Bài học từ việc Bitexco “xé rào” tại dự án The Manor Central Park: Dấu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan chức năng “thả cửa” cho sai phạm của doanh nghiệp

(Mặt trận) - Vụ việc Bitexco “xây chui” hàng trăm căn nhà ở thấp tầng gồm biệt thự và nhà ở liền kề để bán khi không hề có đánh giá tác động môi trường đang gây bức xúc lớn trong dư luận xã hội, tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên ở chỗ là việc xây dựng không phải “cây kim”, diễn ra ngay giữa “thanh thiên bạch nhật” mà vẫn vô hiệu hóa được sự quản lý, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng từ cấp xã, phường lên đến cấp Thành phố. Thậm chí, vào năm 2018, Bộ Xây dựng đã có kế hoạch thanh tra đối với hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản và thực hiện quy định của pháp luật về nhà ở tại dự án này. 
Dự án The Manor Central Park do Bitexco làm chủ đầu tư thi công theo kiểu “tiền trảm hậu tấu”.

Điều này, khiến dư luận đặt câu hỏi: Đối với những vi phạm ngang nhiên, “tày đình” giữa Thủ đô thì cơ quan quản lý nhà nước ở đâu? Những lãnh đạo, cơ quan nào đã nhắm mắt làm ngơ cho Bitexco sai phạm?

Tọa lạc ở phía Tây Nam Hà Nội, trên mặt tiền đường Vành đai 3, thuộc địa phận phường Đại Kim, quận Hoàng Mai và xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, dự án Khu đô thị Nam đường Vành đai 3 (The Manor Central Park) do Tập đoàn Bitexco là chủ đầu tư.

Vị trí dự án cũng vô cùng thuận lợi trong kết nối giao thông, khi kết nối thẳng tới khu vực Bắc Thăng Long - Nội Bài, thuận tiện tới khu vực phía Nam - Quốc lộ 1 và dễ dàng di chuyển tới Hà Đông.

Với tổng diện tích khu đất là 200 ha, quy mô hơn 1.000 căn nhà thấp tầng và hơn 7.000 căn hộ, với tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD. Dự án dành được sự quan tâm của giới đầu tư khi đây gần như là một trong những khu “đất sạch” cuối cùng trên đường Vành đai 3, đoạn chạy qua các quận của Hà Nội.

Thế nhưng trong quá trình thi công xây dựng dự án đã bộc lộ nhiều sai phạm liên quan đến xây dựng và môi trường. Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, để dự án được cấp phép xây dựng thì điều kiện đầu tiên cần có là phải được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động bảo vệ môi trường (ĐTM).

Cụ thể đối với quy mô dự án The Manor Central Park thì dự án phải được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt ĐTM trước mới xem xét tiếp xem có được cấp giấy phép xây dựng không.

Ngày 30/6/2016 UBND Thành phố Hà Nội có Quyết định số 3609/QĐ-UBND về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) Dự án Khu đô thị Nam đường Vành đai 3 - Hạng mục hạ tầng kỹ thuật gồm: Hạng mục san nền; hạng mục giao thông; hạng mục thoát nước mưa; hạng mục cấp nước; hạng mục thoát nước thải; hạng mục cấp điện và chiếu sáng. Diện tích dự án Khu đô thị Nam Đường Vành đai 3 khoảng 658.054,3m2, quy mô dân số khoảng 17.000 người.

Tại Quyết định phê duyệt ĐTM số 3069/QĐ-UBND cấp ngày 30/6/2016, đã nêu rất rõ tại Điều 4: Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án là căn cứ để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định các bước tiếp theo Dự án theo quy định tại Khoản 2 Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, trước đó, ngày 14/6/2016, Sở Xây dựng Hà Nội cấp Giấy phép xây dựng số 50/GPXD-SXD cho Công ty Cổ phần Bitexco được phép xây dựng công trình Hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Nam đường Vành đai 3.

Ngày 31/7/2018, UBND Thành phố Hà Nội tiếp tục có Quyết định số 3841/QĐ-UBND về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án “Trung tâm thương mại dịch vụ tại một diện tích ô đất trong Khu đô thị Nam Đường vành đai 3” địa điểm ô đất 12 CCV trong Khu đô thị Nam đường Vành đai 3 phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội với các nội dung chủ yếu:

Phạm vi, quy mô của dự án diện tích khu đất nghiên cứu là 10.883m2 (1.8 ha); diện tích đất xây dựng là 6.524m2. Tổng diện tích sàn xây dựng là 32.620m2; Diện tích sàn tầng hầm xây dựng là 20.262m2; Chiều cao tầng, công trình cao 5 tầng có 2 tầng hầm, mật độ xây dựng 60%.

Quyết định là vậy thế, nhưng thực tế Khu trung tâm thương mại một phần diện tích ô đất 12 CCV hiện nay vẫn chỉ là 1 khu đất trống chưa được xây dựng, thay vào đó là hàng trăm căn nhà thấp tầng mọc lên tại Khu đô thị Nam đường vành đai 3 với khu shophouse, biệt thự.

Hiện dự án đã có khoảng 550 căn nhà ở thấp tầng gồm biệt thự và nhà ở liền kề đã xây dựng xong, chủ đầu tư đã bán và một số nhà đã có dân về ở.

Dự án còn 375 căn thấp tầng đã xây dựng xong phần móng. Số căn thấp tầng này đang được rao bán rầm rộ giai đoạn 2 với giá từ 16 - 39 tỉ đồng/căn, cá biệt có căn biệt thự cả trăm tỷ đồng.

Ngày 17/6/2020, tổ công tác của UBND huyện Thanh Trì đã làm việc với Công ty Cổ phần Bitexco tại dự án The Manor Central Park. Tại đây, tổ công tác xác định, Bitexco đã xây dựng một số căn nhà thấp tầng tuy nhiên Bitexco không cung cấp được ĐTM - Hạng mục nhà ở thấp tầng.

Chính bởi sai phạm này, ngày 30/6/2020, UBND huyện Thanh Trì có văn bản số 1322/UBND-TN&MT đề nghị Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Xây dựng Hà Nội chỉ đạo kiểm tra, xem xét, xử lý do hành vi vi phạm của Công ty Cổ phẩn Bitexco đang thi công hạng mục nhà ở thấp tầng nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt ĐTM. Cùng ngày, UBND huyện Thanh Trì cũng có văn bản số 1320/UBND-TN&MT yêu cầu Bitexco dừng triển khai thi công tại dự án The Manor Central Park.

Năm 2018, dự án Khu đô thị The Manor Central Park đã từng bị Thanh tra Bộ Xây dựng thanh tra, phát hiện có nhiều vi phạm. Tuy nhiên, kết quả thanh tra không được công bố khiến dư luận nghi ngờ.

Tthanh tra chuyên ngành góp phần phát hiện ra sai phạm trong lĩnh vực xây dựng để rồi chấn chỉnh khắc phục, nhưng thông qua việc thanh tra dự án The Manor Central Park của Thanh tra Bộ Xây dựng thì dư luận, người dân cảm thấy bức xúc, bởi lẽ khi đi thanh tra, kiểm tra để phát hiện sai phạm nhưng Thanh tra Bộ Xây dựng hầu như giữ im lặng, không công bố công khai rộng rãi các kết luận này.

Vấn đề đặt ra là, tại sao Thanh tra Bộ Xây dựng không không khai, công bố các kết luận thanh tra để người dân và các cơ quan chức năng biết và giám sát? Phải chăng trong quá trình thanh tra có điều gì khuất tất? Thêm nữa, sau thanh tra, kiểm tra những sai phạm, tồn tại của Bitexco thì người dân không hay biết, doanh nghiệp không sửa sai, sai phạm cũng không được các cơ quan chức năng xử lý kiên quyết, triệt để thì thanh tra, kiểm tra còn có ý nghĩa gì.

Còn nhớ cách đây chưa lâu, nhiều cán bộ của Thanh tra Bộ Xây dựng bị Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt vì “vòi tiền”. Đến nay, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành cáo trạng vụ án “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, truy tố một số thành viên đoàn thanh tra Bộ Xây dựng có hành vi “vòi tiền” khi thanh tra tại Vĩnh Phúc tháng 6/2019.

 

Thanh tra Chính phủ chỉ ra các sai phạm liên quan đến dự án xây dựng đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An của Bitexco tại Thông báo Kết luận Thanh tra số 1785/TB-TTCP ngày 19/7/2017.

Trước đó, vào tháng 7/2018, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong quá trình thực hiện một số dự án theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông, môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong đó dự án xây dựng đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An của Bitexco là một trong những dự án đã được tiến hành thanh tra.

Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, UBND Thành phố Hà Nội chưa thực hiện đúng quy định về việc lập, phê duyệt, công bố danh mục các dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT lĩnh vực giao thông và môi trường, giai đoạn 2008 -2012 gây ảnh hưởng đến việc lựa chọn nhà đầu tư, làm giảm hiệu quả đầu tư, giảm tính minh bạch và cạnh tranh công bằng.

Hà Nội cũng không thực hiện đúng quy trình lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định, đánh giá năng lực đối với một số nhà đầu tư không chính xác, thiếu chặt chẽ; thậm chí là đã ký hợp đồng để thực hiện dự án đối với một số nhà đầu tư không đảm bảo năng lực theo quy định.

Trong đó dự án xây dựng tuyến đường giao thông quanh Khu tưởng niệm Chu Văn An do Bitexco thực hiện là một trong số các dự án mà UBND Thành phố Hà Nội thẩm định, đánh giá và lựa chọn thực hiện dự án năng lực về tài chính của Nhà đầu tư còn hạn chế, không đảm bảo năng lực.

Ở Dự án này công tác lập, thẩm định và phê duyệt tổng mức vốn đầu tư không chính xác do tính sai khối lượng, áp dụng đơn giá và định mức không đúng khiến tăng số tiền trên 12,173 tỷ đồng. Công tác lập, phê duyệt dự toán thiết kế bản vẽ thi công cũng chưa chính xác do tính sai khối lượng, áp dụng đơn giá và áp dụng định mức chưa đúng, làm sai tăng số tiền gần 16 tỷ đồng.

Vì vậy Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở GTVT Hà Nội và Công ty Bitexco giảm trừ giá trị tổng mức đầu tư số tiền 12,173 tỷ đồng trên.

Với số tiền lập, thẩm tra, phê duyệt dự toán thiết kế bản vẽ thi công chưa đúng gần 16 tỷ đồng, Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu Thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở GTVT và Nhà đầu tư loại khỏi giá trị dự toán thiết kế bản vẽ thi công số tiền trên 6,2 tỷ đồng làm cơ sở thanh, quyết toán hợp đồng BT.

Theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ, Thành phố Hà Nội cũng phải chỉ đạo Sở GTVT và nhà đầu tự kiểm tra xác nhận cự ly vận chuyển đổ thải và căn cứ vào biện pháp thi công thực tế để tính lại đơn giá đào đắp nền đường bằng máy, thủ công; tính lại đơn giá dọn mặt bằng.... làm cơ sở nghiệm thu, thanh quyết toán số tiền trên 9,646 tỷ đồng.

Sai phạm tại dự án The Manor Central Park của Bitexco... là ví dụ điển hình nhất của hàng loạt sai phạm về trật tự xây dựng, môi trường có hệ thống, thể hiện sự coi thường kỷ cương phép nước của chủ đầu tư.

Để làm rõ vấn đề và giải tỏa nỗi bức xúc của hàng vạn cử tri Thủ đô, cùng dư luận cả nước đề nghị lãnh đạo Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu cần sớm chỉ đạo, vào cuộc, làm rõ trách nhiệm của các cán bộ đầu các cấp ngành và những cá nhân, tổ chức có liên quan khi đã để vi phạm xảy ra.

Hai là, cần công bố công khai các vần đề về pháp lý liên quan đến các dự án đấu tư xây dựng trên địa bàn. UBND các cấp có trách nhiệm phải tổ chức công bố công khai quy hoạch xây dựng, giấy phép xây dựng… sau khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Quy hoạch xây dựng, giấy phép xây dựng phải được gửi đến tổ trưởng tổ dân phố nơi có công trình thi công, được dán công khai tại các công trình.

Qua đó, Ban Công tác Mặt trận khu dân cư và nhân dân có thể theo dõi, giám sát các hoạt động xây dựng, nhằm nâng cao tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin về quy hoạch của tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Đây là vấn đề mà thời gian vừa qua, tại một số địa phương, các cơ quan có thẩm quyền đã không thực hiện nghiêm túc và đầy đủ nhiệm vụ, chức trách của mình.

Ba là, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần đưa nội dung công tác giám sát việc thực hiện quản lý và xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn vào chương trình công tác hằng năm. Khuyến khích Mặt trận Tổ quốc xây dựng cơ chế để Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tham gia giám sát công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn.

Bốn là, thực hiện luân chuyển, có hình thức kỷ luật thích đáng đối với các cán bộ để xảy ra sai phạ. Trong trường hợp cần thiết, cần công khai hình thức xử lý, kỷ luật cán bộ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kiên quyết cưỡng chế, phá dỡ các công trình sai phạm, không để chủ đầu tư “lách luật” bằng hình thức “phạt cho tồn tại”.

Tạp chí Mặt trận (tapchimattran.vn) sẽ tiếp tục thông tin vụ việc nêu trên.

(*) Bài viết nhằm hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ ba, năm 2020-2021 do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

Phan Anh Tuấn

Nguồn tham khảo:

https://kiemsat.vn/bitexco-xay-dung-chui-hang-tram-can-ho-lien-ke-tai-dai-du-an-the-manor-central-park-57921.html

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều