An toàn và sức khỏe người lao động - nguyên tắc của ILO

Hiến chương của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đặt ra nguyên tắc: người lao động phải được bảo vệ khỏi ốm đau, bệnh tật và thương tích phát sinh từ công việc của họ. Đây chính là quyền cơ bản của người lao động trong môi trường làm việc lành mạnh và an toàn.

 
- Chủ Nhật, 20/08/2023, 04:22

Theo ước tính toàn cầu gần đây nhất của ILO, gần 2,9 triệu phụ nữ và nam giới trên khắp thế giới phải gánh hậu quả của tai nạn hoặc bệnh tật liên quan đến công việc hàng năm, mỗi ngày có hơn 8.000 trường hợp tử vong. Ngoài những tổn thương gây ra cho người lao động và gia đình của họ, các chi phí kinh tế liên quan là rất lớn đối với doanh nghiệp, quốc gia và thế giới.

Hướng tới sự an toàn tối đa cho người lao động tại nơi làm việc

Những thiệt hại liên quan đến bồi thường, số ngày làm việc bị mất, gián đoạn sản xuất, đào tạo lại, cũng như chi phí chăm sóc sức khỏe, chiếm khoảng 3,94% GDP hàng năm của thế giới. Người sử dụng lao động phải đối mặt với gánh nặng của việc nghỉ hưu sớm, mất nhân viên lành nghề, tình trạng vắng mặt của người lao động và sự tăng cao của các khoản phí bảo hiểm.

Tuy nhiên, tình trạng u ám này có thể ngăn ngừa được thông qua việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, báo cáo và kiểm tra hợp lý. Các tiêu chuẩn của ILO về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp cung cấp nhiều công cụ cần thiết cho Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động để thiết lập quy định và mang lại sự an toàn tối đa tại nơi làm việc.

Cho tới nay, ILO đã thông qua hơn 40 tiêu chuẩn cụ thể liên quan đến an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, cũng như hơn 40 bộ quy tắc thực hành. Gần một nửa các văn kiện của ILO giải quyết trực tiếp hoặc gián tiếp các vấn đề nói trên.

Khung pháp lý quốc tế

Trước hết, đó là Công ước về khung thúc đẩy an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, năm 2006 (Công ước số 187). Đây là công cụ thiết lập khuôn khổ xúc tiến, được thiết kế để cung cấp cách xử lý nhất quán, có hệ thống các vấn đề về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp lao động, đồng thời thúc đẩy việc công nhận các Công ước hiện hành liên quan. Công ước nhằm mục đích thiết lập và thực hiện các chính sách quốc gia nhất quán về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp thông qua đối thoại giữa Chính phủ, các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động, cũng như thúc đẩy văn hóa phòng ngừa vì sự an toàn và sức khỏe quốc gia.

Trước đó, ILO đã có Công ước về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, năm 1981 (Công ước số 155) và Nghị định thư năm 2002 của nó. Công ước quy định việc thông qua một chính sách quốc gia về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp chặt chẽ, cũng như các hành động mà các chính phủ và doanh nghiệp cần thực hiện để thúc đẩy vấn đề này cũng như cải thiện điều kiện làm việc. Chính sách trên sẽ được phát triển bằng cách xem xét các điều kiện và thực tiễn quốc gia. Trong khi đó, Nghị định thư kêu gọi thiết lập và đánh giá định kỳ các yêu cầu, quy trình ghi chép và thông báo về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, cũng như công bố các số liệu thống kê hàng năm có liên quan.

5 năm sau Công ước số 155, Công ước về dịch vụ y tế nghề nghiệp, năm 1985 (Công ước số 161) quy định việc thành lập các dịch vụ y tế lao động cấp doanh nghiệp. Những dịch vụ này được giao các chức năng cơ bản là phòng ngừa và chịu trách nhiệm tư vấn cho người sử dụng lao động, người lao động và đại diện của họ trong doanh nghiệp về việc duy trì môi trường làm việc an toàn và lành mạnh.

Bảo vệ người lao động trong các hoạt động kinh tế

Để làm được điều này, ILO có Công ước về vệ sinh (Thương mại và Văn phòng), năm 1964 (Công ước 120). Công cụ này có mục tiêu bảo vệ sức khỏe và phúc lợi của người lao động làm việc trong các cơ sở thương mại, cũng như các cơ sở, tổ chức và dịch vụ hành chính mà người lao động chủ yếu làm công việc văn phòng và các dịch vụ liên quan khác thông qua các biện pháp vệ sinh cơ bản đáp ứng các yêu cầu về phúc lợi tại nơi làm việc.

Ngoài ra, còn phải kể đến Công ước về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp (công việc tại các bến tàu, cảng), năm 1979 (Công ước số 52); Công ước về an toàn và sức khỏe trong xây dựng, năm 1988 (Công ước số 167), trong đó quy định các biện pháp phòng ngừa và bảo vệ kỹ thuật chi tiết có tính đến các yêu cầu cụ thể của lĩnh vực này. Các biện pháp này liên quan đến an toàn nơi làm việc, máy móc và thiết bị được sử dụng, công việc trên cao hay công việc được thực hiện trong môi trường khí nén.

 Công ước an toàn và sức khỏe trong hầm mỏ, năm 1995 (Công ước số 176), đưa ra các quy định về đặc điểm an toàn và sức khỏe đối với công việc trong hầm mỏ, bao gồm kiểm tra, thiết bị làm việc đặc biệt và thiết bị bảo vệ đặc biệt của công nhân cũng như nhiều quy định khác liên quan đến cứu hộ trong hầm mỏ.

 Công ước về an toàn và sức khỏe trong nông nghiệp, năm 2001 (Công ước số 184), đặt mục tiêu ngăn ngừa tai nạn và tổn thương sức khỏe phát sinh từ, liên quan đến hoặc xảy ra trong quá trình lao động nông nghiệp và lâm nghiệp. Để đạt được mục tiêu đó, Công ước bao gồm các biện pháp liên quan đến an toàn máy móc, xử lý và vận chuyển vật liệu, quản lý hợp lý hóa chất, quản lý vật nuôi, bảo vệ chống lại các rủi ro sinh học…

Bảo vệ trước những rủi ro cụ thể

Trong số các công cụ giúp bảo vệ người lao động khỏi những rủi ro cụ thể, ILO có Công ước về bảo vệ trước bức xạ, năm 1960 (Công ước số 115) mà mục tiêu của nó là đưa ra các yêu cầu cơ bản nhằm bảo vệ người lao động trước những rủi ro liên quan đến việc tiếp xúc với bức xạ ion hóa. Các biện pháp bảo vệ được thực hiện bao gồm hạn chế sự tiếp xúc của người lao động với bức xạ ion hóa ở mức thấp nhất có thể thực hiện được theo kiến thức kỹ thuật có sẵn vào thời điểm đó, tránh mọi sự phơi nhiễm không cần thiết, cũng như giám sát nơi làm việc và sức khỏe của người lao động…

Trong khi đó, Công ước về ung thư nghề nghiệp, năm 1974 (Công ước số 139) lại thiết lập cơ chế để tạo ra chính sách ngăn ngừa các nguy cơ mắc bệnh ung thư nghề nghiệp do tiếp xúc, thường trong một thời gian dài, với các tác nhân hóa học và vật lý thuộc nhiều loại khác nhau có tại nơi làm việc. Vì mục đích này, các quốc gia có nghĩa vụ xác định định kỳ các chất và tác nhân gây ung thư mà người lao động có thể phải tiếp xúc trong quá trình làm việc để đưa ra lệnh cấm hoặc quy định thay thế chúng bằng các chất không gây ung thư hoặc ít gây ung thư hơn, đồng thời đưa ra các biện pháp bảo vệ, giám sát và thực hiện các cuộc kiểm tra y tế cần thiết cho người lao động bị phơi nhiễm.

Tương tự, Công ước về amiăng, năm 1986 (Công ước số 162) hướng tới ngăn ngừa tác hại của việc tiếp xúc với amiăng đối với sức khỏe của người lao động bằng cách chỉ ra các phương pháp, kỹ thuật hợp lý và khả thi để giảm thiểu sự tiếp xúc nghề nghiệp với amiăng. Công ước về hóa chất, năm 1990 (Công ước số 170) quy định về việc thông qua và thực hiện chính sách chặt chẽ về an toàn trong sử dụng hóa chất tại nơi làm việc, bao gồm việc sản xuất, xử lý, bảo quản và vận chuyển hóa chất cũng như thải bỏ và xử lý hóa chất thải, giải phóng hóa chất do các hoạt động công việc, cũng như việc bảo trì, sửa chữa và làm sạch thiết bị và thùng chứa hóa chất.

Ngoài ra, nó phân bổ trách nhiệm cụ thể cho các nhà cung cấp và các quốc gia xuất khẩu. Công ước về môi trường làm việc (ô nhiễm không khí, tiếng ồn và độ rung), năm 1977 (Công ước số 148), thì lại yêu cầu môi trường làm việc phải được giữ không có bất kỳ mối nguy hiểm nào do ô nhiễm không khí, tiếng ồn hoặc độ rung càng nhiều càng tốt…

 
Theo Linh Anh/Báo Đại biểu nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều