|
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Đỗ Văn Chiến Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao Giải A cho các tác giả đoạt Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022 - 2023
|
Hiểu về tham nhũng
Tham nhũng chính là bất liêm1, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đưa ra quan niệm về tham nhũng: “Liêm là trong sạch, không tham lam”, Người chỉ ra 2 biểu hiện trong 10 hành vi bất liêm của cán bộ đó là: “Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên; Người cán bộ, cậy quyền thế mà đục khoét dân, ăn của đút, hoặc trộm của công làm của tư”. Biểu hiện của bệnh tham ô, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là “Người cán bộ, cậy quyền thế mà đục khoét của dân, ăn của đút, hoặc trộm của công làm của tư” là bất liêm, tức không trong sạch, tham lam mà ngày nay chúng ta gọi là tham nhũng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định “Trước đây, chúng ta chủ yếu quan tâm đến tác hại trước mắt, về vật chất (kinh tế, tiền bạc), nay chúng ta quan tâm nhiều hơn, nhìn rõ hơn tác hại tiềm ẩn, khôn lường của tham nhũng, tiêu cực, làm hư hỏng, mất cán bộ, mất niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ và cuối cùng là mất chế độ như đã từng xảy ra trong thực tiễn lịch sử trên thế giới. Vị trí, vai trò của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng được coi trọng và nhận thức sâu sắc hơn, toàn diện hơn2”.
Vậy, Tham nhũng là gì?
- Với chữ “Tham: là sự ham muốn quá đáng, quá mức cần thiết, không kiềm chế nổi mình trong hoạt động của mình”3; với chữ “Nhũng: là gây rầy rà, phiền hà”4. Tham nhũng là một cụm động từ với nghĩa “lợi dụng quyền hành để tham ô, hạch sách nhũng nhiễu dân”; Tham ô là lợi dụng quyền hành để lấy của công làm của riêng.
- Tham nhũng là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn hưởng lợi ích vật chất trái pháp luật, gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước, tập thể, cá nhân, xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức5. Tham ô là hành vi chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức hoặc công dân của người có chức vụ, quyền hạn thành tài sản riêng của mình6.
- Bộ luật Hình sự hiện hành ghi rõ: Tham nhũng nằm trong các mục về tội phạm về chức vụ, Luật Phòng, chống tham nhũng tại Điều 3 xác định: Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.
Từ các nội dung nêu trên, rút ra khái niệm: Tham nhũng là hành vi tư hữu tư liệu, sản xuất, chiếm đoạt vật chất mang tính vụ lợi của người nắm giữ quyền lực trái với quy tắc thống nhất của cộng đồng được pháp luật quy định, thừa nhận; tham nhũng là hành vi của các cá nhân, người có chức vụ quyền hạn (khách thể) khi thực hiện các nhiệm vụ, công vụ theo thẩm quyền nhưng vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu với mục đích chiếm đoạt tài sản, hưởng lợi ích, vì lợi ích cá nhân hay nhóm lợi ích gây ra thiệt hại đối với Nhà nước, cá nhân, tổ chức khác không vì lợi ích chung của Nhà nước, Nhân dân hay cộng đồng dân cư.
Tham nhũng được sinh ra từ con người nắm giữ quyền lực bị tha hóa, chính vì vậy phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả nhất khi quyền lực nhà nước được kiểm soát hiệu quả bảo đảm các hành vi thực hiện đúng với những quy tắc của cộng đồng được pháp luật thống nhất, công nhận và quy định.
Kiểm soát quyền lực nhà nước
Dân chủ và pháp chế xã hội chủ nghĩa thực sự tồn tại khi quyền lực được kiểm soát. Kiểm soát quyền lực nhà nước là việc bảo đảm cơ quan, tổ chức do người có chức vụ quyền hạn thực hiện quyền lực nhà nước đúng đắn trong công vụ, nhiệm vụ, bảo đảm pháp chế, thượng tôn pháp luật trong nhà nước pháp quyền thông qua kiểm soát bên trong và kiểm soát bên ngoài Nhà nước.
“Nhốt quyền lực trong lồng cơ chế” là cách nói hình ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác kiểm soát quyền lực. Kiểm soát quyền lực ở nước ta là kiểm soát quyền lực của hệ thống chính trị, bao gồm Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội7.
Cơ chế đó là pháp luật, là phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp8; là việc tham gia, xây dựng, giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội, Nhân dân đối với Nhà nước. Cơ chế đó càng rõ, càng cụ thể trách nhiệm, vai trò chức năng của các chủ thể bên trong Nhà nước, bên ngoài Nhà nước thì sẽ càng hiệu quả và phát huy tốt tính dân chủ, chủ quyền Nhân dân tạo điều kiện phát triển xã hội.
|
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ năm, năm 2024 - 2025. ẢNH: HƯƠNG DIỆP |
Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với vai trò là đại diện Nhân dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền chủ yếu thông qua các phương thức là nắm bắt dư luận, giám sát và phản biện xã hội để phản ánh, kiến nghị thực hiện kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên ngoài góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong Nhà nước. Vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được ghi nhận trong rất nhiều các nghị quyết, chỉ thị và văn kiện của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân9, đại diện Nhân dân thực hiện kiểm soát một cách bao quát và toàn diện đối với tất cả các lĩnh vực, quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, Nhà nước được Nhân dân ủy quyền giao thực hiện để quản lý xã hội.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiểm soát quyền lực nhà nước tốt cũng chính là tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tốt.
Mặt trận kiểm soát quyền lực thông qua các phương thức chủ yếu như:
- Xây dựng chính quyền, tham gia xây dựng, góp ý xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chính sách. Đặc biệt đó là phản biện xã hội (hình thức góp ý cấp cao) với mục đích xây dựng và hoàn thiện pháp luật bảo đảm tính khả thi khi đưa vào cuộc sống:
+ Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức được 16 hội nghị phản biện xã hội10; thực hiện góp ý, xây dựng các chuyên đề chuyên sâu góp ý, xây dựng và chỉnh lý các dự thảo văn bản từ giai đoạn đầu tại các cơ quan chủ trì soạn thảo đến giai đoạn thẩm tra tại các cơ quan, Ủy ban chuyên môn của Quốc hội.
+ Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố đã chủ trì tổ chức 23.869 hội nghị phản biện, trong đó cấp tỉnh tổ chức được 827 cuộc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện đã tổ chức 3.488 hội nghị phản biện; cấp xã đã tổ chức 19.554 hội nghị phản biện11.
- Giám sát xã hội đối với các nội dung, hoạt động của cơ quan nhà nước khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện giám sát đối với các nội dung, hoạt động của cơ quan Nhà nước khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình), cụ thể:
+ Trong 5 năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tổ chức 87.356 đoàn giám sát trong đó Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh giám sát được 1.981 cuộc, Mặt trận Tổ quốc cấp huyện giám sát 13.213 cuộc và Mặt trận Tổ quốc cấp xã giám sát 72.162 cuộc; từ năm 2018 - 2022, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tham gia giám sát với các cơ quan có thẩm quyền được 159.492 cuộc (trong đó cấp tỉnh tham gia giám sát 5.521 cuộc; cấp huyện 29.428 cuộc; cấp xã 124.543 cuộc)12.
+ Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn đã tổ chức được 144.462 cuộc tập trung vào các nội dung như: giám sát chính quyền thực hiện công tác chăm lo người nghèo, gia đình chính sách; giám sát việc thu, chi các loại quỹ vận động, các nguồn thu trong dân, giám sát công tác cải cách hành chính, trật tự xây dựng... Giám sát việc thực hiện13.
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện tập hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để kiến nghị tới Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Đây là hoạt động thường xuyên của Mặt trận được pháp luật quy định.
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có đại diện tham gia các Hội đồng: về tuyển chọn Thẩm phán, Kiểm sát viên; về đặc xá, giảm án tù; về cải cách hành chính, chính sách, phổ biến pháp luật; về xây dựng pháp luật.
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia hiệp thương, hướng dẫn việc bầu cử: đối với các đại biểu tại cơ quan dân cử; Hội thẩm nhân dân tại Tòa án; thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
Qua một số nội dung trên, chúng ta thấy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực sự có phạm vi toàn diện khi tham gia và kiểm soát hoạt động của các cơ quan nhà nước từ Trung ương tới địa phương và cơ sở. Thể hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Các hoạt động của Mặt trận cơ bản bảo đảm được vai trò đại diện Nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Thực trạng hiện nay
Nhiều vụ án, đại án về tham nhũng: AIC, chuyến bay giải cứu, Vạn Thịnh Phát, Công ty Thuận An, Tập đoàn Phúc Sơn,... hầu hết các vi phạm đều diễn ra trong nhiều năm, có tính hệ thống, tổ chức. Hay các cá nhân làm trong những cơ quan bảo vệ pháp luật (Tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra, ...) bị điều tra, truy tố xét xử trong thời gian qua. Khi cơ quan chức năng đưa ra ánh sáng, xác định nhiều cán bộ, lãnh đạo đã tha hóa, biến chất không giữ được phẩm chất chính trị, đạo đức của mình, chúng ta “mất cán bộ” như Tổng Bí thư đã nói. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn những bức xúc, tồn tại khác đang thường trực hiện hữu. Chương trình “Alo chào buổi sáng” của VTV đều đặn đưa thông tin mỗi sáng về nhiều vấn đề bức xúc trong dư luận xã hội về quản lý khai thác tài nguyên; về khám chữa bệnh, về lấn chiếm vỉa hè; về giáo dục; về các dự án ma, dự án treo hàng chục năm, các chung cư mini trái phép chưa được cấp quản lý xem xét; đơn thư, khiếu nại, tố cáo đem theo nhiều bức xúc của công dân gửi tới nhiều cơ quan đơn vị đề nghị giải quyết... Đây chính là những hiện tượng xã hội tiêu cực thể hiện ra bên ngoài từ cơ chế, từ quản lý thiếu bài bản, và cũng có thể từ tham nhũng, tiêu cực sinh ra.
Vì vậy, để góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả tốt, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần thực sự phát huy hơn nữa vai trò của mình trong kiểm soát quyền lực nhà nước đối với từng nhánh quyền lực của hệ thống nhà nước. Bằng uy tín xã hội của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không phải một cơ quan quyền lực nhà nước nhưng nắm giữ một chế tài không mang tính quyền lực nhưng có sức ảnh hưởng lớn hơn các chế tài cưỡng chế khác của quyền lực nhà nước đó chính là chế tài xã hội (các kiến nghị, đề nghị, tham vấn,...) tác động tạo ra sức ép dư luận14 - lan tỏa có tính ảnh hưởng làm thay đổi chính sách, xây dựng và thực thi pháp luật để quản lý và xây dựng đất nước.
Phát huy vai trò và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Tính bao quát
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phát huy nội lực của bản thân, chính là phát huy giá trị của các tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (các tổ chức thành viên của Mặt trận với hàng triệu người là đoàn viên, hội viên, thành viên); phát huy giá trị của các vị Ủy viên Ủy ban, các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam địa phương 63 tỉnh, thành phố, các nhân sĩ, trí thức lớn, người có tầm ảnh hưởng và uy tín trong xã hội trong và ngoài nước Việt Nam, đó chính là nội lực bản thân của cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân trong kiểm soát quyền lực nhà nước, trong phòng, chống tham nhũng tiêu cực.
Vấn đề cụ thể
- Xác định rõ chủ thể kiểm soát: Quyền lập pháp là các cơ quan dân cử; quyền hành pháp là Chính phủ, cơ quan của Chính phủ; quyền tư pháp là Tòa án cơ quan tư pháp, các cơ quan hoạt động tư pháp khác; các quyền lực nhà nước khác được thực hiện bởi các thiết chế hiến định độc lập. Xây dựng các quy trình thực hiện đối với quyền lực Nhà nước theo các nhánh quyền lực (lập pháp, hành pháp, tư pháp và quyền lực cụ thể khác) khi các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền thực hiện các hoạt động của mình.
- Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - giám sát xã hội15 phải đáp ứng yêu cầu là việc theo dõi, xem xét hoạt động của chủ thể có thẩm quyền thể hiện tính chủ động, thường xuyên, liên tục để có các tác động kịp thời bằng các biện pháp tích cực có tính xây dựng (kiến nghị, đối thoại) để bảo đảm và hướng các hoạt động của chủ thể có thẩm quyền đúng với quy định pháp luật và đeo bám tới cùng việc trả lời cuối cùng và thực hiện kiến nghị chứ không chỉ dừng lại ở nội dung các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền đã nhận văn bản kiến nghị và chỉ đạo phân công giải quyết các kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu là một góp ý cấp cao/góp ý có giá trị đối với đối tượng góp ý là các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có tầm ảnh hưởng lớn, sâu rộng đối với các quan hệ xã hội khi được áp dụng thực hiện. Cần nghiên cứu xem xét giám sát quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các bước nội dung theo quy định của luật. Đây là khâu tiền kiểm quan trọng bảo đảm hạn chế các nhóm lợi ích, nhóm giá trị hình thành qua các chính sách pháp luật.
Kết hợp song song các nội dung về phản biện xã hội đối với các kiến nghị về sửa đổi quy định pháp luật trong kết quả giám sát, tổng kết đánh giá thực hiện pháp luật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Phải xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật tạo hành lang pháp lý đầy đủ làm cơ sở thực hiện các nhiệm vụ, chức năng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong đó, thể chế hóa các Nghị quyết, Chỉ thị, văn bản của Đảng đã ban hành phân công Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, phối hợp thực hiện: Nghị quyết số 27 về Nhà nước pháp quyền; Chỉ thị số 18 về tăng cường giám sát, phản biện xã hội, Chỉ thị số 04 về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế...; cụ thể hóa các điều khoản có tính nguyên tắc trong quy định của Hiến pháp, Luật để thực sự khả thi và là cơ sở pháp lý quan trọng trong thực hiện kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng.
- Bảo đảm về đổi mới tổ chức thực hiện, con người thực hiện trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp thực hiện giữa các tổ chức thành viên của Mặt trận trong các hoạt động công tác nói chung về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng tiêu cực nói riêng.
- Chuyển đổi số toàn diện các phương thức thực hiện, tiếp cận trong thế giới số hóa đang ngày một phát triển. Để nắm bắt tình hình dư luận, ý kiến kiến nghị, các nội dung dân chủ trực tiếp do Nhân dân phản ánh, công khai hóa các nội dung thực hiện tạo dựng kênh giám sát của Nhân dân đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Chú thích:
1. https://thaibinh.gov.vn/hcm/tin-hoat-dong/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-phong-chong-tham-nhung.html
2. Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nxb. Sự Thật (2023), tr. 18.
3,4. Từ Điển Tiếng Việt, Nguyễn Như Ý, 1998.
5,6. Từ điển Luật học (2006), Nxb. Tư pháp, tr. 695.
7. https://xaydungdang.org.vn/giai-bao-chi-toan-quoc-ve-xay-dung-dang/nhot-quyen-luc-trong-long-co-che-18950.
8. Điều 2 Hiến pháp 2013.
9. Điều 9 Hiến pháp 2013.
10. (1) Phản biện Dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; (2) Dự án Luật về Hội; (3) Đề án Đào tạo sau đại học và bồi dưỡng nhân tài, dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông (tổng thể) của Bộ Giáo dục và đào tạo; (4) Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; (5) Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; (6) Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc; (7) Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); (8) Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi); (9) dự thảo Đề án bộ tiêu chí đô thị văn minh; (10) dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; (11) Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; (12) Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi); (13) Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); (14) Dự thảo Bộ tiêu chí Quốc gia và quy trình xét công nhận Nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025; (15) Dự thảo Luật Di sản (sửa đổi); (16) Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và Nông thôn.
11. Báo cáo số 697/BC-MTTW-BTT ngày 18/7/2023 của Ban Thường trực Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN ngày 15/6/2017 quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Báo cáo số 697/BC-MTTW-BTT ngày 18/7/2023).
12,13. Báo cáo số 697/BC-MTTW-BTT ngày 18/7/2023.
14,15. TS Nguyễn Mạnh Bình, Hoàn thiện cơ chế pháp lý giám sát xã hội đối với việc thực thi quyền lực nhà nước ở Việt Nam hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia, 2012.
PHAN NGỌC TÙNG - Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội,
Cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam