Những nguyên nhân chính của chứng rối loạn mỡ máu ở người cao tuổi

Theo thống kê, khoảng 26% người Việt Nam trong lứa tuổi từ 25-74 bị máu nhiễm mỡ và thường gặp nhất ở những người cao niên trên 60 tuổi.

Bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, mỡ máu cao ở người cao tuổi là tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid. Tình trạng này đặc trưng bởi hiện tượng tăng các thành phần mỡ xấu (LDL – Cholesterol, Triglycerid) và giảm thành phần mỡ tốt có tác dụng bảo vệ cơ thể (HDL – Cholesterol).
 
Ảnh minh họa 

Theo thống kê, khoảng 26% người Việt Nam trong lứa tuổi từ 25-74 bị máu nhiễm mỡ và thường gặp nhất ở những người cao niên trên 60 tuổi. Vì vậy, bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy chỉ ra, một số nguyên nhân chính của chứng rối loạn mỡ máu ở người cao tuổi như sau:

Suy giảm chức năng

Do tuổi cao nên cơ thể người cao tuổi cũng dần lão hóa, suy giảm chức năng của các cơ quan có chức năng điều tiết mỡ máu như gan, mật… Điều này dẫn đến việc vận chuyển và đào thải mỡ thừa gặp khó khăn. Mỡ thừa không được đào thải dẫn đến tích tụ mỡ trong thành mạch gây nên chứng tăng mỡ máu. 

Bên cạnh đó chế độ ăn uống sinh hoạt và luyện tập không hợp lý gây rối loạn mỡ máu ở người cao tuổi. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác ít gặp hơn như: các bệnh lý về đái tháo đường, huyết áp cao, bệnh gan và béo phì,… cũng là nhóm người có nguy cơ mắc chứng rối loạn mỡ máu.

Chế độ ăn mất cân bằng

Nếu người cao tuổi ăn thực phẩm chứa nhiều chất béo hoặc tinh bột cao sẽ làm gia tăng nguy cơ rối loạn mỡ máu. Thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ như bơ, sữa, mỡ động vật,… có thể khiến nồng độ cholesterol tăng cao.

Bên cạnh đó, ăn nhiều tinh bột cũng gây tích tụ triglycerid trong cơ thể người gây nên rối loạn mỡ máu ở người cao tuổi. Tăng cường chất xơ, vitamin cho cơ thể đóng vai trò quan trọng làm giảm hàm lượng cholesterol và chất béo hấp thụ vào cơ thể. Vì vậy, nên lựa chọn những thực phẩm hấp, luộc, tránh những thực phẩm đồ ăn nhanh, chiên rán nhiều dầu mỡ.

Không ăn quá no, đặc biệt vào buổi tối, tuyệt đối không ăn đêm vì khi nằm, dạ dày căng to sẽ đẩy cơ hoành lên và chèn ép cản trở hoạt động của tim. Sau khi ăn xong, người cao tuổi nên ngồi hoặc đi lại nhẹ nhàng trong vòng 30 phút tiêu hóa thức ăn để chuyển xuống ruột non dễ dàng hơn.

Thói quen ngại vận động, ít vận động

Nhiều người cao tuổi ngại vận động, ít vận động bởi lo sợ ngã, trúng gió và thấy không an toàn cho sức khỏe.

Với các trường hợp người cao tuổi bị đau xương khớp, đau lưng và có chỉ số BMI là 30 (béo phì độ 1) khiến các hoạt động thể chất bị hạn chế, không còn linh hoạt. Điều này không tốt cho sức khỏe, tăng nguy cơ lắng đọng mỡ ở các thành mạch máu làm ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe.

Do vậy, người cao tuổi cần được sự tư vấn của bác sĩ để việc tập thể dục phù hợp với sức khỏe, tập thường xuyên ở người cao tuổi sẽ cải thiện được sức khỏe, giảm mỡ máu cao và các biến chứng tim mạch.

Trong đó, một số bài tập hiệu quả nhất với người cao tuổi để giảm mỡ máu cao như đi bộ, đạp xe, bơi lội, yoga. Đặc biệt, đi bộ nhẹ nhàng và thường xuyên - đây là bài tập an toàn và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Theo khuyến cáo, mỗi ngày người cao tuổi chỉ nên đi bộ khoảng 60 phút, chia làm 2 – 3 lần, không nên đi bộ liên tục 60 phút, không tập vào lúc trời nắng hoặc thời tiết lạnh và cần tuân theo các nguyên tắc khởi động làm ấm cơ thể. Đồng thời, cần tập từ từ chậm rãi và tăng dần tốc độ, duy trì bài tập tối thiểu 30 phút và không hoạt động quá mạnh, kết hợp uống đủ nước.

 
Xuân Quý/Theo Báo Đại biểu nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều