nhiều việc cần phải làm.

Trong đó, giải pháp ưu tiên là thu hồi quỹ đất từ các tổ chức sử dụng không hiệu quả, lãng phí để bàn giao về địa phương quản lý và giao cho đồng bào sử dụng.

Bảo vệ quỹ đất, ngăn hành vi chuyển nhượng

- Thưa ông, Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) được thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đã có những quy định nào để tháo gỡ tồn tại về chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc tộc thiểu số?

Ông Lê Văn Bình: Trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (tháng 6/2023), các quy định về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số đã được đề cập rõ nét, song một số quy định vẫn còn mang tính chất chung, chưa được cụ thể, chưa thể hiện các cái giải pháp để thực hiện.

Vì vậy, trên cơ sở ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đã phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật), Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nghiên cứu, hoàn thiện quy định về đất đai cho đồng bào dân tộc số tương đối rõ và cụ thể hơn.

Theo đó, đối với chính sách của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc, dự thảo đã quy định việc giao đất lần một; việc giao đất, hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số không có đất, thiếu đất; quy định trách nhiệm của các cái cơ quan từ cấp xã, cấp tỉnh đến Trung ương; quy định rõ nguồn lực để thực hiện chính sách này.

Đặc biệt, dự thảo đã bổ sung thêm quy định đối với hành vi bị nghiêm cấm là “nghiêm cấm vi phạm chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số” để ngăn chặn các hành vi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của đồng bào đối với trường hợp mà đồng bào được giao đất hỗ trợ nhưng không được chuyển nhượng.

Mục đích của quy định trên là nhằm bảo vệ quỹ đất cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung quy định Nhà nước có thể thu hồi đất để thực hiện các dự án tạo quỹ đất giao cho đồng bào dân tộc thiểu số; quy định cụ thể trong quy hoạch sử dụng đất (trong đó quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phải xác định quỹ đất để thực hiện chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số và phải được thể hiện đến kế hoạch sử dụng hàng năm).

- Vậy để thực hiện hiệu quả chính sách trên, Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đang nhắm tới đối tượng nào để thu hồi đất và giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng, phát triển sản xuất?

Ông Lê Văn Bình: Hiện nay, đất của chúng ta gần như chỗ nào cũng đã có chủ. Vậy nên nếu muốn có quỹ đất để giao cho đồng bào dân tộc thiểu số thì buộc phải thu hồi đất của những tổ chức, doanh nghiệp đang sử dụng.

Do vậy, thời gian tới, chủ trương pháp luật đất đai sẽ nhắm tới các tổ chức sử dụng đất không hiệu quả, lãng phí, kể cả đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước. Đặc biệt, với quỹ đất do các công ty nông, lâm nghiệp đang sử dụng không hiệu quả, Nhà nước sẽ rà soát, bố trí, sắp xếp, quy hoạch lại để giao cho đồng bào sử dụng.

Ngoài ra, diện tích nào mà các công ty, doanh nghiệp đang để lấn chiếm, cho thuê, cho mượn không đúng quy định của pháp luật, cũng phải liệt kê, trả lại.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh sẽ thẩm định phương án và phê duyệt phương án - trên cơ sở quỹ đất trả lại cho địa phương sẽ giao cho Ủy ban Nhân dân cấp huyện quản lý để thực hiện giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất.

Giám sát việc giải quyết đất ở, đất sản xuất

- Ngoài quy định bảo vệ quỹ đất, Nghị quyết số 18-NQ/TW về chính sách đất đai cũng đã yêu cầu cần phải có chính sách ưu đãi cho đồng bào dân tộc thiểu số. Vậy Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) hiện tại đã cụ thể hóa quy định trên ra sao, thưa ông?

Ông Lê Văn Bình: Hiện nay, luật đã quy định cụ thể là đồng bào dân tộc thiểu số được giao đất lần đầu như giao đất ở trong hạn mức và được miễn giảm tiền sử dụng đất. Trường hợp đồng bào do bị mất đất ở hoặc do điều kiện đất ở chật hẹp, thì có thể được chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp hoặc đất khác sang đất ở (tất nhiên là phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất).

Khi chuyển mục đích sử dụng từ các loại đất khác sang đất ở phù hợp với quy hoạch, người dân tộc thiểu số cũng được miền giảm tiền sử dụng đất.

Ngoài ra, đồng bào dân tộc thiểu số có nhu cầu sử dụng đất phi nông nghiệp, Nhà nước sẽ bố trí đất lần đầu và người dân được miễn giảm tiền sử dụng đất.

- Với chủ trương trên, thời gian tới, sau khi Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần làm gì để các quy định về chính sách đất cho đồng bào dân tộc thiểu số sớm đi vào cuộc sống?

Ông Lê Văn Bình: Sau khi Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được Quốc hội thông qua, chúng ta có rất nhiều việc cần làm. Đầu tiên là Chính phủ cần phải ban hành các quy định chi tiết để hướng dẫn thi hành luật.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Trong đó, Chính phủ cần có các quy định chi tiết về việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và phù hợp với điều kiện thực tiễn ở các địa phương để đồng bộ với Luật Đất đai có hiệu lực thi hành.

Thứ hai, để các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân nắm được các quy định của pháp luật, thì các cấp Trung ương và địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cả cho cơ quan quản lý và người dân.

Thứ ba, bên cạnh công tác tuyên truyền cũng cần tổ chức giám sát trong quá trình thi hành pháp pháp luật. Theo đó, các cơ quan của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân có quyền giám sát việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, để đảm bảo hiệu quả nhất.

Thứ tư, Trung ương và các địa phương cần bố trí nguồn lực để thực hiện việc rà soát, bố trí quỹ đất bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Nếu chúng ta thực hiện tốt 4 nhiệm vụ trên sẽ giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa có cuộc sống ổn định, có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, tiến tới xóa đói, giảm nghèo bền vững./.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Dẫn nguồn: https://www.vietnamplus.vn/luat-dat-dai-sua-doi-bao-ve-tang-quy-dat-cho-dong-bao-dan-toc/905114.vnp

Theo Hùng Võ (Vietnam+)